Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Chủ trương bắt cóc để được gì?

 

Theo phía Đức, ông Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc”, còn theo phía Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh về “đầu thú”. Để giải tỏa dư luận chẳng có gì khó. Cứ cho tổ chức họp báo công khai ngay để ông Trịnh Xuân Thanh tự trả lời các câu hỏi. Còn kéo dài thời gian mới tổ chức họp báo (ví dụ nếu có) thì khác. Khác vì trong thời gian dài đó biết bao nhiêu diễn biến âm thầm và rất phức tạp xảy ra ở hậu trường nên chẳng còn ai tin nữa! Và cơ hội đó đã qua rồi.

Cho dù Hà Nội vừa trình làng hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh cùng với bản “tự thú” viết tay thì cũng không ai tin ông “tự thú” như trên video. Về phía Đức rõ hơn. Họ có lý do để cho rằng chế độ Hà Nội thực hiện vụ bắt cóc đó. Và họ đang tiếp tục điều tra. Phản ứng đầu tiên là trục xuất một nhân viên lo về tình báo thuộc Tòa Đại sứ VN trong vòng 48 tiếng phải rời khỏi lãnh thổ Đức cùng với Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức hôm 02/8/2017. Trong đó nhấn mạnh “Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.”

Sự thật thì không ai bênh vực cá nhân tham nhũng Trịnh Xuân Thanh nên bắt ông để điều tra là việc phải làm nhưng đó là chuyện thuộc nội bộ của đảng, của chế độ. Còn chọn cách bắt cóc khi ông đang lẫn trốn là coi nhẹ danh dự đất nước so với một cán bộ đảng viên tham nhũng. Với cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng cho dù “chống tham nhũng” mà quyết định chọn cách bắt cóc thì chính ông đã không đặt lợi ích của đất nước lên trên. Nói khác đi, ông đang phá hoại nghiêm trọng quyền lợi đất nước về mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế đến xã hội.

Về chính trị thì coi như chế độ của đảng ông đang cai trị là chế độ chủ trương bắt cóc. Về kinh tế thì cả thế giới có thể sẽ xét lại việc có nên tiếp tục làm ăn với một nước đã chủ trương bắt cóc hay không, trong lúc tình trạng đang bi đát, cần rất nhiều tư bản để trả nợ và phát triển. Về xã hội thì nhiều người có ý nghĩ, với tầm vóc ảnh hưởng quốc tế đảng còn coi thường huống gì với cá nhân họ, người đang sống trong nước? Nhân quyền có không?

Nhưng việc bắt cóc đã xảy ra, còn có đánh được tham nhũng hay không thì chưa biết. Chỉ biết bộ mặt chế độ vốn dĩ lem luốc lại càng lem luốc hơn! Bắc Hàn phải chăng là “khuôn mẩu” VN đang bắt chước vì Bắc Hàn đang bất chấp tất cả? Nhưng Bắc Hàn có bom nguyên tử đem ra đe dọa, còn VN có gì ngoài nợ nần như chúa chỗm?

Ngoài những việc trên thì hiện tình đất nước đang rất nguy hiểm. Kinh tế bị Tàu cộng khống chế mọi mặt. Ngay cả việc khai thác tài nguyên biển, thuộc lãnh hải VN, cũng phải ngưng vì bị Tàu cộng áp lực. Đã thế, việc dùng ngư dân như là “chiến sĩ” bảo vệ chủ quyền biển cũng bi đát không kém. Vì đợi khi họ bị giết, thay vì phải bảo vệ, thì chỉ lặp đi lặp lại phản đối sáo rỗng cho cảm tưởng nhà nước dùng cái chết của họ chỉ để tuyên truyền!

Với môi trường sống của người dân thì hàng loạt các công trình gây ô nhiễm nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, vẫn được nhà nước bảo kê! Lại còn tiếp tục xả thải, ví dụ như vụ cả triệu mét khối “vật chất” đã được cấp phép đổ xuống biển và bị dư luận phản đối ầm ĩ vừa rồi. Trong khi đó thì những người dám đứng lên cảnh báo hậu quả, dù rất ôn hòa, cũng bị kết án tù vô tội vạ với những bản án phi nhân. Thảm cảnh do Formosa gây ra vẫn đang sờ sờ trước mắt như là biểu tượng chung của thối nát, tham nhũng, bất kể sinh mạng người dân.

Câu hỏi còn lại là nhà nước có tiếp tục lợi dụng truyền thông đang ầm ĩ về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh để giải quyết những “cái gai” trong mắt đảng, là tiếp tục “bắt nguội” những người yêu nước khác chính kiến, dám vạch trần sự tha hóa của chế độ, dám dấn thân vì tương lai VN hay không?

Nếu đúng thế, thì chuyện đấu đá nội bộ, thanh trừng lẫn nhau cũng là dịp để tìm cách triệt hạ mầm sống của tương lai dân tộc. Lịch sử VN sẽ phải ghi thêm tội ác, vốn đã dày cộm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét