Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghi an ninh Đối Thoại
Shangri La, Singapore, ngày 01/06/2018. REUTERS/Edgar Su
Hội nghị an ninh hàng đầu châu Á
- Đối Thoại Shangri La mở ra hôm nay 01/06/2018 tại Singapore, với bài diễn văn
được đánh giá là rất quan trọng của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày
càng có xu hướng độc bá châu Á, bất cần luật lệ quốc tế, còn Hoa Kỳ lại đang bị
chủ nghĩa co cụm cám dỗ, mọi người chờ đợi Ấn Độ, nước đang vươn lên một cách
ngoạn mục tại châu Á, mạnh dạn đứng ra gánh vác trách nhiệm bảo đảm một trật tự
dựa trên luật pháp đang bị đe dọa.
Trong bài viết trên trang ý kiến
của chuyên san Mỹ Foreign Policy ngày 31/05/2018, hai chuyên gia Mỹ và Ấn Độ,
trong đó có bà Amy Searight, nguyên phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc
trách Nam Á và Đông Nam Á, ghi nhận, tình hình chính trị và kinh tế không chắc
chắn tại châu Á hiện nay là thời cơ tốt để New Delhi khẳng định vai trò quan trọng
của mình.
Chính sách của tổng thống Mỹ
Donald Trump, trong đó có quyết định rút Mỹ ra khỏi khối Đối Tác Xuyên Thái
Bình Dương và cách tiếp cận "con buôn" với các đồng minh lâu năm, đã
khiến cho khu vực ngả theo Trung Quốc, trong khi nước này ngày càng trở nên
hung hăng và độc đoán. Trong tình thế nói trên, các đồng minh của Mỹ ở vùng
Thái Bình Dương, thậm chí ngay cả Hoa Kỳ, cũng hy vọng là New Delhi có thể đứng
ra làm nhân tố mang lại ổn định.
Đối với Washington, thế kỷ này sẽ
là thế kỷ của châu Á, nhưng là một châu Á gồm cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Thế
nhưng cao vọng của Ấn Độ đang bị hai cản lực : Cơ sở quốc phòng-công nghiệp của
Ấn Độ còn chưa phù hợp, trong lúc nước này vẫn thiếu hội nhập vào kinh tế khu vực.
Do vậy, giới quan sát cho rằng ông Modi cần thuyết phục giới tinh hoa tại châu
Á rằng đất nước của ông đã sẵn sàng trở thành một cường quốc hàng đầu, có thể bảo
đảm sao cho không một quốc gia nào có thể thống trị tương lai của khu vực.
Tại Đông Nam Á, Singapore,ngay từ
thời nhà sáng lập Lý Quang Diệu đã từng mong muốn Ấn Độ hướng đông. Và không chỉ
có Singapore, đa số các nước trong vùng hiện nay đang muốn ông Modi tuyên bố
quyết tâm dấn thân mạnh mẽ và lâu dài, với những nguồn lực cụ thể, để gánh vác
vai trò lãnh đạo trong việc bảo vệ các chuẩn mực, luật lệ đã được tất cả mọi
người chấp nhận, nhưng đang bị Trung Quốc bào mòn.
Đối với giới phân tích, vào lúc
này, nếu so với Trung Quốc, Ấn Độ còn trong thế yếu. Cụ thể là về quân sự. Ngân
sách quốc phòng Ấn Độ năm 2018 không vượt quá 1,5% GDP, trong lúc quân đội vẫn
còn thiếu nghiêm trọng các hệ thống vũ khí chính như máy bay chiến đấu, súng ống
và thiết bị chiến đấu cơ bản cho bộ binh, và thậm chí cả đạn dược. Trong khi đó
thì chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là khoảng 2% GDP, nhưng với một nền kinh
tế lớn hơn gấp 5 lần Ấn Độ trong năm 2016. Tuy nhiên, Ấn Độ đang là một nền
kinh tế lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, do vậy nước này đang có lợi
thế tốt hơn để xây dựng khả năng phòng thủ…
Ông Modi có thể bắt đầu gần nhà,
tại vùng Ấn Độ Dương, bằng cách tuyên bố tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ
trong vùng. Đây là điều cần thiết vì Trung Quốc cũng đang thách thức Ấn Độ tại
vùng Nam Á.
Thủ tướng Ấn Độ cũng nên huy động
các nỗ lực tập thể giúp khu vực Đông Nam Á tăng cường năng lực hàng hải. Tuyên
bố của ông về các tranh chấp Biển Đông, và nhu cầu giải quyết bằng các phương
pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, đang rất được các nước khu vực
lắng nghe.
Hành vi quân sự hóa Biển Đông của
Trung Quốc đã phá vỡ luật lệ quốc tế. Ấn Độ và Trung Quốc gần đây đều phải đối
mặt với các phán quyết quốc tế bất lợi về các yêu sách trên biển. Thế nhưng chỉ
có Ấn Độ chấp nhận quyết định có lợi cho Bangladesh ở Vịnh Bengal, trong khi
Trung Quốc đã phủ nhận hoàn toàn phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về Biển
Đông không có lợi cho Bắc Kinh.
Hiện nay có rất nhiều nước muốn
cùng Ấn Độ gánh vác vấn đề an ninh châu Á, từ ba thành viên còn lại trong bộ tứ
Kim Cương là Úc, Nhật, Mỹ, cho đến Pháp hay Hàn Quốc… Vấn đề là Ấn Độ phải từ bỏ
thái độ dè dặt cố hữu. Hy vọng là cú hích mới đây từ Mỹ, với việc đổi tên Bộ Tư
Lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Thái Bình Dương sẽ khích lệ thủ tướng
Modi theo chiều hướng đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét