Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

6835 - Sự im lặng của những ‘người thầy’

Võ Văn Quản - Luật Khoa

Trương Thị Hà trong một cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu ở Sài Gòn tháng 6/2018. Ảnh: Facebook Trương Thị Hà.

Gần đây, trên trang facebook của mình, một bạn trẻ tên là Trương Thị Hà viết một bức thư gửi cho thầy giáo của mình ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.
Theo tường thuật của Hà, cô bị công an bắt cóc sáng ngày 17/6, bị giam và bị đánh đập trong công viên Tao Đàn cho đến đêm cùng ngày. Trong quá trình “làm việc” với cô, công an đã mời hai thầy giáo của cô tới làm chứng. Cả hai người thầy gần như không có lời lẽ nào bảo vệ cô, lặng lẽ chấp nhận những yêu cầu của phía công an, ký xác nhận vào biên bản do công an chuẩn bị sẵn và bỏ mặc cô ở lại.
Tôi không thể minh chứng lời của Hà là sự thật. Tôi không có mặt ở đó, những gì Hà nói có thể bị xem là tường thuật một phía, và sự trung lập của một người làm khoa học bắt buộc bản thân tôi phải xem xét những lời nói của Hà chỉ nằm ở mức độ cáo buộc.
Tuy nhiên, những người thầy vô cảm như vậy là điều tôi hoàn toàn có thể hình dung ra được trong môi trường học thuật tại Việt Nam.
Tôi biết những giảng viên, thạc sĩ, tiến sĩ luật môi trường chưa từng lên tiếng phản ứng, phản đối (hay thậm chí phân tích) những sai phạm rõ ràng của Formosa, chưa từng nói về Bauxite Tây Nguyên hay dòng Mekong đang chết. Thứ họ quan tâm là những chuyến chu du giảng dạy khắp đất nước để lấy “quan hệ”.
Tôi biết những nhà hoạt động giáo dục, những chuyên gia tâm lý thanh thiếu niên chửi bới cá nhân và thóa mạ gia đình những đứa trẻ 14 – 15 khi chúng bắt đầu phát biểu ý kiến và đặt ngược vấn đề với những vị quan chức “cây cao bóng cả”.
Tôi biết những người chưa bao giờ thật sự quan tâm thúc đẩy kinh tế, nghiên cứu khoa học xã hội và đấu tranh chống bất bình đẳng ở Việt Nam, nhưng quyết dấn thân vào ngành vì những nguồn tài trợ quốc tế dồi dào và thứ công việc giấy tờ nhàn hạ.
Chuẩn bị cho mình tâm thế đó, tôi đáng lẽ không nên bất ngờ khi hai giảng viên của trường “nhân văn” có thể thờ ơ nhìn học trò của mình (hay bất kỳ một người nào khác) bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể một cách thô bạo, để rồi ký giấy xác nhận và nhanh chóng bước ra khỏi căn phòng làm việc vô pháp đó. Nhưng bằng cách nào đó tôi vẫn bất ngờ vì tôi chưa từng nghĩ một bộ phận giới học thuật nói chung, những tinh hoa có tầm hiểu biết và vị trí thuận lợi nhất để bảo vệ sự thật, lẽ phải, lại là những người im ắng nhất trong phong trào cấp tiến tại Việt Nam.
Bài viết này sẽ không bàn về những người thầy của Hà. Như đã nói, tôi không biết sự thật. Nhưng tôi chắc đã đến lúc giới học thuật tại Việt Nam nhìn lại bản thân mình, liệu họ có thật sự xứng danh nhà khoa học hay không.
Từ sự trung lập tại giảng đường…
Nhiều người cho rằng trong học thuật không có chỗ cho chính trị. Tôi thừa nhận rằng yêu cầu trung lập chính trị tại giảng đường là một trong những yêu cầu căn bản nhất của môi trường giáo dục đại học.
Trong gần hai năm theo học thạc sĩ luật tại London, Anh, tôi có may mắn được chứng kiến cách mà nhiều giáo sư tránh né các vấn đề mà họ cho là có phần quá chính trị.
Khi giáo sư môn Luật nhân quyền và Giải quyết tranh chấp nhân quyền Liên minh Châu Âu được hỏi về ảnh hưởng và tác hại của Brexit, bà khéo léo chuyển câu chuyện sang những vấn đề liên quan đến bài giảng của mình. Bà nói rằng nhiều phán quyết của Tối cao Pháp viện Anh đã bị Tòa Nhân quyền Châu Âu tuyên vô hiệu, nhiều lập luận sáng tạo và sự độc lập phong phú của thông luật Anh đã bị khóa tay bởi phương pháp xử lý án rập khuôn, đơn điệu và khuôn mẫu của những thẩm phán dân luật Châu Âu lục địa. Bà đặt câu hỏi về tâm lý của những thẩm phán quốc gia về chủ quyền.
Nhưng sau đó, bà cũng đưa thông tin về những quyền con người đã được Tòa Nhân quyền Châu Âu hình thành và bảo vệ thông qua việc bác bỏ những án lệ quốc gia. Bà hỏi quan điểm sinh viên về tầm quan trọng của cam kết quốc gia trong việc thực thi pháp luật quốc tế cùng sự hiếm hoi của những cơ chế bảo vệ pháp luật quốc tế như Tòa Nhân Quyền Châu Âu.
Câu trả lời cuối cùng? Bà không có. Bà nói thẳng: Với những câu hỏi học thuật thuần túy trên, tôi cho là các học viên đã biết mình muốn gì, mình bảo vệ quan điểm nào, và mình sẽ sử dụng những điều mình học được để bảo vệ quan điểm của mình ra sao. Quan điểm của tôi không phải là lý do tôi đứng trên bục giảng. Tôi cần những học viên của mình có thể bảo vệ quan điểm của mình một cách học thuật nhất có thể.
Đó là một trong những lý do tôi khâm phục những giáo sư của mình tại Anh quốc, và càng vui mừng hơn khi “truyền thuyết” tôi tìm hiểu và hâm mộ về nền giáo dục nước ngoài là sự thật. Không có những lời có cánh dành cho một hệ thuyết chính trị, không có sự tán dương dành cho chính quyền, nhưng cũng không có phản ứng quyết liệt trước những sự kiện chính trị (trên giảng đường).
Phương Tây luôn cho rằng mục tiêu cuối cùng của giáo dục là kỹ năng suy nghĩ, phản biện; là kỹ năng xử lý vấn đề tự thân. Thứ mà những giáo sư phương Tây trang bị cho chúng tôi là những học thuyết, thông tin, nguyên tắc; và chúng tôi có trách nhiệm xây dựng nên hệ thống niềm tin của chính mình một cách khoa học nhất có thể. Và để đủ năng lực giảng dạy những điều cao cả ấy, những người giảng viên buộc phải trung lập. Họ giới thiệu pháp luật, thông tin, yêu cầu học viên nghiên cứu các học thuyết và ý kiến của tác gia, hướng dẫn thảo luận và bảo đảm rằng mọi sinh viên đều tương tác tốt trong quá trình học.
Một người giảng viên sẽ biến lớp học trở thành một gian phòng của guồng máy tuyên truyền nếu họ thể hiện thành kiến và khuynh hướng chính trị rõ ràng trên lớp. Họ cũng có khả năng biến lớp học trở thành chiến trường không cân sức giữa các nhóm tư tưởng sinh viên, thay vì dung hòa và tạo ra môi trường trao đổi để sinh viên có thể thách thức, và những tư tưởng của họ cũng bị thách thức ngược lại.
…đến trách nhiệm bảo vệ công lý ngoài xã hội
Người giáo sư tôi nói đến là Heléne Lambert, một trong những chuyên gia, và cũng là một trong những nhà hoạt động đầu ngành trong bảo vệ quyền con người, quyền của người tị nạn và phong trào quốc tế hóa pháp luật tại Châu Âu.
Bà cũng đã chính thức chia tay chúng tôi sau một học kỳ để đến giảng dạy tại một đại học danh tiếng khác tại Úc. Một trong số những lý do, như giáo sư chia sẻ riêng (bà là người hướng dẫn của tôi), là thái độ vô trách nhiệm của chính phủ Anh đối với các nhóm dân nhập cư, sự bảo thủ trong đường lối Brexit và các vấn đề liên quan đến nhân quyền. Bà vẫn sẽ đóng góp và đấu tranh cho sự tiến bộ của pháp luật nhân quyền và người tị nạn tại Châu Âu, nhưng bà đã không còn tìm thấy kết nối về mặt tư tưởng với một ngôi trường đại học thuộc gốc Hoàng gia Anh.
Tôi từng cho rằng điều này là kỳ lạ. Vì sao một giáo sư với tâm thế bình thản và trung lập hết mức ở giảng đường, lại có thể lựa chọn một phương án giải quyết vấn đề cực đoan như thế? Nhưng đến bây giờ, tôi hiểu vấn đề của Giáo sư Lambert.
Giới trí thức học thuật sở hữu những đặc quyền để đấu tranh cho lẽ phải. Họ có thời gian, có công cụ, có kiến thức và được rèn luyện để tìm ra sự thật đằng sau những bức màn tuyên giáo. Công việc của họ là nghiên cứu khoa học, một mảnh đất màu mỡ cho những lý luận mới, phương pháp mới, niềm tin mới và chân lý mới. Giới học thuật, như hàng trăm năm trước, vẫn là nhân tố chính yếu cho sự phát triển và tiến bộ của kinh tế, chính trị, triết học hay luật học. Một khi họ ngừng tìm kiếm sự thật và bảo vệ lẽ phải trước cường quyền, thứ học thuật của họ trở thành rác, là cơ nguồn cho một xã hội phản động.
Và tôi không giới hạn quan điểm này ở những môn khoa học xã hội. Bạn có biết rằng nhà bác học khoa học tự nhiên lừng danh nhất, Albert Einstein từng bị Đức Quốc Xã xem là một kẻ đạo văn?
Trong một bài báo “khoa học” của Mitteilungen über die Judenfrage, được Institut zum Studium der Judenfrage phát hành (tạm gọi là Viện Nghiên cứu Dân tộc tính Do Thái), một trong những Viện Hàn Lâm danh tiếng nhất nước Đức Quốc xã thời bấy giờ, tác giả cho rằng Thuyết Tương đối của Einstein không có gì mới mẻ. Nếu nó có điểm mới, Einstein đã đạo lý thuyết này ở nơi khác. Einstein bị chửi rủa là một sản phẩm cuồng tín được những kẻ Do Thái và bọn ngoại bang xây dựng nên. Nhưng đến cuối cùng, lịch sử cũng cho chúng ta biết ai mới là người làm khoa học thực thụ.
Không nhà khoa học, không học giả chân chính nào an toàn trong những thể chế độc tài toàn trị. Vậy nên, nếu có bất kỳ nhóm xã hội nào nên đóng vai trò quảng bá, thúc đẩy sự đa nguyên tư tưởng; khơi dậy lương tâm chính nghĩa; nuôi dưỡng một thế hệ tân công dân chính trị và đi đầu trong kết hợp các phong trào dân sự với sự khắt khe lý thuyết, thì họ nên là tầng lớp trí thức, nên là các nhóm học thuật.
Dân chủ, minh bạch và công bình là nền tảng sống của giới trí thức. Đi ngược lại nguyên tắc đó, họ đã tự kết liễu một đời sống học thuật lành mạnh cho chính mình, và đi ngược lại nguyên tắc phát triển lịch sử xã hội loài người căn bản nhất.
Khi những người thầy quay lưng trước bất công xã hội và bỏ mặc người cần giúp đỡ, tôi nghĩ, chính lúc đó cánh cửa phản động xã hội mới thật sự mở ra.
(Tiếng Dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét