Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Trung Quốc ‘gần hoàn tất’ các căn cứ quân sự tại Trường Sa

Ngô Đồng



                                     Trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Đồng Nai.



Không ảnh mới chụp giữa Tháng 6-2017 cho thấy các cơ sở và tòa nhà quân sự của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo khổng lồ họ bồi đắp tại quần đảo Trường Sa gần hoàn tất.



Một mặt, Bắc Kinh nói khu vực Biển Đông hoàn toàn hòa bình yên tĩnh, đả kích các “thế lực ngoài khu vực” cố tình kích động cho nổi sóng. Mặc khác, những gì họ đang ráo riết tiến hành, biến những bãi san hô thành những căn cứ quân sự tối tân, khống chế cả khu vực thì không ngừng nghỉ một giây.



Theo một bản tường trình cuối Tháng Sáu của bộ phận Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Hoa Thịnh Đốn, cứ cách ít ngày là người ta lại thấy có thêm những cơ sở mới được hoàn tất và các trang bị quân sự sẵn sàng sử dụng.



Nhà chứa hỏa tiễn, các cơ sở truyền tin, viễn thông, radar và các cơ sở hạ tầng trên ba đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Su Bi nhìn thấy qua các tấm không ảnh cho người ta thấy rằng trong khi các cuộc đàm phán cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử đang diễn ra, Trung Quốc vẫn nhất định phát triển các căn cứ quân sự tại Trường Sa, nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực.



Theo AMTI, đảo Chữ Thập tiếp tục là căn cứ quy mô và tân tiến nhất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Tháng Hai vừa qua, AMTI đã thấy 8 nhà chứa được kiên cố hóa với mái che kéo dài ra, co lại được ở cả ba đảo nói trên mà người ta tin sẽ là các vị trí đặt các giàn hỏa tiễn. Trong vòng ba tháng trở lại đây, Trung Quốc làm thêm 4 nhà chứa như vậy trên đảo Chữ Thập nhưng chưa thấy tại các đảo Vành Khăn và Su Bi.



Tại đảo Vành Khăn, Trung Quốc đã tạo dựng được một mạng lưới viễn thông và radar rất lớn. Một hệ thống an-ten rất lớn thấy xuất hiện góc phía nam của đảo. Người ta tin rằng nó giúp họ nâng cao khả năng theo dõi các hoạt động ở khu vực. Khả năng này đặc biệt đáng để chính phủ Manila quan tâm vì đảo nhân tạo Vành Khăn tương đối gần với các khu vực Palawan, Reed Bank và Second Thomas Shoal.



Thêm nữa, một vòm radar lớn mới đây thấy được thiết trí trên một tòa nhà ở mặt phía nam của đảo Chữ Thập, chứng tỏ đây là một hệ thống radar hay viễn thông tầm cỡ lớn. Một tòa nhà tương tự cũng đang được xây dựng mặt phía bắc của đảo Chữ Thập trong khi hai tòa nhà khác tương tự ở đảo Vành Khăn.



Một vòm radar nhỏ hơn được dựng trên một tháp gần nhà chứa hỏa tiễn cho hiểu là nó có thể kết nối với các radar của các hệ thống hỏa tiễn được bố trí tại đó.



Cuối cùng, hoạt động xây dựng đang tiến hành các cấu trúc ngầm dưới lòng đảo, mỗi đảo có 4 cấu trúc, có vẻ như chúng được dùng làm kho đạn hoặc cất giữ những thứ thiết yếu. Các cấu trúc lớn chôn ngầm dưới lòng đảo được cho là các nơi trữ nước ngọt và nhiên liệu, theo một bản tường trình gần đây của Ngũ Giác Đài.



Hồi Tháng Ba 2017, AMTI từng báo động, các hoạt động xây dựng các cơ sở , các giàn radar, hệ thống viễn thông, phi đạo tại ba đảo nhân tạo Chữ Thập, Vành Khăn và Su Bi coi như hoàn tất. Họ có thể điều động máy bay, hỏa tiễn, và các trang bị viễn thông, các loại võ khí đến đây bất cứ lúc nào.



Tháng 5-2014, vào lúc dư luận thế giới chú ý vào cuộc đối đầu trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc khi Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương HD-981 tới khoan tìm dầu khí ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã được các tàu nạo hút cá đá lòng biển, bồi đắp một loạt 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ.



Việt Nam thế yếu nước nhỏ, chỉ đưa ra các lời tuyên bố chủ quyền suông trong khi Bắc Kinh tiến hành kế hoạch khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông từ các căn cứ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.



Phi Luật Tân kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng Tài Quốc Tế và phán quyết của Tòa hồi Tháng 7 năm ngoái phủ nhận tuyên bố chủ quyền “Lưỡi Bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.



Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết dù cũng là một trong những nước ký vào Bản Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) như Việt Nam và Phi Luật Tân.



Với phi đạo tại cả Hoàng Sa và Trường Sa, các phi cơ chiến đấu, cảnh báo sớm và tuần thám của Trung Quốc có thể hoạt đồng gần như bao trùm cả Biển Đông. Các hệ thống radar và các hệ thống cảnh báo sớm đặt tại các đảo nhân tạo ở Trường Sa và ở quần đảo Hoàng Sa cũng có khả năng tương tự.



Năm ngoái, người ta đã thấy Trung Quốc bố trí hai đơn vị hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9 trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Người ta tin rằng chúng cũng sẽ được đưa tới bố trí trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét