Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Đề nghị kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng: bước đầu của quy trình xử lý?



Khánh An-VOA

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nói chuyện với các phóng viên sau một cuộc họp báo ở Hà Nội, 4/8/2015.


Nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng bị đề nghị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, khiển trách vì có liên quan đến việc bổ nhiệm nhân sự khi còn tại chức, trong đó có việc bổ nhiệm con trai và ông Trịnh Xuân Thanh, giới chức hiện đang bị đảng Cộng sản truy lùng.

Tin cho hay tại kỳ họp thứ VII của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương đã bị đề nghị kỷ luật vì có các vi phạm, khuyết điểm, bao gồm thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.

Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một nhà phân tích chính sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xác nhận tin này với VOA:

“Có cái đề nghị đó, nhưng liên quan phần lớn là về việc bổ nhiệm thôi, chứ còn Trịnh Xuân Thanh với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì người ta chưa xác định nguyên nhân cụ thể. Nhưng trong quá trình bổ nhiệm một số lãnh đạo, trong đó có con trai của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì có liên quan”.

Ủy ban cho rằng ông Vũ Huy Hoàng đã vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp khi bổ nhiệm con trai là ông Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, sau đó tiếp tục đề cử con trai vào Hội đồng Quản trị và lên chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Ngoài ra, ông Vũ Huy Hoàng cũng bị cho là có sai phạm trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, người đang bị truy lùng gắt gao vì các cáo buộc gây thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng khi còn đương chức ở Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

TS. Phạm Quý Thọ cho biết từ trước tới nay, đã xử lý kỷ luật như thể này hiếm khi xảy ra và chỉ ở cấp thấp, chưa bao giờ lên đến cấp bộ trưởng như bây giờ:

“Lần này có vẻ như có những tín hiệu thúc đẩy việc này một cách gọi là ‘không có vùng cấm’. Tuy nhiên, người ta đương chờ đợi, truyền thông và báo chí đang chờ đợi để xem là ‘không có vùng cấm’ đến đâu. Đó là điều mà người ta đang rất chờ đợi. Chắc là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng là một trong những trường hợp mà người ta thấy cụ thể nhất, liên quan đến những việc như là vụ Trịnh Xuân Thanh, một trong những cán bộ đã từng là, nguyên là Chánh văn phòng Bộ Công thương, sau đó mới giới thiệu vào trong tỉnh Hậu Giang”.

Trong khi đó, một số người trong dư luận cho rằng hình thức kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách” là quá nhẹ, quá nương tay so với những sai phạm được nêu của ông Vũ Huy Hoàng. Nhưng theo TS. Phạm Quý Thọ, đây có thể là bước đầu tiên trong quá trình xử lý kỷ luật theo quy trình:

“Theo quy định hiện hành của các lãnh đạo Việt Nam thì có 2 lần [kỷ luật]. Lần đầu tiên là những ai là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam thì đầu tiên người ta phải xử lý về hình thức Đảng trước, sau đó mới xử lý về mặt chính quyền. Thường thường các quan chức có tính chất chính sách, hoặc nguyên là chính sách thì người ta xử lý ở mức hoặc khiển trách, hoặc cảnh cáo. Xử lý xong về Đảng thì mới xử lý được phần kia”.

Ông Vũ Huy Hoàng có bằng tiến sĩ về kinh tế. Trước khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công thương từ tháng 8/2007 đến tháng 4/2016, ông từng giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối cơ quan Kinh tế Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch UBND các tỉnh Hà Tây và Lạng Sơn.


Nguồn:




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét