Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

LS Võ An Đôn vượt qua vòng Hiệp thương lần 2


(Phú Yên, DL) - Luật sư Võ An Đôn, người tự ứng cử tại tỉnh Phú Yên có tên trong danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa XIV và ứng cử HĐND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2016- 2021 sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai do Mặt trận tổ quốc tỉnh tổ chức.


              Luật sư Võ An Đôn trong một lần tham dự phiên tòa - Ảnh: FB Đôn An Võ

Facebook Đôn An Võ được cho là của luật sư Võ An Đôn viết, "Con Lạc Đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người tự ứng cử trúng cử Đại biểu Quốc Hội. Dẫu biết sự thật là như thế nhưng tôi vẫn cứ tự tin, biết đâu mình trở thành Nghị Gật thật sự thì sao phải không mọi người?"


“Tôi cho rằng việc Tiểu ban an ninh đưa tin có tổ chức phản động cung cấp tài chính để vận động bầu cử cho một số người là động thái tung hỏa mù, khiến ứng viên sợ và cử tri nghi ngờ họ”.

“Tôi đã lường trước việc mình và các ứng viên tự đề cử khác sẽ bị phía chính quyền làm khó dễ. Bản thân tôi đã bị Công an tỉnh Phú Yên mời lên làm việc tại Phòng an ninh Chính trị nội bộ hôm 7/3 mà tôi cho rằng lý do chính là việc tôi tự đề cử”, luật sư Võ An Đôn nói với đài BBC.

Ông Võ An Đôn là trường hợp duy nhất tự ứng cử ĐBQH ở tỉnh Phú Yên.

Đây là lần thứ 2 ông tự ứng cử, lần đầu tiên là vào năm 2011 ông chỉ vượt qua vòng Hiệp thương lần 2.

"Không nên đưa vào danh sách bầu... những người không có công ăn việc làm"

Tại Hà Nội, 48 người tự ứng cử (tỉ lệ 100%) cũng vượt qua Hội nghị hiệp thương lần 2.

Báo Tiền Phong dẫn một số ý kiến trong Hội nghị Hiệp thương lần 2: "Trong số những người tự ứng cử, có nhiều thành phần, trong đó có cả người lao động tự do, người đã về hưu, không có công ăn việc làm ổn định…

"Trước thực tế này, có đại biểu đề nghị không nên đưa vào danh sách bầu những người này, vì không có công ăn việc làm, bản thân họ không tự lo được cho mình, cho gia đình thì sẽ không thể gánh vác công việc của xã hội", báo Tiền Phong cho biết thêm.

Trong khi đó đại biểu Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: Quyền tự ứng cử là quyền của mỗi người, còn quyền của cử tri là lựa chọn. Ông đề nghị chỉ trừ trường hợp phát hiện ra những người tự ứng cử vi phạm pháp luật thì mới loại bỏ, còn các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp cần tôn trọng.

Ông Nguyễn Kim Môn, nghề nghiệp "nghỉ ở nhà" nêu nhận xét của mình về kỳ Hiiệp thương lần 3 tới:

"Trái với những suy đoán của nhiều người, kỳ hiệp thương lần 2 sẽ loại bỏ những ứng cử viên tự do thì uỷ ban bầu cử thành phố Hà Nội đã chấp nhận toàn bộ những ứng cử viên tự do vào danh sách hiệp thương lần 3.

"Nhưng dù hiệp thương lần thứ ba là một bước đã được quy định trong luật bầu cử nhưng xét về lý thuyết cũng như lẽ phải thì đây cũng là một bước lạc hậu.

"...việc lấy ý kiến cử tri cụm dân cử chỉ vẻn vẹn trên dưới 100 người để gạt ứng cử viên đại diện cho 200 000 người là một bất cập cần phải thay đổi", Ông Nguyễn Kim Môn, ứng viên tự do viết trên trang cá nhân.

"Tự ứng cử quá nhiều và ứng cử viên nữ cũng thế"

Đó là ý kiến của tướng Trần Ngọc Thổ tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa 14 do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức chiều 17/3/2016.

Báo Thanh Niên dẫn lời thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 nói, “Vừa rồi họp ở địa phương, tôi cũng nói việc lựa chọn ĐBQH hết sức cẩn thận. Nhìn vào danh sách ứng cử ĐBQH thì thấy ngoài Đảng quá nhiều, tự ứng cử quá nhiều. Đây là tổ chức thứ tư (ý ông Thổ nói MTTQ VN - PV) của Đảng sau Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội chứ có phải ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra”.

Chiều 17.3, hội nghị hiệp thương lần hai biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 90 người ở TpHCM ứng cử ĐBQH khóa 14, trong đó có 48 người tự ứng cử (chiếm 53,3%), 44 người ngoài Đảng (48,8%), 30 nữ (33,3%).

Trong danh sách này có những người đáng chú ý như diễn viên Lâm Ngân Mai, ông Lê Đình Hùng tự Hùng Cửu Long, ông Hoàng Văn Dũng (Phong trào Con Đường Việt Nam), cô Nguyễn Trang Nhung, Thạc sĩ tài chính ngân hàng.

Ngoài ra có 2 ông Hoàng Hữu Phước, và Đặng Thành Tâm đang là đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng tự ứng cử lần này.

Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba

Theo trang Vận động ứng cử Đại biểu quốc hội, Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba sẽ diễn ra trong khoảng từ ngày 13/4 đến ngày 17/4/2016, và cũng do MTTQ tự tổ chức với nhau, giống như Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

Mục đích của Hội nghị hiệp thương lần thứ ba là lựa chọn và lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH. Xin nhấn mạnh: Việc lựa chọn và lập danh sách cuối cùng này cũng là do MTTQ tự tổ chức với nhau trong khuôn khổ Hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.

Không có sự có mặt và giám sát của bất kỳ một cơ quan độc lập nào.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba thông qua biên bản và chốt danh sách những người được ứng cử ĐBQH và gửi đến các cơ quan liên quan (Ủy ban Bầu cử Quốc gia, các ủy ban bầu cử địa phương, UBTVQH, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam...) chậm nhất vào ngày 22/4/2016.

(Đ.N)


Nguồn: danluan.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét