Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Tiếng nổ Yên Bái: Đảng bước tới ngưỡng cửa của súng đạn


Đào Đức Thông 



Phát pháo ấy, ít nhất, cho thấy nó từ chối mọi phê bình và tự phê, mọi kỉ luật, ý thức chính trị, và cả pháp luật. Và nó sẽ lan tràn. Không cần phải kiểm điểm, giải trình, khiếu nại, xử lý. Cuộc đấu tranh âm ỉ trong chính nội bộ hệ thống quyền lực độc tài đã bước tới ngưỡng cửa bạo lực súng đạn.
Vào lúc 7 giờ  45 sáng ngày 18 tháng 8 năm 2016, súng đã đi thẳng vào trụ sở Tỉnh ủy Yên Bái ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Việt Nam; khạc lửa đúng ba phát, đoạt ngay tức thì ba mạng người, trong đó có hai mạng người đứng đầu hệ thống đảng bộ tỉnh gồm Bí thư tỉnh ủy  Phạm Duy Cường và Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn. Nói như lời của bà Phạm Thanh Trà - Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái còn sống sót là “súng nổ do bão lòng”.

Có một sự khá lạ là câu chuyện súng nổ chết 3 quan chức của tỉnh Yên Bái lại làm cho nhân dân trong và ngoài tỉnh muốn ăn mừng. Một việc hết sức lạ lùng và nghiệt ngã!

Có vẻ nhiều người dân Việt Nam muốn tin tiếng súng nổ vào hai quan chức đứng đầu tỉnh Yên Bái là tiếng súng nổ vào hệ thống quyền lực độc tài do đảng CS cai trị đang chứa đựng lắm bất bình trong đời sống xã hội Việt Nam.

Lâu nay đã có nhiều cảnh báo về hiện tượng này, bây giờ là  máu đổ từ chính những “đồng chí” trong cùng hệ thống.

Các đồng liêu của nạn nhân đang đổ dồn vào niềm tin, sát nhân cũng là một đồng liêu của họ - Đỗ Cường Minh, quan chức đứng đầu ngành kiểm lâm của tỉnh.

Nhưng Đỗ Cường Minh lại được nhận định là một người lành hiền, có một gia thế thuộc hàng "quý tộc".

Mọi lý giải nguyên nhân của vụ án nổ súng ở Yên Bái hiện vẫn chỉ là suy đoán. Chúng ta hãy chờ đợi kết luận có lý nhất từ cơ quan điều tra. Hãy tin, như lời ông Nguyễn Xuân Phúc- thủ tướng chính phủ Việt Nam chỉ đạo ngành công an, sớm làm rõ và công khai với nhân dân.

Đạn trong khẩu K59 của nghi phạm Đỗ Cường Minh cũng đã nhả. Tiếng dội của nó chắc không khác những phát đạn bình thường. Nhưng dội vào tâm trạng xã hội Việt Nam thì nó có thể là một phát pháo hiệu của sự sụp đổ chế độ.

Phát pháo ấy, ít nhất, cho thấy nó từ chối mọi phê bình và tự phê, mọi kỉ luật, ý thức chính trị, và cả pháp luật. Và nó sẽ lan tràn. Không cần phải kiểm điểm, giải trình, khiếu nại, xử lý. Cuộc đấu tranh âm ỉ trong chính nội bộ hệ thống quyền lực độc tài đã bước tới ngưỡng cửa bạo lực súng đạn.

Bất bình có thể được nung nấu thành thù hận

Một tâm lý cực kỳ nguy hiểm là người ta có thể những tin, những mong bạo lực sẽ tạo dựng một cảnh tượng hả hê.

Cuộc chỉnh trị hệ thống cai trị tại Việt Nam đang được gióng trống trận.

Tiếng trống giòn giã, thôi thúc, dù có khí thế thì cũng khó chết ai. Nhưng tiếng súng thì khô khốc, đầy chết chóc.

Chỉ có thể tước đoạt khả năng nổ súng bằng chính niềm tin của người dân vào khả năng duy trì công lý, loại bỏ bất bình ngay từ chính những nơi có xung đột của lòng người và hệ thống quyền lực.

Nói như Ức Trai ngày xưa, là làm cho "khắp thôn cùng, ngõ vắng không còn tiếng hờn giận, oán sầu" của dân. Khó thật!

Muốn người dân xót thương khi người làm lãnh đạo đảng, chính quyền chết, thì hãy để nhân dân thực sự được tự do lựa chọn bầu người mà họ yêu quý, tin tưởng lên làm lãnh đạo và được quyền phế truất kẻ không còn xứng đáng ở vị trí lãnh đạo.

"Lẳng lặng mà nghe họ bắn nhau
Bắn nhau vì lẽ có thù sâu
Phen này ông quyết buôn áo giáp
Ông Bự, ông To chỉ định thầu.

Lẳng lặng mà xem họ giết nhau
Nội tình mâu thuẫn chắc từ lâu
Nay đà đến lúc nên dùng đạn
Ông Nọ, ông Kia phải rút đầu.

Lẳng lặng mà nghe thiên hạ chê
Người đăng phây búc, kẻ hả hê.
Làm nhân đạo lý luôn chia sẻ .
Kẻ chết làm sao chúng mới trề".


(Phỏng theo thơ Chúc Tết của cụ Tú Xương)

Nguồn: www.ijavn.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét