Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Bắt (cóc) một người để hại muôn người !


Phương Thảo (Amsterdam)





Bản Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức phê phán hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam




Theo sau chuyến đi của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Th Kim Ngân đến các nước Thuỵ Điển, Hungary, Cộng Hoà Séc. Ông Phúc đi Đức vì được mời đến Hamburg tham gia hội nghị thượng đỉnh G-20 khi Việt nam may mắn là nước chủ nhà của hội nghị Apec vào tháng 11 năm nay. Ông Phúc cũng đã có chuyến viếng thăm tới Hoà lan. Chuyến đi của ông Phúc và bà Ngân cùng có chung một mục đích “ đẩy mạnh hợp tác về nhiều mặt, thúc đẩy các nước ủng hộ việc sớm phê chuẩn Hiệp định Thương Mại Tụ Do Việt Nam-EU” .


Nếu thông suốt, thì Hiệp định Thương Mại Tư Do Việt Nam-EU ( EVFTA) sẽ được thông qua và năm 2018. Và đây là bước đệm để Việt nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường có nhiều tiềm năng này. Với các ràng buộc có phần không rõ ràng và khác nghiệt như TPP về vấn đề nhân quyền, và Hoa Kỳ đã rút ra khỏi TPP, Việt nam rõ ràng mong đợi nhiều vào EVFTA để có thể thúc đẩy nền kinh tế và đảm bảo cho được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm nếu có thể có được EVFTA để tăng cường xuất khẩu vào thị trường EU với nền kinh tế có giá trị 11.885 tỷ đô la.



Đức là quốc gia nhập khẩu 1/5 các sản phẩm của Việt nam xuất qua châu Âu; giá trị thương mại song phương Đức - Việt nam lên đến 9 tỷ đô la. Đức là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khối EU. Không chỉ là dẫn đầu về kinh tế, tiếng nói của Đức có trọng lượng vô cùng to lớn ở châu Âu cũng như trên thế giới. Có thể nói Đức là cửa ngõ vô cùng quan trọng để Việt nam vào châu Âu. Nhưng cánh cửa này đã tạm thời khép lại.



Sao mà dễ tới vậy?



Nếu ở Mỹ, Úc, Canada thì có lẽ mật vụ Việt nam đã không thể nào bắt cóc người và mang ra khỏi nước họ mt cách dễ dàng như vậy vì an ninh được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả cửa khẩu.



Ở Đức và các nước thành viên EU kiểm tra cửa khẩu khá lỏng lẻo nên việc qua lại ở khỏi biên giới các quốc gia này dễ như trở bàn tay. Thậm chí nhiều khi ngồi trên xe không để ý kỹ còn không biết đã lái xe vượt qua biên giới từ lúc nào. 



Không có trạm kiểm tra giấy tờ, không có công an biên phòng làm việc nên mới có chuyện người Việt có thể đi từ Việt nam sang Nga rồi từ đó dùng đường bộ thâm nhập vào các quốc gia châu Âu. Tuy có khó khăn, bị bắt bớ nhưng đã có rất nhiều người đi trót lọt để sang tận Đức, Tiệp, hay cả Anh để tham gia đội quân làm việc bất hợp pháp ở các trang trại trồng cần sa, tiệm móng tay hay nhà hàng châu Á.



Cảnh sát biên phòng chỉ để ý kiểm soát các xe đi vào địa phận của họ mà ít khi để ý đến xe đi ra khỏi nước để sang một nước khác. Nhất là nếu có sử dụng xe biển số ngoại giao thì lại chẳng có ai nghĩ là có người bị bắt cóc trên xe để mà chận lại lục soát. Đó là kẽ hở của các quốc gia châu Âu vốn luôn tuân thủ mọi luật lệ bị những ai coi thường luật pháp lạm dụng. 



Một khi đã đi ra khỏi biên giới Đức, công an Việt nam có thừa tiền và quan hệ để mang ông Thanh về Việt nam bằng máy bay riêng mà không ai dòm ngó hay đặt câu hỏi.



Ngư ông nào đắc lợi?



Ông Phúc đã đề cập đến việc dẫn độ tội phạm về Việt nam trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong tháng 6 vừa qua. Sự việc chưa ngã ngũ vào đâu, ông Phúc về nhà còn chưa nóng ghế sau khi phấn khởi với một số các hợp đồng kinh tế trị giá 1,7 tỷ đô la thì chính quyền Việt nam đã qua mặt chính quyền Đức ngang nhiên bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh về nước.



Người Đức vốn được xem là những người tuân theo luật lệ, quy củ nhất châu Âu thì việc làm phạm luật và xem thường quan hệ ngoại giao của mật vụ Việt nam tại Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh được xem là một cái tát vào mặt của họ. Hành động này không chỉ đơn thuần là hành động vi phạm luật hình sự mà là sự phá vỡ lòng tin - một giá trị mà các quốc gia phương tây luôn coi trọng



Sự việc xảy ra làm tổn hại trầm trọng đến quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt nam. Một chi tiết quan trọng mà chính phủ Việt nam không phải không biết đến khi liên tục cho dàn lãnh đạo cấp cao đi vận động hành lang ở hầu khắp các quốc gia EU vì nếu chỉ cần một quốc gia trong số 28 thành viên không đồng ý, thì công sức vận động cho EVFTA của Việt nam coi như đổ sông đổ biển.



Thế nhưng họ lại liều lĩnh thực hiện phi vụ bắt cóc như mafia để thoả mãn yêu cầu chống tham nhũng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, người được cho cùng với Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Xuân Lịch đã khuỵu gối khuất phục Trung Quốc về dàn khoan dầu ở ngoài khơi Vũng tàu. Việc mang Trịnh Xuân Thanh về Việt nam để “đầu thú” có thể được xem là thông tin nóng để lái công luận ra khỏi vụ việc Việt nam nhục nhã khuất phục Trung quốc ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt nam.



Ông Trọng đã quá say men chiến thắng với việc Repsol phải thôi việc khoan thăm dò nên quyết tâm đốt cho bằng hết củi tươi lẫn củi khô mà đích đến, không nói ra thì ai cũng biết, là triệt cho tận gốc đồng chí X.



Để thỏa mãn toan tính cá nhân,nước cờ lần này của ông Trọng đã và sẽ làm cho Việt nam trả giá không chỉ về mặt ngoại giao mà còn về kinh tế và chính trị.



Ổng Trọng dĩ nhiên sẽ không ra mặt xin lỗi nước Đức sau vụ tự bôi nhọ vào mặt nhà cầm quyền Việt nam. Uy tín của Việt nam sẽ không dễ gì lấy lại được. EVFTA có lẽ còn khó hơn hái sao trên trời một khi Đức bảo lưu quyền áp dụng thêm các hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển.

Và ai sẽ là ngư ông đắc lợi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét