Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử : Ảo tưởng hay động lực phi hạt nhân hóa ?





 media
Vận động thông qua Hiệp ước mới : Đại sứ Thái Lan Thani Thongphakdi - chủ tịch nhóm làm việc của LHQ về giải trừ hạt nhân - và bà Beatrice Fihn, giám đốc điều hành của ICAN - phong trào vận động hủy bỏ vũ khí nguyên tử, Genève, 03/05/2016. Ảnh : Wikipedia
 
Tháng 9/2017, hàng chục quốc gia phê chuẩn Hiệp Ước Cấm Vũ Khí Hạt Nhân, Hiệp ước được thông qua trước đó hồi tháng 7 tại Đại Hội Đồng LHQ. Với Hiệp ước mới, liệu vũ khí nguyên tử một ngày nào đó sẽ thực sự bị cấm hoàn toàn trên thế giới, giống như vũ khí hóa học hay sinh học? Hiện tại, 5 cường quốc sở hữu vũ khí nguyên tử từ chối tham gia và thậm chí chỉ trích mạnh mẽ, với lý do Hiệp ước mới sẽ làm suy yếu Hiệp Ước Cấm Phố Biển (vũ khí) Hạt Nhân (TNP) 1968. Sau đây là ý kiến của một số chuyên gia (1).

Hiệp Ước Cấm Vũ Khí Hạt Nhân (Treaty on the Prohibition of Nuclear Weapons/Traité sur l’interdiction des armes nucléaires) nói trên là kết quả của các vận động lâu dài của nhiều hiệp hội phi chính phủ và một số quốc gia kiên định chống vũ khí hạt nhân, như Áo, Mêhicô, Nam Phi, Ailen, New Zealand, Thụy Điển hay Brazil. Ngày 07/07/2017, 122 quốc gia đã thông qua hiệp định nói trên. Hiệp ước sẽ có hiệu lực khi có đủ 50 nước phê chuẩn. Brazil là quốc gia đầu tiên ký kết.

Ông Jean-Marie Collin, một đại diện của phong trào quốc tế hủy bỏ vũ khí nguyên tử ICAN (International Campaign to Abolish Nuclear Weapons), giải thích về ý nghĩa của Hiệp ước này :

« Hiệp ước này không hề mang tính biểu tượng. Đây là một Hiệp ước có tính pháp lý. Vũ khí nguyên tử sẽ có thể bị tuyên bố là bất hợp pháp. Hiệp ước này còn chờ các quốc gia phê chuẩn, do đó sẽ phải đợi thêm một vài tháng nữa. Có thể hình dung là Hiệp ước sẽ có hiệu lực từ năm 2018 tới … Hiện nay, vũ khí hạt nhân vẫn được coi gần như là điều bình thường. Cần phải đạt được trước hết một Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân mang tính pháp lý, để có thể đi đến giai đoạn thứ hai. Đó là thiết lập một tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương. Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ làm việc về vấn đề này.

Chủ trương của Hiệp ước này là một Nhà nước không thể nào xây dựng nền tảng an ninh quốc gia dựa trên loại vũ khí giết chết hàng triệu con người một lúc. Chúng ta phải xây dựng được một khuôn khổ an ninh rất khác, để khi nào mà một quốc gia có kiểu hành động như vậy, chúng ta có thể gây áp lực, ví dụ như trong trường hợp Bắc Triều Tiên, cũng như đối với tất cả các nước có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân khác ».

Theo chuyên gia về an ninh quốc tế Benoit Pelopidas, Học viện chính trị Paris (Sciences PO), Hiệp ước vừa ký kết cấm « phát triển, thực nghiệm, sản xuất, mua, sở hữu hay tàng trữ vũ khí hạt nhân ». Ông nhấn mạnh mục tiêu của công cụ pháp lý này không phải là để « ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân, mà là khẳng định bản thân sự tồn tại của loại vũ khí này là có vấn đề ».

Không cường quốc hạt nhân quân sự nào tham gia

Hiện tại, không có bất cứ quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử nào có ý định tham gia hiệp ước mới, và kể cả các nước tự coi là được hệ thống lá chắn hạt nhân của đồng minh bảo vệ, như các thành viên NATO, hay Hàn Quốc, Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là : Phải chăng các cường quốc hạt nhân không hề xem trọng Hiệp ước hạt nhân mới ?

Không hẳn là như vậy ! Nếu chúng ta xem xét trường hợp của nước Pháp. Tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian đã phê phán văn bản pháp lý mới về vũ khí hạt nhân là « vô trách nhiệm ».

Theo ngoại trưởng Pháp, « Pháp từ chối tham gia vào các thỏa thuận về Hiệp Ước Cấm Vũ Khí Hạt Nhân, bởi cách làm này làm suy yếu Hiệp Ước Cấm Phố Biển (vũ khí) Hạt Nhân TNP ». Nói chuyện với báo giới bên lề hội nghị, nhiều nhà ngoại giao Pháp nhận xét là cơ chế loại trừ vũ khí hạt nhân của Hiệp ước mới yếu hơn Hiệp ước TNP 1968.

Ông Benjamin Hautecouverture, chuyên gia Viện nghiên cứu Chiến lược, Paris, (Fondation pour la recherche stratégique) nói cụ thể hơn : « Điều khiến các quốc gia hạt nhân khó chịu, đó là công cụ pháp lý mới ra đời này có nguy cơ gây khó khăn cho quy trình thẩm định 5 năm một lần của Hiệp ước TNP 1968…, cũng có mục tiêu hướng đến phi hạt nhân hóa ».

Điều mà ông đặc biệt lưu ý là Hiệp ước mới được tung ra trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa phương Tây với Nga những năm gần đây, và đặc biệt là khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Chuyên gia Benjamin Hautecouverture nhận định :

« Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân này được đưa ra phê chuẩn đúng vào giai đoạn cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đang ở đỉnh điểm. Sự việc này cho thấy tham vọng của những người chủ trương hiệp ước mới thật là kỳ quặc.

Người ta có cảm tưởng là sẽ có một quyết định cấm mang tính pháp lý, nhưng lại không hề có tác dụng gì về mặt chiến lược, và loại hiệp ước này chỉ tồn tại như một thứ dàn xếp nho nhỏ về pháp lý – ngoại giao, lơ lửng bên trên không gian an ninh thực sự. Nơi nhiều quốc gia tranh chấp với nhau, nhiều quốc khác thì tìm kiếm sở hữu vũ khí này, và hoàn toàn không đếm xỉa gì đến cuộc tranh luận nói trên ».

Hiệp ước mới chống Hiệp ước cũ ?

Theo Hiệp Ước Cấm Phố Biển (vũ khí) Hạt Nhân (TNP) 1968, thì chỉ có 5 quốc gia thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp) được quyền sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi đó, các quốc gia khác tham gia Hiệp ước TNP bị cấm sở hữu (2). Hiệp ước TNP 1968 cũng dự kiến các nỗ lực cần có để giải trừ loại vũ khí này, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là Hiệp ước TNP 1968 có thực sự hiệu quả hay không trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí nguyên tử ?

Theo chuyên gia về an ninh quốc tế Benoit Pelopidas, sở dĩ một Hiệp ước mới về vũ khí hạt nhân ra đời là do nhiều quốc gia không vũ khí nhân « bất mãn » với tình hình hiện tại. Những nước như Nam Phi, New Zealand hay Mêhicô nghi ngờ « quan điểm nước đôi » của các cường quốc nguyên tử : một mặt nói chống phổ biến vũ khí hạt nhân, mặt khác lại có kế hoạch hiện đại hóa hệ thống vũ khí của mình trong hàng chục thập niên tới.

Xét trong khuôn khổ của Hiệp ước TNP 1968, người ta có cảm giác tồn tại song hành hai loại hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân, một được coi là « hợp pháp » và một bị coi là « bất hợp pháp ». Theo chuyên gia Jean-Marie Collin, việc các cường quốc hạt nhân phê phán dữ dội Hiệp ước mới cho thấy các nước này hiểu rằng : « Hiệp ước mới có nguy cơ báo tử hệ thống vũ khí hạt nhân của chính họ », chính vì vậy « Pháp đang gây áp lực rất lớn đối với một số nước châu Phi để họ không phê chuẩn (Hiệp ước mới), còn Hoa Kỳ đe dọa giảm hợp tác quân sự với Thụy Điển ».

Bài tổng hợp khép lại với ý kiến của chuyên gia về an ninh quốc tế Benoit Pelopidas, nhấn mạnh sự bất cập của hệ thống luật pháp quốc tế về vũ khí hạt nhân trong hiện tại, một khi còn một số quốc gia vẫn coi vũ khí hạt nhân là bùa hộ mệnh :

« Quan điểm của Nhà nước Pháp khẳng định là sở hữu vũ khí hạt nhân mang tính răn đe sẽ bảo vệ được quốc gia trước mọi đe dọa, bất kể loại gì. Nếu bạn cho là như vậy, thì làm thế nào mà bạn có thể biện minh cho việc là, nếu không có một khuôn khổ pháp lý mang tính cưỡng chế, thì làm thế nào để cấm các quốc gia khác không được quyền sở hữu thứ vũ khí kỳ diệu như vậy ? ».

----

(1) Nhà báo Nicolas Falez tổng hợp, RFI, 20/09/2017.

(2) Ngoài 5 quốc gia Hội Đồng Bảo An, còn bốn nước khác là Ấn Độ, Pakistan, Israel và mới đây là Bắc Triều Tiên. Ba nước nói trên không tham gia Hiệp ước TNP, còn Bắc Triều Tiên rời TNP năm 2003.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét