Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

6665 - Công du nước ngoài và học tập kinh nghiệm 'chơi golf'

Ánh Liên

Thanh tra Chính phủ tiết lộ mới đây trong kết luận về việc quản lý công tác đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ giai đoạn 2012-2016. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2014, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn; năm 2015, cựu Bộ trưởng Hoàng đi tới 22 đoàn. Tổng thời gian ở nước ngoài của ông này lên tới 163 ngày, chiếm nửa thời gian làm việc trong năm.


Cùng với ông Vũ Huy Hoàng, Phó Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai – Phan Thị Mỹ Thanh cũng có khoảng thời gian đi nước ngoài rất nhiều. Cụ thể, năm 2014, bà Mỹ Thanh đi nước ngoài tới 10 lần, gồm cả việc công, việc tư và thư mời của đối tác. Còn năm 2012, bà Thanh làm trưởng 8 đoàn đi công tác nước ngoài.

Và tất nhiên cả hai người này đều nằm trong danh sách đen của Thanh tra Chính phủ cũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Kết quả này mới xét trên bình diện những vị đã và đang bị 'điều tra' vì những sai phạm gây ra, chưa đề cập đến những cá nhân lãnh đạo hay tổ chức, tỉnh thành khác. Nếu khơi mào ra thêm, thì con số 163 ngày của ông cựu Bộ trưởng bộ Công thương có lẽ sẽ bị phá kỷ lục.

Thực ra, câu chuyện đi ra nước ngoài là việc phải làm, và không phải chỉ đến thời hiện nay người Việt mới đi ra.

Ông Vũ Huy Hoàng "tranh thủ" ra sân chơi golf nhân một chuyến đi công tác nước ngoài

Ngày 5.6.1911, Nguyễn Tất Thành từng nói với người bạn: 'Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta.'

Năm 1863, Phan Thanh Giản và đoàn tùy tùng cũng sang Pháp để tìm cách chuộc lại '3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ' (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường).

Cuối thế kỷ 19, đầu 20, Phan Bội Châu cũng tìm được sang Nhật trước là để cầu viện, sau là để mong muốn thực hiện 'Duy Tân trong nước' trên cơ sở học tập nước Nhật Bản.

Nếu các vị quan chức Việt nam thời hiện đại học tập cái hay, cái đẹp nước ngoài để canh tân quốc gia thì tốt biết mấy. Nhưng thực tế, mục đích 'học tập' thì ít, 'mua nhà, tích lũy tài sản, du lịch' lại nhiều. Ví như, vào năm 2015, công ty TNHH MTV Xôt số kiến thiết tỉnh Cà Mau đã tổ chức đoàn đi tham quan và 'trao đổi kinh nghiệm hợp tác về kinh doanh' ở các nước... không hề có hoạt động xổ số. Hay các vị ở Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức đoàn đi nước ngoài 'nhằm mục đích học tập, trao đổi kinh nghiệm' như bị Thanh tra Chính phủ phát hiện là 'không đúng quy định, không bình thường' bao gồm: không có kế hoạch được duyệt, không đúng thành phần được đi.

Còn đối với đoàn của Bộ Công thương thời ông Vũ Huy Hoàng thì tề tựu nhau chụp ảnh trước một sân golf.

Kinh điển hơn, là vụ cử cán bộ, lãnh đạo sắp nghỉ hưu đi 'nước ngoài học tập kinh nghiệm về xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập... do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu tại Hà Lan và Nga' của UBND tỉnh Tiền Giang.

Người dân ai cũng hiểu đó là do 'tiền chùa' nên cán bộ, lãnh đạo tha hồ phung phí, mặc sức đi đây đó để mua sắm. Và khi những chuyến đi xuất ngoại càng nhiều, thì 'học tập kinh nghiệm càng ít', bởi bản thân ngay cả khi học tập về, thì với tư duy nhiệm kỳ, hay cơ chế hiện tại cũng khó lòng mà áp dụng được.

Học tập kinh nghiệm suy cho cùng là cách thức biển thủ công quỹ, là một hình thức tham nhũng; thậm chí ở những lãnh đạo hiện tại, cơ số người thông qua 'học tập kinh nghiệm' để sắm sửa nhà cửa và đưa vợ con đi định cư. Trịnh Xuân Thanh và vợ con có nhà ở Công Hòa Liên bang Đức; ĐBQH Nguyễn Văn Thân có quốc tịch và tài sản tại Ba Lan - vợ con cũng đang sinh sống tại quốc gia này. Trước đó nữa, ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng là người có quốc tịch Cộng hòa Malta.

Tất cả những diễn biến nêu trên cho thấy, giới quan chức đường quyền không chỉ tìm cách vơ vét của cải thông qua quyền lực, mà còn tìm được chỗ đệm ở bên nước ngoài - nơi có cơ ngơi tài sản, vợ con được sinh sống trong môi trường pháp chế khác 'thiên đường XHCN', nơi mà họ có thể tha hồ sống mà không bị lo ngại sẽ bị tịch biên hay kê khai tài sản lúc thôi chức vụ.

Cách đây không lâu, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đem lại niềm tin cho không ít người liên quan đến khâu chống tham nhũng với chiến dịch 'đốt lò', nhưng gần đây nhất, việc ông thừa nhận vấn đề kê khai tài sản cán bộ là 'vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân' đã khiến cho niềm tin bị sút giảm. 

Khi nhóm công chức, lãnh đạo tìm chỗ trú ngụ ở nước ngoài, thì tài nguyên và nguồn lực trong nước tiếp tục vơ vét mà không cần phải lo nghĩ nhiều đến đời sau. Thậm chí nếu diễn tiến ở mức độ nào đó, thì các vị lãnh đạo có thể chấp nhận một số dự án gây hiểm họa an ninh quốc gia, ô nhiễm môi trường để đổi lấy nguồn tiền.... cho bản thân định cư nước khác.

Kết quả, nước Việt chỉ còn lại sự xơ xác, kiệt quệ, một nước Việt với những 'đảng viên tốt'; những 'lực lượng vũ trang vì đảng quên mình'; những 'dư luận viên' ngày đêm gào thét bảo vệ chủ trương - chính sách (dù sai lầm); và người dân nghèo...

Nhưng trách sao được, thể chế nó thế! Thể chế không minh bạch, thể chế lạm dụng quyền lực, thể chế độc tài nên tham nhũng mới cộng sinh, vơ vét mới hoành hoành.


Tất cả để lại một nước Việt buồn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét