Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

George Kennan: Người bày mưu đánh bại Liên Xô



Hoàng Anh Tuấn



Đối với nhiều thế hệ quan chức ngoại giao Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, George Kennan (sinh ngày 16/2/1904 và mất ngày 17/3/2005) được coi là nhà ngoại giao kỳ cựu và vĩ đại nhất. George Kennan được coi là cha đẻ của một trong những chiến lược lớn nhất, dài nhất, tốn kém nhất và được thực thi liên tục bởi nhiều đời Tổng thống Mỹ trong suốt 45 năm, từ năm 1946-1990, đó là Chiến lược Kiềm chế (Containment Strategy – hay còn gọi là Chiến lược Ngăn chặn).

George Kennan gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1926 ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Princeton. Kennan đã chọn “nghiệp” nghiên cứu về Liên Xô, làm việc tại nhiều phái đoàn ngoại giao Mỹ ở châu Âu, đọc thông viết thạo tiếng Nga, hiểu được tâm lý, văn hóa Nga và nhanh chóng trở thành chuyên gia hàng đầu về Nga, Liên Xô của Bộ Ngoại giao Mỹ nói riêng và nước Mỹ nói chung.

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quan hệ giữa Liên Xô với Mỹ và Anh là quan hệ đồng minh và ba nước này là nòng cốt của phe Đồng minh chống lại Khối trục Phát-xít (gồm Nhật, Italia và Đức). Thực ra đây là một liên minh có tính tình thế với mục đích đánh bại các nước Phát-xít vì sự tồn tại của chính mình, chứ kỳ thực các lợi ích, giá trị chung để gắn kết quan hệ liên minh 3 nước không nhiều.

Do đó, sau khi kẻ thù chung là phe Phát-xít bị đại bại, các nghi ngờ về ý đồ chiến lược cũng như sự rạn nứt liên minh giữa Liên Xô với Mỹ, Anh và Phương Tây là đương nhiên. Lúc này cả hai phe do Mỹ và Liên Xô cầm đầu đều có nhu cầu tập hợp đồng minh, bảo vệ khu vực ảnh hưởng đã được phân chia theo các Hiệp định Yalta và Postdam, đồng thời cạnh tranh quyết liệt về quyền lực và ảnh hưởng tại các khu vực khác trên thế giới.

Tuy nhiên, do quan hệ đồng minh và hợp tác Mỹ-Anh-Xô được xây dựng và củng cố trong suốt cuộc chiến, nên người dân các nước này có thái độ hữu nghị và tình cảm tương đối tốt với nhau. Trong bối cảnh mới khi không còn coi nhau là “bạn”, là “đồng minh”, và vì cuộc chiến sinh tồn mới nên cả hai phía đều phải tìm các lý do “hợp lý” để có thể coi nhau như những kẻ thù không đội trời chung.

Đặc biệt nước Mỹ cần tìm một “con ngáo ộp” đủ lớn, đủ mạnh để tập hợp lực lượng đồng minh, củng cố sự thống nhất và đoàn kết cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm thiết lập một trật tự mới do Mỹ lãnh đạo. Trong bối cảnh đó Mỹ rất cần có một sự đánh giá mới về Liên Xô nhằm xây dựng chiến lược mới.

Ngày 3/2/1946, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Bức điện mật số 284 cho Sứ quán Mỹ tại Moscow, yêu cầu phân tích và đánh giá 5 điểm sau về Liên Xô:

    Các nét cơ bản về Tầm nhìn của Liên Xô thời hậu chiến;
    Cơ sở của Tầm nhìn này là gì;
    Khả năng hiên thực hóa chính sách này trong các tuyên bố, văn kiện chính thức;
    Các tiếp xúc hoặc đánh giá bên ngoài về việc thực hiện chính sách này;
    Cách thức đối phó của Mỹ.

Khi đó George Kennan là Đại biện lâm thời của Mỹ tại Moscow (do Đại sứ vắng mặt) và đây là lúc Kennan thể hiện dấu ấn và khả năng của mình. Ngày 22/2/1946, George Kennan đích thân thảo một bức điện dài (gần 20 trang). Đây là một điều rất không bình thường. Vì do lý do bảo mật nên giữa Bộ Ngoại giao các nước và các Sứ quán bên ngoài hiếm khi trao đổi các bức điện dài như vậy. Và cũng chính vì lý do này nên bức điện trả lời của George Kennan được gọi là The Long Telegram (Bức điện tín dài).

Trong bức điện này, George Kennan không chỉ trả lời cặn kẽ các câu hỏi trên, mà còn phân tích một cách toàn diện về các vấn đề sau: (i) Tư duy đối ngoại của Nga/Liên Xô; (ii) Tại sao Nga/Liên Xô lại có tư duy này; (iii) Tư duy này được thể hiện ra sao trên thực tế và Liên Xô sẽ hành động như thế nào; (iv) Chiến lược mới mà Liên Xô sẽ áp dụng có các tác động và hệ quả ra sao đối với Mỹ và đồng minh; (v) Mỹ cần có các chiến lược gì để đối phó với Liên Xô.

Cụ thể, George Kennan cho rằng:

Một, tư duy đối ngoại của Liên Xô xuất phát từ truyền thống tư duy lâu đời của người Nga hình thành từ hình thể địa lý đất nước, truyền thống văn hóa và tâm lý, đó là luôn ở trong trạng thái bất an, cho rằng các đế quốc châu Âu luôn tìm cách làm suy yếu nước Nga. Ý thức hệ không tác động nhiều đến tư duy này.

Hai, người Nga không có văn hóa thỏa hiệp chính trị kiểu Mỹ-Anh, do đó không thể chung sống theo kiểu “cùng tồn tại hòa bình” với Mỹ và Anh, mà chỉ có kiểu đấu tranh “một mất, một còn”. Do đó, Mỹ và phương Tây sẽ không thể chung sống hòa bình với Liên Xô, mà quan hệ sẽ là đối đầu cho đến khi một trong hai bên bị sụp đổ. Cuộc đấu này sẽ kéo dài và Liên Xô rất kiên trì, do đó Mỹ cần phải chuẩn bị một chiến lược dài hơi.

Ba, để đối phó với Liên Xô, Kennan cho rằng Mỹ cần xây dựng một chiến lược mới, đó là Chiến lược Kiềm chế nhằm kiềm chế Liên Xô một cách toàn diện. Kennan cũng cho rằng Mỹ cần phải củng cố trận địa của mình là 3 trung tâm gồm Mỹ, Nhật, và châu Âu. Kennan dự đoán sự cạnh tranh ảnh hưởng diễn ra khốc liệt nhất tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Phân tích này là một trong các nguyên nhân đưa đến sự ra đời của Kế hoạch Marshall giúp phục hồi kinh tế Nhật và châu Âu sau chiến tranh.

Bốn, Kennan cho rằng việc kiềm chế chỉ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Theo Kennan, Liên Xô cũng có điểm yếu về tâm lý là “ngại” đối đầu trực diện, do đó nếu Mỹ và phương Tây thi hành chính sách kiềm chế một cách kiên định không ngại va chạm và kiên quyết giành giật ảnh hưởng với Liên Xô thì Liên Xô sẽ phải chùn bước.

Bức điện sau khi gửi đã gây “chấn động” trong giới ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn nội dung vẫn chưa được phản ánh đầy đủ lên giới lãnh đạo cấp cao. Thất vọng nhưng không bỏ cuộc, George Kennan lấy phần lớn nội dung trong bức điện gửi ngày 22/3/1946 sửa lại thành bài báo ký bút danh “X” và đăng trên Tạp chí Foreign Affairs số tháng 7/1947. Từ đây, bài báo đã gây lên một cơn “địa chấn” trong giới nghiên cứu chiến lược và hoạch định chính sách Mỹ và giúp định hình ra Chiến lược Kiềm chế của Mỹ sau này.

Mặc dù được coi là cha đẻ của Chiến lược kiềm chế, nhưng điều trớ trên là chính Kennan đã có lúc bị những kẻ “Diều hâu” (the Hawks) chỉ trích là “Bồ câu” (the Dove) do: (i) quá “mềm yếu” với Liên Xô; (ii) không chủ trương đối đầu về quân sự, mà chỉ chủ yếu đối đầu về ngoại giao, chính trị và kinh tế; (iii) Chiến lược Kiềm chế của Kennan chủ yếu mang tính phòng thủ.

Sau đó Chiến lược Kiềm chế của Kennan bị giới “Diều hâu” trong chính giới Mỹ bắt cóc, và được Paul Nitze, người thay Kennan làm Vụ trưởng Chính sách đối ngoại tại Bộ Ngoại giao bổ sung thêm yếu tố kiềm chế quân sự, còn Ngoại trưởng khét tiếng “diều hâu” John Foster Dulles dưới thời Tổng thống Dwight Eisenhower thì “bác bỏ” Chiến lược kiềm chế của Kennan, mà đòi chuyển sang Chiến lược đẩy lui Chủ nghĩa cộng sản (Rollback). Còn bản thân Kennan vẫn không thay đổi lập trường “bồ câu”, chỉ trích mạnh mẽ sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Triều Tiên và Afghanistan.

Cho đến nay, sau khi Liên Xô và khối Đông Âu đã sụp đổ gần một phần tư thế kỷ, nhìn lại chính sách của Mỹ và phương Tây hiện nay đối với Nga rõ ràng có lý do để tin rằng các đánh giá của Mỹ và phương Tây về Nga không có nhiều thay đổi và dường như Chiến lược kiềm chế đang “đội mồ” sống dậy trở lại.



Nguồn: nghiencuuquocte.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét