Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Hãy cám ơn Trung Quốc



Việc Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến thăm dò dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam vào đầu tháng 5 vừa qua gợi lên rất nhiều phẫn nộ từ dân chúng Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại, tôi nghĩ, chúng ta nên cám ơn Trung Quốc.
Cám ơn về nhiều việc, nhưng việc quan trọng nhất là nó làm cho người dân Việt Nam cũng như giới quan sát quốc tế thấy rõ là chính quyền Việt Nam hoàn toàn lúng túng trong việc đối đầu với những thử thách như thế. Sự lúng túng ấy thể hiện ở hai điểm: Một, họ không có tầm nhìn chiến lược đủ để có thể tiên đoán các hành động xâm lấn của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam; và hai, trong nội bộ của họ, ngay cả ở những cấp lãnh đạo cao nhất, vẫn bị phân hoá với hậu quả là sau mấy tháng bị Trung Quốc quấy nhiễu, họ vẫn không tìm ra được một sách lược chung nào cả.
Cám ơn Trung Quốc còn vì lý do này nữa: Việc gây hấn ấy dập tắt ảo tưởng về người bạn “4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) với “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) của khá nhiều người, kể cả các đảng viên. Người ta thấy rõ một điều, cái điều trên thế giới đã có rất nhiều người thấy từ lâu: Trong quan hệ quốc tế, sự tương đồng về ý thức hệ không quan trọng bằng lợi ích quốc gia. Điều này đã được chứng minh một lần qua cuộc chiến tranh trên biên giới Việt Trung năm 1979. Giới lãnh đạo, nếu chưa mở mắt hẳn, có lẽ cũng thấy ngượng ngập khi phải nhắc đến những khẩu hiệu ngu xuẩn ấy. Hệ quả là phương cách cũng như khẩu khí của họ khi tuyên truyền sẽ đổi khác. Đổi khác ở mức độ nào thì chúng ta chưa rõ.
Lý do thứ ba để cám ơn Trung Quốc là sự gây hấn của họ khiến hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á giật mình. Trước đó, tuy ai cũng nghe rõ lời công bố ngang ngược của Trung Quốc về con đường lưỡi bò bao trùm phần lớn Biển Đông, nhưng nhiều quốc gia vẫn còn chút ảo tưởng là Trung Quốc chỉ đánh võ mồm, do đó, họ dễ đâm ra ỷ y. Nay thì người ta biết rõ là Trung Quốc không chỉ nói suông. Sự thức tỉnh ấy là một lợi thế cho Việt Nam nếu Việt Nam muốn tranh thủ sự hậu thuẫn của các nước trong khu vực để thành lập một trận tuyến chung nhằm kháng cự lại Trung Quốc, ít nhất về mặt pháp lý và chính trị.
Hơn nữa, ở khía cạnh này, có lẽ Mỹ cũng cần phải cám ơn Trung Quốc. Mấy chục năm trước, quan hệ giữa Mỹ với vùng châu Á Thái Bình Dương tuy cũng tốt nhưng rõ ràng là không mặn mà lắm.  Chính phủ Philippines đóng cửa căn cứ hải quân và không quân của Mỹ trên đất nước họ. Dân chúng Nhật Bản cũng đòi đóng cửa các căn cứ của Mỹ tại Nhật. Bây giờ thì khác. Cả Nhật Bản lẫn Philippines đều cố gắng mời mọc Mỹ trở lại. Hầu hết các quốc gia khác trong khu vực cũng có một thái độ giống nhau: hoan nghênh quyết định quay lại với châu Á của Mỹ. Có thể nói, chưa bao giờ các quốc gia châu Á, từ Nhật Bản đến Nam Triều Tiên, từ Philippines đến Miến Điện, từ Malaysia đến Thái Lan lại cần Mỹ đến như vậy.
Lý do thứ tư để cám ơn Trung Quốc là, sau sự gây hấn của Trung Quốc với Việt Nam, Mỹ càng có quyết tâm quay lại với châu Á Thái Bình Dương hơn. Trong một bài báo viết vào giữa năm 2012, Thượng nghị sĩ John McCain nêu lên hai tâm điểm chính phủ Mỹ cần chú ý một cách đặc biệt: Biển Đông và Miến Điện.
Tình hình Miến Điện đến nay diễn tiến tương đối tốt. Mặc dù có một số mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo thỉnh thoảng bùng nổ thành bạo động nhưng xu hướng dân chủ hoá tại đất nước ấy có vẻ thuận lợi. Chỉ còn Biển Đông, một tuyến đường hàng hải quan trọng của Mỹ, nơi mỗi năm, Mỹ chuyên chở một lượng hàng hoá lên đến 1.2 ngàn tỉ (1.2 trillion). Việc bảo vệ Biển Đông, do đó, là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Mỹ.
Nhưng để bảo vệ Biển Đông, Mỹ cần sự hợp tác của nhiều quốc gia trong khu vực, từ Philippines đến Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, trong đó, quan trọng nhất là Việt Nam, nước có vùng biển và đảo bị tranh chấp lớn nhất. Nếu Việt Nam thần phục Trung Quốc và chấp nhận con đường lưỡi bò của Trung Quốc thì Trung Quốc đã thành công gần một nửa.
Chính ở điểm này quyền lợi của Việt Nam và Mỹ gặp nhau. Nói cách khác, Mỹ không cần gì ở Việt Nam ngoài mục tiêu chung là ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam cần Mỹ trên rất nhiều phương diện, từ kinh tế đến quốc phòng; về quốc phòng, nổi bật nhất là cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Nhu cầu hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trở thành bức thiết nhất là sau vụ Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến thềm lục địa Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà sau biến cố ấy, các cuộc thăm viếng giữa hai bên tăng lên dồn dập. Đó là lý do cuối cùng khiến chúng ta nên cám ơn Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam có nắm bắt được cơ hội tăng cường hợp tác với Mỹ hay không là một vấn đề khác. Hai nguyên tắc quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama là, một, họ không chiến đấu giùm cho ai cả mà chỉ giúp những quốc gia có quyết tâm chiến đấu để tự bảo vệ mình; và hai, họ chỉ giúp đỡ những nơi chia sẻ với họ một số điểm trong bảng giá trị chung: dân chủ và nhân quyền. Điểm thứ hai rất quan trọng đối với trường hợp của Việt Nam với lý do là, đến nay, còn rất nhiều công dân Mỹ vẫn mang vết thương thời chiến tranh trước năm 1975. Chính phủ Mỹ chỉ có thể hợp tác sâu đậm với Việt Nam nếu họ thuyết phục được dân chúng Mỹ là Việt Nam xứng đáng nhận được sự giúp đỡ của Mỹ.

 http://www.voatiengviet.com/content/hay-cam-on-trung-quoc/2428363.html

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Bước đường cùng
Sunday, August 24, 2014 2:28:54 PM



Tạp ghi Huy Phương
“Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này!”
(Vú Em-Tố Hữu)
Ngày 15 Tháng Tám, Bộ Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam ra quyết định đình bản 3 tháng báo điện tử Trí Thức Trẻ và phạt 207 triệu đồng vì ngày 12 Tháng Tám báo này đã đăng một bài có tựa đề là “Gái miền Tây và 3 chữ 'N' nổi danh thiên hạ” của tác giả Trai Toàn Cầu.


Một cô gái quảng cáo bia Anchor của Singapore tại Hà Nội. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Ba chữ N đó là Ngoan, Ngon và Ngu. Bài này xem như đã vi phạm luật báo chí và chính ban biên tập đã ngỏ lời xin lỗi độc giả vì đã “gây nên sự tổn thương sâu sắc cũng như tạo cảm giác xúc phạm tới nhiều phụ nữ Việt Nam.”

Thật ra chuyện Ngoan, Ngon và Ngu không lạ gì với lời nói ngày xưa dùng để khuyên những người đi chọn vợ.

Ngoan nói về tính tình, ai lại không thích có một người vợ ngoan.

Ngon nói về thể chất và hình dáng bên ngoài, trắng da dài tóc, có nhan sắc, vì không ai muốn chọn vợ xấu.

Ngu nói về kiến thức. Phải ngu hơn chồng mới phục chồng, và không lấn lướt muốn dạy chồng. Không gì chán bằng cảnh ông chồng mới mở miệng phát biểu một câu thì vợ đã nói, “Chuyện này em biết rồi!” Vậy thì nên chọn một người vợ “ngu” hơn mình.

Nhưng ở đây bài báo lại dùng chữ “ngu” để vơ đũa cả nắm, cho con gái miền Tây ngây ngô và ngu muội, “não ngắn,” thiếu văn hóa. Tác giả cho rằng, “Về độ 'ngon,' độ 'ngoan' thì tôi dám quả quyết không gái miền nào địch được gái miền Tây. Nhưng còn về độ 'ngu' thì phần lớn gái miền Tây cũng là những cô gái 'ngu dốt' vô đỗi!”

Không phải bây giờ, mà trước đây báo chí Việt Nam đã có những bài báo chỉ trích cay nghiệt con gái “Bắc Kỳ,” và rồi nay, những người “phụ nữ miền Tây” bị tổn thương vì sỉ nhục là ngu đần!

Cộng sản coi là đã thống nhất được đất nước nhưng lòng người thì ly tán, nhất là sau cuộc đổi đời 30 Tháng Tư, 1975, dân miền Bắc ồ ạt vào Nam lập nghiệp, được ưu tiên nâng đỡ trong việc lập nghiệp, chiếm đất, phá rừng, bây giờ ở Việt Nam đi đâu mà không nghe tiếng nói Bắc Kỳ 75. Người miền Nam chẳng ưa gì dân Bắc vào Nam trong tư thế kẻ thắng trận chiếm đóng, người miền Bắc tuy coi miền Nam là vùng tạm chiếm, bị bóc lột, nhưng gần như ganh tỵ vì choáng ngợp trước cảnh đời sống an nhàn, sung túc của dân Nam.

Người miền Trung và miền Bắc thường có quan điểm cho rằng người miền Nam là hời hợt, nông nổi, thiếu sâu sắc, không có căn bản văn hóa, mối giềng ràng buộc với họ hàng, làng nước. Ðiều này dư luận thường dùng để làm câu giải đáp cho việc “lấy chồng Ðài Loan” của con gái Việt Nam mà các thiếu nữ miền Tây đã dẫn đầu trong vài chục năm qua.

Những nhận xét về “gái miền Tây” lâu nay khá nặng tay. Một cán bộ của Ðại Học Tôn Ðức Thắng nhận định... “nhiều người dân ở vùng này chây lười nên không nhận thấy tầm quan trọng của tri thức!” Một bài khác trong Vnexpress cho rằng, “... đàn bà con gái chỉ biết đi làm gái tiếp thị bia, massage!” Và chỉ nội cái nhan đề trong Vitalk.vn, “Gái miền Tây lười, ít học và muốn một bước lên bà chủ!” cũng đủ là một điều xúc phạm chung cho cả một tập thể.

Vì đâu nên nỗi?

Người đổ lỗi tại văn hóa, hoàn cảnh thiên nhiên ưu đãi mà không hề ai dám nói đến cơ chế xã hội và những gì là trách nhiệm của kẻ cầm quyền trong bao nhiêu năm nay. Một ông trưởng khoa trưởng một đại học lớn như Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn đã xác định ... “nền giáo dục ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long còn quá yếu, đặc biệt với phụ nữ, đã đưa đến những hệ lụy trên!” Vậy thì thưa ông, chủ trương này từ đâu đến và sao không nghe ông than trách việc khách sạn, sân golf, nhà hàng đặc sản hay cho ngoại nhân cho thuê đất để đẩy dân vào chỗ khốn cùng để con gái họ phải thoát ra cảnh nghèo, vươn qua biên giới để mong mỏi có một đời sống tươm tất hơn.

Cũng không nghe ai nói, trước Tháng Tư, 1975, con gái miền Tây toàn là dân đi bán bar, làm sở Mỹ hay làm điếm hay đi lấy chồng Ðài Loan. Ðiều gì đã biến đổi đất nước nói chung và con gái miền Tây lâm thảm cảnh này.

Có quý vị trí thức nào bỏ ra chút thời giờ để nghiên cứu xem xứ nào đàn ông Việt Nam đầu quân đi bán sức lao động xứ người, và vì sao Nghệ Tĩnh và Quảng Bình lại lắm người bỏ ruộng bỏ vườn “đăng ký” đi làm thuê để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Không lẽ quý vị lại đổ tội cho chây lười, ít học hay chối bỏ quê hương nghèo khổ, truyền thống của mảnh đất này là thích đi làm “bồi,” hay sợ phạm đến mảnh đất “thiêng” mà không dám nói.

Một sự thật đau lòng là nhạc sĩ Tuấn Khanh, ở trong nước, trong blog của ông đã nói lên một điều, đáng lý phải làm cho chính quyền trong nước đỏ mặt. Các hội gọi là phụ nữ, các tổ chức nhân quyền vẫn thường có thói quen báo cáo tốt, đề cao thành tích, vẽ vời hình tượng người phụ nữ Việt Nam, nhưng có đất nước nào đã ở trong thời kỳ hòa bình, độc lập mà thân phận phụ nữ bọt bèo, trôi giạt khổ đau như người con gái Việt Nam?

Sự thật là trong xã hội này, người phụ nữ bị đánh giá thấp, không hề được bảo vệ, che chở bởi công lý.

Những vụ án có liên quan về phụ nữ từ trước đến nay, phần đông phụ nữ đều bị thiệt thòi vì các loại đàn ông bên nguyên hay bên bị đều là loại nô bộc trung thành với đảng và nhà nước, và phụ nữ Việt Nam được xem không hơn một món đồ chơi.

Khi nói chuyện về đời sống của các cô gái miền Tây đi lấy chồng xứ người, blogger Tuấn Khanh được biết một sự thật rất là chua chát, nếu còn chút lương tri, hẳn các hội phụ nữ ở Việt Nam và cả cái cơ chế công an, cảnh sát xã ấp phải hổ thẹn. Khi hỏi về chuyện chồng Ðài Loan đánh đập, một cô gái đã cười hồn nhiên nói, “Không phải ai cũng bị như vậy, báo chí nói quá. Nhưng nếu như có bị đánh ở Ðài Loan, tụi em còn được báo chí xứ đó lên tiếng giùm, chứ ở Việt Nam, lấy một ông chồng say xỉn rồi bị đánh chết cũng không ai lo cho mình.”

Ở đây chúng tôi không nhắc đến một loại kỷ luật chỉ có trong xã hội Việt Nam là cấp lãnh đạo thông tin, một loại “Ông Kẹ” mang hơi hướng “đảng,” có thể làm tình, làm tội bất cứ cơ quan truyền thông nào khi họ cảm thấy bất như ý. Bài báo “ba N” có thể gây phẫn nộ cho quần chúng, thậm chí có thể ký giả bị bao vây hay tòa soạn bị đốt nhưng không thể vì lý do gì mà chính quyền phạt tiền hay đình bản. Phải chăng đây chỉ là một thái độ khúm núm, sợ mất lòng, vì trong Bộ Chính Trị hiện nay có bao nhiêu vị có mẹ, có em, có con là “gái miền Tây!”

Lên án ai đó là một công việc dễ dàng, nhưng đi tìm nguyên nhân mà và sự thật là một việc khó! Không dễ dàng như một vị tiến sĩ xã hội học, đảng viên CSVN, đã nhận định rằng do ít ý thức về đức hạnh mà phụ nữ Nam Bộ thường hay lấy chồng ngoại (TK). Vậy thì ở Hà Nội, hoa hậu, sinh viên đại học có tên trong đường dây “gái gọi,” tan trường là lên giường, chắc không phải lý do là đức hạnh!

Ba chữ Ngoan, Ngon và Ngu chưa đủ yếu tố để đưa người con gái miền Tây vào hoàn cảnh mà các “đạo đức gia” hay “đạo đức...giả” tha hồ bới móc, nói xấu. Quý vị cũng không nên quên một chữ N nữa, là chữ Nghèo khiến cho phụ nữ miền Tây phải lâm vào cảnh đi lấy chồng xa, hay chỉ biết đi làm gái tiếp thị bia, massage. Dân nghèo mạt, nhặt rác mỗi ngày không kiếm nổi tới $2, trong khi cán bộ công quyền giàu bạc triệu đô la, ăn xài huy hoắc bạc tỉ là ưu điểm của một chế độ XHCN chăng?

Miền Tây “gạo trắng nước trong” ngày nay như thế nào? Báo Hậu Giang đưa tin: “Dân khổ vì 'ba không.' Người dân tại các tuyến dân cư trên những con kênh mới hình thành ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, đang sống trong tình trạng 3 không: không nước sạch, không điện, không đường bộ. Trẻ em đến trường rất khó khăn, vậy thì sao cho là dân kém học vấn. Dân Hậu Giang còn nghèo, chỉ mỗi ấp 8 xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đã có 87 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 28 hộ nghèo không có đất sản xuất.” Vậy thì động lực nào đã xô đẩy hàng vạn cô gái miền Tây đi lấy chồng ngoại, nên câu nói “không có tiền thì 'cạp đất' mà ăn,” đâu có gì là quá đáng?

Ở đâu có câu chuyện bà Phạm Thị Lài, 52 tuổi, cùng con gái là Hồ Nguyên Thủy, 33 tuổi, với thân thể trần truồng không một mảnh vải che thân, phản đối chính quyền đã cướp đất để bán cho một công ty ngoại quốc trong dự án “Khu dân cư Hưng Phú,” sau khi chồng và cha của họ đã vì quá phẫn uất uống thuốc rầy tự tử! Hai mẹ con bà Lài “đã bị đám vệ sĩ lôi trên cát, bãi cỏ và các đống vật liệu trong tình trạng khỏa thân dưới cái nắng gay gắt.” Ðó chính là câu chuyện “hổ thẹn” nhất của đất nước trong năm 2012 xảy ra tại miền Tây, nơi mà một tờ báo “vô đạo” ngày nay đã lên án là cái xứ lười, ngu và con gái chỉ muốn đi bán bia, hay hành nghề massage.

Hổ thẹn không phải nơi hai mẹ con đã phơi bày cái chỗ đáng giấu của đàn bà, vũ khí yếu đuối cuối cùng phải đem ra để tấn công vào khuôn mặt quá dày, trâng tráo của chế độ, mà xấu hổ rơi về phía cường quyền, đã toa rập với xã hội đen, các thế lực đồng tiền, với sự trợ thủ của ngành công an đẩy người dân vào bước đường cùng.

Xin các nhà nghiên cứu văn hóa, các khoa bảng, trí thức hiện đang giữ các vai trò quan trọng trong các trường đại học hay trung tâm nghiên cứu, thích chuyên bố, rao giảng thứ kiến thức cổ lỗ, xin đừng ôm mãi cái não trạng mà danh từ hiện nay, người Việt trong nước đang dùng là “não ngắn,” đi tìm và đổ lỗi cho văn hóa, địa dư và những nguyên nhân xa cho cái “nghèo,” cái “ngu” của gái miền Tây, hầu hết là để biện minh cho tình trạng hư đốn của chế độ.

Thân “vú em” năm xưa làm sao nhục nhã, khốn khổ bằng chuyện con gái Việt Nam đi làm gái mại dâm mười phương bây giờ, nên chưa lúc nào tôi thấy hai câu thơ của Tố Hữu thấm thía như hôm nay:
“Bạn ơi nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này!”


 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=193919&zoneid=97#.U_vf4spR7CY

Để chống Nhà nước Hồi giáo, Phương Tây phải nói chuyện với nhà độc tài Syria Assad

Ông Bashar Jaafari, Đại diện thường trực của Syrie tại Liên Hiệp Quốc, đọc diễn văn, sau khi Hội đồng Bảo an ra nghị quyết trừng phạt các nhân vật trụ cột của Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Irak, New York, 15/08/2014.
Ông Bashar Jaafari, Đại diện thường trực của Syrie tại Liên Hiệp Quốc, đọc diễn văn, sau khi Hội đồng Bảo an ra nghị quyết trừng phạt các nhân vật trụ cột của Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Irak, New York, 15/08/2014.
REUTERS/Carlo Allegri

Đức Tâm
Cách nay một năm, Phương Tây dồn dập chuẩn bị tấn công quân sự vào Syria nhằm trừng phạt chế độ độc tài của Tổng thống Bachar al Assad vì đã sử dụng vũ khí hóa học giết hại thường dân. Thế nhưng, chế độ Damas sống sót vì vào giờ phút chót, Hoa Kỳ thay đổi thái độ.

Giờ đây, vị thế của Bachar al Assad lại được củng cố, do khai thác được thái độ chần chừ, lưỡng lự của các nước Phương Tây và đặc biệt là sự trỗi dậy rất nguy hiểm của lực lượng Hồi giáo cực đoan, Nhà nước Hồi giáo.
Ông Fabrice Balanche, chuyên gia về Syria, phụ trách nhóm nghiên cứu về Địa Trung Hải và Trung Đông, thuộc Maison de l’Orient, được Reuters trích dẫn, nhận định, rõ ràng là Assad đang trong đà giành thắng lợi tại Syria. « Vấn đề cần biết là ông ta sẽ tái lập sự kiểm soát lãnh thổ với tốc độ nào, phải chăng là trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia hay ông ta sẽ để lại một số vùng tự trị ».
Theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, ba năm qua, kể từ khi nổ ra xung đột tại Syria, hơn 190 ngàn người đã thiệt mạng. Quân đội của chế độ Assad đã chiếm lại được nhiều khu vực trước đây đặt dưới sự kiểm soát của Quân đội Syria tự do – ASL.
Được Phương Tây coi là nòng cốt của phe đối lập ôn hòa, Quân đội Syria tự do đã suy yếu và cùng một lúc phải đối phó với hai lực lượng : Quân đội chính quyền Damas và các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo.
Bị gạt ra khỏi tâm điểm thời sự quốc tế, do khủng hoảng Ukraina và xung đột quân sự khốc liệt ở dải Gaza, tình hình Syria lại được Phương Tây quan tâm trở lại do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nhà nước Hồi giáo. Đây là một tổ chức cực đoan, có nguồn gốc từ Nhà nước Hồi giáo Irak (tuyên bố thành lập năm 2006) và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông (vào năm 2013), rồi thành Nhà nước Hồi giáo hồi cuối tháng Sáu vừa qua, hiện kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Irak.
Quyết tâm của Phương Tây diệt trừ lực lượng Nhà nước Hồi giáo, mà Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là một khối « ung thư », như một món quà trời cho đối với ông Bachar al Assad. Tổng thống Syria khẳng định là từ nay, Phương Tây chia sẻ quan điểm với ông về cuộc xung đột ở nước này : Ngay từ năm 2011, Assad đã cho rằng các tổ chức khủng bố vũ trang gây ra làn sóng phản đối chế độ độc tài ở Damas.
Theo ông Bertrand Badie, chuyên gia về quan hệ quốc tế, Bachar al Assad khai thác vấn đề Nhà nước Hồi giáo « như con ngáo ộp để lôi kéo người dân về phía chế độ và làm suy yếu các lực lượng nổi dậy khác », đang bị tấn công từ hai phía, quân đội chính phủ và các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo. Còn trên phạm vi quốc tế, « tất cả mọi người đều muốn là Assad tiếp tục cầm quyền thay vì ông ta bị lật đổ và Nhà nước Hồi giáo tiến vào tận Damas ».
Sau khi tìm cách lật đổ nhà độc tài Bachar al Assad, Phương Tây lại phải nói chuyện với nhân vật này, bởi vì một số căn cứ của Nhà nước Hồi giáo nằm trên lãnh thổ Syria và Bachar al Assad sẽ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố này.
Tại Luân Đôn, Ngoại trưởng Anh Philipp Hammond dường như đang chuẩn bị cho khả năng này. Hôm thứ Sáu, 22/08, ông tuyên bố : « Có thể là vào một số dịp nào đó, chúng tôi đấu tranh chống lại những kẻ mà ông Assad cũng đang chống, nhưng điều này không biến ông ta thành đồng minh của chúng tôi ».
Chuyên gia Fabrice Balanche nhấn mạnh : « Hiện nay, không có ai khác ngoài Pháp và Ả Rập Xê Út chống lại chế độ Syria, còn Hoa Kỳ thì đã nói, thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng phe đối lập có thể thay thế Bachar, từ một năm nay, người ta đã hiểu rằng chế độ này sẽ tiếp tục tồn tại ».
Theo một nguồn tin ngoại giao Pháp, một hội nghị quốc tế về đấu tranh chống Nhà nước Hồi giáo sẽ được tổ chức tại Paris, trước khi khai mạc khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng Chín tới đây.


 http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140825-de-chong-nha-nuoc-hoi-giao-phuong-tay-phai-noi-chuyen-voi-nha-doc-tai-syria-al-assa

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Bạn hay thù - Ngô Nhân Dụng


Kẻ thù của kẻ thù là bạn, bạn của kẻ thù là thù, người ta thường nghĩ như vậy. Trong tương quan giữa các nước, các chính phủ, điều này không chắc đúng. Ở Iraq, thế giới Ngàn Lẻ Một Ðêm đã kể những câu chuyện bất tận đêm này qua đêm khác, và các nước chung quanh, quan hệ bạn, thù, càng rắc rối hơn.

Ngày hôm qua, phi cơ Mỹ đã ném bom xuống vị trí của quân nổi dậy chống chính phủ Iraq. Tuần trước, Mỹ gửi giúp Thủ Tướng Nuri al-Maliki 100 hỏa tiễn Hellfire, mớ hàng đầu tiên trong số 500 đã được hứa hẹn từ đầu năm 2014. Mỹ sẽ bán cho Iraq máy bay chiến đấu F-16 và trực thăng tấn công Apache. Người Mỹ dựng lên chính phủ đó tại Baghdad, sau khi đem quân sang lật đổ chế độ Saddam Hussein.

Iran và Nga là những quốc gia thù nghịch Mỹ vì đều đang bị Mỹ phong tỏa kinh tế. Nhưng cả hai nước này cũng đang giúp ông Nuri al-Maliki. Iran cho quân sang hỗ trợ đạo quân Iraq đang thua tơi tả. Còn Nga trong tuần trước gửi máy bay chiến đấu Sukhoi, sau khi Putin nói ông không thể ngồi yên coi chính phủ Baghdad sụp đổ. Các giáo sĩ lãnh đạo nước Iran thuộc phái Hồi Giáo Shi A, họ phải giúp ông Maliki, người đồng đạo. Nga liên minh với Iran, với mục đích khuyến khích họ đừng chịu theo các điều kiện do Mỹ đòi hỏi.

Nếu Iran tiếp tục nhượng bộ, như họ chứng tỏ trong nửa năm qua, Mỹ sẽ giảm bớt việc phong tỏa, thì dầu hỏa của nước này sẽ bán được ra ngoài thế giới nhiều hơn. Cũng với lý do tương tự, Nga chẳng mong cho cuộc nội chiến ở Iraq chấm dứt. Chiến tranh khiến nhiều mỏ dầu nước này ngưng hoạt động, hoặc không đưa đi bán được. Ðó là hai nước xuất cảng nhiều dầu lửa nhất, sau Á Rập Saudi và Nga. Nếu nguồn cung cấp dầu lửa của cả hai nước cùng được giải tỏa thì giá dầu trên thế giới sẽ xuống, tiền thu vào cho ngân sách chính phủ Nga sẽ xuống theo.

Iran và Iraq vốn là những nước thù nghịch, đã đánh nhau hai lần khi ông còn Saddam Hussein. Hussein cai trị độc tài, khát máu, dùng tay chân thủ hạ theo phái Sun Ni, đàn áp đa số dân Iraq theo phái Shi A. Chính phủ Mỹ giết ông ta, nước Iran bớt được một kẻ thù nguy hiểm. Khi Hussein còn sống thì nhóm khủng bố Al-Qaeda không thể xâm nhập nước Iraq, vì ông không thể chấp nhận Osama bin-Laden dám cạnh tranh vai trò lãnh tụ dân Á Rập Hồi Giáo. Bây giờ, bin Laden chết rồi, các đệ tử của ông ta đứng ra đóng vai lãnh đạo dân Sun Ni khắp miền Trung Ðông. Họ nuôi tham vọng thành lập một “siêu quốc gia, umna,” của những người đồng đạo. Trước đây họ tự xưng là ISIS, hai chữ IS đầu tiên là “Islamic State,” quốc gia Hồi Giáo, hai chữ sau là Iraq và Syria. Nay, họ chỉ còn dùng hai chữ IS đầu. Vì tham vọng của họ rộng lớn hơn Syria, Iraq, nay đã tràn sang cả Lebanon và đe dọa những nước Á Rập khác.

Từ gốc gác, đám quân nổi dậy ISIS khởi nghiệp tại Iraq, khi tiến sang Syria, cùng những nhóm khác chống nhà độc tài Assad thì họ bị Al-Qaeda khai trừ. Sau đó nhóm này đã trở thành lớn mạnh nhất ở Syria. Nhưng chính vì có nhóm cựu Al-Qaeda này mà chính phủ Mỹ, dù chống Bashar Assad, một nhà độc tài được Nga tận tình giúp đỡ, vẫn không hết sức giúp phong trào đang tìm cách lật đổ ông ta. (Có chính phủ Mỹ nào muốn giúp các môn đồ của bin Laden cướp chính quyền? Tương tự, thời 1945-50 không chính phủ Mỹ nào muốn giúp các đệ tử của Stalin!) Từ Syria, nhóm quân “hậu Al-Qaeda” này tràn qua Iraq đánh quân chính phủ. Họ được người cùng theo giáo phái Sun Ni theo rất đông; vì trong mấy năm qua ông Maliki đã củng cố địa vị cho người Shi A trong guồng máy nhà nước và quân đội; gây nhiều bất mãn trong các tín đồ Sunni.

Trong mấy tháng qua quân ISIS đã thành công tại Iraq hơn là ở Syria, vì quân đội của Maliki bị đánh là tan rã, cấp dưới theo phái Sun Ni không theo lệnh cấp trên thuộc phái Shi A. Họ chiếm được thành phố lớn Mosul, đe dọa cả các thánh địa của người Shi A, tấn công các mỏ dầu; họ chỉ bị ngăn lại khi đụng vào khu vực do dân Kurd kiểm soát. Người Kurd là một sắc dân thiểu số sống rải rác ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran, Nga và một số nước nhỏ trong vùng. Chiếm nơi nào, họ áp dụng một chính sách Hồi Giáo khắt khe. Các tín đồ phải tuyên thệ trung thành với lãnh tụ Abu Bakr al-Baghdadi, được suy tôn là “caliph.” Ca líp là danh xưng dành cho người đứng đầu cả thế giới Hồi Giáo (Umma), một chức vụ đã bị xóa bỏ từ khi đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) tan rã, và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cải cách, tách vai trò tôn giáo ra khỏi chính trị. Bakr al-Baghdadi đã đạt được địa vị mà trước kia Osama bin Laden ước mơ nhưng chưa bao giờ làm được!

Từ đầu tuần này, quân IS (tên mới) đạt những thắng lợi lớn. Họ chiếm được một khu đập nước gần thành phố Mosul. Cả thế giới lo ngại, vì nếu đập Mosul bể vỡ, có thể chỉ vì đám loạn quân này không biết gì về kỹ thuật quản trị, thì lũ lụt sẽ tràn xuống cả vùng châu thổ sông Tigris, ngập cả thủ đô Baghdad. Ðó là lý do chính phủ Mỹ phải hành động, bỏ bom các đoàn quân IS; trong khi vẫn làm áp lực buộc Thủ Tướng Maliki từ chức, vì ông ta theo chính sách kỳ thị người theo phái Sun Ni. Việc bỏ bom tương đối dễ dàng vì đám quân này hoạt động công khai, đóng trại giữa sa mạc và tiến quân trên các xa lộ. Chính phủ Mỹ còn nêu một lý do khác để can thiệp, là thả dù tiếp tế cho các làng xóm bị quân nổi dậy phong tỏa, nhất là những đám dân bị quân IS đàn áp phải chạy tị nạn. Trong số này có 100,000 người Iraq theo đạo Thiên Chúa, và hàng chục ngàn người Yazidis, họ theo một tín ngưỡng cổ truyền từ 4,000 năm, bị các tôn giáo khác coi là man dã. Máy bay Mỹ đã thả dù các thùng nước uống và thức ăn cho các nhóm dân tị nạn, nhưng chưa giúp được hết.

Trong cùng thời gian tiến quân tại Iraq, IS cũng thành công tại Syria. Họ đã chiếm được một căn cứ quân sự tại tỉnh Raqa. Trong cuộc nội chiến tại Syria, 170 ngàn người đã bị giết, đa số là thường dân, những lực lượng nổi lên đều thuộc giáo phái Sun Ni, chống chính quyền Bashar Assad do một nhóm thiểu số Shi A cầm đầu. Assad cũng thu hút được các nhóm quân tình nguyện theo Shi A từ Iraq qua. Và ông ta cũng được 1,000 quân của nhóm Hezbollah từ Lebanon kéo sang giúp từ Tháng Năm năm ngoái. Tại Iraq quân IS đã phá hủy các nhà thương và những cơ sở xã hội do nhóm Hezbollah lập ra, vì tổ chức này gồm những người theo phái Shi A tại Lebanon. Do đó, quân IS từ Syria tràn qua biên giới đánh sang cả Lebanon, cùng nhóm với quân “Mặt Trận Nusra” tấn công quân chính phủ.

Tổ chức Hezbollah được những người Shi A thành lập sau khi quân đội Israel xâm chiếm Lebanon năm 1982. Họ hoạt động trên nhiều mặt: tổ chức đảng chính trị tranh cử và tham dự vào chính phủ, thành lập các cơ sở xã hội giúp dân nghèo, và lập các đội dân quân vũ trang như quân đội chính quy. Họ được Iran hỗ trợ cả tiền bạc lẫn vũ khí để chống Israel, cho nên bị chính phủ Mỹ ghi vào danh sách các tổ chức khủng bố. Nhưng nay thỉ cả Hezbollah và chính phủ Mỹ đều chống đạo quân IS. Trước đây chính phủ Mỹ còn cho CIA giúp chính quyền Lebanon phá một âm mưu ám sát Chủ Tịch Quốc Hội Nabih Berri, một người do Hezbollah đề cử.

Nước Lebanon đang qua một cơn khủng hoảng chính trị vì Quốc Hội không thỏa hiệp được với nhau để bầu một vị thủ tướng mới. Chức vụ này thường được luân chuyển giữa những người Hồi Giáo theo hai phái Sun Ni và Shi A; trong khi chức quốc trưởng được dành cho một người theo Thiên Chúa Giáo (giáo phái Maronite, đông nhất), và những người theo đạo Druze cũng thường được dành các ghế bộ trưởng. Trong khi quân Lebanon bị quân IS tấn công, chết 17 người, giết được 60 quân địch, thì Tướng Samir Geagea, tư lệnh quân đội lại tuyên bố lo ngại rằng cuộc chiến này chỉ làm lợi cho chính quyền Assad ở Syria. Và ông Walid Jumblatt, lãnh tụ người Druze, đứng đầu đảng Xã Hội, còn cảnh cáo rằng giúp Assad tức là hỗ trợ cho Iran trở thành quốc gia ảnh hưởng trên cả vùng Trung Ðông. Ông nêu lên mối đe dọa một “Trục Iran-Syria” đang thành hình để giành ảnh hưởng khắp vùng Trung Ðông. Vương quốc Á Rập Saudi, một nước mà hoàng gia và đa số dân theo đạo Sun Ni, với một thiểu số theo phái Shi A đang bất mãn, xưa nay vẫn coi Iran là thù địch nguy hiểm nhất. Trong tuần qua, Saudi đã công bố viện trợ cho chính phủ Lebanon một tỷ Mỹ kim, nói là để “chống khủng bố,” mà quân khủng bố chính là quân IS, gồm những người cũng theo phái Sun Ni. Trong tuần này, một thủ lãnh đội quân IS là Sun Ni Abdullah Azzam Brigades, cũng xuất phát từ Al-Qaeda, đã lên tiếng thách thức nhóm Hezbollah, nói rằng, “Cầu mong Thượng đế đưa chúng qua Iraq! Tôi nói bằng tiếng Á Rập: Hãy cút khỏi Syria trước khi quá trễ! Nếu họ không hiểu tiếng Á Rập, tôi sẽ nói bằng tiếng Ba Tư (Iran)!” Ông ta còn tố cáo nhóm Hezbollah: “Chúng dám nói dối trá rằng chúng kháng cự người Do Thái. Người Hồi Giáo chúng tôi biết bộ mặt thật của chúng; chính chúng nó đang bảo vệ biên giới Israel!”

Chính phủ Mỹ đang quyết định quay trở lại Iraq, cung cấp hình ảnh vệ tinh về những cuộc chuyển quân của quân nổi dậy IS, thả bom, viện trợ vũ khí cho chính phủ Iraq. Ông Obama đang hy vọng một thủ tướng mới tại Baghdad vẫn tập hợp được các nhóm Shi A cũng như Sun Ni và người Kurds, và sẽ theo một chính sách không thiên vị một giáo phái nào. Chính phủ Mỹ cũng hy vọng sẽ tái áp dụng một chương trình của CIA liên kết các thủ lãnh bộ tộc người Iraq theo phái Sun Ni. Nhưng khả năng can thiệp của chính phủ Obama sẽ rất giới hạn. Hiện này chỉ còn 800 quân Mỹ ở Iraq, hơn 400 quân để bảo vệ tòa đại sứ và nhân viên. Hạ Viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết không cho chính phủ được tự ý đưa quân trở lại Iraq, nếu không được Quốc Hội cho phép; nghị quyết này còn chờ Thượng Viện phê chuẩn.

Chính phủ Mỹ cũng đang xin Quốc Hội phê chuẩn một ngân sách viện trợ gần 66 tỷ Mỹ kim; trong đó có 500 triệu giúp các nhóm quân chống Assad tại Syria, để họ có khả năng cạnh tranh với đám quân IS, mà hai bên đã từng đánh nhau trong khi cùng chống Assad. Một tỷ Mỹ kim sẽ được dùng để giúp “ổn định” tình hình ở Jordan, Lebanon, Turkey và Iraq, tất cả đều chịu ảnh hưởng của cuộc nội chiến tại Syria và Iraq; một cách gián tiếp chống ảnh hưởng của Iran. Chương trình viện trợ này cũng bao gồm một tỷ Mỹ kim để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung và Ðông Âu; trước mối đe dọa từ Nga; trong khi Mỹ, Iran và Nga đều đang giúp Iraq chống lại quân Hồi Giáo Sun Ni quá khích.

Cuối cùng, trên mặt trận ngoại giao, các nước có thể vừa là bạn, vừa là thù địch; không coi nước nào là kẻ thù truyền kiếp, cũng không có ai là bạn đồng chí muôn đời. Chỉ các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam là dại. Thời Lê Duẩn có lúc nhất quyết theo Tàu, Lê Duẩn tôn xưng Mao Trạch Ðông là “Lê Nin của thời đại mới;” rồi sau đó có lúc coi Trung Quốc là nước thù địch, lại cả vào Hiến Pháp. Ðến thời Nguyễn Văn Linh, lại coi Trung Cộng là đồng chí lớn nhất phải bám vào dựa dẫm. Trước hội nghị Thành Ðô Nguyễn Văn Linh nói với đại sứ Trung Cộng: “Tôi sẵn sàng sang Trung Quốc gặp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Các đồng chí cứ kêu một tiếng là tôi đi ngay... Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin.” Sau đó, khi bị Trung Cộng đánh lừa ở Campuchia để bành trướng thế lực, Nguyễn Văn Linh còn biện hộ giùm đồng chí “dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa.” (trích trong hồi ký của Trần Quang Cơ, thứ trưởng ngoại giao thời đó.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=193105&zoneid=7#.U-pocspR7CY

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Putin trước ngõ cụt của khủng hoảng Ukraina

Ngoại trưởng Lavrov và Tổng thống Putin bàn về tình hình Ukraina  - REUTERS /Maxim Zmeyev
Ngoại trưởng Lavrov và Tổng thống Putin bàn về tình hình Ukraina - REUTERS /Maxim Zmeyev

Anh Vũ
Khủng hoảng Ukraina đang đẩy ông Putin vào tình thế càng ngày càng khó có thể tìm ra một lối thoát. Tổng thống Nga đang đau đầu trước một mớ bòng bong giữa những biện pháp trừng phạt của phương Tây ngày càng siết chặt, sự cân nhắc ủng hộ phe ly khai và dư luận trong nước có thể sẽ thất vọng về chính sách đối với Ukraina của Kremlin một khi phải hứng chịu hậu quả của một nền kinh tế suy yếu.

Trên đây là những nhận định chung của giới phân tích về cuộc khủng hoảng Ukraina, vốn đã phức tạp ngay từ đầu, giờ càng lún sâu vào bế tắc.
Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraina mà cao điểm là từ khi được quốc tế hoá sau vụ sáp nhập Crimée vào Nga, tổng thống Vladimir Ptin đã sử dụng nhiều chiến thuật để đối phó với những đòn trừng phạt của phương Tây. Trong đó, tổng thống Nga đã khôn khéo chia rẽ các nước trong Liên hiệp châu Âu, đặc biệt là thái độ dè dặt của Đức, nước có có nhiều lợi ích nhất trong quan hệ làm ăn với Nga.
Tuy nhiên, diễn biến mới bất ngờ xảy ra hôm 17/07/2014 khi chuyến bay MH 17 của hàng không Malaysia bị rơi tại vùng miền đông Ukraina, mà nguyên nhân theo Kiev và Washington là do tên lửa của phe ly khai thân Nga bắn. Sau biến cố khiến cho 298 con người vô tội thiệt mạng đó, phương Tây không ngần ngại khẳng định Nga hậu thuẫn, cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy tại Ukraina. Tiếp theo các cáo buộc trực diện nhắm vào Matxcơva, tuần qua, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đã nhất loạt tăng cường các biện pháp từng phạt đánh thẳng vào kinh tế của Nga.
Các biện pháp trừng phạt mới bắt đầu được áp dụng từ hôm qua (01/08), theo đó cấm ít nhất trong vòng ba tháng những ngân hàng lớn của Nga tiếp cận thị trường vốn của châu Âu, cấm vận bán vũ khí và một số thiết bị quan trọng cho ngành dầu khí đối với Nga.
Mục tiêu của các trừng phạt kinh tế mới đối với Nga là rõ ràng : Buộc Tổng thống Putin từ bỏ việc sáp nhập « bất hợp pháp » bán đảo Crimée và chấm dứt sự ủng hộ về quân sự đối với phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina.
Hãy còn quá sớm để có thể đánh giá được hiệu quả của các biện pháp trừng phạt với Nga. Như chuyên gia chính trị Konstantin Kalatchev, lãnh đạo trung tâm phân tích « Expert Politique » nhận định : « Ngay tức thời, các biện pháp trừng phạt đó không buộc ông Putin thay đổi chính sách đối với Ukraina, nhưng về lâu về dài thì có thể ».
Vẫn theo chuyên gia Kalatchev, cái khó cho ông Putin là kinh tế Nga lúc này đang đứng bên bờ suy thoái, « nếu như người dân trong nước bắt đầu cảm nhận được hệ lụy của các biện pháp trừng phạt » đè nặng lên cuộc sống của họ thì khi đó ông Putin sẽ mất đi rất nhiều điểm tín nhiệm trong dân chúng, trong khi mà chính quyền Nga phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của ông Putin ở trong nước.
Quyết định sáp nhập Crimée về Nga và chính sách bảo vệ những người nói tiếng Nga cũng như phe ly khai thân Nga ở Ukraina đã giúp cho Tổng thống Nga có được 80% dư luận ủng hộ, một tỷ lệ được lòng dân lớn chưa từng có từ khi ông Putin lên nắm quyền lần đầu vào năm 2000.
Thế nhưng, đến giai đoạn này của cuộc khủng hoảng Ukraina, « ông Putin đang rơi tình thế khó khăn », như nhận định của nhà phân tích chính trị Nga bà Maria Lipman. Theo bà Lipman : « Nếu ông Putin không thay đổi chính sách, các trừng phạt sẽ nặng nề hơn. Ông ta đang cố xoay sở sao cho không bị cho là lùi bước. Nhưng phạm vi hành động của ông lại rất hạn hẹp ».
Theo một cuộc thăm dò dư luận Nga công bố hôm 31/7, chỉ có 1/4 người dân ủng hộ một cuộc can thiệp trực tiếp của Nga vào Ukraina. Trong khi đó, phương Tây không ngừng hối thúc Matxcơva phải ngừng ngay sự ủng hộ quân sự đối với lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina trước khi tìm giải pháp cho khủng hoảng trên bàn ngoại giao.
Nếu như Tổng thống Nga đang đau đầu tìm lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng Ukraina đang có chiều hướng ngày thêm nguy hiểm này, thì Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu cũng đang phải đối mặt với câu hỏi không dễ dàng là làm sao ngăn chặn được leo thang căng thẳng mà không bị mất mặt.
Nhật báo Anh The Independant mới đây đã tiết lộ một kế hoạch Nga – Đức đang được nghiên cứu, theo đó Nga bảo đảm an toàn biên giới Ukraina và cấp năng lượng cho châu Âu, đổi lại, quốc tế công nhận vụ sáp nhập Crimée vào Nga. Thông tin này đã bị Berlin phản bác ngay lập tức.
Nhà phân tích chính trị Lipman đặt vấn đề : « Cuộc xung đột ở Ukraina đang trở nên nghiêm trọng và nguy cơ bị quốc tế hoá là có thật. Phương Tây có phương tiện để gây thiệt hại cho nước Nga nhưng không thể làm chấm dứt cuộc chiến này mà không có mặt Nga. Vậy liệu phương Tây sẽ tạo cơ hội cho Putin để làm việc đó ? ».
Vấn đề mấu chốt hiện nay có lẽ nằm ở kết luận của các chuyên gia đang điều tra vụ chiếc máy bay số hiệu MH 17 bị rơi. Ông Putin vẫn luôn cân nhắc thận trọng sự ủng hộ đối với phe ly khai thân Nga.
Nếu các nhà điều tra quy trách nhiệm cho phe ly khai trong vụ tai nạn của máy bay MH 17 thì đó sẽ là « một gánh nặng mà ông Putin không thể mang thêm được nữa. Vì các giá phải trả sẽ quá đắt, khi đó có lẽ ông Putin sẽ bỏ rơi phe ly khai », Andrei Kolesnikov, một trong số các nhà báo Nga hiểu rõ ông Putin nhận định.

 http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140802-putin-truoc-ngo-cut-cua-khung-hoang-ukraina

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Một xã hội khôi hài

Thỉnh thoảng, trên các phương tiện thông tin trong nước lại đưa những “hình ảnh đẹp” chẳng hạn như một quan chức nhường chỗ ngồi cho cụ già trên xe bus, một cảnh sát giao thông đỡ một cụ già lên xe gắn máy, một nhóm cảnh sát giao thông đưa một sĩ tử về phòng và đãi cơm trưa, một cảnh sát giao thông quét dọn đường phố… Nôm na là thế, và điều này được xem là hành vi đẹp, hành động mẫu mực. Mới đọc thấy cảm động thực sự, đọc lâu, ngẫm lại cũng thấy cảm động. Nhưng nếu ngẫm kĩ, không khỏi thất vọng tràn trề về cái xã hội mình đang sống, thất vọng là điều đương nhiên!
Thử nghĩ, tất cả những hành động trên đây có gì là cao đẹp hoặc mẫu mực? Đó chỉ là hành vi rất thường nhật và đã là con người có suy nghĩ, có lương tri, không có ai là không hành động như thế cả. Điều này, trong một xã hội không cần phải tiến bộ cho mấy, người ta vẫn có thể xem là chuyện thường ngày, chẳng có gì phải đáng bàn luận mà cũng chẳng có gì để tôn vinh cả!
Thế nhưng với Việt Nam, đó là hành động cao cả, cao quí, mẫu mực gì gì đó. Vì sao người ta lại đi tôn vinh những thứ rất thường tình như thế? Có hai câu trả lời: Khi xã hội quá hiếm sự tử tế thì một sự tử tế rất nhỏ cũng trở thành điểm sáng và; Xã hội đang ở vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng về nhân tính, báo chí trở thành trò hề.
Ở vấn đề xã hội quá hiếm sự tử tế, có lẽ không cần bàn nhiều, khi mà người ta có quá nhiều bất an và nỗi lo mỗi khi đối diện với nhân viên công lực, và con người cảm thấy rắc rối, căm phẫn mỗi khi đến cơ quan nhà nước. Bù vào, khi nói về nhân viên nhà nước, dù sao chăng nữa cũng là cán bộ, cũng là chuẩn mực, đặc biệt là các ngành nhà giáo, công an, tòa án và y tế, người ta lại nói về những nơi không tử tế, thiếu hẳn tình người và lương tri.
Nói đến nhà giáo, người ta hay nghĩ đến những ông thầy la cà quán nhậu, ăn bẩn của học sinh, ép học sinh vào con đường trụy lạc, nô lệ tình dục cho các quan, nói đến công an, người ta nghĩ đến một đội ngũ bạo lực và tàn nhẫn, vô tâm, nói đến bác sĩ, người ta nghĩ ngay đến những cái máy chém, nói đến tòa án, người ta nghĩ ngay đến những con bù nhìn bị giật dây… Chính vì thế, xã hội trở nên thiếu hụt sự tử tế hơn bao giờ hết, mỗi một hành vi nhỏ, tưởng chừng chẳng có gì để bàn lại trở thành hành vi mẫu mực, đáng kính trong cái xã hội này.
Ở khía cạnh báo chí trong nước trở thành trò hề, có thể nói rằng không có một cách nhìn nào chính xác hơn cho báo chí trong nước một khi mọi tổng biên tập của mọi tờ báo đều là kẻ quì lụy và bưng bô cho ông tổng biên tập lớn nhất là đảng Cộng sản Việt Nam. Chính bởi sự quản lý, giám sát quá chặt chẽ, những phóng viên, nhà báo trực thuộc nhà nước bắt buộc phải là một kẻ bồi bút tung hô chế độ để kiếm sống, nhân phẩm và lòng tự trọng của giới cầm bút nhà nước trở thành thứ hàng xa xỉ, không hợp mốt và đi ngược cơ chế. Mỗi nhà báo chỉ còn một con đường duy nhất là ca ngợi, nịnh bợ chế độ. Những ai không làm thế sẽ là một Phạm Chí Dũng hoặc một Trương Duy Nhất, Huy Đức thứ hai…
Và một khi phải sống và làm việc trong môi trường ngợi ca, tung hê như thế, những cây bút nhà nước không có, tuyệt nhiên không có cơ hội phản biện với cái xấu, hoàn toàn không được phép lên án cái xấu nếu như cái xấu ấy có gốc rễ từ đảng Cộng sản. Họ phải bằng mọi giá tìm tòi, vạch từng chân tơ kẽ tóc của chế độ để tìm nốt ruồi son. Và mỗi hành động, dù rất bình thường (nếu không nói là tầm thường, thường tình) cũng có thể được thổi phồng thành hiện tượng tiêu biểu và được ca ngợi tít tận mây xanh. Thậm chí, kẻ cầm bút ca ngợi cảm thấy tự hào vì mình đã nêu được một gương tiêu biểu cho xã hội, ngành nghề.
Thử hỏi, một cái xã hội mà mọi nơi, mọi chỗ đều có tham nhũng, mãi lộ và rút ruột thì một vài người tốt ấy có thật tình là tốt hay không? Cái hình ảnh anh công an gaiao thông quét gương vỡ tại thành phố Hà Nội, người ta quên bình luận rằng trước đó, một vụi va chạm xe đáng kể đã xãy ra bởi chiếc xe chạy trước phanh quá gấp khi bị cảnh sát giao thông thổi, khiến chiếc xe chạy sau đâm sầm vào và vỡ tan tành mặt kính. Lúc đó, cảnh sát giao thông đã xử lý nhanh cho hai xe tiếp tục chạy và đứng ra quét gương vỡ.
Vậy, nếu xét về bản chất của hành vi quét gương kia, đã thật sự tốt hay không mà báo chí cứ ca ngợi như thế? Và phóng viên chụp hình, đưa tin kia có quá vội vàng khi đưa tin? Câu trả lời là phóng viên kia có thể biết mọi chuyện, có thể nhìn thấy nguyên nhân, nhưng anh/chị ta đã xuất sắc trong việc tự biên tập sự việc theo hướng đảng, anh đã bỏ khác đoạn trước, lấy một đoạn duy nhất có hình ảnh cảnh sát giao thông quét đường để làm gương tiêu biểu. Trong trạng huống này, anh cảnh sát giao thông là kẻ giảo hoạt còn tay phóng viên chỉ là kẻ xu phụ, léo hánh. Nhưng dẫu sao, vẫn cám ơn anh/chị ta vì đã đưa ra một hình ảnh không đến nỗi tệ. Chỉ có điều đưa xong rồi lại tung hê thì quá ư sống sượng và tầm thường!
Và đến đây, gương mặt thật của sự tử tế nhà nước đã quá rõ, tìm đỏ con mắt cũng chỉ thấy những trò tung hứng, trò hề của một nền báo chí phục vụ chế độ. Kẻ diễn kịch, kẻ ghi hình và tung hê. Mọi trò hề cứ như thế diễn ra mỗi ngày và nhân dân lúc nào cũng bị bọn họ làm cho há hốc, kinh ngạc. Một xã hội như thế gọi là gì?!

 http://www.rfavietnam.com/node/2137