Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Chính phủ Việt Nam 'trả nợ' cho Đạm Ninh Bình?

BBC Tiếng Việt



          Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư 


Một chuyên gia kinh tế nói trong việc nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 3.058 tỷ đồng, Chính phủ Việt Nam bảo lãnh khoản vay từ Trung Quốc nên phải có "trách nhiệm cuối cùng về thanh toán nợ".
 Truyền thông Việt Nam cho hay nhà máy Đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 3.058 tỷ đồng, xin ngân hàng Eximbank Trung Quốc chậm trả nợ và nơi này cho biết "người chịu trách nhiệm trả nợ không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ Việt Nam".

Dự án Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng, nằm tại tỉnh Ninh Bình, theo VnEconomy.

Trong dự án này, Eximbank Trung Quốc cho vay Vinachem 250 triệu USD, với lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc.

VnEconomy tường thuật, Bộ Tài chính Việt Nam yêu cầu: "Vinachem tập trung mọi nguồn lực của tập đoàn để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017, để không làm ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ".

Hôm 3/7, trả lời BBC từ Đại học Strasbourg, Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú cho hay: "Đạm Ninh Bình là dự án do một doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100%. Các khoản nợ vay, nhất là đối với Eximbank Trung Quốc là do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh, do đó trách nhiệm cuối cùng về thanh toán nợ là của chính phủ."

"Chính vì vậy mà Chính phủ đã có yêu cầu Vinachem cố gắng trả nợ đúng hạn, để không ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ."

"Tuy nhiên, đây là cách nói tu từ, vì cuối cùng Chính phủ Việt Nam sẽ tìm mọi cách để trả nợ đúng hạn cho Trung Quốc, dù đang ở trong bối cảnh nợ công, nợ xấu rất cao."
'Vấn đề chung'

"Theo như tôi biết, việc Đạm Ninh Bình thua lỗ có yếu tố khách quan từ thị trường (giá vật liệu tăng...), nhưng cũng có yếu tố do nhà máy không hoạt động đúng công suất và không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật thiết kế."

"Phần này liên quan đến công ty HQC, tổng thầu xây dựng nhà máy."

"Tuy nhiên, không biết là Đạm Ninh Bình và Vinachem có yêu cầu bồi thường gì trong hợp đồng hay không."

Chuyên gia nói thêm: "Việc Đạm Ninh Bình thua lỗ cho thấy vấn đề chung của các doanh nghiệp nhà nước: lập dự án, vay vốn nước ngoài, dự án xây dưng nhà máy hoàn thành nhưng không đúng yêu cầu, hoạt động thua lỗ và cuối cùng là xin nhà nước can thiệp để giảm lỗ (can thiệp về vốn hoặc thuế). Nhưng cuối cùng thì cũng sẽ làm ảnh hưởng lên ngân sách nhà nước và nợ công, nhất là nợ nước ngoài."

"Việc Eximbank Trung Quốc nói nợ của Đạm Ninh Bình là do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh giống như vụ 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, trong đó có Tập đoàn dầu khí."

"Hơn nữa, đến nay cách tính nợ công của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng."

"Trong nợ công, phải tính đến các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước, mà cuối cùng là do chính phủ bảo lãnh."

"Như vậy cần phải minh bạch là nợ công của Việt Nam hiện nay là bao nhiêu, trong đó có tính đến nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh hay chưa?"

"Theo tôi tìm hiểu, nợ công đã vượt trần quy định (65% GDP) rất xa.

Năm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP-Reuters

"Việc để nợ công quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế, có nguy cơ vỡ nợ."

"Các khoản nợ nước ngoài này nếu cộng dồn lại đều là những nghìn tỷ đồng và đều do Chính phủ Việt Nam bảo lãnh hết."

Trong một diễn biến khác, tờ Nikkei Asian Review cho hay trước mức trần nợ công, chính phủ Việt Nam đang phải vật lộn để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho các dự án hạ tầng, tìm kiếm các nhà tài chính sẵn sàng rót vốn cho khu vực tư nhân.

"Chính phủ Việt Nam có những kỳ vọng cao đối với đầu tư của Nhật. Tuy nhiên, nhiều công ty Nhật không tỏ vẻ mặn mà, đưa ra một số yêu cầu cho chính phủ và doanh nghiệp nhà nước sở hữu. Cải cách là yêu cầu bắt buộc đối với Việt Nam để thu hút các khoản tiền cần thiết," tờ báo viết.

"Cán cân nợ công của Việt Nam đã ở mức 64,7% GDP vào cuối năm 2016, cao nhất khu vực Đông Nam Á, tương đương với Lào, và sát ngưỡng 65% mà chính phủ tự áp mức trần."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét