Thảo luận tại tổ về Luật Phòng,
chống tham nhũng (sửa đổi) chiều nay, bà Lê Thị Thuỷ đặt câu hỏi: Khi chúng tôi
có quyết định 85 của Bộ Chính trị, các địa phương hỏi rất nhiều là bây giờ phải
làm như thế nào? Cái này rất nhạy cảm, nếu ta không cẩn thận, nhất là trong quá
trình làm, để lộ các thông tin tài liệu thì có nhiều tác dụng ngược không lường
được.
Quy định 85 là quy định về 'kiểm
tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí
thư quản lý' với mục đích là kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý khuyết điểm
- vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ. Và chủ thể giám sát kiểm tra gồm
Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chi bộ nơi cán bộ đang
sinh hoạt. Quy định này nghiêng về việc đề cao tính trung thực khi báo cáo - giải
trình chứ chưa đề ra một giải pháp nào cụ thể để phía chủ thể giám sát và kiểm
tra thực hiện, cũng như tính chế tài của quy định, do đó quy đình này mang tính
chất sơ sài. Việc các địa phương ‘hỏi rất nhiều’ về cách thực hiện xuất phát từ
gốc gác như vậy. Nhưng quan trọng hơn, bà Thủy nhấn mạnh việc ‘để lộ các thông
tin tài liệu’ sẽ dẫn đến nhiều tác dụng ngược không lường được.
Ảnh minh họa.
Thực ra ai làm cán bộ đều không hề
muốn kê khai, thậm chí đặt luôn việc kê khai tài sản là vùng nhạy cảm, vùng cấm.
Bởi nếu không có cánh báo chí tự giác phát ra, hoặc do nội bộ đấu đá, thì nguồn
tài sản của cán bộ sẽ vĩnh viễn không bao giờ được minh bạch hóa và giải trình
hóa về mặt nguồn gốc. Thời gian qua, sự xuất hiện các biệt phủ chỉ là 1 phần nhỏ
nằm trong quá trình tích lũy tài sản của cán bộ, và nó hiện diện như một tảng
băng chìm của đời sống vật chất của cán bộ. Ở cấp địa phương, qua báo chí, người
dân sốc toàn tập vì số lượng tài sản mà báo chí đề cập vượt quá mức lương của
cán bộ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Và đó cũng chỉ ở mảng nhà ở được phát hiện,
còn nếu thanh tra – kiểm tra hay buộc giải trình một cách thực sự thì có lẽ dân
sẽ sốc hơn nữa, vì không chỉ dừng ở siêu xe, biệt phủ, số tài khoản tiết kiệm
trong ngân hàng, số tiền cho con cái đi học, nhà cửa bên nước ngoài, đứng tên
trong các doanh nghiệp sân sau…mà cả việc tích trữ USD và vàng không theo định
của pháp luật.
Và tất nhiên, giải trình sẽ là:
buôn chổi đót, xe ôm, bán trà đá, làm thêm,… Những giải trình mang phong cách
chống chế và rất tiếu lâm.
Nhưng không dừng tại đó, giàu bất
chính tại Việt nam là giàu theo đường dây và nhóm, không ai tự thân giàu một
mình, và nếu như một cán bộ bị bóc ra theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật
thì những đồng chí còn lại cũng sẽ bị ít nhiều vạ lây. Điều này không khác gì
ông Gs Nguyễn Đức Tồn (người bị phát hiện đạo văn) gửi kiến nghị lên Thủ tướng
Chính phủ đề nghị làm rõ những trường hợp đạo văn khác. Nói cách khác, khi nào
chưa giải quyết trọn vẹn việc kiểm soát lương tiền, kiểm soát nguồn tài khoản
trên cơ sở pháp luật thay vì ‘chi bộ’ hiện nay, vốn mang tính hình thức (nhìn
nhau mà đoán thái độ) thì vĩnh viễn minh bạch tài sản chỉ mang tính lý thuyết.
Cái thứ hai, khi bà Lê Thị Thủy
cho biết, ‘giao TTCP kiểm tra tài sản, thu nhập đến giám đốc sở liệu có làm nổi?
Tại sao không quy định theo hướng Chính phủ làm trong phạm vi những người mà Thủ
tướng bổ nhiệm, tương tự tại cấp tỉnh và huyện cũng như vậy?
Nếu xét theo cách thức này, thì
Thanh tra Chính phủ bị giới hạn phạm vi thanh tra trong phòng chống tham nhũng.
Mặc dù, xét trên bản chất của quan điểm này khiến cho phương thức hệ thống quản
lý của Chính phủ theo hướng ngành dọc (HĐND cấp tỉnh, huyện xã), ngành ngang (Bộ,
cơ quan ngang Bộ; Sở; Phòng Ban) trở nên vô hiệu. Ví như Giám đốc Sở Tài nguyên
& Môi trường là do UBND tỉnh/ thành phố trực thuộc TW bổ nhiệm; UBND là cơ
quan chịu sự quản lý hành chính của Chính phủ, chưa kể về mặt chuyên môn lại
thuộc sự quản lý của Bộ và cơ quan ngang Bộ trực thuộc Chính phủ. Vậy nếu không
do TTCP kiểm tra tài sản, thu nhập Giám đốc Sở thì phải do ai làm?
Cũng trong buổi họp nêu trên, có
một quan điểm rất đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế từ ông Tổng Thanh tra
Chính phủ Lê Minh Khái, đó là thành lập một cơ quan chuyên trách để kiểm soát
và minh bạch hóa nguồn tài sản cán bộ.
Thực tế, quan điểm này được nhắc
lại nhiều lần trong các báo cáo liên quan đến chỉ số cảm nhận tham nhũng do tổ
chức Minh bạch quốc tế phát hành các năm. Và cơ quan như vậy sẽ không thuộc bất
kỳ chi bộ, đảng bộ nào; đó cũng không phải là cơ quan trực thuộc Chính phủ hay
UBND, HDND,… Mà Cơ quan này phải là cơ quan độc lập và có thực quyền tiến hành
các hoạt động kiểm soát tài sản (như Công tố viên ở Hàn Quốc), và khi đó thì
minh bạch hay kê khai tài sản mới thực sự hiệu quả, vì nó đứng bên ngoài lợi
ích nhóm ở Việt nam.
Bên cạnh đó là biện pháp nâng cao
tính giám sát của Quốc Hội, tính độc lập xét xử của các cơ quan tư pháp; mở rộng không gian xã hội
dân sự để yếu tố này tham gia vào quá trình quyết định và giám sát các hoạt động
quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ sở pháp luật để bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Vấn đề là Việt nam có chịu làm hay không? Hay là dẫn đến sự lo ngại: vỡ bình. Bởi
nếu cơ quan chịu trách nhiệm kê khai, kiểm soát nguồn tài sản cán bộ hay các biện
pháp tương tự nêu trên thì ngay cả TBT Nguyễn Phú Trọng cũng bị kiểm soát.
Và liệu 'cán bộ cấp cao' có chịu
bắt đầu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét