Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

A Bê Xê hay A Bờ Cờ...

Lê Học Lãnh Vân



Hiện đang rộ trên Facebook các status và bình luận (comment) về cách đọc tên các mẫu tự la-tinh. Nên đọc tên các mẫu tự A, B, C… là A, Bê, Xê hay A, Bờ Cờ…?

Đề tài này có cái hay là làm những người tham gia cười sảng khoái. Tuy nhiên, khi đọc chuỗi các bình luận tiếp nối nhau trong các status khác nhau thì tôi nhận ra rằng trong các “mua vui cũng được một vài phút" đó có những điều khá căn bản nên được để tâm suy nghĩ…

1) Có nhều người có hiểu biết, nhưng không có “thẩm quyền” lắm vì không phải là chuyên gia. Do đó ý kiến đưa ra chưa thuyết phục đươc nhiều người. Nếu có ai thắc mắc về cách đọc tên theo cách nào mới đúng thì nên nêu lên với nơi có thẩm quyền như một viện ngôn ngữ, hay khoa ngôn ngữ của một trường đại học, hay một chuyên gia… và những nơi này, những vị này sẽ trả lời trên tinh thần học thuật. Câu trả lời góp phần vừa làm sáng tỏ vấn đề, vừa chuẩn hóa cách phát âm, và do đó hòa giải các thắc mắc và tranh cãi, vừa nâng cao dân trí thông qua các thảo luận mở như vậy…

Tôi còn nhớ khoảng năm 1990 bên Pháp có một luận án tiến sĩ về các lỗi về cách đặt câu và cách dùng từ (nghĩa là về văn phạm và tự vựng) trong các văn bản công quyền chính thức của Pháp. Những lỗi của tổng thống F. Mitterand được nêu ra, và ông đã cám ơn người viết luận án đó.

Ông Mitterand là một nhà trí thức và nhà chính trị lớn của Pháp, ông không hề mặc cảm vì những lỗi đó, và cũng không có người nào cười chê ông. Ở tầm một nguyên thủ, ông quan tâm tới những chính sách của đất nước, những giá trị cao đẹp của xã hội, còn các điểm kia thì ông nghe theo ý kiến của nhà chuyên môn có thẩm quyền.

2) Từ đó, mở rộng hơn đề tài, có thể thấy vai trò của các viện nghiên cứu về học thuật, trên các ngành chuyên môn khác nhau, là quan trọng biết bao nhiêu! Không chỉ chuẩn hóa cách phát âm,cách gọi tên, mà rộng hơn là chuẩn hóa các định nghĩa, các khái niệm… Sự chuẩn hóa như vậy khiến các thành viên trong xã hội có cùng cách hiểu về một từ (nhất là một từ trừu tượng, triết học), một điển tích, một tư tưởng… và điều này giúp vào sự tranh luận.

Xin thưa rằng sự chuẩn hóa khác với sự định hướng. Sự chuẩn hóa đơn vị đo lường giúp phát triển giao thương, tương tự, sự chuẩn hóa các định nghĩa, khái niệm… giúp vào tự do học thuật. Thật khó mà tưởng tượng người ta có thể thảo luận, tranh luận về một đề tài khi các định nghĩa và khái niệm có liên quan được hiểu khác nhau!

3) Nếu mở rộng đề tài hơn nữa, chúng ta có thể thấy để các nơi có thẩm quyền học thuật có thể phát biểu ý kiến của mình thẳng thắn và chỉ dựa trên nền tảng học thuật, các nơi đó cần có tính độc lập và tự chủ của mình. Tôi còn nhớ nụ cười rộng mở của tổng thống Mitterand khi cám ơn cô sinh viên làm luận án.

Nếu nước Pháp không có truyền thống tự do học thuật, và các trường đại học, các viện nghiên cứu không có sự độc lập và tự chủ của mình, ông Mitterand có nụ cười đó không? Nếu ông Mitterand, một trí thức lớn và nhà chính trị lừng danh không có tấm lòng rộng rãi khoáng đạt, thì những người có quyền thế khác có tấm lòng như vậy không trong một môi trường thiếu vắng tự do học thuật? 

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố sẽ cải cách nền giáo dục đại học theo hướng nâng cao tính tự chủ đại học. Phải chăng thí dụ nhỏ bên trên cũng gợi ý rằng nền tự chủ đại học càng nhanh chóng được thiết lập và khẳng định, càng góp phần nâng cao dân trí?


Lê Học Lãnh Vân (Một Thế Giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét