Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Dịch vụ y tế và giáo dục tăng giá như phi pháo, tại sao và đến bao giờ?

Theo Vũ Quang Việt (Diễn Đàn)




Lâu lắm không để ý đến vấn đề giáo dục và y tế, nhưng thật bất ngờ khi xem chỉ số giá năm tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ 2016. Dịch vụ y tế tăng giá 66,6%, còn dịch vụ giáo dục tăng 11,6% trong khi chỉ số giá tiêu dùng nói chung, hay lạm phát, chỉ tăng 4,5%. Tôi thấy có lý do phải xem xét tình hình tăng giá của hai khu vực này như thế nào, kể từ năm 2007, là năm đỉnh cao của kinh tế Việt Nam trước khi GDP giảm tốc độ tăng.


Bảng 1. Chỉ số giá y tế, giáo dục, và CPI so với năm trước
Ghi chú: a) Nguồn: Tổng cục thống kê, b) số liệu kể từ năm 2012 trở đi là số liệu chỉ tính cho dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục, trước đó bao gồm cả chi phí vật chất như thuốc, c) toàn bộ là chỉ số trung bình năm, riêng 2017 là trung bình 5 tháng,
Số liệu trên bảng 2 cho thấy trong 10 năm nay tính từ năm 2007, giá dịch vụ y tế tăng gần 6 lần, giá dịch vụ giáo dục tăng gần 3 lần trong khi giá cả nói chung chỉ tăng hơn 2 lần. Và mức tăng giá hai khu vực thiết yếu này cũng cao hẳn so với mức tăng GDP bình quân đầu người hơn 3,2 lần khi tính theo giá hiện hành. Nói khác đi tính từ năm 2007, người dân phải trả chi phí cho y tế tăng gấp hai lần so với thu nhập đầu người (chỉ có thể tính theo GDP mà đáng lẽ phải tính theo thu nhập lương) và chi trả cho giáo dục tăng cùng nhịp với GDP.
Có thể xem chi tiết hơn một chút dựa vào bảng 1 là giá dịch vụ y tế tăng đột biến kể từ năm 2013, tăng cực mạnh trên 60% vào năm 2013, 2017, còn năm 2016 tăng 38%. Giá dịch vụ giáo dục thì tăng từ tốn hơn, thường trên 10% một năm.
Theo tôi hỏi thì hiện nay Việt Nam đang có chính sách điều chỉnh phí y tế và giáo dục, để xóa bỏ bù lỗ. Tăng phí y tế thì có thể hiểu được nhưng việc tăng phí giáo dục thì cần xem xét đến ảnh hưởng của nó tới số phận trẻ em nhà nghèo, bởi vì chính sách của bất cứ nước nào, dù tư bản hay không tư bản, đều có luật giáo dục cưỡng bách, và do đó bảo đảm học miễn phí cho mọi trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành. Còn về y tế, dù tăng cũng vẫn xem xét mức chịu đựng của người dân trên cơ sở mức lương.
Tuy không trả lời thẳng được những câu hỏi trên, ta cũng vẫn có thể xem xét tình hình chi phí giáo dục và y tế hiện nay về tỷ trọng (%) trong chi tiêu của người dân ở VN và so sánh với nước khác.
Theo thống kê của Thống Cục Thống kê, trong Bảng Vào ra năm 2007, tỷ trọng chi tiêu của người dân, tự bỏ tiền túi, không kể chi của ngân sách, dành cho giáo dục là 5,8% cho y tế là 3,5%. Vì không có số liệu cho những năm gần đây, nên có thể dùng tỷ trọng theo giá cố định để tính tỷ trọng chi tiêu của người dân theo giá trên thị trường hàng năm như thế nào, chỉ dựa vào sự thay đổi của giá cả.
Kết quả tính ở bảng 3 cho thấy tỷ trọng (%) chi cho cả hai dịch vụ giáo dục và y tế từ túi người dân trong chi tiêu thường xuyên cho đời sống tăng rất đáng kể từ 9.3% chi tiêu lên tới 17% năm 2017. Chi tiêu cho y tế như đã nói tăng vọt từ 3,5% lên 9,4%. Cũng phải nói rõ thêm, có thể để đối phó với tình trạng trên, nhiều gia đình phản ứng bằng cách không cho con đi học, hoặc dù có bệnh cũng tránh đi bác sĩ nhà thương để giảm tỷ lệ chi tiêu trên xuống. Hiện nay chưa có thống kê điều tra để biết được tình trạng này như thế nào.
Bảng 3. Tỷ trọng (%) trong chi tiêu của người dân cho giáo dục và y tế
So sánh với một nước giàu như Mỹ, nhưng dân phải tự bỏ tiền túi ra cao nhất so với các nước phát triển cao khác, cho ta thấy tình hình ở VN. Theo điều tra chi tiêu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, một đơn vị gia đình Mỹ tiêu trung bình 55 978 USD một năm, và chi phí cho y tế 4 342 USD và giáo dục 1315 USD. Chi tiêu này dựa vào điều tra thẳng từ hộ gia đình nên chỉ gồm chi thẳng từ tiền túi, không gồm chi y tế do bảo hiểm hay các quĩ xã hội nhà nước trả. Nếu tính tất cả chi từ mọi nguồn (từ tiền túi, nhà nước và bảo hiểm) thì chi tiêu này lên tới 9 451 USD (OECD), hơn gấp đôi chi từ tiền túi.
Như thế, ở Mỹ tỷ trọng chi trong tổng chi từ tiền túi của người dân cho y tế là 7,7%, giáo dục là 2,3% và tổng cộng là 10,1%.
So ra, tỷ trọng tự chi cho y tế và giáo dục ở Việt Nam là 17% trong tổng chi đã vượt xa Mỹ, một nước không phải xã hội chủ nghĩa, và cả từng mục cũng vượt xa Mỹ, đặc biệt là giáo dục. Như thế, rõ ràng là tình trạng tăng giá hiện tại không phải chỉ có mục đích điều chỉnh để tiến tới việc tự tiêu tự trả.
Vấn đề đặt ra là với chi tiêu bị tăng như thế, chất lượng của y tế và giáo dục ở VN có hơn trước không?
Câu trả lời có lẽ là chất lượng giảm hoặc không tăng. Còn người dân phản ứng như thế nào khi giá tăng? Họ có thể hạn chế đi chữa bệnh hoặc cho con đi học nhất là ở cấp phổ thông để giảm tỷ trọng chi cho hai khoản trên? Thống kê cho thấy số học sinh trung học cơ sở và phổ thông hiện nay giảm chỉ còn bằng khoảng 80% so với năm 2006, nhưng đây có thể là do yếu tố giảm dân số trong độ tuổi đi học trung học (11-17 tuổi). Nhiều câu hỏi như thế cần có thông tin cụ thể mới có thể trả lời được.
Chú thích của Người đánh máy : Do sai sót nghiệp vụ của bản chức, bài đưa lên hôm qua thiếu hai tấm biểu đồ và hai đường dẫn, đây là bản cập nhật (2.6.2017), xin tác giả và bạn đọc vui lòng thứ lỗi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét