Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Thư gửi Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam

Ngày 20 tháng 5 năm 2016

Công Bố

Ngày 30 tháng 4 vừa qua, 54 trí thức, nhân sĩ ở trong nước và ở nước ngoài đã gửi đến các nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam bức thư nêu giải pháp cần thiết và khả thi theo luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông. Cuối danh sách những người ký thư, có ghi địa chỉ của tôi là nơi nhận phản hồi.

Trong thời gian gần đây, nhiều sự kiện và dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc đang tiếp tục lấn tới trong mưu đồ bá chiếm Biển Đông. Trong khi đó, những đề xuất của chúng tôi trong bức thư hầu như bị bỏ qua và không nhận được hồi âm nào từ các nhà lãnh đạo dù đã qua hơn hai tuần.


Vì vậy, chúng tôi thấy cần công bố bức thư này để đồng bào cả nước cùng với người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè trên thế giới lên tiếng. Chúng tôi hy vọng, bằng nhiều hình thức thích hợp (như phát biểu trực tiếp trong những cuộc tiếp xúc của cử tri với các nhà lãnh đạo ứng cử đại biểu Quốc hội, viết thư hoặc bài báo bày tỏ quan điểm …),  họ sẽ thúc đẩy giới lãnh đạo Việt Nam có chủ trương, biện pháp đáp ứng được đòi hỏi của tình thế, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và mong đợi của nhiều nước trên thế giới nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông, khu vực quan trọng hàng đầu của quốc tế.



Thay mặt những người ký bức thư ngày 30 tháng 4 gửi lãnh đạo.

Nguyễn Trọng Vĩnh
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1987)
____

Ngày 30 tháng 4 năm 2016

Thư gửi Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam

Kính gửi:

Ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội
Kính chuyển:
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Kính thưa Quý vị,

Năm 2016 đánh dấu một thời điểm đặc biệt: Năm thứ 60 ngày Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Không ngừng ở đảo Phú Lâm, Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, và các bãi đá ngầm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa năm 1988.

Trong 40 năm qua, ngoài việc không đáp ứng chủ trương đàm phán hoà bình của Việt Nam về tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa, Trung Quốc gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, với các hành động như gây thiệt hại tài sản và thiệt hại nhân mạng cho ngư dân Việt Nam, cấm đánh cá trên vùng biển truyền thống của Việt Nam, cải tạo và tăng diện tích những bãi đá ngầm chiếm đóng bất hợp pháp thành đảo nhân tạo, hoàn thiện hay xây dựng mới tổ chức hành chính, sân bay quân sự, quân cảng, hải đăng, v.v. ở Hoàng Sa – Trường Sa, trực tiếp đe dọa an ninh quốc phòng của Việt Nam.

Nghiên cứu luật pháp quốc tế về quyền lợi và chủ quyền quốc gia cho thấy:

1- Phản đối ngoại giao chỉ có hiệu quả nếu nó được nối tiếp với một trong hai phương thức: tích cực giải quyết tranh chấp qua đàm phán hoà bình, hay qua sử dụng hệ thống toà án quốc tế: Toà án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Toà Trọng tài đặc biệt thành lập theo Phụ lục VIII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

2- Sự chiếm đóng lâu dài và nỗ lực của Trung Quốc trong việc viết lại lịch sử hành xử chủ quyền, và trong hành động hợp thức hoá chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa – Trường Sa, cho thấy sự bất lợi của Việt Nam trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông gia tăng khi không được giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Với các điều vừa nêu, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, mạnh mẽ và nghiêm túc yêu cầu lãnh đạo Nhà nước Việt Nam công khai kêu gọi Trung Quốc tiến hành đàm phán hoà bình với các nước có tranh chấp trên Biển Đông, hay đồng ý cùng Việt Nam đưa tranh chấp ở Hoàng Sa – Trường Sa ra hệ thống toà án quốc tế để giải quyết. Nếu kêu gọi này không được Trung Quốc đáp ứng, Việt Nam sẽ tích cực sử dụng các biện pháp hoà bình, theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả chính thức khởi kiện Trung Quốc, trong thời gian sớm nhất.

Đối diện với lập trường nhất quán của Trung Quốc là không đàm phán hoà bình với Việt Nam về Hoàng Sa – Trường Sa, khi sử dụng luật pháp quốc tế, phương pháp khả thi duy nhất còn lại trong giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ bảo vệ quyền lợi và chủ quyền quốc gia, mà còn giúp mang lại hoà bình, an ninh, ổn định khu vực, tạo tin tưởng từ các nước phụ thuộc vào giao thông hàng hải với hơn 5.300 tỷ USD mậu dịch quốc tế hàng năm.

Cách hành xử này sẽ chứng minh rằng Việt Nam là nước tôn trọng luật pháp, và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng thế giới.

Danh Sách Người Ký Tên

  1. Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng, nguyên Đại sứ tại Trung Quốc, Việt Nam
  2. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), Việt Nam
  3. Hồ An, nhà phê bình văn học, nhà báo, Việt Nam
  4. Vũ Thị Phương Anh, Tiến sĩ, Việt Nam
  5. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Tổng hội Trí thức Sài Gòn, Việt Nam
  6. Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, Việt Nam
  7. Thái Văn Cầu, chuyên gia Khoa học Không gian, Hoa Kỳ
  8. Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Văn học, Việt Nam
  9. Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động, Việt Nam
  10. Lê Đăng Doanh, thành viên Uỷ ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam
  11. Hoàng Dũng, Phó Giáo sư – Tiến sĩ, khoa Ngôn ngữ Đại học Sư phạm TP HCM, Việt Nam
  12. Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, Việt Nam
  13. Trần Tiến Đức, nhà báo, nguyên Vụ trưởng Uỷ ban Kế hoạch hoá Gia đình, Việt Nam
  14. Nguyễn Ngọc Giao, nhà báo, nguyên Giảng viên Toán, Đại học Paris VII, Pháp
  15. Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư Thành Đoàn TP HCM, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Việt Nam
  16. Trần Hải Hạc, nguyên Phó Giáo sư Đại học Paris 13, Pháp
  17. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Việt Nam
  18. Đặng Thị Hảo, Tiến sĩ Văn học, Việt Nam
  19. Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia Khí quyển, Cơ quan Môi trường và Di sản, Chính phủ Bang New South Wales, Úc
  20. Nguyễn Thái Hợp, Giám mục, Việt Nam
  21. Hoàng Hưng, nhà thơ, nguyên Trưởng ban Văn hoá – Văn nghệ báo Lao Động, Việt Nam
  22. Nguyễn Lương Hải Khôi, Tiến sĩ, Việt Nam
  23. Tương Lai, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, Việt Nam
  24. Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Việt Nam
  25. Ngô Vĩnh Long, Giáo sư Sử học, Đại học Maine, Hoa Kỳ
  26. Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh triết, Việt Nam
  27. Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Việt Nam
  28. Huỳnh Công Minh, Linh mục, Việt Nam
  29. Bửu Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Sử học, Việt Nam
  30. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, Việt Nam
  31. Nguyên Ngọc, nhà văn, Việt Nam
  32. Phạm Đức Nguyên, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Kiến trúc, Việt Nam
  33. Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam
  34. Lê Minh Phiếu, Tiến sĩ Luật, Việt Nam
  35. Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu, Việt Nam
  36. Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu, Việt Nam
  37. Trần Đức Quế, lão thành cách mạng, Việt Nam
  38. Tô Lê Sơn, Kỹ sư, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Việt Nam
  39. Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, Việt Nam
  40. Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ tại Hà Lan, Việt Nam
  41. Trần Văn Thọ, Giáo sư Kinh tế học, Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản
  42. Đào Công Tiến, Phó Giáo sư – Tiến sĩ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM, Việt Nam
  43. Lê Trung Tĩnh, Kỹ sư, Pháp
  44. Nguyễn Khánh Trâm, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Việt Nam
  45. Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ tại Thái Lan, Việt Nam
  46. Lê Vĩnh Trương, nhà kinh doanh, Việt Nam
  47. Hà Dương Tường, nguyên Giáo sư Toán học, Đại học Công nghệ Compiègne, Pháp
  48. Hoàng Tụy, Giáo sư Toán học, Việt Nam
  49. Lưu Trọng Văn, nhà văn, nhà báo, Việt Nam
  50. Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên cao cấp về thống kê của Liên Hiệp Quốc; chuyên gia tư vấn cho Myanmar, Ngân hàng Phát triển Châu Phi, Hội đồng Hợp tác các nước Vùng Vịnh, Hoa Kỳ
  51. Hà Quang Vinh, cán bộ hưu trí, Việt Nam
  52. Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ, Việt Nam
  53. Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu văn hoá, Việt Nam
  54. Phạm Xuân Yêm, Giáo sư – Tiến sĩ Vật lý, nguyên Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) và Đại học Paris VI, Pháp
Địa chỉ phản hồi:

Nguyễn Trọng Vĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét