Thủ tướng Malaysia, Najib Razak (T) và chủ tịch Trung Quốc,
Tập Cận Bình, Bắc Kinh, ngày 03/11/2016.REUTERS/Jason Lee
Sau Philippines, phải chăng đến lượt Malaysia sẵn sàng chuyển
hướng sang Trung Quốc và có thể gây thêm khó khăn cho chiến lược « xoay trục »
sang châu Á của Hoa Kỳ ? Nhân chuyến công du Bắc Kinh của thủ tướng Najib
Razak, báo Le Monde ngày 04/11/2016 có bài : « Thủ tướng Malaysia chơi lá bài Bắc
Kinh chống lại Washington ».
« Malaysia và Trung Quốc quyết định mở một thời kỳ mới trong
quan hệ hợp tác song phương » là tuyên bố của thủ tướng Malaysia nhân chuyến
công du Trung Quốc. Một loạt hợp đồng có ý nghĩa biểu tượng cao, đặc biệt là việc
Kuala Lumpur mua bốn tàu tuần duyên đã được ký kết. Đây là lần đầu tiên,
Malaysia mua thiết bị quân sự của Trung Quốc vì cho đến nay, Kuala Lumpur thường
mua của phương Tây. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin)
hoan hỷ : điều này phản ánh lòng tin cậy chính trị giữa hai nước.
Theo Le Monde, Trung Quốc đã thành công hai việc : Trước
tiên, việc hợp tác trong lĩnh vực hàng hải giữa hai nước đánh dấu sự thành công
của Trung Quốc trong việc thực hiện dự án « con đường tơ lụa hàng hải », xây dựng
các cơ sở hạ tầng cho phép nối liền Trung Quốc với các nước xung quanh.
Thứ hai là Malaysia chấp nhận đàm phán song phương với Trung
Quốc để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, thay vì đàm phán đa
phương như mong muốn của một số nước Đông Nam Á có tranh chấp với Bắc Kinh.
Câu hỏi đặt ra : Vì sao sự « chuyển hướng » của Malaysia lại
xảy ra vào thời điểm hiện nay ? Le Monde trích dẫn phân tích của một số chuyên
gia cho rằng đây là một trong những hậu quả từ sự bực bội của thủ tướng Najib đối
với Hoa Kỳ trong vụ bê bối tài chính 1MDB. Tháng Bẩy vừa qua, tư pháp Mỹ đã tịch
biên một tỷ đô la tài sản của Malaysia, do bị nghi ngờ là biển thủ từ quỹ 1MDB
và được « rửa » tại Hoa Kỳ.
Mặt khác, vụ tai tiếng này đã làm cho nhiều đồng minh truyền
thống của Malaysia phải giữ khoảng cách, thậm chí tỏ ra khinh miệt. Thủ tướng
Malaysia Najib không còn lựa chọn nào khác là phải quay sang Trung Quốc, vì lý
do kinh tế và ngoại giao. Trung Quốc giờ đây là nhà đầu tư số một tại Malaysia,
trong lúc đầu tư trực tiếp vào nước này tụt giảm mạnh, vì có nhiều đối tác ngần
ngại làm ăn với Kuala Lumpur.
Thế nhưng, sự chuyển hướng của Malaysia gây lo ngại. Dân biểu
Charles Santiago, thuộc phe đối lập cảnh báo : « Ông Najib coi Trung Quốc là một
người bạn thực sự, một đối tác chiến lược. Chủ tịch Trung Quốc nói Trung Quốc
và Malaysia gần gũi nhau như môi với răng. Nhưng hãy cẩn thận vì một ngày nào
đó Trung Quốc sẽ cắn Malaysia », rằng Malaysia có nguy cơ bị buộc phải đáp ứng
các đòi hỏi của Trung Quốc.
Sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra những
tuyên bố muốn giữ khoảng cách với Hoa Kỳ, thậm chí còn dọa xem xét lại quan hệ
liên minh quốc phòng với Washington, phải chăng Malaysia sẽ lại là « chiến lợi
phẩm » của Trung Quốc tại châu Á ? Le Monde cho rằng còn quá sớm để đưa ra nêu
ra những hậu quả cuối cùng.
Chuyên gia Lance Jackson, thuộc trung tâm nghiên cứu chiến
quốc tế, nhận định : « Malaysia luôn tỏ ra thực dụng, quan tâm đến việc giữ
quan hệ cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ».
Tổng thống Hàn Quốc : Một con rối thật sự ?
Cũng trên Le Monde, « Một vụ tai tiếng chính trị đang gây chấn
động Hàn Quốc ». « Choigate » đang làm lung lay vị thế của nữ tổng thống Hàn Quốc.
Mặc dù, người bạn « cố vấn » của bà đã bị bắt nhưng nhiều chuyên gia vẫn nghi
ngờ bà Park Geun-Hye vẫn bị chỉ đạo từ xa.
Tổng thống Hàn Quốc dường như bất lực trong việc hồi phục độ
tín nhiệm trong dân. Nhiều cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại Seoul và nhiều
thành phố lớn Hàn Quốc. Đối với người biểu tình, bà Park là một con rối trong
tay người bạn của mình, Choi Soon-sil.
Áp lực đè lên bà tổng thống không chỉ đến từ đường phố, phe
đối lập mà ngay cả trong lòng chính đảng. Bà Park buộc phải thay thế một loạt
các cố vấn, tiến hành cải tổ nội các thay thế nhiều vị quan chức chính phủ,
trong đó có cả thủ tướng và bổ nhiệm một số nhân vật đối lập tham gia thành phần
chính phủ mới. Tuy nhiên, những nhân vật được chọn lựa khẩn cấp đó chỉ làm dấy
lên một sự phản đối.
Theo nhận định của một chuyên gia, xin ẩn danh với Le Monde,
« Đó chẳng qua là những con người đã bị bỏ rơi trong quên lãng nay muốn tìm lại
ánh sáng. Người dân hiện nay cho rằng bà Park không đủ khả năng đưa ra các quyết
định như thế nữa ».
Nhiều người khác còn tin rằng vẫn có ai đó giật giây sau
lưng, thế chỗ cho nữ « cố vấn » vừa bị bắt giam. Trong bối cảnh nguy ngập này,
phe đối lập, chiếm đa số tại Nghị viện đã thông báo sẽ không thông qua các quyết
định của tổng thống. Theo một thăm dò do nhật báo Naeil thực hiện, có đến 67,3%
số người dân Hàn Quốc được hỏi muốn bà Park Geun Hye từ chức. Độ tín nhiệm của
bà hiện nay xuống còn có 9,2%.
Bầu cử Hoa Kỳ 2016 khơi dậy những vết thương quá khứ
Chỉ còn bốn ngày nữa là Hoa Kỳ chính thức bỏ phiếu bầu tổng
thống Mỹ. Hơn bao giờ hết, cuộc đua vào Nhà Trắng lần này khá là khác biệt, bởi
tính chất căng thẳng và dữ dội trong các cuộc tranh luận giữa hai ứng viên đảng
Cộng Hòa và Dân Chủ. Nhưng hầu hết các báo Pháp đều có chung một nhận định đó
là cuộc bầu cử lần này đã làm sống dậy những mối chia rẽ sâu sắc có từ xa xưa
trong lòng xã hội Mỹ.
Theo phóng viên nhật báo cánh hữu Le Figaro, chỉ cần trải
qua một buổi tối ở quán cà phế với những người ủng hộ Trump, thì người ta có thể
hiểu được rằng vì sao một bộ phận người dân muốn đoạn tuyệt với tầng lớp chính
trị gia hiện nay tại Hoa Kỳ. Đối với họ, « bà Hillary Clinton đã phản bội các
sĩ quan quân đội, những người đã yêu cầu sự trợ giúp tại Benghazi (Lybia), bà
tham ô và bà ấy dối trá […] »
Có thể nói, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này gắt gao chưa
từng có. Tuy rằng các cuộc thăm dò vẫn cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Hillary
Clinton luôn dẫn đầu, nhưng khoảng cách với ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump
đã bị rút ngắn đáng kể, chỉ còn có hai điểm. Theo nhật báo kinh tế Les Echos,
giả thuyết thắng lợi sít sao của một trong hai ứng viên là điều rất có thể.
Tuy nhiên đó lại là một kịch bản đáng lo ngại nhất, vì điều
này sẽ làm trầm trọng thêm các căng thẳng tiềm ẩn, làm « sống dậy những con quỷ
dữ xa xưa » như tựa đề bài viết của Les Echos. Càng gần đến ngày bỏ phiếu căng
thẳng càng gia tăng. Nhiều sự cố đã xảy giữa hai phe ủng hộ. Một nhà thờ của
người Mỹ gốc Phi tại Greenville, Mississippi, nơi có đến 60% là dân da trắng
sinh sống đã bị đốt phá. Hay như một trụ sở địa phương của đảng Cộng Hòa tại
Hillsborough, Bắc Carolina đã bị phóng hỏa…
Các chiến dịch vận động tranh cử lần này đã khơi dậy những mối
chia rẽ sâu sắc trên nhiều chủ đề cơ bản cũng như là các vấn đề chủng tộc, vũ
khí hay di dân. Theo Les Echos, sự gia tăng căng thẳng đó còn làm lộ rõ mối
nghi kỵ nhắm vào nền dân chủ. Bởi vì « Trump đang gieo rắc mối nghi ngờ về điều
kiện bầu cử » như tựa đề một bài viết trên Le Monde.
Theo thăm dò của « USA Today »/Suffolk công bố cách đây vài
ngày, 51% số cử tri được hỏi e sợ bạo lực gia tăng trong ngày bầu cử, trong khi
đó, 40% số người ủng hộ Trump khẳng định không công nhận tính chính đáng của
Hillary Clinton nếu như bà đắc cử, vì họ tin rằng ứng viên đảng Dân chủ sẽ đánh
cắp thắng lợi của ông Trump.
Barack Obama : Phép mầu có giới hạn
Trước khi Hoa Kỳ bầu chọn tổng thống mới, Les Echos nhân dịp
này điểm lại những thành quả kinh tế - xã hội dưới hai nhiệm kỳ tổng thống
Barack Obama. Thế nhưng, theo nhật báo, « Obama để lại một đất nước giàu có hơn
nhưng cũng bất bình đẳng hơn trước khi ông đặt chân vào Nhà Trắng ».
Nhìn trên tổng thể, nước Mỹ năm 2016 giàu hơn năm 2009. Nếu
tính gộp các khoản tiết kiệm, bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, xe cộ…, tổng
giá trị tài sản người Mỹ nói chung đã đạt đến 89.000 tỷ đô la, chiếm 10% tổng sản
phẩm quốc nội, mức cao nhất so với thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế. Chứng
khoán cũng đạt đến mức cao nhất trong lịch sử hồi tháng 7/2016. Nhà cửa cũng đã
tìm lại được giá trị như trước khi khủng hoảng.
Nước Mỹ nhìn chung đã khấm khá hơn. Thế mà, điều đó lại được
thể hiện trên bảng lương. Mức thu nhập trung bình, phân chia người dân thành
hai bộ phận rõ rệt đã xuống thấp trong suốt những năm cầm quyền của ông Obama.
Với mức bình quân 56.500 đô la/ năm, mức thu nhập này vẫn thấp hơn so với trước
khi xảy ra khủng hoảng (-1,7%) và nếu so với năm 1999, đã đạt mức thấp kỷ lục
(-2,4%).
Trong suốt thời gian đó, ông Obama vẫn chưa giải quyết được
vấn đề bất bình đẳng. Theo Les Echos, chỉ có một bộ phận người dân, chiếm 20%
dân số, những người giàu nhất nhờ là có thể tìm lại được sự giàu có của mình
như trước khi có khủng hoảng. Thậm chí, thu nhập của họ chưa bao giờ lại cao đến
như thế trong năm 2015. Nhưng phép mầu đó lại không xảy ra đối với bộ phận dân
chúng còn lại.
Sự bất bình đẳng đó thể hiện rõ nét nhất trong tuổi thọ.
Trong những năm 1970, người da trắng giàu có sống lâu hơn người da trắng nghèo
đến 5 năm. Nhưng khoảng cách này hiện nay là 15 năm, theo như con số do cơ quan
thống kê Mỹ đưa ra. Hoa Kỳ là quốc gia phát triển duy nhất có tỷ lệ chết tăng ở
một số đối tượng dân số.
Les Echos lưu ý là hiện tượng trên chỉ xảy ra ở người da trắng.
Cộng đồng người da đen và nói tiếng Tây Ban Nha không bị ảnh hưởng. Hiện tượng
này lại không xảy ra ở bất kỳ cường quốc nào khác kể từ sau khi đế chế Xô Viết
sụp đổ, dẫn đến tăng tỷ lệ tử nam giới ở Nga.
Hệ thống y tế đắt đỏ, tỷ lệ nghèo khổ tăng và nạn dịch ma
túy tại những vùng nông thôn đã làm lu mờ nghiêm trọng bảng tổng kết nhiệm kỳ của
ông Obama. Chính sách bảo hiểm y tế mới của ông Obama quả thật đã bảo vệ thêm
16 triệu dân Mỹ so với năm 2009, nhưng hệ thống này vẫn thật sự quá đắt. Vào tuần
trước, Nhà Trắng nhìn nhận, các khoản tiền bảo hiểm sẽ còn tăng vọt lên 25%
trong năm tới.
Pháp năm 2070 đông dân hơn và già hơn
Trên đây là dự báo của viện thống kê Pháp Insee. Đất nước
hình lục giác này vào năm 2070 sẽ có 76 triệu dân, nhưng hết ¼ số dân là những
người trên 65 tuổi. Kịch bản này được Insee dựa trên khả năng sinh nở của phụ nữ
Pháp với tỷ lệ là 1,95 con/người và lượng dân nhập cư hằng năm được ước tính là
70.000 người.
Nếu như Les Echos lo ngại cho những chi tiêu về sức khỏe
cũng như sức tăng trưởng kinh tế, thì Le Figaro tỏ ra lạc quan cho rằng Pháp
trong tương lai sẽ là « thiên đường cho người cao tuổi ». Vào thời điểm đó, nước
Pháp sẽ có 21.000 người, trong đó hết 84% là nữ giới là trên trăm tuổi. Như vậy,
nước Pháp đứng đầu châu Âu có đông người cao tuổi.
Trang nhất các báo Pháp
Tình hình tại Pháp là chủ đề chính trên trang nhất nhiều tờ
báo Pháp hôm nay. Le Monde trên trang nhất tập trung khai thác « Những mối quan
hệ nguy hiểm của phe Sarkozy ». Nhiều nghi vấn đang được đặt ra xung quanh việc
hỗ trợ tài chính của chính phủ Lybia dưới thời đại tá Kadhafi cho phe của cựu tổng
thống Pháp Nicolas Sarkozy. Nhiều dấu hiệu cho thấy cựu tổng thống Pháp đã nhận
tiền tài trợ từ đại tá Kadhafi, nhất là cho chiến dịch vận động tranh cử tổng
thống năm 2007, nhưng vẫn còn thiếu nhiều bằng chứng xác thực. Báo Le Monde đã
dành hẳn nhiều trang báo lớn để tường thuật rõ vụ việc này với độc giả.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro bận tâm đến gánh nặng « Thâm hụt
ngân sách : Của thừa kế nặng gánh từ nhiệm kỳ Hollande ». Theo các thông báo
đưa ra từ mùa xuân năm nay, từ đây đến năm 2019, chi tiêu công sẽ ngốn mỗi năm
hơn 10 tỷ euro. Cam kết kéo thâm hụt ngân sách xuống dưới ngưỡng 3% khó có thể
thành hiện thực.
Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix có bài phỏng vấn
ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết « Nước Pháp đấu tranh chống lại việc
bất trị tại Syria ». Ngoại trưởng Pháp kêu gọi Nga từ bỏ « chiến tranh toàn diện
» tại Aleppo. Và ông cũng nhấn mạnh là Châu Âu đang trong thời khắc quan trọng
trong lịch sử. Còn Libération tìm hiểu về những bất đồng giữa hai định chế lớn
cảnh sát và tư pháp.
Chủ đề Brexit cũng xuất hiện trên trang nhất nhiều báo Pháp.
Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tít lớn : « Brexit : Kịch tính tại Luân Đôn ».
Tòa án Tối cao Luân Đôn yêu cầu chính phủ của thủ tướng May phải có ý kiến của
Nghị viện để áp dụng điều khoản 50 về việc rút Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu
Âu. Một đòi hỏi mà Le Figaro trên trang nhất có cho rằng : « Tư pháp Anh quốc
gây khó khăn cho nhiệm vụ của Theresa May ».
Bầu cử Hoa Kỳ cũng được Libération ưu ái dành cho một góc nhỏ
trên trang nhất với dòng tựa: "Tổng thống Mỹ, một nghề điên rồ". Nhiều
nghi vấn đặt ra về vấn đề sức khỏe tâm thần của ông Donald Trump. Nhưng đọc kỹ
trong lịch sử Hoa Kỳ, giả như ông Trump đắc cử, đây có lẽ sẽ không phải là trường
hợp duy nhất. Libération dẫn lại nghiên cứu về phân tâm học của một nhà khoa học
Mỹ công bố cách đây 10 năm cho biết rất nhiều vị tổng thống Mỹ nổi tiếng có vấn
đề rối loạn tâm thần.
Nguồn: http://vi.rfi.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét