Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Đón chiến hạm trung quốc: Dĩ hoà vi quí?



Cát Linh - RFA

 
 Đại tá Morishita Haruhiko, chỉ huy tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hải quân Nhật Bản chào sĩ quan hải quân Việt trong một buổi lễ chào đón tại Vịnh Cam Ranh ở miền Trung Việt Nam ngày 12 tháng 4 năm 2016


Hoan nghênh nếu không có động cơ chính trị

Cát Linh: Xin chào Tiến sĩ Trần Công Trục. Để bắt đầu câu chuyện này, xin được nghe nhận định của ông về chính sách mở cửa Cam Ranh cho mọi nước?

T.S Trần Công Trục: Như các bạn đã biết, chủ trương của Việt Nam là làm bạn với tất cả quốc gia, các nước trên thế giới kể cả nước lớn và nước nhỏ. Về riêng Cam Ranh đã công khai là mở cửa cho tất cả quốc gia đến để hưởng dịch vụ ở Cam Ranh, mục tiêu là có sự hỗ trợ dịch vụ về hàng hải, kể cả tàu quân sự và dân sự. Đó là 1 chủ trương rất đứng đắn mà có thể nói là khai thác lợi thế của Cam Ranh.

Còn đối với các tàu quân sự thì rõ ràng là tất cả các nước có quan hệ về mặt quân sự thì Việt Nam đều chào đón cả, kể cả tàu chiến của Hoa Kỳ, úc, Pháp, và cả Trung Quốc. Miễn là việc vào đó không mang động cơ chính trị và quân sự thì Việt Nam hoan nghênh.

Cát Linh: Dạ vâng, để tiếp ngay sau nhận định của Tiến sĩ, thì vừa qua Mỹ, Pháp, Nhật Bản cũng đã ghé thăm cảng Cam Ranh, lần này đến Trung Quốc. Nhưng rất nhiều người trong nước đã bày tỏ phản ứng bât bình và chống đối với việc chiến hạm Trung Quốc cập cảng Cam Ranh. Nếu xét theo tính chất lịch sử thì có thể hiểu vì sao họ phản ứng như thế. Còn nếu xét ở góc độ ngoại giao quốc phòng thì ông nhìn việc này như thế nào?

T.S Trần Công Trục: Tôi cho rằng việc mở cửa cho các tàu quân sự của các nước, trong đó có Trung Quốc vào thì là một chủ trương quân sự bình thường. Thật ra chúng tôi nghĩ đây là một việc rất đúng đắn trong tình hình hiện nay là giữ mối quan hệ cân bằng, gọi là giữ thế cân bằng giữa các nước, chứ không nên chủ trương nghiêng về phía này phía nọ để có sự chống đối. Vì hiện nay nếu mà mình không có thái độ giữ cân bằng của các sức mạnh siêu cường, các lực lượng quân sự thì có thể dẫn đến các đụng độ. Mà như các bạn đã biết hiện nay, nguy cơ của đụng độ là sự cạnh tranh về chiến lược trong khu vực này. Do đó thái độ của Việt nam giữ thăng bằng là hết sức đúng đắn.

Về quân sự, chính trị pháp lý thì là như vậy. Tất nhiên, chúng tôi rất thông cảm những thái độ phản ứng đó có yếu tố khách quan vì rõ ràng Trung Quốc trong lịch sử, trong khu vực biển Đông, đã có những hành động vi phạm quyền và lợi ích của Việt Nam, Đặc biệt với những ngư dân của Việt Nam làm ăn bình thường. cho nên người dân có phản ứng đó thì tôi cho là một tất yếu do cái hậu quả do họ (Trung Quốc) xử lý trong thời gian vừa qua. Muốn người dân Việt Nam hoan nghênh hưởng ứng thì chắc chắn họ phải có một thái độ thay đổi các cách thực hiện của mình, tôn trọng các nước khác, tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Cát Linh: Thưa Tiến sĩ, như ông vừa nói, Trung Quốc và Việt Nam đang là hai quốc gia tranh chấp về lãnh hải, những đảo trên biển Đông. Như thế việc chiến hạm Trung Quốc cập cảng Cam Ranh có được cho là một hoạt động bình thường về ngoại giao hay không?

T.S Trần Công Trục: Tôi nghĩ rằng đúng là có tranh chấp. Nhưng việc giải quyết tranh chấp theo chủ trương của chúng tôi là giải quyết hoà bình thông qua đàm phán thương lượng và các biện pháp hoà bình, chứ không dùng vũ lực vũ trang. Việc họ vào thì chúng tôi đối xử bình đẳng như các nước. Nếu như việc vào nhằm mục đich quân sự, thăm dò, tình báo để tiếp tục gây hại thì chắc chắn những lực lượng của chúng tôi sẽ có trọng trách, nhiệm vụ để ngăn chặn những ý đồ đó.

Nếu họ tiếp tục làm những điều đó thì chắc chắn họ sẽ nhận lãnh hậu quả như các bạn đã biết.

‘Chuyện gì cũng có lý do’

Cát Linh: Liên quan đến diễn tiến mới nhất là Tổng thống Philippines đưa ra tuyên bố ly khai với Mỹ, một đồng minh quan trọng có quan hệ quốc phòng mật thiết với Philippines, điều đó sẽ có tác động thế nào với Việt Nam thưa ông?

T.S Trần Công Trục: Tôi cho rằng cái tuyên bố đó của ông Duterte có lý do của nó. Vì các bạn nên nhớ rằng Philippines và Hoa Kỳ có một liên minh quân sự, 1 hiệp ước gọi là phòng thủ chung tồn tại lâu rồi. sở dĩ Philippines vừa rồi nói như vậy là họ có 1 lý do. Và tôi cho rằng ứng xử đó cũng thích hợp vì nếu Philippines tiếp tục gây ra những căng thẳng và những đối trọng giữa Trung Quốc và Hoa kỳ thì tôi nghĩ là khả năng xung đột rất cao. Lúc đó thì các nước nhỏ trong khu vực bị liên luỵ. Cho nên họ đối xử như vậy thì tôi nghĩ cũng là một cách giảm thiểu nguy cơ xung đột.

Điều nữa tôi muốn nói là với thái độ đó thì Hoa Kỳ cần phải xem lại thái độ của mình, vì với 1 nước đồng minh mà bây giờ họ có thái độ vậy thì chắc chắn là trong quá trình lịch sử, vì lợi ích của Hoa Kỳ thì đã có nhiều cái ảnh hưởng đến quyền lợi của Philippines.

Như vụ Scarborough 2012 thì rõ ràng là có 1 sự nhân nhượng nào đó nên Philippines để mất. chắc chắn điều đó cũng gây ra tâm lý lo ngại và họ nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục bám đuổi theo chính sách đó thì họ bất lợi cho nên tôi cho rằng phía Hoa Kỳ cũng phải nhìn nhận lại điều đó để ứng xử cho thích hợp thì mới thu hút được đồng minh của mình và tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh trong khu vực.

Cát Linh: Xin cảm ơn Tiến sĩ Trần Công Trục.


Nguồn:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét