Việt Nam đang “được” xếp vào danh sách “cường quốc phá thai.” Ước tính, mỗi năm có 2-3 triệu ca với các bà mẹ đi phá thai tuổi ngày càng trẻ và sinh viên-học sinh chiếm tỉ lệ ngày càng tăng.
Cha Tịnh và các thiện nguyên viên đang “mặc áo” cho các thai nhi trước khi mang đi an táng. (Hình: Linh Mục Tịnh cung cấp)
Ở Hố Nai, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ẩn sâu trong khu dân cư có một nghĩa trang “mini” dành riêng an táng các thai nhi bị tước đoạt sự sống ngay từ trong bụng mẹ. Khi có dịp qua đây, chúng tôi thường ghé thăm các “bạn nhỏ,” thắp một nén nhang, trò truyện đôi câu, hay trầm ngâm để cảm nhận nỗi đau “thời đại phá thai.”
Nét độc đáo của nghĩa trang này là được vị Linh Mục trẻ Giuse Nguyễn Văn Tịch (thường gọi Cha Tịnh thai nhi), chánh xứ Tây Hải thành lập và thiết kế như một công viên phù hợp với trẻ em.
Công viên thu nhỏ
Nghĩa trang nằm trên khu đất nhỏ thuộc Đất Thánh thuộc Giáo Xứ Tây Hải, Giáo Phận Xuân Lộc, được thiết kế trang trọng, rất khoa học. Phần mộ của các thai nhi được đặt chôn lớp lang trong huyệt, được thiết kế như hai bàn tay của người lớn, của mẹ cha nâng niu.
Khu Bàn Thờ, sát bên dưới bàn thờ là những bàn tay nơi an nghỉ của các thai nhi. (Hình: Gia Liêm/Người Việt)
Không khí ngày Xuân còn đậm nét trên nhiều giỏ hoa tươi đỏ, tím... treo trang hoàng. Làm quen với một bạn trẻ đang chăm sóc những chậu hoa tươi. Bạn trẻ này tên T. trong nhóm thiện nguyện của “Cha Tịnh Thai Nhi.”
Anh cho biết, cứ mỗi Chủ Nhật cuối tháng, cha đưa rước các thai nhi ra chôn và dâng thánh lễ. Cứ mỗi tối Thứ Bảy trước Chủ Nhật cuối tháng, như một điểm hẹn, các bạn trẻ thiện nguyện quy về nhà xứ, trong niệm trân trọng như một con người, đưa các thai nhi ra nâng niu, gói gém, thắt nơ, đeo thánh giá cho mỗi cháu. Các bạn gọi việc làm này như là “mặc áo thai nhi.” Được biết, các thai nhi mang về Nhà Xứ, được tắm rửa sach sẽ (nhất là những thai nhi lớn, rõ hình hài con người...), cất vào tủ đông lạnh...
Khi được gặp cha Tịnh, linh mục cho biết, nghĩa trang được thành lập tháng 11, năm 2011, hiện có hơn 11,500 thai nhi, mỗi tháng trên dưới 200 thai nhi được chôn cất.
Hỏi lý do vì sao quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ sự sống, chôn cất thai nhi? Linh mục cho biết: “Khi đã thụ thai, ngay từ những giây phút đầu các em đã là con người toàn vẹn gồm Xác- Hồn và là hình ảnh của Thiên Chúa. Ai cũng đều công nhận: Một sự sống không bao giờ trở thành người, nếu đó không phải một người! Nếu các thai nhi có bị bỏ đi, xin cho tôi nhận lãnh để chỉ muốn dâng lễ, cầu nguyện cho các em được hạnh phúc và làm nơi an nghỉ xứng đáng cho phận người của các em. Tôi tin vào các thai nhi, tôi đón nhận các em và xem các em như một con người cần được yêu thương, cần được tôn trọng, cầu nguyện và dành cho mảnh đất nhỏ bé trên trần gian này làm nơi an nghỉ.”
Khu an nghỉ cho các thai nhi lớn, đã rõ hình ảnh bé thơ. (Hình: Gia Liêm/Người Việt)
Chúng tôi hỏi, có bao giờ thấy các em hiện về hay nói điều gì với cha không?
Linh Mục Tịnh cười hiền lành: “Có nhiều người cũng hỏi tôi câu tương tự. Tôi nghe nhiều người, kể cả có cha nói có gặp, nghe trực tiếp tiếng thai nhi. Cá nhân tôi, tôi chưa thấy thai nhi hiện về, cũng không nghe tiếng khóc, hay nói chuyện. Tuy nhiên tôi thấy có những dấu hiệu khó giải thích, chẳng hạn tự nhiên thấy đèn trong nhà bật sáng, tiếng còi xe inh ỏi ra tắt mà không được, hay tiếng gọi ‘tâm ơi về đi’ trong đêm... Điều lạ, sau những dấu hiệu bất thường ấy đều có một việc xấu xảy ra.”
Tuy không nghe, thấy trực tiếp, song cha luôn cảm thấy có các thai nhi đồng hành, nâng đỡ... nhờ vậy có những việc xảy ra vượt ngoài ý muốn. Đơn cử chuyến đi Mỹ năm qua, 2015. Nhiều điều bất ngờ như một “ơn lạ” cha đã gặp trong chuyến đi này...
Hình ảnh ngộ nghĩnh làm nghĩa trang như một công viên mini. (Hình: Gia Liêm/Người Việt)
Cha Tịnh khiêm tốn cho biết: “Tất cả nhờ ơn Chúa, nhờ nhiều tấm lòng quản đại cách riêng với các thai nhi... chứ bản thân tôi có làm được gì mấy đâu. Các anh cầu nguyện cho các thai nhi, cho chúng tôi.”
Bất ngờ giọng linh mục trầm buồn: “Thực ra chẳng ai muốn phá thai, vì họ đều tin đó là một con người, là con của mình... song vì một lý do nào đó mà trong lúc khủng hoảng, bế tắc mới ‘đứt ruột’ loại trừ đi chính đứa con đang cưu mang. Vấn đề chúng tôi quan tâm hơn là Nhà Tạm lánh Mai Tiến nơi cưu mang các chị em cơ nhỡ. Nơi đây đã cưu mang hàng trăm chị em, và nhờ vậy hàng trăm sinh linh được cất tiếng khóc chào đời.”
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=224477&zoneid=310
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét