Biên dịch: Dương Thị Thùy Trang | Hiệu đính: Nguyễn Huy
Hoàng
Nguồn: Mark K. Updegrove, “Lyndon Johnson’s Vietnam,” The
New York Times, 24/02/2017.
Tại sao một vị tổng thống dù hiểu rõ những rủi ro nhưng vẫn lao vào một cuộc chiến không thể thắng?
Sáng ngày 27 tháng 5 năm 1964, chỉ hơn hai tháng trước khi
Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ được Quốc hội thông qua, cho phép Nhà Trắng nắm quyền chỉ
huy quân đội để làm những việc cần thiết ở Đông Nam Á, Tổng thống Lyndon B.
Johnson đã gọi hai cuộc điện thoại.
Cuộc đầu tiên, được nhật ký điện thoại ghi nhận lúc 10:55,
là với thượng nghị sĩ Richard B. Russell thuộc Đảng Dân chủ của tiểu bang
Georgia, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện. “Ông nghĩ sao về vấn đề Việt
Nam?” Johnson hỏi thượng nghị sĩ, một người bạn và cũng là người cố vấn lâu
năm. “Tôi muốn nghe ông nói chuyện một chút.”
“Thành thật mà nói, thưa Tổng thống,” Russell trả lời, “nếu
ngài định nói với tôi rằng tôi được giao thẩm quyền xử lý việc này theo cách mà
tôi thấy thích hợp, thì tôi xin kính cẩn mà khước từ. Nó là mớ hỗn độn kinh khủng
nhất mà tôi từng thấy.”
Chưa đầy nửa tiếng sau, lúc 11:24, Johnson gọi cho McGeorge
Bundy, cố vấn an ninh quốc gia của ông. “Tôi nói ông nghe, càng.. – tôi đã thức
cả đêm qua để suy nghĩ về chuyện này – càng suy nghĩ về nó… tôi càng thấy nó giống
như chúng ta đang đi vào một Triều Tiên khác,” ông nói với giọng tiên tri. “Tôi
không nghĩ nó đáng để chúng ta chiến đấu và tôi không nghĩ chúng ta có thể rút
lui. Nó đúng là mớ hỗn độn lớn nhất.”
Tổng thống nói tiếp, “Việt Nam đáng cái quái gì với tôi?… Nó
đáng gì với đất nước này?… Tham chiến thì quá dễ, nhưng đã vào rồi thì vô cùng
khó mà rút chân ra được.”
Hai cuộc gọi cách nhau chưa đến nửa tiếng đồng hồ này đã nói
lên tất cả những gì cần nói về cuộc khủng khoảng sẽ sớm chôn vùi nhiệm kỳ tổng
thống của Johnson. Câu hỏi là, vì sao một vị tổng thống dù hiểu hết những chuyện
này – và có những người khác xung quanh để nhắc ông khỏi quên – nhưng vẫn đưa đất
nước vào một cuộc chiến tàn khốc?
Công bằng mà nói, Johnson đã thừa hưởng một mớ hỗn độn. Sau
khi Pháp rời khỏi Việt Nam năm 1954 và đất nước bị chia cắt, Dwight D.
Eisenhower và sau đó là John F. Kennedy đã đưa hàng tỷ đô la viện trợ và cố vấn
đến hỗ trợ chính quyền miền Nam Việt Nam của Ngô Đình Diệm. Chế độ yếu kém của
Diệm cần tiền để đối đầu với cuộc nổi dậy của Việt Cộng, một lực lượng du kích
được viện trợ bởi Hồ Chí Minh của miền Bắc, người nung nấu ý định thống nhất Việt
Nam. Đó là một kết cục mà người Mỹ không thể chấp nhận. Theo cái gọi là thuyết
domino, chiến thắng của cộng sản ở Việt Nam chắc chắn sẽ lan rộng khắp khu vực.
Vậy mà Việt Nam vẫn là một vấn đề tiếp tục mưng mủ. Với sự ủng
hộ ngầm của chính quyền Kennedy, một cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra vào ngày 1
tháng 11 năm 1963, dẫn đến vụ ám sát Diệm.
Đó là một động thái khiến Johnson có những mối nghi ngại sâu
sắc. “Tôi không tin vụ ám sát là chính đáng,” sau này ông nói. “Họ là những người
tàn nhẫn. Hồ Chí Minh cũng thế. Nhưng tôi muốn nói là trong khi chúng ta luôn
khoác lác về các quyền tự do, thì chính phủ Mỹ lại tàn nhẫn dung thứ cho vụ ám
sát bởi vì anh [chính quyền Kennedy] không chấp nhận một triết lý chính trị.”
Dù vậy, sau vụ ám sát Kennedy, Johnson lại lập tức đâm đầu vào Việt Nam. “Trong
những ngày đầu ấy,” ông nhớ lại, “Việt Nam đứng đầu trong chương trình nghị sự,
trước cả khi các nguyên thủ nhà nước đến viếng đám tang [Kennedy] về tới nhà.”
Sự nhiệt tình ấy có thể được lý giải một phần bởi con người
ông, và một phần bởi thời đại mà ông sống. Không như những người tiền nhiệm Đảng
Dân chủ trong Chiến tranh Lạnh, Harry S. Truman và Kennedy, Johnson không thiên
về nghiên cứu lịch sử mà thiên về bản tính con người. Ở đó ông chú ý và nắm bắt
những điểm yếu và những sự nhu nhược của những người xung quanh mình trong hành
lang quyền lực, giống như cách loài chó cảm nhận được sự sợ hãi, thường là khai
thác chúng để giành lấy lợi ích chính trị.
Từ khi đến Washington vào năm 1934, Johnson đã rút ra bài học
từ những sai lầm làm thay đổi thế giới của các nguyên thủ quốc gia, đặc biệt là
những sai lầm mà ông tin là xuất phát từ sự yếu đuối. Trong nhiệm kỳ hạ nghị sĩ
đầu tiên của Johnson, vào năm 1938, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã nhượng
bộ Hitler với niềm tin rằng mình đang đem lại “hòa bình cho thời đại của chúng
ta” cho người dân, trong khi thực ra lại đang cho phép Đức chiếm đóng Tiệp Khắc
và xâm lược Ba Lan mà không bị cản trở, để rồi Thế chiến II bùng nổ.
Khi chiến tranh tàn lụi, Franklin D. Roosevelt, bằng cách
không rắn tay hơn với Stalin trong Hội nghị Yalta – nơi các nhà lãnh đạo phe Đồng
Minh nhóm họp để thảo luận về số phận của thế giới hậu chiến – đã mở cánh cửa
cho sự thống trị của Liên Xô tại Đông Âu và những nỗ lực của Liên Xô nhằm mở rộng
tầm ảnh hưởng của họ trên toàn cầu.
Truman, người kế nhiệm Roosevelt, trong khi vẽ ra những đường
ranh táo bạo trong Chiến tranh Lạnh thông qua một chính sách ngăn chặn nghiêm
ngặt, đã đưa quân đội vào Triều Tiên mà không chuẩn bị đầy đủ cho những gì đang
chờ trước mắt khi sự ủng hộ của người dân Mỹ suy giảm. Lần đầu tiên một cuộc
chiến tranh của Mỹ kết thúc với một kết quả hòa. Đồng thời, Đảng Cộng hòa đã chỉ
trích Truman một cách gay gắt khi các nhà cách mạng cộng sản do Mao dẫn đầu
giành được Trung Quốc trong khi Hoa Kỳ nhắm mắt làm ngơ. Cuộc tranh luận “Ai
đánh mất Trung Quốc?” quét qua Washington sau đó không hẳn là một câu hỏi mà là
một bản cáo trạng của Đảng Cộng hòa đối với Truman và Đảng Dân chủ.
Trong suốt tám năm Eisenhower ở Nhà Trắng, trong khi Johnson
là lãnh đạo phe thiểu số và sau này là lãnh đạo phe đa số của Thượng viện, nước
Mỹ được xác định bởi vị thế địa chính trị của nó so với Liên Xô. Bất kỳ thắng lợi
nào của Liên Xô – một quốc gia nào đó rơi vào tay chế độ cộng sản, một công dân
Mỹ đi theo những tình cảm cộng sản – đều là bằng chứng cho thấy Hồng quân đang
gõ cửa Hoa Kỳ, sinh ra thuyết domino ở nước ngoài và chủ nghĩa McCarthy ở trong
nước. Nỗi sợ đúng là động lực tuyệt vời.
Năm 1957, khi Liên Xô cho cả thế giới thấy khả năng vượt trội
của họ trong ngành khám phá vũ trụ với Sputnik, một vệ tinh không lớn hơn quả
bóng chuyền bãi biển, Johnson là chất xúc tác để cải thiện những nỗ lực vũ trụ
kém cỏi của Mỹ. Như ông hỏi một cách cường điệu: “Người Mỹ muốn gì, ngủ dưới
ánh trăng cộng sản hay sao?”
Năm 1959, khi nhà độc tài quân sự được Mỹ chống lưng của
Cuba, Fulgencio Batista, bị quân du kích của Fidel Castro lật đổ, đưa chủ nghĩa
cộng sản đến bán cầu Tây, Johnson tin rằng chính quyền Eisenhower đã không hành
động đủ để ngăn chặn cuộc nổi dậy. “Ike [tức Eisenhower – NHĐ] chỉ ngồi đó và để
bọn họ cướp lấy nó bằng vũ lực,” ông nói sau này.
Kennedy cũng tham gia với vai trò ứng cử viên tổng thống vào
năm 1960, khai thác nỗi sợ của người Mỹ về khoảng cách tên lửa hạt nhân với
Liên Xô, không hẳn là một thực tế mà là một chiến thuật tranh cử đủ hiệu quả để
đưa ông vào Nhà Trắng với khoảng cách phiếu ít ỏi nhất. Diễn văn nhậm chức của
Kennedy – “Chúng ta sẽ trả bất kỳ giá nào, chịu đựng bất kỳ gánh nặng nào, đối
đầu bất kỳ khó khăn nào, ủng hộ bất cứ bạn bè nào, chống lại bất kỳ kẻ thù nào,
để đảm bảo sự sống còn và thành công của tự do” – là lời cổ vũ cho Chiến tranh
Lạnh. Nhưng ông đã sớm vấp ngã với việc ủng hộ một cuộc tấn công quân sự vụng về
nhằm vào Cuba ở Vịnh Con Lợn. Lấy nỗi ô nhục của Kennedy làm động lực, một năm
rưỡi sau Liên Xô đã đưa Mỹ tới bờ vực chiến tranh hạt nhân khi tàu Mỹ chặn tàu
Liên Xô đưa đầu đạn hạt nhân vào Cuba.
Johnson đã thấy trong ba thập niên ở Washington rằng sự yếu
đuối không bao giờ được đền đáp. Khi nói về Việt Nam, “Chúng ta sẽ không có bất
cứ người nào mang ô nữa,” một lời ám chỉ Chamberlain bất hạnh, và thông điệp của
ông rất rõ ràng: Mỹ sẽ chiến đấu với Hồ Chí Minh và Việt Cộng theo cách mà
Chamberlain đã không chiến đấu với Hitler và chế độ Quốc xã. Đối với vị tổng thống
thứ 36, Việt Nam đã bắt đầu không còn là một cuộc xung đột mà ông quyết tâm
giành chiến thắng nữa mà là một cuộc chiến mà ông không thể để thất bại.
Lyndon Johnson không phải là vị tổng thống đầu tiên để thua
một cuộc chiến – càng không phải là với cộng sản. Nhưng những gì bắt đầu như một
phản xạ để hỗ trợ chính sách của Kennedy trong khu vực, được Quốc hội, nội các,
và quốc gia ủng hộ áp đảo, theo thời gian lại trở thành cuộc khủng hoảng trung
tâm của nhiệm kỳ tổng thống Johnson.
Cuối cùng, bất chấp sự lo ngại mà ông thể hiện trước đó vào
mùa xuân năm 1964, Việt Nam quả thật đã có ý nghĩa gì đó với Johnson. Điều đó
trở nên rõ ràng với việc quân đội Mỹ leo thang can thiệp vào cuộc chiến, bắt đầu
từ năm 1965. Nếu Johnson đã đánh cược hầu hết nhiệm kỳ tổng thống của mình vào
chương trình Great Society – dân quyền, trợ cấp liên bang cho giáo dục,
Medicare, Medicaid, cải cách nhập cư – thì ông đã chồng tất cả những đồng tiền
cược đó lên nhau một cách tai hại đằng sau cuộc chiến ở Việt Nam. Và, đúng như
ông đã tiên đoán, ông nhận ra mình gần như không thể “rút chân” được nữa một
khi đã lún quá sâu.
Mark K. Updegrove, giám đốc Thư viện và Bảo tàng Lyndon
Baines Johnson ở Austin, Texas, là tác giả cuốn Indomitable Will: LBJ in the
Presidency.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét