Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Iran, đối tác không thể thiếu tại Trung Đông ? Phần II



Tổng thống Iran Hassan Rohani tại LHQ. Ảnh ngày 22/09/2016.Reuters


Khủng hoảng trong nội bộ 6 nước Suni Hồi Giáo vùng Vịnh Ba Tư từ tháng 6/2017 càng làm nổi bật tầm quan trọng của Iran từ khi đạt được thỏa hiệp hạt nhân quốc tế. Mỹ vẫn chưa có một chiến lược rõ rệt tại Trung Đông. Bối cảnh này càng thuận lợi cho Teheran.

Iran tái hội nhập trong thế thượng phong

Tiếp tục loạt bài « Iran, đối tác không thể thiếu tại Trung Đông ? », RFI đặt câu hỏi với Maya Kandel, chuyên gia chính trị Mỹ, đại học Sorbonne và Pierre Razoux, chuyên gia Thế giới Ả Rập, giáo sư Đại Học Quân Sự Paris về thời cơ của Iran : Tái hội nhập bàn cờ chiến lược trong thế thượng phong.

Vai trò quan trọng của chế độ Hồi Giáo Iran theo hệ phái Shia ủng hộ Bagdad chống tổ chức Suni Nhà Nước Hồi Giáo Daech và trong chiến tranh Syria, qua tình nguyện quân « Vệ Binh Cách Mạng » và Hezbollah- Liban hậu thuẫn quân đội Damas đã làm cho Teheran trở thành một tác nhân cột trụ và tự nhiên trong mọi giải pháp chính trị trong khu vực.

Tháng 5/2017, khi công du Trung Đông, tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo đích danh Iran hậu thuẫn khủng bố và một lần nữa muốn cô lập Teheran. Thế nhưng, Iran không bị cô lập mà chính nội bộ sáu nước Ả Rập đồng minh của Mỹ bị chia rẽ.

Qatar, nơi Hoa Kỳ đặt bộ chỉ huy CENTCOM, điều hành các chiến dịch quân sự từ Trung Đông cho đến Afghanistan, bị chính các đồng minh khác, đứng đầu là Ả Rập Xê Út lên án thân Iran, trừng phạt ngoại giao và cấm vận kinh tế.

Vì sao có « món quà » trớ trêu này ? Chuyên gia Maya Kandel, giáo sư đại học Sorbonne, phân tích :

"Cần phải trở lại quá khứ. Hoa Kỳ đã nhiều lần vô tình « tặng » cho Iran vai trò quan trọng. Đưa quân can thiệp vào Irak vào năm 2003 là một món quà chiến lược cho Iran. Dĩ nhiên, George W. Bush không có tính chuyện « tặng quà » cho Iran nhưng với mục tiêu là dân chủ hóa Irak thì phải dự báo khả năng hệ phái Shia lên cầm quyền tại Bagdad vì Shia chiếm đa số ở Irak. Đó là một « món quà chiến lược » thứ nhất.

Món quà thứ hai là cuộc khủng hoảng ở Vịnh Ba Tư giữa Ả Rập Xê Út và Qatar. Kẻ xoa tay khoan khoái đứng nhìn là Iran. Mỹ đang hoang mang trước hai hệ quả này do chính sách của mình gây ra.

Đó là chưa kể đến chuyến đi Ả Rập Xê Út của Donald Trump hồi tháng 5. Tại Riyad, tổng thống Mỹ quay trở lại chính sách truyền thống ủng hộ vô điều kiện trục Suni và các đồng minh Ả Rập ở vùng Vịnh.

Dùng ý thức hệ làm bình phong

Trên bàn cờ địa chính trị, Iran nắm nhiều lá chủ bài trong trận thế lớn đang xuất hiện ở chân trời Trung Á với bốn thế lực Mỹ, Ấn, Trung, Nga.

Hoa Kỳ vì nhu cầu chống khủng bố, Ấn Độ và Trung Quốc muốn khai thác nguồn nhiên liệu và nguyên liệu tiềm tàng còn Nga thì muốn bảo vệ vòng đai ảnh hưởng.

Với lợi thế gần gũi với Afghanistan từ địa lý cho đến văn hóa, Iran quan hệ chặt chẽ với sắc tộc Tadjik, chiếm đa số tại Afghanistan, nói tiếng Ba Tư, và sắc tộc Azari, theo hệ phái Shia. Teheran có thể đóng vai trò trọng tài một khi tham vọng của bốn đại cường va chạm nhau trong vùng Trung Á. Sự kiện Iran tái hội nhập chính trường quốc tế cũng có thể khuyến khích các sắc tộc nói tiếng Ba Tư trong khu vực Trung Á vùng dậy hay ít ra tranh đấu đòi hỏi quyền lợi.

Với hoài bão to lớn, chiến lược của Iran không giới hạn ở vùng Vịnh.Chuyên gia thế giới Ả Rập Pierre Razoux giải thích :

Theo cảm nghĩ của tôi thì người ta không thể nói các nước vùng Vịnh bị ảnh hưởng của Iran bởi vì một số vương triều này, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, rất khép kín đối với Iran. Trong khi đó Oman, Koweit và nhất là Liban, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thông thoáng với Iran hơn. Iran không chỉ đơn thuần quan tâm khu vực Trung Đông mà còn mưu tính lợi ích đến tận châu Á, châu Âu, nhìn sang nước Nga, Trung Á, châu Phi, châu Mỹ La Tinh. Có thể nói Iran có một chiến lược 360° toàn cầu.

Từ nhãn quan này, Teheran tìm cách thoát ra khỏi tình trạng cô lập vì tham vọng hạt nhân bị trừng phạt. Ở điểm này, chúng ta không nên tin Iran một cách ngây thơ.

Trong một thời gian dài, vì nhu cầu chiến lược, Iran thật sự có ý đồ chế tạo bom nguyên tử. Iran trải qua cuộc chiến tranh đẫm máu với Irak làm 500.000 binh sĩ thiệt mạng. Câu kinh nhật tụng của giới lãnh đạo ở Teheran lúc bấy giờ là « không để tái diễn » một cuộc chiến tàn khốc như thế. Giải pháp tránh chiến tranh quy ước là phải có bom hạt nhân.

Giờ đây, hồ sơ hạt nhân đã được giải quyết với hiệp định 2015. Iran chấp nhận sản xuất uranium dưới ngưỡng tối thiểu bảo đảm. Nhưng bù lại, Iran đã đạt được mục tiêu, chứng minh với thế giới là có khả năng chế tạo bom. Iran vừa phục hồi được tính «chính đáng» lẫn «uy tín». Iran thắng trên mọi mặt khi tái hội nhập chính trường quốc tế.

Diễn biến tình hình Trung Đông do vậy tùy thuộc vào Iran. Nắm thế thượng phong, chính quyền Hồi Giáo Iran có thể giữ vai trò của một tác nhân đóng góp vãn hồi hoà bình, nhưng cũng có thể làm ngọn gió thổi vào đám than hồng và lò thuốc súng ở Trung Đông.

Chính vì thế mà ở Washington, nội bộ đảng Cộng Hoà phân vân chưa biết phải làm gì. Giáo sư Maya Kandel :

Phần đông trong ban lãnh đạo Mỹ hiện giờ và hầu hết giới chính trị gia tại Washington đều cho rằng ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông đã quá mạnh. Một vài người còn xem cuộc chiến chống khủng bố Daech hay nhu cầu chấm dứt chiến tranh Syria không quan trọng bằng những gì xảy ra sau đó. Đó là khi hai cuộc chiến này kết thúc, sức mạnh nào sẽ áp đảo tại Trung Đông ?

Tuy Trung Đông đang tan vỡ ra từng mảnh nhưng từ những mảnh vụn này sẽ trỗi lên một trật tự mới, có thể xây dựng mà cũng có thể tai hại. Trong tầm nhìn này đã thấy manh nha xuất hiện nhiều thách thức.

Chỉ quan sát tình hình Syria không thôi cũng thấy được những thách thức phức tạp và đang gây tranh luận tại Mỹ : ưu tiên giải quyết chiến tranh Syria hay phải chuẩn bị trước đề phòng một thế lực mới thống trị khu vực ? Thế lực đó là ai ? Iran, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ ? Vai trò của Mỹ ra sao ?

Tại Washington, có hai phe rõ rệt. Một phe chỉ muốn tập trung đối đầu với Iran mà thôi, để cho Nga phát triển ảnh hưởng cho dù quan điểm này mâu thuẩn với uy thế độc tôn của siêu cường.

Một số người khác thì cho rằng Hoa Kỳ cần phải can dự sâu hơn nữa ở Trung Đông và vùng Vịnh để bảo đảm thế chủ động.

Qua vụ Qatar thì chúng ta thấy rõ là Donald Trump không nắm vững tình hình. Câu hỏi đặt ra là trong giới thân cận của tổng thống Mỹ ai là người có thế mạnh hơn hết trong chính sách đối ngoại : Rex Tillerson hay James Mattis ? Chủ nhân Lầu Năm Góc là người có chủ trương cứng cõi với Iran.

Iran càng ngày càng tự tin. Bất chấp đe dọa của Donald Trump, quân đội Iran tiếp tục thử tên lửa mới. Thách thức Ả Rập Xê Út, Teheran cung cấp lương thực cho Qatar và khôn khéo khai thác nhược điểm của lãnh đạo Mỹ. Giáo sư Pierre Razoux phân tích :

Washington vẫn còn đang tìm kiếm một chính sách. Hoa Kỳ chưa dứt khóat chọn cách đối phó với Iran. Trong khi đó, chính quyền Iran tỏ ra ôn hoà, chừng mực bởi một điều trớ trêu : thái độ hăm he của Donald Trump có lợi cho Teheran.

Từ 30 năm qua, Teheran luôn phân bua với các nước trong khu vực và với thế giới là vấn đề Trung Đông không do lỗi của Iran mà là do Hoa Kỳ. Những tuyên bố của Donald Trump mỗi ngày càng chứng minh chính ông ấy là một phần của vấn đề. Chủ nhân Nhà Trắng vô tình phục vụ lợi ích ngoại giao cho Iran.

Hơn nữa, sở dĩ Teheran tỏ thái độ chừng mực cũng bởi vì họ đã nếm qua bài học Donald Trump của Iran. Họ từng chịu đựng một Donald Trump trong 8 năm, đó là tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (2005-2013). Ahmadinejad được bầu với một chương trình hành động không khác gì cương lĩnh của Donald Trump. Teheran trình bày với khu vực : Chúng tôi đã có một Donald Trump rồi, đã sống sót được, bây giờ xin được làm chuyện khác.

Nói tóm lại, cựu tổng thống Barack Obama không phải là không có lý khi chủ trương mở trói cho Iran để hạ nhiệt các giáo chủ Shia, từng bị xem là « âm binh », hầu tránh xảy ra một cuộc phiêu lưu quân sự, Iran tấn công Israel chẳng hạn. Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra một khi « âm binh » đã tự do ? « Phù thủy » Mỹ chưa chưa biết sử dụng « pháp thuật » nào.

Theo chuyên gia Pierre Razoux, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis nghĩ đến mô hình NATO với Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh đứng đầu là Ả Rập Xê Út làm cơ sở. NATO « Trung Đông » có vai trò đối trọng với Iran và Nga. Tuy nhiên, khủng hoảng nổ ra trong Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, Qatar bị cô lập, khiến cho kế sách của Lầu Năm Góc khó thực hiện.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét