TS Luật Cù Huy Hà Vũ
Chính quyền cộng sản ở Việt Nam là chính quyền ăn cướp, tham nhũng bậc nhất thế giới. Để duy trì độc quyền cướp bóc tài sản của người dân cũng như của quốc gia, chính quyền này ra sức đàn áp các quyền con người được chính Hiến pháp Việt Nam quy định tại Điều 25 như: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, quyền lập hội, quyền biểu tình …vì việc thực hiện đầy đủ các quyền này chắc chắn sẽ làm xói mòn dẫn đến kết thúc chế độ độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam.
Mỹ là nước luôn cổ võ cho tự do, dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào 30/4/1975, Mỹ đã không tích cực tìm kiếm bình thường hóa quan hệ với Việt nam vì Chiến tranh Lạnh vẫn tồn tại với sự hiện diện của Liên Xô mà Việt Nam là đồng minh quân sự. Do đó, chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 Mỹ mới có thể tính chuyện khuyến khích Việt Nam đi vào con đường dân chủ hóa bằng cách tiếp cận hòa bình nước cộng sản này. Thực vậy, ngày 11/11/1991, chính phủ Mỹ cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Hoa Kỳ thăm Việt Nam. Tiếp đó, ngày 14/12/1992 Tổng thống George Bush cho phép các công ty Mỹ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đặc biệt, ngày 3/2/1994 Tổng thống Bill Clinton quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam để rồi một năm sau đó, ngày 28/1/1995 hai nước mở văn phòng liên lạc trên lãnh thổ của nhau. Như một hệ quả tất yếu của tất cả các động thái chính trị – thương mại dồn dập đó, ngày 11/7/1995 Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với cựu thù này trong chiến tranh Việt Nam.
Vì mục tiêu chính của Mỹ trong thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là dân chủ hóa Việt Nam nên trong 21 năm quan hệ song phương đã có 20 cuộc đối thoại về nhân quyền ở Việt Nam do Mỹ khởi xướng. Cũng nhằm mục đích đó mà Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2000 và Tổng thống George W. Bush vào năm 2006 đã thăm Việt Nam và kêu gọi mở rộng dân chủ và nhân quyền tại quốc gia này. Tổng thống Mỹ Barrack Obma sẽ tiếp bước hai vị tiền nhiệm khi thăm đất nước hình con rồng trải dài trên biển Đông từ 23 đến 25 tháng 5 tới đây.
Mục tiêu của chính quyền Việt Nam, như trên đã nói, là giữ đến cùng độc quyền cai trị đất nước của đảng cộng sản nên chính quyền này chỉ đẩy mạnh quan hệ với Mỹ khi sự tồn tại của chính nó bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện nay Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị đánh chiếm nốt phần còn lại quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở biển Đông sau khi đã chiếm một phần quần đảo này vào năm 1988 cũng như đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cũng của Việt Nam tại vùng biển này vào năm 1974. Do đó, nếu chính quyền Việt Nam không có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ thành công các lãnh thổ quốc gia này thì sẽ phải đối diện với các cuộc nổi dậy của người dân nhằm lập ra một chính phủ cứu nước. Điều này giải thích vì sao chính quyền Việt Nam cực chẳng đã phải dùng “con bài” Mỹ để trì hoãn cuộc xâm lược của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Obama phát động vào cuối năm 2011 chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng ở châu Á- Thái Bình Dương” nhằm chống bành trướng bằng vũ lực của Trung Quốc ở khu vực này để bảo đảm an toàn cho hàng hải, hàng không cũng như các lợi ích khác của Mỹ ở đây. Cụ thể là từ vài năm nay chính quyền Việt Nam đã liên tục kêu gọi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí được áp đặt từ hơn 4 thập kỷ nay, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, với hy vọng một sự bỏ cấm vận vũ khí như vậy sẽ làm Trung Quốc tin rằng Mỹ sẽ chống lưng Việt Nam về quân sự mà chùn bước trong kế hoạch đánh chiếm nốt quần đảo Trường Sa.
Bản thân tôi với tư cách là tù nhân lương tâm của chính quyền Việt Nam, sau khi được áp lực mạnh mẽ từ nhân dân Việt Nam, các nước phương Tây, đặc biệt chính phủ Mỹ đưa ra khỏi nhà tù cách đây 2 năm, vào ngày 6/4/2014, đã không ngừng kêu gọi các nước dân chủ này dùng mọi biện pháp, đặc biệt các công cụ tài chính, thương mại và quân sự để buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền nhằm mở đường cho dân chủ hóa Việt Nam. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chiến lược “Tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương” nói trên của Mỹ. Thực vậy, để thực hiện thành công chiến lược này Mỹ buộc phải có Việt Nam với tư cách đồng minh quân sự và điều này chỉ có thể xảy ra khi sự khác biệt về chế độ chính trị giữa hai nước được xóa bỏ, tức Việt Nam phải có một chính quyền dân chủ được lập nên thông qua bầu cử tự do với sự tham gia của nhiều đảng phái
Cụ thể là, vẫn theo quan điểm của người viết bài này, Mỹ phải dùng dỡ bỏ cấm vận vũ khí mà chính quyền Việt Nam đang ra sức yêu cầu làm đòn bẩy buộc chính quyền này trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền bị bỏ tù ước tính hơn 100 người cũng như hủy bỏ tất cả các điều luật hình sự hóa các quyền con người và quyền công dân cơ bản được chính Hiến pháp Việt Nam nêu ra, nhất là trong bối cảnh đàn áp nhân quyền ở Việt Nam gia tăng đột ngột kể từ cam kết “tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người” mà Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã long trọng đưa ra trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa kỳ công bố sau hội kiến với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng trong chuyến thăm Mỹ của nhân vật này vào tháng 7 năm ngoái, 2015.
Chỉ trong tuần cuối của tháng 3 vừa qua, đã có 7 công dân Việt Nam đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền bị chính quyền Việt Nam kết án tù. Đó là ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm nổi tiếng, bị án năm năm tù và người cộng sự của ông, Nguyễn Thị Minh Thúy, bị án 3 năm tù về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” quy định tại điều 258 Bộ luật hình sự, ông Đinh Tất Thắng, một nhà hoạt động chống tham nhũng bị án hơn bảy tháng tù cũng theo tội danh này, ông Nguyễn Đình Ngọc, một blogger khác với bút danh Nguyễn Ngọc Già bị án bốn năm tù, các bà Ngô Thị Minh Ước, Nguyễn Thị Bé Hai và Nguyễn Thị Trí lần lượt bị bốn năm, ba năm và ba năm tù về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ Luật hình sự.
Tự ứng cử vào Quốc Hội là quyền công dân được Hiến định. Thực vậy, Điều 14 Hiến pháp quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nghĩa là một khi công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định thụ hưởng một quyền nào đó thì quyền này là bất khả xâm phạm, không ai có thể tước bỏ nó trừ trường hợp quyền này bị hạn chế bởi quy định của luật”. Thế nhưng, cho dù không thuộc các trường hợp bị cấm ứng cử Đại biểu Quốc Hội quy định tại Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, toàn bộ những người người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tự ứng cử (khoảng 150 người) đã bị chính quyền loại bỏ khỏi danh sách chính thức ứng cử viên Đại biểu Quốc Hội bởi cái gọi là “hội nghị hiệp thương” được tổ chức bởi Mặt trận Tổ Quốc do Đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát.
Quyền biểu tình cũng bị dẹp bỏ trắng trợn và hơn thế nữa, một cách tàn bạo. Ngày mồng 8/5 vừa qua, chính quyền đã dùng vũ lực giải tán hàng ngàn người biểu tình đòi bạch hóa nguyên nhân làm cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung. Hàng trăm người biểu tình đã bị đánh đập dã man và bị bắt giam. Bên cạnh đó, công an, luôn bằng vũ lực, ngăn cản tất cả những người có tiếng đấu tranh dân chủ, nhân quyền và tiến bộ xã hội ra khỏi nhà họ để tham gia biểu tình.
Tóm lại, Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam tại thời điểm này là “gậy ông đập lưng ông” bởi một hành động như vậy chắc chắn sẽ làm chính quyền Việt Nam tự tin hơn trong đàn áp nhân quyền và như vậy triệt tiêu mọi cơ hội dân chủ hóa Việt Nam. Do đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào tuần tới, Tổng thống Barack Obama phải tuyên bố thẳng với các nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam rằng sẽ không có việc Nhà Trắng dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí cũng như Quốc Hội Mỹ chuẩn thuận TPP chừng nào các điều luật đàn áp nhân quyền của Việt Nam chưa bị xóa bỏ, toàn bộ tù nhân bị kết án theo các điều luật này chưa được trả tự do vô điều kiện và công đoàn độc lập chưa được phép hoạt động. Chỉ với một thái độ cứng rắn như vậy của người nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2009 thì dân chủ hóa Việt Nam – yếu tố quyết định sự thành công của chiến lược ngăn chặn Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực ở Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, ở biển Đông nói riêng, mới thành hiện thực!
Chicago, 19/5/2016
Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét