Vào ngày này năm 1958, Tổng thống Eisenhower đã tuyên bố lập ra Ngày Pháp luật (Law Day) nhằm tôn vinh vai trò của luật pháp trong việc tạo lập nên nước Mỹ. Ba năm sau đó, Quốc Hội đã có hành động tương tự khi thông qua một nghị quyết chung trong đó chọn ngày 01/05 làm Ngày Pháp luật.
Ý tưởng về Ngày Pháp luật đã được Hội Luật sư Hoa Kỳ (American Bar Association, ABA) đề xuất lần đầu tiên vào năm 1957. Mong muốn chặn đứng việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/05 (May Day) cũng đã góp phần tạo nên Ngày Pháp luật. Đối với người Mỹ, ngày Quốc tế Lao động còn mang hàm ý cộng sản, bởi nó xem người lao động là tầng lớp điều hành đất nước ở Liên Xô và những nơi khác.
Hội Luật sư Hoa Kỳ định nghĩa Ngày Pháp luật là: “Một ngày lễ quốc gia được chọn ra nhằm nhấn mạnh vai trò của pháp quyền. Ngày Pháp luật nhấn mạnh cách mà pháp luật và quá trình pháp lý đã góp phần tạo ra sự tự do mà tất cả người Mỹ đều chia sẻ.” Ngôn ngữ của đạo luật Ngày 01/05 gọi nó là “một ngày lễ kỷ niệm đặc biệt được người dân Mỹ tổ chức để cho thấy họ đánh giá cao sự tự do của mình và cống hiến cho các lý tưởng của bình đẳng và công lý theo luật pháp.”
Vào ngày mà nhiều nơi khác trên thế giới dùng để truyền cảm hứng về quyền của các tầng lớp lao động trong việc tham gia vào chính phủ, Ngày Pháp luật yêu cầu người Mỹ tập trung vào những quyền của họ vốn nêu ra trong các văn bản pháp luật cơ bản của nền dân chủ Mỹ: Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Liên bang. Bản Tuyên ngôn nhấn mạnh rằng người Mỹ “khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng,” và được đảm bảo “quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.” Sau này, bản Tuyên Ngôn Nhân quyền sửa đổi Hiến pháp còn quy định thêm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và xét xử công bằng.
Ngày Pháp luật kỷ niệm nền pháp lý của những quyền đã được xác định bởi các nhà lãnh đạo cách mạng của thập niên 1770, với hy vọng ngăn chặn chiến tranh giai cấp – tương tự như những gì đã phá hủy châu Âu trong giai đoạn 1789 – 1917.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét