Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

6085 - Dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Chính trị

Thảo Vy (VNTB)

Chủ trương của Tổng bí thư

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chính phủ phải “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. (Trích Nghị quyết 11-NQ/TW, “Hội nghị lần thứ năm ban chấp hành trung ương đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ngày 3 tháng 6 năm 2017, trích phần II.4, gạch đầu dòng thứ 5 – tải văn bản này tạihttp://bit.ly/2IXz7fm)

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chính là người đưa ra yêu cầu về chuyện ‘giá dịch vụ’ thay cho ‘phí, lệ phí’. “Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu. Không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá hàng hóa, dịch vụ. Chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế đặt hàng; từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng. Hoàn thiện pháp luật về phí, lệ phí theo hướng chuyển sang áp dụng giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường” (Trích Nghị quyết 11-NQ/TW, phần II.3, gạch đầu dòng thứ 1)

“Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là đề bài chính để ông Tổng bí thư yêu cầu Dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải thỏa mãn.

 Dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Chính trị?
Theo định nghĩa mà ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra thì “kinh tế thị trường” có cùng nội dung với thế giới, còn ‘định hướng xã hội chủ nghĩa” là “kinh tế thị trường” đó phải do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. (Trích Nghị quyết 11-NQ/TW, phần III.1, gạch đầu dòng thứ 1).

Như vậy, từ quan điểm chỉ đạo trước đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi góp ý soạn thảo Hiến pháp 2013: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” (http://bit.ly/2J3arOD), nên các nhà soạn dự án luật đã chọn mốc 99 năm làm thời hạn thuê đất ưu đãi. Khung thời hạn này đang được công luận nhìn nhận đã biến đặc khu trở thành “nhượng địa”, vượt khung quá xa so với mặt bằng chung quốc gia.

Đặc khu hay nhượng địa?

Có một chi tiết đáng lưu ý trong hồ sơ của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, là văn bản Thông báo kết luận số 21-TB/TW của Bộ Chính trị giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trong các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Theo ý kiến của đại diện Bộ Quốc phòng thì Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là những địa bàn có vị trí chiến lược rất quan trọng, được xác định như “yết hầu” của đất nước cần bảo đảm tuyệt đối về quốc phòng, an ninh.

Đồng tình với Bộ Quốc phòng, nhiều chuyên gia về quản trị hành chánh công đã phản biện rằng cả ba địa điểm được lựa chọn có vị trí đặc biệt, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Việt Nam lại sống cạnh Trung Quốc là quốc gia có tư tưởng bá quyền, có nhiều hành động xâm lấn biển đảo. Thế giới cũng cảnh báo rằng đang có xu hướng thay đổi từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm, đó là mua chuộc, chi phối cán bộ và xâm lấn thông qua sở hữu đất đai, đầu tư kinh tế.

Với những ưu đãi cho thuê đất kéo dài đến tròm trèm một thế kỷ, cho thấy tên gọi đúng ở đây của đặc khu là nhượng địa. Trung Quốc sẽ sớm là những ông bà chủ của cả 3 nhượng địa Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Nhượng địa là thuật ngữ địa chính trị, có thể hiểu là chủ quyền của một quốc gia phải chuyển giao một phần đất, khu vực trong chủ quyền lãnh thổ quốc gia theo một hiệp ước, giao ước nào đó với quốc gia khác, tổ chức khác, nó cũng có thể do sự quản lý không đủ sức mạnh, yếu kém của bên chuyển giao.


Từ cách hiểu này, nhiều ý kiến đã liên hệ với nghi vấn lâu nay đang lan truyền về một cam kết của Hội nghị Thành Đô. Nay với việc chuẩn bị luật hóa 3 nhượng địa Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, phải chăng đều nằm trong hoạch định của một thỏa thuận tại Thành Đô giữa hai Đảng Cộng sản Trung Quốc – Việt Nam vào thượng tuần tháng 9-1990?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét