Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Đánh giá về ngoại giao Tập Cận Bình


Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) ra chính sách, Thủ tướng Lý Khắc Cường thực hiện?
Một báo cáo quan trọng vừa ra trong tháng Sáu tìm hiểu những thay đổi và mâu thuẫn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.
Từ khi chính thức trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc tháng Ba 2013, ông Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực vô cùng nhanh chóng. Điều này chứng tỏ sự chống đối nội bộ không nghiêm trọng như dự đoán trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington.
Báo cáo của Christopher K. Johnson, viết cùng nhiều người khác, cho rằng các sắp xếp nhân sự của ông Tập bảo đảm rằng “toàn bộ các quyết định quan trọng đi qua và xuất phát từ ông”.

Chủ thuyết ngoại giao

Các lãnh đạo Trung Quốc khi lên nắm quyền đều đề ra tư tưởng chiến lược mới. Với Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đó là các cụm từ “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, “Tư tưởng ba đại diện” và “Tư tưởng phát triển khoa học”.
Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại nói mục tiêu phát triển trong tương lai là thực hiện "Giấc mơ Trung Quốc", đem lại “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Điều này có nghĩa là đến năm 2049, cũng là 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh muốn trở lại vị trí thống lĩnh khu vực.
Trong khuôn khổ chiến lược này, Bắc Kinh tiếp tục xem quan hệ ổn định với Mỹ là “mục tiêu đối ngoạI chủ chốt”. Ngoại trưởng Vương Nghị, vào tháng Ba 2014, tuyên bố phong cách mới của quan hệ nước lớn là “phá vỡ mô hình lịch sử của xung đột và đối đầu giữa các nước lớn”.
Tuy vậy, các tác giả nói vẫn không rõ các điều kiện của Trung Quốc đặt ra để có sự ổn định này.
Nhìn lạc quan, Trung Quốc xem quan hệ Mỹ - Trung hơi giống giai đoạn hòa hoãn giữa Mỹ và Liên Xô trước đây: tránh xảy ra xung đột trực tiếp.
Nhưng lại có đánh giá bi quan hơn rằng Trung Quốc muốn Mỹ phải chấp nhận định nghĩa “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh. Cũng trong tuyên bố của ông Vương Nghị hồi tháng Ba, ông này định nghĩa tôn trọng nhau là tôn trọng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hệ thống xã hội và con đường phát triển, và các lợi ích cốt lõi và quan ngại”.
Ông Tập Cận Bình tăng cường quan hệ với Nga
Hai cách tiếp cận trái ngược này cùng hiện rõ trong hành vi của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Một mặt, quân đội Mỹ - Trung đã cải thiện quan hệ. Báo cáo thậm chí cho rằng “có dấu hiệu” Trung Quốc sẽ khó cắt đứt toàn bộ quan hệ quân sự nếu Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Hai nước cũng bày tỏ mong muốn sẽ thiết lập hệ thống thông báo cho nhau về các diễn biến điều động quân đội trong vùng.
Nhưng những tháng gần đây, bằng chứng “đen tối hơn” đã có. Hồi tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, khi họp báo với người tương nhiệm Mỹ Chuck Hagel, kêu gọi Mỹ phải giữ Nhật Bản “trong vòng kiềm chế, không dễ dãi và ủng hộ”. Ông này cũng gọi đồng minh Philippines của Mỹ là “giả vờ làm nạn nhân” khi nộp đơn kiện Trung Quốc vì biển đảo. Nó cũng giống như các bình luận của quan chức và học giả Trung Quốc cho rằng quan hệ Mỹ - Trung bị xấu đi vì Mỹ ủng hộ các nước có mâu thuẫn với Trung Quốc.

Ngoại giao nước lớn

Một điểm quan trọng trong chính sách ngoại giao thời Tập Cận Bình là sự nhắc lại quan niệm “ngoại giao nước lớn”, vốn lần đầu được đề cập dưới thời Giang Trạch Dân. Trước đây, Giang chủ tịch thừa nhận Trung Quốc vẫn phải chịu các hạn chế do Mỹ áp đặt. Nhưng hiện nay, quan niệm này lại đặt mối quan hệ với Mỹ ở trạng thái bình đẳng hơn.
Dĩ nhiên ông Tập muốn có quan hệ tốt và ổn định với Mỹ. Nhưng báo cáo cho rằng khác với các lãnh đạo Trung Quốc trước đây, ông Tập dường như muốn gửi tín hiệu cho Washington rằng “chúng tôi còn nhiều lựa chọn”. Nó thể hiện qua mối quan tâm của ông Tập dành cho Nga trong hợp tác an ninh, chính trị, và châu Âu trong quan hệ thương mại.
Trước Nhật Bản, quan niệm rằng Trung Quốc cần hành xử như một đại cường dẫn đến hệ quả đòi Nhật phải đứng thấp hơn trong quan hệ song phương và trong địa chính trị khu vực. Việc lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông là một trong những biện pháp nhằm tạo sức ép liên tục và gây cảm giác cô lập cho Nhật.
Tương tự, trong quan hệ với Bắc Hàn, ông Tập muốn nói với Bình Nhưỡng rằng “quan hệ đặc biệt” trong quá khứ đã không còn, được thay bằng quan hệ “bình thường” giữa nhà nước với nhau.

Quan hệ với ASEAN

Ông Tập Cận Bình gọi quan hệ với các nước Đông Nam Á “như môi với răng”. Ông hứa hẹn sẵn sàng cùng với các nước ASEAN bàn thảo việc ký kết Hiệp ước Láng giềng hữu nghị và Hợp tác. Chủ tịch Trung Quốc cũng hy vọng đến năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ lên tới một nghìn tỷ đôla Mỹ.
Vụ giàn khoan Hải Dương 981 khiến Việt Nam lên án Trung Quốc
Tuy vậy, không chắc Tập Cận Bình có thể thành công trong quan hệ hữu hảo với các nước Đông Nam Á. Mặc dù Bắc Kinh đã tăng mạnh đầu tư để “xây dựng kết nối”, vẫn có nghi ngờ ở nhiều nước ASEAN về sự phụ thuộc Trung Quốc, cũng như nghi ngờ rằng hợp tác kinh tế đem lại lợi ích chủ yếu cho Trung Quốc. Sự hung hăng hơn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng làm tăng lo ngại.
Theo báo cáo của CSIS, các lãnh đạo ASEAN nói chung có những nhận định sau về chính sách ngoại giao dưới thời Tập Cận Bình:
Ông Tập là chủ soái: ASEAN cho rằng Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực nhanh và hiệu quả hơn mọi lãnh đạo khác từ thời Đặng Tiểu Bình.
Dân tộc chủ nghĩa: ASEAN tin rằng ông Tập đặt lợi ích của Trung Quốc, gồm cả vấn đề chủ quyền, lên cao hơn mọi tính toán. Mặc dù Bắc Kinh nhấn mạnh quan hệ “đại gia đình” với Asean, Trung Quốc cũng quyết tâm giành ưu thế trong tranh chấp Biển Đông.
Ông Tập là cơ hội: Một lập luận trong khối ASEAN là chính sách ngoại giao của Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh hợp tác, chứ không thách thức hay kiểm soát, láng giềng. Nhưng quan điểm này dường như bị bác bỏ qua các hành động như vụ giàn khoan Hải Dương 981 gây rạn nứt quan hệ với Việt Nam.
Ông Tập là đe dọa: Một lập luận ngược lại cho rằng Trung Quốc sẽ có chính sách ngoại giao hung hăng hơn, đặc biệt nếu Bắc Kinh cho rằng Washington yếu thế và bớt quan tâm.
Một nhận định khác từ báo cáo là ông Tập có vẻ muốn duy trì ấn tượng khủng hoảng để biện minh cho quyền lực to lớn của cá nhân, cũng như sự táo bạo và quy mô cải tổ mà ông xúc tiến ở trong nước.
Ông phải “tô vẽ một số lựa chọn khó khăn của đảng theo ngôn ngữ sống chết”. Một ví dụ là sự nhấn mạnh vấn đề biển đảo. Mô tả của ông Tập đối với các thách thức trên biển tỏ ra cứng rắn hơn và mang tính chất chiến lược. Họp với Bộ Chính trị tháng Bảy năm ngoái, ông Tập nói “đại dương và biển ngày càng có vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ở các lĩnh vực chính trị, phát triển kinh tế, quân sự, và công nghệ”.
Ông Tập cũng ngụ ý rằng mặc dù Trung Quốc đang có cơ hội phát triển, nước này cũng đối diện đe dọa gia tăng. Ông nhấn mạnh xây dựng tư tưởng quân đội "phải biết đánh trận, đánh thắng trận; mở rộng chí tiến thủ, cải cách sáng tạo”.
Báo cáo của CSIS nói cần xem xét hệ quả khi đối phó với một nhà lãnh đạo mà dường như nghĩ rằng rất cần duy trì “mức độ căng thẳng nhất định”, cả trong và ngoài nước, để đạt được các mục tiêu chính sách của ông.

 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/06/140620_tap_can_binh_ngoai_giao.shtml

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Lựa chọn ngoại giao - Ngô Nhân Dụng

Bài trước trong mục này đã bàn về mấy mặc cảm cùng ảo tưởng người Việt mình nên xóa bỏ. Còn một thứ vừa do mặc cảm, vừa là ảo tưởng nên dứt khoát đem chôn, là nỗi ám ảnh nghĩ rằng nước Việt Nam mình phải chọn lấy một cường quốc nào đó làm chỗ dựa. Một cách cụ thể: Nên chọn Nga, Mỹ, hay là Trung Quốc làm “đồng minh chiến lược?” Câu hỏi này đã được nêu ra trong một bài lấy từ Facebook của một cá nhân, bài được đăng lại trên trang mạng của Nguyễn Phú Trọng. Bài viết mang tựa đề “Lựa chọn nào cho chúng ta?” dưới tên Facebook Bình Lê Thọ; chắc phải phản ảnh mối quan tâm của ông tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam, vì đăng trên trang nhà mang tên Nguyễn Phú Trọng, mà ông ta không phủ nhận.

Tác giả giả thiết rằng Trung Cộng sẽ rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển nước ta trước khi mùa bão tới; rồi đặt câu hỏi, “Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra rồi thì Việt Nam sẽ lựa chọn chiến lược đối ngoại như thế nào?” Cách đặt câu hỏi này thấy buồn cười, vì chiến lược đối ngoại của một quốc gia là chuyện lâu dài, tại sao lại chỉ đặt ra sau một biến cố thời sự, do người nước khác quyết định? Ðúng ra, phải hỏi rằng Việt Nam cần một chiến lược đối ngoại nhất quán và trường kỳ như thế nào trong thời gian tới, ít nhất trong nửa đầu thế kỷ 21 này. Có lẽ tầm hiểu biết của ông Nguyễn Phú Trọng lại thích hợp với cách đặt một câu hỏi ngắn hạn như vậy, cho một vấn đề vượt trên các tin tức thời sự.

Sau khi đặt câu hỏi như trên, tác giả đã hết lời khen ngợi ông Lê Duẩn , người đã từng ngồi cái ghế tổng bí thư trước ông Nguyễn Phú Trọng. Ðiều được đề cao duy nhất là ông Lê Duẩn chống Trung Quốc kịch liệt; vì “dã tâm xâm chiếm Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc chưa bao giờ thay đổi.” Bài viết trích dẫn một đoạn đối thoại dài, nói rằng do Lê Duẩn thuật lại ông ta đã đối đáp với Mao Trạch Ðông, với lối kể, “Mao hỏi tôi,” và “Tôi trả lời,” vân vân. Nhưng đọc những lời đối thoại này thì người tinh ý sẽ nhận ra ngay là bịa đặt.

Gán cho Mao Trạch Ðông ý kiến như sẽ đưa nông dân Trung Hoa xuống các nước Lào, Miên, Thái Lan, là trái với bản tính nham hiểm của Mao, lúc nào cũng che giấu âm mưu của mình. Nghe một câu này thì biết là bịa đặt, “Mao nói: Lạy Chúa!” Một con người “vô pháp, vô thiên” như Mao Trạch Ðông không bao giờ dùng thứ ngôn ngữ đó, mà chắc Lê Duẩn cũng vậy. Mao sẽ không bao giờ nói, “Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan.” Ngay khi hiệu lệnh các cố vấn gửi sang Bắc Việt năm 1950, 51, Mao luôn luôn nhắc họ rằng phải khéo léo, vì người Việt Nam chưa quên mối hận Mã Viện cướp nước.

Người viết còn trích dẫn lời Lê Duẩn , viết một năm trước khi Trung Cộng đem quân sang đánh nước ta năm 1979. Ông Lê Duẩn thóa mạ dân tộc Trung Hoa bằng lời lẽ thế này, “Chúng ta ở bên cạnh một nước mà lịch sử của nước đó chưa ra khỏi cuộc sống người ăn thịt người.” Chưa đủ, trong bài còn trích dẫn Lời Nói Ðầu trong bản hiến pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1980, hạch tội chính quyền Trung Quốc, nhắc tới nhưng chuyện thời sự, như “...thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc ...”
Trên thế giới chưa một quốc gia nào lại viết vào bản hiến pháp nước mình những lời lẽ xúc phạm các nước láng giềng như vậy. Xác định một nước khác là kẻ thù truyền kiếp của nước mình, như trong Bản Hiến Pháp 1980 kể tên Pháp, Mỹ, Tàu, là một hành động thiếu suy nghĩ, chỉ những người vô học mới làm.

Nhưng sau khi đọc những lời lẽ trên thì người ta tưởng tác giả bài viết, và ông Nguyễn Phú Trọng, chắc sẽ đi theo con đường Lê Duẩn đã chọn, là chống Trung Cộng đến cùng. Nhưng không phải. Ðến đoạn cuối bài, để trả lời câu hỏi “Lựa chọn nào cho chúng ta?” mới thấy rằng tác giả, và ông Nguyễn Phú Trọng, lại chọn con đường phải, chép theo nguyên văn, “quay trở lại với Trung Quốc (cực xấu, nhưng an toàn).” Người đọc có cảm tưởng rằng lựa chọn con đường an toàn này là an toàn cho ông Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải cho dân tộc Việt Nam!

Nhưng tại sao bài viết này lại đi tới kết luận chọn con đường “cực xấu” như vậy? Bởi vì ngay khi đặt câu hỏi tác giả đã sai thì câu trả lời nào cũng vô giá trị.

Facebook Bình Lê Thọ viết rằng trong thời gian cuối thập niên 1970, 1980, “các nhà lãnh đạo Việt Nam ... có 3 đối tác chiến lược cần lựa chọn: Liên Xô (dễ nhất), Mỹ (cực khó), và Trung Quốc (cực xấu, nhưng an toàn).” Lúc đầu họ đã chọn phương án “dễ nhất” tức là theo Liên Xô. Sau khi khối Liên Xô sụp đổ, đảng cộng sản “loay hoay” mãi rồi cuối cùng, năm 1992 lại quay về với Trung Quốc, “tiếc thay, với phương án cực xấu.” Liệt kê ba “phương án” lựa chọn đó ra, chỉ để tác giả bàn tiếp về việc chọn “đối tác chiến lược” cho ngày nay, năm 2014, giữa ba nước Nga, Mỹ và Tàu. Nga bị gạt ra ngoài, vì “Chúng ta không còn buộc phải lựa chọn đồng minh chiến lược ‘dễ nhất’ nữa.” Nói như vậy là công nhận thời 1978 Lê Duẩn “buộc phải lựa chọn đồng minh chiến lược là Liên Xô, không nói ai bắt buộc, vì sao lại bị buộc! Gạt Nga rồi, chỉ còn có hai nước để chọn, là Mỹ và Tàu.

Giữa hai nước này, tác giả nhận xét, “Trở thành đồng minh chiến lược với Mỹ là không hề đơn giản. Ðiều kiện đưa ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ.” Không hề nói các “Ðiều kiện đưa ra” gồm những điều nào mà gây ảnh hưởng không nhỏ? Lo là lo ảnh hưởng trên vận mệnh dân Việt Nam hay chỉ lo ảnh hưởng xấu trên địa vị cùng quyền lợi của những người cầm đầu đảng cộng sản? Tác giả chỉ giải thích, “đây chưa phải là lúc đảng ta sẵn sàng làm việc này!” Viết vậy nhưng cũng không giải thích tại sao đảng ta chưa sẵn sàng. Cho đến nay chính quyền Mỹ chưa bao giờ đặt điều kiện nào với Ðảng Cộng Sản Việt Nam, trừ những yêu cầu phải tôn trọng quyền tự do của người dân Việt được sống như những con người, gọi là nhân quyền!

Sau khi gạt bỏ “đồng minh chiến lược” Nga, vì không bị bắt buộc, gạt bỏ nốt nước Mỹ, vì sợ “ảnh hưởng không nhỏ” và Ðảng chưa sẵn sàng, tác giả trở lại với câu hỏi, “Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 đi rồi, Việt Nam sẽ lựa chọn như thế nào?” Tự nhiên, kết luận là: Chỉ còn lựa chọn duy nhất là vẫn phải bám lấy một “đồng minh chiến lược” là Cộng Sản Trung Quốc!

Tóm lại, cả bài này là những lời giáo đầu sửa soạn cho một hội nghị “Thành Ðô” mới. Vì bài này lên mạng trên trang đứng tên Nguyễn Phú Trọng, cho nên có thể suy ra rằng đây là một bước thăm dò và chuẩn bị dư luận trước khi tập đoàn lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Việt Nam lên đường sang Tàu tái diễn một “Thành Ðô 2,” như đám Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Phạm Văn Ðồng đã diễn màn thứ nhất năm 1992. Ðể chuẩn bị dư luận cho một cuộc đầu hàng nhục nhã khác, trang mạng của Nguyễn Phú Trọng tìm cách hướng dẫn cách suy nghĩ của người, để dân Việt Nam thấy rằng họ không có lựa chọn nào khác là phải bám lấy Trung Cộng! Năm trước, Trương Tấn Sang đã bay qua Tàu với một phái đoàn hùng hậu, cúi đầu ký hàng trăm bản thỏa hiệp lớn nhỏ, biểu dương việc cộng tác chiến lược và toàn diện. Nhưng Trung Cộng chưa thỏa mãn, năm nay vẫn trâng tráo biểu diễn một màn xâm lấn Hải Dương 981. Trong màn kịch Thành Ðô 2 sắp tới, thiên triều còn đòi hỏi thêm những gì nữa?

Nhưng người suy nghĩ tỉnh táo phải thấy ngay rằng tất cả lý luận trong bài viết này là sai, sai ngay từ đầu, khi đặt ra câu hỏi về những lựa chọn của dân tộc Việt Nam. Khi đặt câu hỏi căn bản về chính sách đối ngoại dưới hình thức phải chọn giữa ba “đồng minh chiến lược” tức là đã tự trói mình không được ra ngoài khuôn khổ đó. Tại sao chỉ đặt vấn đề chọn “đồng minh chiến lược” mà không nêu ra những lựa chọn nào khác, vượt lên trên khuôn khổ đó? Ðây là hậu quả của 70 năm cầm quyền của đảng cộng sản ở nước ta. Chính sách đối ngoại sai lầm của đảng cộng sản đã uốn nắn cái đầu của các đảng viên, khiến họ chỉ biết một cách suy nghĩ, nói đến chính sách đối ngoại là phải chọn một nước nào để dựa dẫm.

Vì bản chất đảng cộng sản, ngay từ đầu họ đã tự đặt mình, và lôi kéo cả dân tộc Việt Nam vào một phe trong trận chiến tư bản, cộng sản, thời Chiến Tranh Lạnh. Cộng Sản Việt Nam được cả Nga và Tàu giúp để “đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng.” Lê Duẩn từng nói “chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc, đánh cho Liên Xô.” Khi thù ghét Trung Cộng, họ bám lấy Liên Xô nên bị Tàu đánh, chỉ làm dân và lính chết oan. Theo Tiến Sĩ Ðinh Hoàng Thắng, “năm 1979, Trung Quốc đánh ta không phải vì vấn đề Khơ Me Ðỏ mà là vì Hiệp Ước Hữu Nghị Việt-Xô,” đảo Damanski trên sông Ussuri . Ðã đến lúc phải chấm dứt nếp suy nghĩ chật hẹp, dốt nát và những chính sách ngoại giao thiển cận nguy hại như vậy.

Trong chính sách đối ngoại, đảng cộng sản từ đầu vẫn tin vào tình đồng chí vô sản. Họ nhìn vấn đề bang giao bằng con mắt tình cảm; phân chia ra, nhận một số nước là bạn, còn lại là kẻ thù. Không những giới lãnh đạo suy nghĩ như thế, các cán bộ, đảng viên và toàn thể dân chúng cũng bị bắt buộc phải suy nghĩ cùng một lối.

Bộ máy tuyên truyền của họ nhét vào đầu dân chúng những tình cảm yêu, ghét đối với các nước khác, theo chính sách từng giai đoạn một.

Nhưng đối với một dân tộc, một quốc gia, thì không thể coi một quốc gia hay dân tộc nào khác hoàn toàn là bạn hay là kẻ thù. Trong thực tế việc bang giao trên thế giới này xưa nay vẫn hoàn toàn dựa trên những tính toán quyền lợi tương ứng, mà tương quan quyền lợi có thể thay đổi. Một quốc gia không thể nào coi một nước khác là kẻ thù, cũng không thể coi một nước nào là đồng minh lớn đến nỗi phải uốn nắn chính sách ngoại giao của mình theo họ. Giữa thế kỷ 19, vua quan nhà Nguyễn chỉ biết có một “đồng minh chiến lược” là nhà Thanh bên Tàu, cho nên chúng ta mất nước. Những nước Thái Lan, Nhật Bản không chọn “đồng minh chiến lược” nào cả, nên giữ được nền tự chủ.

Lựa chọn ngoại giao của nước Việt Nam sẽ phải dựa trên những tính toán quyền lợi của mình, và quyền lợi của các nước khác. Không thể tin tưởng mù quáng vào lòng tốt của bất cứ chính quyền ngoại quốc nào.

Không thể dựa trên những tình cảm đồng chí, anh em, những “chữ vàng” hay mấy cái “tốt” nào cả. Dân tộc mình giao thiệp bình đẳng với các nước khác, và biết rằng họ cũng cần giao hảo với mình nếu có lợi cho họ.

Quy tắc ngoại giao quan trọng nhất là trao đổi với các nước một cách bình đẳng theo quyền lợi mỗi bên, và đặt tất cả mọi quan hệ trên nền tảng luật pháp quốc tế và các quy tắc ứng xử đã được loài người văn minh sử dụng từ mấy trăm năm nay.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=189479&zoneid=7#.U5dEGMpR7CY

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Thiên An Môn shopping hòa bình giải trí

Tháng 6 6, 2014
Phạm Thị Hoài

Hàng loạt bài về vụ Thiên An Môn trên báo chí chính thống đã biến mất, dù Ban Tuyên giáo cho biết là hoàn toàn không kiểm duyệt tin tức trong nước về sự kiện này:
VnExpress: Sự kiện Thiên An Môn sau 25 năm nhìn lại: Không tìm thấy đường dẫn này
Người Lao Động:  25 năm bi kịch đẫm máu Thiên An Môn: Nội dung không được tìm thấy
Người Lao Động: Người đàn ông chặn xe tăng trên Thiên An Môn: Nội dung không được tìm thấy
Công an TP HCM: Trung Quốc: 25 năm “sự biến Thiên An Môn”: Tin này không tồn tại
Báo Mới: Thiên An Môn: Những hình ảnh của 25 năm trước: The page you requested was removed.
Tin nóng: Người hùng chặn xe tăng trước Quảng trường Thiên An Môn: Rất tiếc, trang bạn yêu cầu hiện không tồn tại hoặc không hoạt động.
Thanh Niên: Chùm ảnh diễn biến sự kiện thảm sát đẫm máu Thiên An Môn: Đơn giản là biến mất
Info.net: Thiên An Môn – Những hình ảnh của 25 năm trước: 404 – File or directory not found.
BizLive: [Chùm ảnh] Thảm sát đẫm máu Thiên An Môn: 404 Không tìm thấy nội dung này

Bên cạnh một Ban Tuyên giáo chính quy hoạt động công khai và tuyệt đối không kiểm duyệt cái gì hết chắc chắn còn có một hay nhiều Ban Tuyên giáo hay một cái gì đại loại như thế ở chế độ du kích, hoạt động bí mật. Chuyện Việt Nam là như vậy, cái gì cũng ít nhất hai mặt, hai mang, hai đáy, hai lớp, hai chân, hai hàng. 

Cho nên môt mặt thì Thiên An Môn không hô cũng biến như thế, mặt khác đến hôm nay nó lại vẫn đàng hoàng đẫm máu chẳng hạn trên Dân trí, tuy chỉ là tờ báo điện tử của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, một tổ chức văn hóa xã hội mờ nhạt thuộc tập đoàn hình thức mang tên Mặt trận Tổ quốc, song có lượng độc giả thuộc loại lớn nhất trong nước. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là phóng sự ảnh “về chiến dịch đàn áp người biểu tình ở Thiên An Môn ngày 4/6/1989″ trên Truyền hình Kiểm sát, chuyên trang của Tạp chí Kiểm sát thuộc hệ thống các Viện Kiểm sát Nhân dân, một cơ quan đầy quyền lực chính thống của nhà nước Việt Nam. Còn việc các trang dường như mạo danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước hứng hết tất cả các bài vừa bị rút xuống thì không có gì phải bàn. Từ lâu những công ti ma này đã đảm nhiệm tất cả những công việc “sân sau” và “kế hoạch 3″ của bộ máy tuyên truyền chính thống, đặc biệt là những dirty jobs mà bộ máy ấy không muốn chính thức nhúng tay. Món “dân phòng” nhiễu nhương trong tuyên giáo ấy hẳn là đặc sản chỉ có ở Việt Nam thời nửa độc tài nửa vô chính phủ và bối rối toàn tập này.

 

Những sự luồn lách, quay quắt, đưa lên rút xuống, thò ra thụt vào, lúc kín lúc hở, úp úp mở mở, những chiến thuật lúc du kích Việt Nam, lúc Tam quốc Tàu ấy có thể là thú vị với những người không có việc gì đáng làm hơn là vỗ đùi thưởng thức chúng. Tôi chỉ thấy chúng vừa tốn thần kinh vừa nhàm. Lần sau muốn đưa tin về Thiên An Môn, báo chí Việt Nam có thể học từ chính người Trung Quốc. The Tank Man vẫn có thể tràn ngập Weibo, nhưng không chặn xe tăng mà chặn… vịt. Chú vịt vàng khổng lồ Rubber Duck của nghệ sĩ Hà Lan Florentijn Hofman đem niềm vui và hòa bình đi khắp thế gian.

Nếu không thì dùng Tank Man của nghệ sĩ Tây Ban Nha Fernando Sánchez Castillo. Tay cầm cặp, tay xách túi mua hàng, chàng đứng trong một shopping mall, rất thích hợp cho những trang như  Phụ nữ Today, Phụ nữ Online, Eva, Web Trẻ thơ, nhất là khi kèm theo bộ váy mới nhất của Hà Hồ, bộ túi mới nhất của Ngọc Trinh. Hòa bình, shopping và giải trí. Khỏi phải nhức đầu kiểm duyệt hay không kiểm duyệt.

© 2014 pro&contra

 http://www.procontra.asia/?p=4517

Trần Trung Đạo: Việt Nam Cộng Hòa, lối thoát của Hoàng Sa và dân tộc

May 30, 2014 at 11:32am
Sau 40 năm nếu tính từ thời gian hải quân Trung Cộng tấn chiếm Hoàng Sa và 56 năm kể từ khi Phạm Văn Đồng gởi công hàm cho Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai, lần đầu tiên lãnh đạo CSVN chính thức phủ nhận công hàm. Bao nhiêu lần lập đi lập lại câu thần chú “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền đối với Hoàng Sa” nhưng giới lãnh đạo CSVN không hề nhắc đến công hàm, tưởng chừng như văn bản đó không phải là của họ. Thứ Sáu 23-5-2014, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Biên Giới Quốc Gia, trong cuộc họp báo với mục đích “làm rõ công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng” đã đưa ra các lý luận để phản bác các quan điểm của Trung Cộng.

Điều kiện quốc tế dẫn tới công hàm Phạm Văn Đồng

Trước 1958, Trung Cộng không có một quan điểm rõ ràng nào về lãnh hải. Nhà văn Trung Quốc Wei Wen-han nghiên cứu về lãnh hải nhắc lại cho đến tháng Sáu 1957 Trung Cộng vẫn chưa có một xác định nào về hải phận và thềm lục địa thuộc về Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tháng 12 năm 1957, Nam Dương tuyên bố mở rộng lãnh hải từ 3 hải lý theo truyền thống mà hầu hết các quốc gia áp dụng sang 12 hải lý và được tính từ điểm ngoài cùng của các đảo thuộc lãnh thổ Nam Dương. Vì Nam Dương là quốc gia quần đảo, nếu tính như vậy, một vùng biển rộng lớn của vùng Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đều thuộc quyền kiểm soát của Nam Dương. Anh, Hòa Lan và nhiều quốc gia khác cùng lên tiếng phản đối. Trung Cộng chụp lấy thời cơ binh vực Nam Dương và ngày 4 tháng 9 năm 1958 công bố riêng một Bản tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc (Declaration on China's Territorial Sea) với các điểm chính như mọi người đều biết: “Bề rộng của lãnh hải Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sẽ là 12 hải lý”“áp dụng tương tự đối với Đài Loan và các đảo chung quanh, Quần đảo Bành Hồ (Penghu), Quần đảo Trung Sa (Tungsha), Quần đảo Tây Sa (Hsisha), Quần đảo Chungsha, Quần đảo Nansha (Nam Sa), và các đảo khác thuộc Trung Quốc”.

Công tâm mà nói, bản tuyên bố của Trung Cộng trong thời điểm đó nhắm vào Mỹ đang bảo vệ các tàu hàng Đài Loan trong các vùng đảo Kim Môn, Mã Tổ, Bành Hồ hơn là các nước Đông Nam Á. Người soạn thảo bản tuyên bố của Trung Cộng áp dụng phương pháp tính lãnh hải của Nam Dương và có tầm nhìn Đại Hán nên đã đưa các đảo Tây Sa (Hsisha) tức Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) tức Trường Sa trong vùng biển Đông vào. Chính phủ Mỹ tức khắc bác bỏ bản tuyên bố của Trung Cộng và các chiến hạm Mỹ vẫn tiếp tục bảo vệ an ninh cho các tàu hàng Đài Loan trong vùng 3 hải lý của đảo Kim Môn, Bành Hồ chung quanh Đài Loan. Trung Cộng không dám bắn. Bộ quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch tấn công Trung Cộng bằng bom nguyên tử. Để giữ thể diện, Bành Đức Hoài tuyên bố ngưng bắn vào Kim Môn nếu tàu chiến Mỹ ngưng bảo vệ tàu hàng Đài Loan. Mỹ chẳng những không đáp lại đòi hỏi của Trung Cộng mà còn gởi Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles thăm Đài Loan để bàn kế hoạch phòng thủ Đài Loan lâu dài.

Hai lý do Trần Duy Hải dùng để bác bỏ công hàm Phạm Văn Đồng

Thứ nhất. Công hàm Phạm Văn Đồng “hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Lý luận này không thuyết phục được ai. Không cần phải đứng về phía Trung Cộng mà chỉ một người có chút hiểu biết và dù đứng về phía Việt Nam cũng phản bác lại dễ dàng. Đưa ra lý do không đề cập đến Hoàng Sa, Trường Sa là một cách tự kết án mình. Bản tuyên bố của phía Trung Cộng ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Cộng và Việt Nam đáp lại bằng cách “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố”. CSVN có nhiều cách để lấy lòng đàn anh Trung Cộng mà vẫn giữ được chủ quyền đất nước. Chẳng hạn, Phạm Văn Đồng chỉ nhấn mạnh đến sự ủng hộ của đảng và nhà nước CSVN đối với các chính sách của Trung Cộng trong xung đột Đài Loan mà không nhắc nhở gì đến Hoàng Sa, Trường Sa và coi như không biết đến “Bản tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc”. May ra còn có thể cãi cọ được. Tiếc thay, lãnh đạo đảng sợ viết như vậy chưa vừa lòng đàn anh và chưa tỏ bày hết lòng dạ trung kiên, kết cỏ ngậm vành của mình.

Không giống thái độ của các nước Mỹ, Anh, Hòa Lan, CSVN tự nguyện đưa cổ vào tròng. Không có một văn bản nào cho thấy Trung Cộng áp lực Việt Nam phải đồng ý với bản tuyên bố lãnh hải của Trung Cộng. Không có tài liệu nào cho thấy Trung Cộng đe dọa nếu CSVN không ủng hộ sẽ đưa quân sang “dạy cho một bài học” hay cắt đứt viện trợ. Thời điểm năm 1958 vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa chưa phải là mối bận tâm hàng đầu của Trung Cộng, tuy nhiên những người soạn thảo bản công bố chủ quyền biển của Trung Cộng đã biết phòng xa. CSVN thì không. Nếu sự kiện được trình lên toàn án quốc tế, không một quan tòa nào sơ đẳng đến mức đánh giá hai văn bản một cách độc lập với nhau.

Phân tích để thấy, lãnh đạo CSVN trong lúc phủ nhận giá trị của công hàm Phạm Văn Đồng trước dư luận quốc tế, cũng đồng thời thừa nhận trước nhân dân Việt Nam công hàm Phạm Văn Đồng là công hàm bán nước.

Lý do thứ hai cũng do Trần Duy Hải đưa ra “Hoàng Sa và Trường Sa cũng phù hợp với thực tế lúc đó hai quần đảo này nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa”.

Trong hai lý do, chỉ có lý do Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là có sức thuyết phục về mặt pháp lý cũng như gây được cảm tình của thế giới tự do. Tuyên cáo của chính phủ VNCH công bố ngày 14 tháng Hai năm 1974 xác định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như Bạch thư của Bộ Ngoại Giao VNCH đầu năm 1975 đanh thép bác bỏ giá trị pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng không thể công nhận những gì không thuộc lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. VNCH là một quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về VNCH đã được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, lý luận VNCH có gây được cảm tình nhân loại và có thể dùng để tranh luận trong bàn hội nghị cũng chưa thắng được bởi vì VNCH không còn là một thực thể chính trị.

Phản bác của nhà nghiên cứu Trung Quốc 

Ngô Viễn Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật Việt Nam và từng du học tại Việt Nam đã bác bỏ các luận điểm của CSVN. Ngô Viễn Phú cho rằng “Ở thời điểm đó, trên trường quốc tế, một số quốc gia có quan hệ tốt với miền Bắc, trong đó có Trung Quốc, đều thừa nhận miền Bắc là đại diện hợp pháp duy nhất cho Việt Nam; và phía Trung Quốc, vào ngày 18 tháng 1 năm 1950, thể theo đề nghị của chính quyền miền Bắc, đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với miền Bắc, hai bên cùng cử đại sứ (tới Hà Nội và Bắc Kinh).

Đàn anh Cộng Sản Trung Quốc công nhận đàn em CSVN là chuyện đương nhiên và thể theo lời yêu cầu của CSVN chứ không phải của VNCH. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước thay đổi theo từng thời kỳ. Singapore là một nước nhỏ nhưng mãi đến 1990 mới công nhận Trung Cộng. Liên Xô là một nước lớn nhưng Mỹ bắt chờ 16 năm sau cách mạng CS Nga mới công nhận Liên Xô. Thời điểm 1933 Nhật bắt đầu bành trướng ở phương Đông nên Mỹ cần làm dịu căng thẳng ở phương Tây, nếu không Tổng thống Franklin Roosevelt còn cô lập Liên Xô thêm nhiều năm nữa.

Việc “Trung Quốc, đều thừa nhận miền Bắc là đại diện hợp pháp duy nhất cho Việt Nam” cũng chỉ giá trị giữa miền Bắc CS và Trung Cộng không ảnh hưởng gì với quốc tế và không liên hệ gì đến nước thứ ba, trong trường hợp này là VNCH. Trung Cộng có quyền công nhận miền Bắc Cộng Sản và không công nhận VNCH về mặt ngoại giao nhưng vẫn phải thừa nhận VNCH là một quốc gia độc lập được quốc tế và các quốc gia tham dự hội nghị Geneva, trong đó có Trung Cộng tham dự và ký kết.

Trong khi phản bác Ngô Viễn Phú lại cũng dựa trên lý luận CSVN đã xâm lược VNCH và không có quyền “thừa kế” lãnh thổ của nước bị chiếm: “Nếu theo quan điểm đã nhắc đến ở trên của các học giả Việt Nam thì, miền Bắc là “bên thứ ba ở ngoài không liên quan”, như vậy, sẽ có nghĩa là thừa nhận địa vị hợp pháp của chính quyền miền Nam, và thế thì, những cái gọi là “bù nhìn” hay “chính quyền ngụy” chỉ là cách gọi càn, và việc “giải phóng miền Nam” của chính quyền miền Bắc chính là hành động xâm lược. Theo nguyên tắc của luật quốc tế, bên xâm lược không có quyền “kế thừa” lãnh thổ và tất cả các quyền lợi của bên bị xâm lược, thế thì, chính quyền Việt Nam hiện nay, vốn là kế tục của chính quyền miền Bắc trước đây, sẽ không có quyền lấy tư cách người kế thừa của chính quyền miền Nam để mà đưa yêu cầu về lãnh thổ đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa.”

Về mặt công pháp quốc tế cũng như cả lãnh đạo CSVN lẫn phe phản bác lý luận của CSVN đều công nhận rằng chủ nhân thật sự của Hoàng Sa vẫn là VNCH. Do đó, điều kiện tiên quyết, chọn lựa duy nhất và con đường thích hợp nhất không chỉ để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Công mà mở đường cho tự do, dân chủ và thịnh vượng là tập trung vào công cuộc phục hưng VNCH.

Lối thoát VNCH

Đọc tới đây, một số độc giả có thể sẽ dừng lại vì cho người viết không tưởng, hư cấu hay chủ trương đi lại một vết xe đổ. Không. Phục hưng VNCH không phải là đi lùi vào quá khứ mà hướng tới tương lai, không phải lập lại mà thăng tiến cao hơn. VNCH không phải là vết nhăn trên trán của thế hệ cha chú đã qua mà là hành trang và ước vọng của tuổi trẻ ngày nay. Chủ nghĩa CS mới thật sự là lạc hậu và việc cáo chung của chủ nghĩa này chỉ là vấn đề thời gian. Thác nước Niagara không thể nào chảy ngược. Không phải người viết, phần đông độc giả mà ngay cả các lãnh đạo CSVN cũng không thể chối cãi sự thật đó. Chủ nghĩa CS còn kéo dài ở Á Châu cho đến hôm nay là nhờ họ biết núp bóng sau tấm bình phong chống thực dân đế quốc. Tấm bình phong do họ dựng lên đang rã mục. Năm 1954 tại miền Bắc, nhiều người thật sự tin rằng đảng CS và dân tộc Việt Nam là một, như nước với sữa, như máu với thịt, hay như Hồ Chí Minh nói “đảng là con nòi của dân tộc”. Năm 1975, khi đối diện với miền Nam từ lối sống đến phương tiện hoàn toàn khác với những gì bộ máy tuyên truyền CS đã thêu dệt nhiều người bắt đầu nhận ra đảng đã lợi dụng máu xương của những người ngã xuống vì khát vọng hòa bình, vì mơ ước đoàn viên, vì cơm no áo ấm chỉ để CS hóa toàn đất nước. Và hôm nay, 2014, đông đảo nhân dân Việt Nam đã hiểu rõ cơ chế độc tài là trở lực duy nhất trên con đường dẫn đến một Việt Nam tự do, dân chủ, văn minh. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ toàn diện và triệt để tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.

Và khi đó, thể chế nào khác sẽ thay thế chế độ CS nếu không phải là thể chế cộng hòa? Thực tế chính trị rất hiển nhiên đó đang là một khải hoàn ca tại hầu hết các quốc gia cựu Cộng Sản như Cộng hòa Czech, Cộng hòa Hungary, Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Lithuania, Cộng hòa Estonia, Cộng hòa Mông Cổ v.v... Tiến trình dân chủ hóa diễn ra nhanh hay chậm tùy theo điều kiện của mỗi nước nhưng là hướng phát triển của văn minh nhân loại trong thời đại này.

Giá trị của VNCH

Trong suốt 60 năm từ 1954, bộ máy tuyên truyền của đảng đã không ngừng vẽ trong nhận thức của bao nhiêu thế hệ Việt Nam một VNCH chẳng khác gì một con ma, ghê sợ, hung dữ và tội lỗi nhất trong thế gian này. Suốt 60 năm qua, VNCH là hiện thân của mọi thứ tội ác. Trong nhận thức không chỉ tuổi trẻ Việt Nam sinh sau 1975 mà ngay cả các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhà văn, nhà thơ đều được dạy để biết VNCH có ba đặc điểm lớn là “tham nhũng”, “trấn áp” và “ôm chân đế quốc Mỹ”.

Trong tiểu luận “Khám nghiệm một hồn ma” trên Talawas 8 năm trước người viết đã có dịp phân tích thể chế cộng hòa tại miền Nam. Xin trích một phần bài viết đó ở đây để chia sẻ với các độc giả chưa đọc.

Miền Nam trước 1975 có tham nhũng không? Chẳng những có mà còn vô cùng trầm trọng.

Miền Nam có đàn áp biểu tình, đối lập không? Có, không chỉ đàn áp một lần mà nhiều lần, không chỉ một năm mà nhiều năm.

Miền Nam trước 1975 có sống bám vào viện trợ Mỹ không? Có, không chỉ 300 triệu dollars “viện trợ đặc biệt” như nhiều người hay nhắc mà nhiều tỉ đô la.

Vâng, tất cả điều đó đều có. Chế độ cộng hòa tại miền Nam Việt Nam ra đời và lớn lên trong một hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, trong đó các nguyên tắc dân chủ đã trở thành con dao hai lưỡi. Chính con dao dân chủ hai lưỡi đó đã đâm vào thân thể của chế độ cộng hòa hàng trăm vết thương đau đớn từ ngày mới ra đời cho đến gục xuống trong tức tưởi. Miền Nam có tất cả sắc thái của một xã hội dân chủ đang từng bước đi lên. Dân chủ không phải là lô độc đắc giúp một người trở nên giàu sang trong một sớm một chiều mà là quá trình tích lũy vốn liếng từ những chắt chiu của mẹ, tần tảo của cha, thăng trầm và thử thách của cả dân tộc.

Ngay cả những quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ, Nam Hàn cũng phải bước qua con đường đầy máu nhuộm để có được nền dân chủ như hôm nay. VNCH cũng vậy. Miền Nam có đàn áp chính trị nhưng cũng có đấu tranh chính trị, có ông quan tham nhũng nhưng cũng có nhiều phong trào chống tham nhũng hoạt động công khai, có ông tướng lạm quyền nhưng cũng có ông tướng trong sạch, có nghị gà nghị gật nhưng cũng có những chính khách, dân biểu, nghị sĩ đối lập chân chính. Như một viên ngọc nằm trong lòng lớp rong rêu của vỏ con trai, trên tất cả, giá trị đích thực của VNCH không nằm trong tham nhũng, trấn áp và đồng đô la Mỹ mà nằm trong Hiến pháp VNCH đặt nền tảng trên một thể chế dân chủ do dân và vì dân.

Lời mở đầu của Hiến pháp 1967 do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967, xác định Việt Nam là một chế độ cộng hòa “Dân chủ độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân, chủ quyền thuộc về toàn dân” phát xuất từ “Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể cộng hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.”

Ngoài phần mở đầu hùng hồn nêu trên, chuyên chở trong suốt 9 chương và 117 điều của Hiến pháp 1967 là nền tảng của chế độ cộng hòa, qua đó, quyền lãnh đạo đất nước như chỉ rõ trong điều 3, được phân quyền rõ rệt: ”Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng xã hội”.

Phục hưng VNCH không có nghĩa là phục hưng chính quyền miền Nam. Chính thể không đồng nghĩa với một chính quyền và do đó không sống hay chết theo một chính quyền. Giá trị của VNCH được xây bằng xương máu của bao nhiêu người và ngày nay đã vượt qua khỏi vĩ tuyến 17 để trở thành ước vọng chung cho cả dân tộc. Sau 39 năm, VNCH như một mạch nước chảy ngầm trong rặng núi, đau đớn, vất vả, khó khăn nhưng không bao giờ ngừng chảy. Nếu ai cho tôi khoác lác hãy gác qua bên mặc cảm Bắc Nam, định kiến xã hội, khuynh hướng chính trị, đảng phái, tôn giáo, tả khuynh, hữu khuynh, thù hận riêng tư và thậm chí che luôn bốn chữ Việt Nam Cộng hòa trên trang đầu của Hiến pháp VNCH mà chỉ đọc một cách nghiêm chỉnh nội dung thôi, tôi tin người đọc dù Nam hay Bắc, dù trong hay ngoài nước, sẽ công nhận đó chính là mục tiêu mà dân tộc Việt Nam cần phải đạt đến. Công nhận các giá trị được đề ra trong hiến pháp VNCH không có nghĩa là đầu hàng, chiêu hồi. Không. Không ai có quyền chiêu hồi ai hay kêu gọi ai đầu hàng. Đây là cuộc chiến mới, cuộc chiến giữa dân tộc và phản dân tộc, giữa cộng hòa và cộng sản, giữa tự do và độc tài, giữa nhân bản và toàn trị. Mỗi người Việt sẽ chọn một chỗ đứng cho chính mình phù hợp với quyền lợi bản thân, gia đình, con cháu và sự sống còn của dân tộc.

Hiến pháp VNCH có thể chưa hoàn chỉnh nhưng là một văn kiện tham khảo cần thiết để kiến tạo một Việt Nam dân chủ cường thịnh. Hạt giống do Phan Chu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và rất nhiều nhà cách mạng miền Nam khác gieo xuống hàng thế kỷ trước đã mọc và lớn lên trong mưa bão. Hạt giống dân chủ khơi mầm tại miền Nam cũng không chỉ bắt đầu sau khi đất nước bị chia đôi 1954 mà đã có từ hàng trăm năm trước.

Lợi dụng chính sách Nam kỳ tự trị của thực dân, các nhà cách mạng tại miền Nam có cơ hội học hỏi và áp dụng phương pháp đấu tranh nghị trường, tiếp cận các tư tưởng dân chủ Tây phương, mở mang dân trí làm nền tảng cho chế độ cộng hòa sau này. Đó không phải là sản phẩm của Tây hay Mỹ mà là vốn quý của dân tộc đã được đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt của nhiều người. Đó không phải là tài sản của riêng miền Nam mà của tất cả những người Việt cùng ôm ấp một ước mơ dân chủ. Những ai biết gạt bỏ định kiến Bắc Nam, tháo gỡ lớp màn “căm thù Mỹ Ngụy” ra khỏi nhận thức, sẽ thấy đó chính là hành trang cần thiết cho nỗ lực mưu cầu một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau. Không cần phải tìm giải pháp từ Miến Điện, Nam Phi, Ai Cập, Libya hay tìm chân lý ở Anh, ở Mỹ mà ngay ở đây, giữa lòng đất nước Việt Nam.

Phục hưng VNCH không có nghĩa là phủ nhận công lao của những người đã hy sinh trong chiến tranh chống thực dân Pháp. Như kẻ viết bài này đã nhấn mạnh nhiều lần, cuộc chiến chống thực dân Pháp là cuộc chiến chính nghĩa. Đó là cuộc đấu tranh đầy gian khổ nhưng rất anh hùng của một dân tộc bị nô lệ đã đứng lên chống lại một thực dân tàn bạo. Việc tham gia vào đảng phái, kể cả việc tham gia vào đảng Cộng sản của một số người Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp, chủ yếu là để được tổ chức hóa nhằm mục đích hợp đồng chiến đấu, đạt đến chiến thắng dễ dàng hơn. Những người Việt yêu nước thời đó chọn lựa đảng phái như chọn một chiếc phao để đưa dân tộc sang bờ độc lập nhưng đối với đảng CS chiếc phao lại chính là dân tộc.

Nhiều người yêu nước chọn tham gia vào đảng CS nhưng bản thân đảng CS như một tổ chức chính trị dựa trên ý thức hệ CS chưa bao giờ là một đảng yêu nước. Những nông dân hiền hòa chất phác, những công nhân đầu tắt mặt tối làm sao biết được con đường họ đi không dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc mà dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, độc tài và làm sao biết được chiếc phao họ bám cũng là chiếc bẫy buộc chặt chẳng những cuộc đời họ mà còn gây hệ lụy cho cả dân tộc đến ngày nay. Dù sao, người yêu nước bằng tình yêu trong sáng, không đánh thuê, đánh mướn cho một chủ nghĩa, một ý thức hệ ngoại lai vong bản hay cho một quyền lợi đế quốc nào sẽ không bao giờ chết, không bao giờ bị lãng quên. Lịch sử sẽ đánh giá, tổ quốc sẽ ghi công họ một cách công bằng.

Phục hưng VNCH không có nghĩa là tái thực thi hiệp định Paris. Dân tộc Việt Nam là một thực thể thống nhất và tất cả các hòa ước Patenôtre, hiệp định Geneva hay hiệp định Paris đều là những chiếc còng của thực dân và đế quốc áp đặt lên đầu lên cổ dân tộc Việt Nam trong giai đoạn Việt Nam yếu kém và phân hóa. Trước 1975, trong đáy lòng của bất cứ một người Việt yêu nước nào cũng mong một ngày dân tộc Việt Nam từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau sẽ được đoàn viên trong tự do, dân chủ và thịnh vượng. Tuy nhiên, ngoài trừ lãnh đạo CSVN chủ trương CS hóa toàn cõi Việt Nam bằng súng đạn của Nga, Tàu, không ai muốn đoàn viên phải trả bằng giá của nhiều triệu sinh mạng người dân vô tội, đốt cháy một phần đất nước, để lại một gia tài nghèo nàn lạc hậu cho con cháu. Hôm nay, dù không tự mình chọn lựa, dân tộc Việt Nam cũng đã là một và không có một thế lực nào làm Việt Nam phân ly lần nữa.

Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, có khi cuồn cuộn lúc âm thầm, có chỗ sâu chỗ cạn nhưng chưa bao giờ ngưng chảy. Đó là sự thật. Khoảng thời gian từ khi Mã Viện, danh tướng nhà Đông Hán, đánh bại Hai Bà Trưng (năm 43) đến khi Lý Nam Đế đánh bại quân Lương Vũ Đế và dựng nước Vạn Xuân (năm 543) là tròn 500 năm. Biết bao nhiêu lớp người đã sinh ra và chết đi trong suốt 5 thế kỷ sống trong bóng tối nô lệ nhưng sức sống Việt Nam vẫn tồn tại và lớn lên. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới trong đó người dân gọi nhau bằng hai tiếng đồng bào thân thương và trìu mến. Đối mặt với một kẻ thù đông hơn nhiều và mạnh hơn nhiều, chưa bao giờ sức mạnh tổng hợp của 90 triệu người Việt trong nước và 3 triệu người Việt ở hải ngoại cần thiết như hôm nay. Đảng CS có 3 triệu đảng viên nhưng đa số trong số 3 triệu người này trong thực tế cũng chỉ là nạn nhân của một tập đoàn lãnh đạo đảng tham quyền và bán nước. Chỉ có sức mạnh toàn dân tộc phát triển trên cơ chế dân chủ tự do mới mong thắng được Trung Cộng và mọi kẻ thù có âm mưu xâm lược Việt Nam. Tổ tiên Việt Nam đã làm được rồi các thế hệ Việt Nam ngày nay cũng sẽ làm được.

Người viết biết rằng, đối với một số người Việt đã bị bộ máy tuyên truyền đầu độc quá lâu và các bạn trẻ bị nhào nặn hoàn toàn trong hệ thống giáo dục một chiều CS, để có một nhận thức đúng về lịch sử là một quá trình đấu tranh tư tưởng khó khăn.

Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn thẳng vào thực tế đất nước sau 39 năm vẫn là một nước lạc hậu về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, quốc phòng và đời sống. Việt Nam còn thua xa những nước ở châu Phi như Ghana, Sierra Leone, Namibia vì những quốc gia đó còn nghèo nhưng hãnh diện vì chính phủ họ do nhân dân họ bầu lên. Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn vào cách giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Cộng của lãnh đạo CSVN. Ngoài những lời phản đối đọc như kinh nhật tụng họ không có và cũng không thể có một chọn lựa dứt khoát nào chỉ vì quyền lợi trước mắt của một nhóm người lãnh đạo được đặt lên trên quyền lợi lâu dài của đất nước. Như người viết đã trình bày trong bài trước, rồi mai đây, sau trận đánh ghen HD-981, lãnh đạo CSVN lại lên đường sang Bắc Kinh triều cống, lại 16 chữ vàng, lại ca ngợi tình đồng chí, nghĩa anh em thắm thiết. Cơn hờn giận giữa hai đảng CS theo thời gian có thể sẽ nguôi ngoai nhưng trên các vùng biên giới, trong lòng biển Việt Nam, máu của ngư dân Việt Nam, của người lính biển Việt Nam sẽ không ngừng chảy. Thảm trạng xã hội Việt Nam hôm nay, những lạc hậu kinh tế hôm nay, những yếu kém về quốc phòng hôm nay, những cô đơn trong bang giao quốc tế hôm nay là những câu trả lời cho những ai còn do dự, còn một chút tin tưởng nào đó ở lãnh đạo đảng CSVN.

Sau hải chiến Hoàng Sa đầy hy sinh xương máu, VNCH lần nữa lại được lịch sử giao trọng trách đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa trong tay Trung Cộng. Cuộc tranh đấu mới sẽ khó khăn nhưng là con đường đúng nhất của dân tộc trong cùng hướng phát triển của nhân loại. Giống như hầu hết các nước cựu CS ở Đông Âu và khối Liên Xô, thể chế Cộng Hòa là chọn lựa đương nhiên và dứt khoát. Các quốc gia sẽ bình đẳng trước công pháp quốc tế. Những khẩu hiệu tuyên truyền rất sến như “16 chữ vàng”, “hữu nghị Việt Trung” sẽ bị chôn sâu theo xác của ý thức hệ CS. Dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn để phát triển thành một quốc gia hiện đại về cả kinh tế lẫn quốc phòng. Các nhà lãnh đạo VNCH trong cuộc đấu tranh mới trên mặt trận ngoại giao sẽ hành xử xứng đáng với tư cách của một cấp lãnh đạo chính danh, thay mặt cho một nước VNCH thống nhất, dân chủ, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của đại đa số con người yêu chuộng tự do, hòa bình trên thế giới. Giành lại Hoàng Sa và bảo vệ Trường Sa là một cuộc tranh đấu gian nan, gai góc, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng chính nghĩa và chân lý cuối cùng sẽ thắng.

Trần Trung Đạo (Facebook)

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Tổng Bí thư đang làm gì?

Tháng 5 28, 2014
Từ Linh
Tôi nhục, ổng không nhục
Giữa những ngày sôi sục, có hai tin nghe rất tức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không chỉ tức, mà đại nhục.
Một. Báo The New York Times ngày 13/5/2014 đưa tin: một nhà ngoại giao cấp cao ở Bắc Kinh tiết lộ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) muốn qua Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình để nói chuyện về Biển Đông, nhưng Tập Cận Bình không chịu gặp.
Nhục! Thằng ăn cướp đến cắm dùi trên đất nhà mình, khơi khơi nói chín khúc nhà mày là của tao, nhưng thay vì đương đầu đường hoàng như người có chính nghĩa trước kẻ cướp láo xược, thì chủ nhà lại len lén muốn đi đêm (chui nhủi như kẻ trộm), toan tìm đến nhà kẻ cướp (kiêu ngạo như chủ soái), mong gõ cửa, xin phép được gặp để tâu bẩm gì đó. Kẻ cướp nhìn thấy ắt phì cười, khinh bỉ, cho mày chết cú nữa, không thèm tiếp!
Nhưng, thế là sao? Ai là cướp, ai là trộm? Ai chủ ai, ai tớ ai?
Chỉ còn một cách hiểu: Chúng là đồng bọn. Tay chủ nhà bị cướp đang gõ cửa thực ra là tay sai, còn kẻ không thèm tiếp là chủ nó, coi nó và bè đảng của nó chẳng ra gì.
Bỗng nhớ chuyện thật này: Một ông bố có con gái 8 tuổi bị hãm hiếp. Nhưng thay vì đưa thủ phạm ra trị tội trước pháp luật, ông bố lại đến gặp thằng hiếp dâm để thỏa thuận: “Ra tòa hay không, tùy mày chi cho tao ít hay nhiều!” Xin lỗi, nghe chuyện, không thể không nghĩ ông bố đang chung tay hãm hiếp con mình.
Hai. Ngày 14/5/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI kết thúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có diễn văn bế mạc hội nghị. Diễn văn được giáo sư Trần Hữu Dũng đúc kết như sau:
“Diễn văn bế mạc của Nguyễn Phú Trọng có 7 đề tài chính. Hai đề tài đầu tiên (và dài nhất) là: 1) Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam, và 2) Tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng. Đề tài thứ 4 là ngắn nhất, nói về quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Không có bất cứ một chữ ‘Trung Quốc’ nào, và chỉ có duy nhất một chữ ‘Biển Đông’ (còn chữ Văn Hóa thì được nói đền hơn 30 lần).” [i]
Nhục! Trên thế giới, có lãnh tụ cao cấp nào khi kẻ xâm lược đã vào đến tận nhà lộng hành mà vẫn cứ thản nhiên đứng trước quần thần nói chuyện văn hóa lai tạp, không một lần dám gọi tên kẻ xâm lược, chỉ nhắc chuyện ngoại xâm cho có lệ, bất chấp hàng triệu người dân, trong đó có cả Đảng viên yêu nước, đang lòng như lửa đốt.
Nghe chuyện này, không thể không nhớ ngụ ngôn “Hoàng đế cởi truồng” của Hans Christian Andersen, và muốn lập tức trở thành thằng bé trong đám đông há hốc miệng, la toáng lên rằng: Ới bà con ơi! Ới đồng bào ơi! Ới đồng chí ơi! Ới công an, quân đội ơi… Tổng Bí thư cởi truồng!!!
Truồng bên người hùng
Mà truồng thật! Và không chỉ một, mà truồng cả cặp.
Tổng Bí thư Tập Cận Bình cởi truồng! “Giấc mơ Hoa” mỹ miều ông rêu rao không che đậy được giấc mộng Thiên triều bành trướng xấu xí dài nghìn năm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cởi truồng! 16 chữ vàng vớ vẩn không che đậy được hình ảnh ông Trọng và bè đảng đang tồng ngồng khấu đầu ô nhục.
Thực ra, Tổng Bí thư truồng cũng lâu rồi, nhưng chỉ một số người thấy, đại chúng chưa thấy. Quả là tuyệt đại đa số dân Việt nói chung, cũng như bao dân tộc khác, ít quan tâm đến chính trị, chưa hẳn biết dân chủ là gì, cũng không quan tâm bao nhiêu đến nhân quyền, nhưng khi đụng đến chuyện giặc Tàu xâm lược Việt Nam thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Tất cả 90 triệu dân, từ trẻ đến già, từ thất phu đến sĩ phu, sẽ lập tức sôi lên. Nhưng trong khi toàn dân sôi lên, máu chống Tàu như bản năng sinh tồn sôi lên, thì ông Trọng lại nguội lạnh, ung dung xem kẻ xâm lăng là bạn, và thế là cùng lúc, 90 triệu dân thấy ông truồng như nhộng.
Cả nước thấy rồi, này ông Trọng, ông còn ngồi đó làm gì? Ông từ chức đi!
Giữa khi Tổng Trọng truồng như thế và các đồng đảng khác của ông cũng chỉ thập thò trò hữu nghị, vừa trơ tráo vừa như gà phải cáo, thì trong tứ trụ lại có một cú chuyển ngoạn mục, từ số không, thậm chí âm không, vút trở thành người hùng (from zero to hero). Thật vậy, “đồng chí X”, từng được xem như tội đồ, bỗng chốc được hoan hô, và gần như được mọi người “xóa tội”, khi nói một câu để đời “không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông.” Hoan hô đồng chí X.
Nhưng, sau tuyên bố lẫy lừng đó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dân Saigon bỗng dưng đâm lo, vì không biết liệu kẻ xấu có “thịt” ông không, không biết chuyến máy bay của ông có bị “tự nhiên” rớt như các quan chức lớn vừa rớt máy bay bên Lào không? Cũng có người bảo: Trung Quốc muốn có một chính quyền thân Tàu ở Việt Nam, và như thế, họ có thể “thịt” ông Dũng vì ông không chịu hàng, nhưng họ cũng có thể thịt luôn cả ông Trọng vì đã dở hơi để “lộ hàng”.
Dân Saigon cũng xì xầm rằng biết đâu Tàu có thể giựt dây đảo chính, để có một chính quyền bù nhìn, như các nước lớn như Liên Xô, hay Mỹ thời Chiến tranh Lạnh vẫn làm.
Quân đội và đảo chính
Chết, lớn chuyện rồi! Đảo chính! Lâu nay không ai nhắc điều này trong chính trường Việt Nam, nhưng vụ đảo chính vừa xảy ra bên Thái Lan làm mọi người nghĩ đến nó như một điều có thể, thậm chí không xa.
Nói tới đảo chính, Samuel Hungtington (nổi tiếng với Xung đột giữa các nền văn minh) có nhắc đến các loại đảo chính (coup d’etat) như: i) Đảo chính bứt phá để cải cách, lập chính quyền mới, nhân sự mới, thể chế mới; ii) Đảo chính “cung đình” để bảo vệ chế độ, chỉ thay người, không thay thể chế; và iii) Đảo chính trấn áp, khi chính quyền đương nhiệm đi quá xa, hoặc dân nổi loạn không theo ý quân đội. Cả ba loại đảo chính đều do quân đội tiến hành. [ii]
Quả thật, những ngày này, không thể không nghĩ đến vai trò của quân đội. Trong khi ở một xã hội dân chủ, quân đội đứng ngoài chính trị, chỉ phục vụ đất nước theo điều động của chính quyền dân cử, thì ở nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại từng kịch liệt phản đối, xem là thoái hóa biến chất những ai đòi phi chính trị hóa quân đội, và luôn nhấn mạnh quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng.
Thực ra, Tổng Trọng cũng chỉ học bài người ngoài dậy. Tập đoàn Giang-Hồ (Giang Trạch Dân – Hồ Cầm Đào) cũng đã học bài học này từ bộ đôi Mao-Đặng. Đặng Tiểu Bình có lần đã khẩn khoản chỉ bảo Giang Trạch Dân, khi Giang lên nắm chức Tổng Bí thư, rằng: ”Có năm ngày làm việc, hãy dành bốn ngày cho các tướng lĩnh chóp bu” (“Out of five working days, spend four with the top brass”). Và Giang-Hồ tuân răm rắp. Chỉ trong hai năm nắm quyền, Giang đã đích thân đến thăm và làm việc với 100 đơn vị quân đội.[iii]
Thực ra, giới cầm quyền Bắc Kinh đã từng e ngại đảo chính vào năm 1989, khi sinh viên xuống đường rầm rộ ở Thiên An Môn. Điều đáng nói là một số tướng lĩnh, khi được lệnh đưa quân đàn áp sinh viên, đã bất tuân thượng lệnh. Tiêu biểu là Trung tướng Từ Cần Tiên (Xu Qinxian) tư lệnh Quân đoàn 38 lừng danh thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Chuyện kể rằng, khi Tướng tư lệnh Quân khu Bắc Kinh yêu cầu ông điều quân dẹp sinh viên, ông đã hỏi đi hỏi lại: Có lệnh của Triệu Tử Dương chưa? (Triệu Tử Dương là Tổng Bí thư Đảng thời kỳ đó, là người ủng hộ sinh viên muốn dân chủ hóa.) Và khi biết không có lệnh của Triệu Tử Dương, Từ Cần Tiên đã nhất định không điều quân. Không chỉ có trung tướng họ Từ, người đỡ đầu ông là Tần Cơ Vĩ (Qin Jiwei) lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng và ủy viên Bộ Chính trị, cũng tìm cách liên kết với Triệu Tử Dương để chống thiết quân luật. Còn có tướng Hà Yên Nhiên (He Yanran), tư lệnh Quân đoàn 28, khi đám đông giận dữ đốt phá các xe thiết giáp của đơn vị ông, ông cũng đã bất tuân lệnh nổ súng đàn áp đám đông.[iv]
Đông Âu 1989
Quân đội bất tuân, hay án binh bất động, cũng đã từng xảy ra ở Đông Âu năm 1989, như trong cuộc Cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc, và cuộc cách mạng ở Rumani lật đổ nhà độc tài Ceausescu. [v]
Thực vậy, các Đảng Cộng sản tại Tiệp Khắc và Rumani cho đến sát ngày cách mạng đều tự tin rằng chế độ mình sẽ trường tồn bất bại, Ceausescu vẫn hùng hồn trước hàng ngàn cử tọa ngoan ngoãn rằng: “Tương lai của chủ nghĩa xã hội còn dài. Nó chỉ chết khi nào quả lê rụng từ cành táo!” (Tiên tri làm sao! Đến nay, đúng là mác-lê đã rụng, “quả táo” mác-kinh-tốt đã phủ khắp từ Baltic đến Adriatic, từ Mỹ sang Âu qua Á.)
Xin lược qua vài diễn biến chính của Cách mạng Nhung để bạn đọc dễ hình dung, cũng vì tình hình đó và đây không phải không có điểm giống:
Cách mạng Nhung bắt đầu từ những cuộc biểu tình của quần chúng bị đàn áp, đỉnh điểm của cuộc đàn áp là khi 3000 người lọt vào điểm “phục kích” của công an, họ ngồi cả xuống, hát vang, công an ùa tới đánh đập dã man, hốt lên xe. Có âm mưu tạo cái chết giả nhằm kích động quần chúng giận dữ chống phe bảo thủ. Nhưng vô tác dụng. Quần chúng nổi giận. Diễn đàn Dân sự (Civic Forum do Vaclav Havel lãnh đạo) hình thành, ra công bố 4 điểm: yêu cầu Tổng Bí thư từ chức; yêu cầu Bí thư Thành ủy và quan chức đứng sau vụ đàn áp sinh viên từ chức; yêu cầu điều tra vụ đàn áp; yêu cầu thả tất cả tù nhân lương tâm. Diễn đàn kêu gọi tổng đình công 2 tiếng ngày thứ hai, từ 12 g đến 2 giờ, để thăm dò phản ứng của đại chúng. Nếu tất cả tham gia, thì ý chí của phe bảo thủ trong Đảng coi như tan tành. Quân đội thay vì đàn áp lại ở trong trại lính. Nhân dân xuống đường 6 đêm liền sau đó, tràn ngập quảng trường trung tâm. Đại diện chính quyền liên lạc kín với Diễn đàn Dân sự để thương lượng cuộc bàn giao quyền lực. Và cuối cùng Tổng Bí thư và toàn bộ hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Tiệp Khắc từ chức. Cách mạng thành công.
Tổng Bí thư Trọng rất có thể sẽ trở thành phiên bản của Tổng Bí thư Jakes của Tiệp Khắc, toan tính thẳng tay đàn áp quần chúng bằng công an, thiết quân luật, điều xe tăng vào thành phố… Jakes nói:
“Phải lấy sức chọi sức! Chúng ta không thể ngồi yên giương mắt nhìn hành vi của các nhóm hoạt động ngoài vòng pháp luật và bị nước ngoài giựt dây… Những âm mưu kích động các thành phần thanh niên Tiệp có thể đưa xã hội vào vòng khủng hoảng với hậu quả khó lường!”
Nghe quen quen! Cũng kích động, cũng “khó lường”…
Về phản ứng của những kẻ kiểm soát quân đội, vào giờ phút lâm chung, Phó Thủ tướng Tiệp Khắc Marian Calfa cho biết:
“Toàn bộ guồng máy công an và an ninh nằm trong tay chúng tôi. Vậy mà không ai có đủ dũng cảm, đủ nhạy bén, đủ bản lĩnh, nói chung là đủ những gì cần thiết để dùng vũ lực…”
Tổng Bí thư Jakes còn bị quan thầy Liên Xô giáng cho một đòn chí tử khi thông báo rằng ông không thể chờ mong gì ở các lực lượng Xô-viết, cũng không có bất cứ hỗ trợ chính trị nào để Jakes tiếp tục nắm quyền.
Về quần chúng, họ như vừa thoát xác, lớn lên chẳng khác gì Phù Đổng, như lời một người dân:
“Mỗi ngày trôi qua là một ngày dân chúng thấy mình mạnh mẽ hơn, và đứng thẳng lưng hơn. Tôi có cảm tưởng như tảng đá đè trong lòng suốt 20 năm vừa qua giờ đã được gỡ bỏ. Người Tiệp chúng tôi thấy mình đường hoàng hơn. Chúng tôi đã quá hèn mọn. Nhưng giờ chúng tôi bắt đầu cảm thấy tự hào. Quả là một cảm giác phi thường.”
Cuộc Cách mạng Nhung 1989 tại Tiệp Khắc cũng nhắc nhở vài điều quan trọng khác: Cần một phe đối lập, đại diện cho tiếng nói của quần chúng. Và để hình thành lực lượng này, cần có người đủ uy tín và tầm vóc để có thể quy tụ mọi phe phái, dù trái ngược nhau đến mấy. Những nhân vật cũ trong chính quyền mới, như ông Alexander Dubcek (tác giả của Mùa xuân Praha 1968) ban đầu được quần chúng tung hô, nhưng khi ông bộc lộ tư duy cũ, vẫn tin cậy chủ nghĩa xã hội thì dân phản đối ngay (Dubcek thất bại trong cuộc bầu cử, chỉ trở thành chủ tịch Hạ viện hậu cộng sản, trong khi Vaclav Havel trở thành tổng thống.) Một bài học cho các chính khách Việt Nam?
Phá Tống và dời đô
Giữa những ngày sôi động này bỗng nhớ các vị Lê Hoàn, Lý Công Uẩn và Lý Thường Kiệt.
Dường như các thày phong thủy, tướng số, tử vi của Trung Quốc quên đọc lại lịch sử, nên đã phạm một sai lầm cực lớn khi đưa giàn khoan HD-981 vào cắm ở biển Việt Nam, vì năm 981 chính là năm Lê Hoàn (Lê Đại Hành) nhà Tiền Lê phá tan quân Tống xâm lược.
Một trong những việc làm ghi dấu sử xanh là việc Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010. Và trong triều đại Nhà Lý, tôn giáo được phát triển, nhân tài được sử dụng, giáo dục được khai sáng, kinh bang tế thế được thực hiện hiệu quả làm dân giàu, nước mạnh.
Cũng chưa bao giờ nhiều người lại ngâm nga và thấm thía bài tuyên ngôn độc lập tuyệt vời, được Lý Thường Kiệt đọc năm 1077 khi đánh giặc Tống, như trong những ngày này:
“Non nước trời Nam vua Nam ở. Rành mạch định phận tại sách trời. Quân thù cớ sao xâm phạm tới. Rồi bay sẽ bị đánh tơi bời.”
Nói một câu hợp ý toàn dân là điều đáng hoan nghênh. Ra một tuyên ngôn nức lòng người là điều cần thiết. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất về lâu về dài, như Lý Công Uẩn đã làm, là dời đô, dời đổi thể chế, dứt khoát từ bỏ “chỗ chật hẹp không thể mở mang” để đất nước và lịch sử thực sự sang trang.
Thực ra, việc chuyển đổi thể chế có thể diễn ra trong nhiều tuần, nhiều ngày, hay chỉ qua một đêm.
© 2014 Từ Linh & pro&contra


[i] “Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương Đảng lần chín”, Báo Điện tử Chính phủ 14/5/2014
[ii] Wikipedia, từ mục “coup d’etat”.
[iii] Richard McGregor, The Party, NXB Harper Collins, NY 2010, trang 105.
[iv] “How top generals refused to march on Tiananmen Square”, The Sydney Morning Herald, ngày 4/6/2010.
[v] Chi tiết và trích đoạn về Cách mạng tại Tiệp Khắc và Rumani trong bài được lấy từ hai bài “Cách mạng Nhung”, và “Làm thế nào để giết một đồng chí: Cách mạng Rumani 1989”, của Victor Sebestyen, Phan Trinh dịch, đăng trên pro&contra.

 http://www.procontra.asia/?p=4419

Người Buôn Gió, từ giang hồ đến cải cách xã hội

Hà Giang/Người Việt
 
Blogger Người Buôn Gió trong buổi nói chuyện với
phóng viên Hà Giang tại tòa soạn nhật báo Người Việt.
(Hình: Người Việt)
LTS - Người quan tâm đến tình hình đất nước có lẽ ai cũng quen thuộc với tên gọi blogger Người Buôn Gió. Người Buôn Gió tên thật là Bùi Thanh Hiếu, tác giả nhiều loạt bài, trong đó có “Ðại Vệ Chí Dị,” “Thư Viết Cho Con Trai”... với lối viết giản dị, dí dỏm, và sâu sắc. Blogger Người Buôn Gió là ai? Ðiều gì khiến ông trở thành người dùng ngòi bút làm phương tiện cải cách xã hội? Hiện đang tham dự chương trình học bổng nghệ thuật của thành phố Weimar, Ðức Quốc, Blogger Người Buôn Gió hé lộ với phóng viên Hà Giang vài nét chính về con người và cuộc đời mình, trong buổi chuyện trò sau đây, tại tòa soạn nhật báo Người Việt.
Hà Giang (NV)Chào blogger Người Buôn Gió, đọc văn thì người đọc cũng có thể đoán ra con người của tác giả Người Buôn Gió, tuy nhiên nhiều người vẫn muốn nghe chính tác giả nói về mình, anh có thể cho độc giả của Người Việt biết blogger Người Buôn Gió là ai, và tại sao lại đi... buôn gió?

Blogger Người Buôn Gió: Thực sự, tôi chỉ như bao thanh niên ở Việt Nam ở trong những khu phố mà người ta gọi là khu phố bụi đời, nơi chứa nhiều thành phần giang hồ, xã hội đen. Cuộc sống của tôi cũng có lúc sống bằng nghề đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cũng có lúc cờ bạc, thậm chí là trộm cắp. Mọi người có thể hình dung là cuộc sống ấy nó khó hiểu nhưng mà tôi sinh ra ở cái khu phố như thế và tất cả mọi người đều làm những việc như thế thì tôi cũng làm theo, tôi không tiếp xúc được với xã hội bên ngoài, với xã hội văn minh và lớp người trí thức, mà tôi chỉ biết sống ở trong đấy thôi, và tôi trở thành một người cũng “xuất sắc” trong cái đám lưu manh ấy.
NVAnh nói đến một khu phố bụi đời với những chàng trai sống lăn lóc, vậy khu phố đó là ở đâu?
Blogger Người Buôn Gió: Nơi tôi sinh ra nó là một cái ngõ nhỏ tên là Phát Lộc, ngoài Bắc, nó nằm ở chợ Ðồng Xuân-Bắc Qua, một nơi chứa chấp nhiều giới giang hồ hảo hán, dân số khoảng vài nghìn người.
NV: Blogger Người Buôn Gió bao nhiêu tuổi rồi?
Blogger Người Buôn Gió: Vâng, tôi sinh năm 1972.
NV: Tới một lúc nào thì con người giang hồ lăn lóc bụi đời đó quyết định thôi giang hồ và bắt đầu viết lách, và điều gì, biến cố gì đã thôi thúc Người Buôn Gió phải cầm bút?
Blogger Người Buôn Gió: Khi tôi lấy vợ thì tôi vẫn làm công việc cầm đồ, cá độ bóng đá, tiêu thụ của gian, nói chung thì những cái việc ấy nó liên hệ với nhau. Sau đấy năm 2005 thì vợ tôi sinh con. Khi vợ tôi chuyển dạ sinh thì tôi đưa vợ tôi vào bệnh viện. Khi vào bệnh viện, các bác sĩ người ta bảo đưa tiền hối lộ thì người ta sẽ chăn sóc vợ con tôi. Lúc tôi đưa tiền cho người ta thì tôi thấy đó là lẽ tất nhiên, cả một cái xã hội toàn dùng tiền hối lộ, ở đâu cũng phải hối lộ thì hối lộ nó thành thói quen thôi. Nhưng nó xảy ra trường hợp là vợ tôi khó đẻ, và khó đẻ thì phải chuyển qua phòng mổ. Nhưng phòng đỡ đẻ thì người ta muốn lấy tiền hối lộ, nên họ giữ vợ tôi ở đấy. Vì thế sau ba tiếng đồng hồ vỡ ối, con tôi chưa được sinh ra, họ đợi đến hết giờ ca trực ấy, khi đổi qua ca trực khác thì mới chuyển, vì như thế thì ca trực khác mới được tiền (hối lộ). Khi họ chuyển vợ con tôi qua phòng mổ thì con tôi tím ngắt và tái mét. Họ nói con tôi bị bệnh tim. Nhưng nhiều người bảo nếu bệnh tim thì khám thai phải biết rồi, hoặc gia đình có tiền sử bệnh tim, mà gia đình tôi không ai có bệnh tim, còn con tôi trong quá trình khám thai thì không có vấn đề gì. Ðây là cháu bé trong ba tiếng đồng hồ đó nó bị sặc nước ối, vì nước ối vỡ ra rồi, nó uống vào.
Lúc ấy họ bảo, bây giờ muốn chữa thì phải tốn tiền, thế là tôi lại phải đưa tiền cho họ, nói tóm lại hối lộ rất là nhiều, từ y tá đến bác sĩ, ai cũng nói đến tiền. Họ hỏi thì tôi cứ đưa tiền ra, không thiết tha gì khác. Con tôi cuối cùng khỏe mạnh được về nhà. Khi về nhà được khoảng hai tháng thì một hôm tôi nhìn con tôi đang nằm, nó mủm mỉm, nó cười. Tôi nhìn, tôi mới nhớ lại chuyện hôm nó sinh ra, tôi mới chợt nhận ra rằng tôi từng cầm dao tôi đi chém người để tôi lấy tiền, thì tôi hình dung việc của tôi với việc ông bác sĩ ông ấy cầm dao mổ, tôi bàng hoàng nhận ra là có khi họ cũng giống mình.
Khi tôi nhận ra một cái điều như thế, thì tôi tự hỏi tại sao xã hội nó lại như thế. Tôi nhận tôi là một thằng lưu manh giang hồ, tôi đâm thuê chém mướn, tôi kiếm tiền... mà hình ảnh của người bác sĩ ở trong tôi ấy, thì tôi vẫn nghĩ những người ấy gọi là lương y như từ mẫu, không quản ngại điều gì để giúp mình, mà bây giờ người ta cũng cầm dao người ta kiếm tiền, và người ta cũng có thể bỏ mặc người khác chết để người ta kiếm tiền. Tôi thấy sự tàn nhẫn của họ có khi còn xuất sắc hơn tôi.
Thật ra khi tôi đi đâm chém thì chỉ là dân giang hồ với nhau, chứ tôi chẳng bao giờ đi tìm một người hiền lành nào tôi uy hiếp người ta để tôi kiếm tiền, mà toàn là dân giang hồ mâu thuẫn vì chia chác các thứ hay là nợ nần nhau. Bây giờ đến một người bác sĩ mà người ta cũng như thế thì tôi không hiểu cái xã hội này bây giờ nó ra thế nào. Nghĩ thêm thì tôi thấy không riêng chỉ bác sĩ, mà thầy giáo rồi công an cũng như thế, cả xã hội nó như thế.
Tôi nghĩ bây giờ mình sinh con mình ra rồi, và xã hội nó như thế này, để cho con mình nó tồn tại, thì mình dạy cho con mình cái gì? Mình lại phải dạy cho con mình biết cách hối lộ, biết cách luồn lọt, biết cách kiếm chác lưu manh thì tôi thấy mình sinh ra một người con, nuôi cho lớn mà phải dạy nó những điều ấy, thì nói thật lòng, thà không sinh nó ra.
Lúc đó tôi mới viết bài đầu tiên là bài ”Thư viết cho con trai.” Tôi viết một chuyện châm biếm là trong xã hội như thế này, khi con lớn lên đi học mẫu giáo, đi ra ngoài con phải cảnh giác là luôn cầm tiền trong người, bố sẽ đặt tên con là Bùi Minh Huấn, tức là con có được lời giáo huấn sáng suốt.
Bài viết đó có nhiều người đọc và khen. Thật ra thì cũng chẳng phải là người ta khen. Người thì khóc, người thì cười, tức là nó mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc. Tôi thấy là mình có thể có một cách cải cách cái xã hội này qua ngòi bút của mình. Nghĩ thế, tôi bắt đầu chú ý viết.
NV: Buôn Gió có nghĩa là gì, và từ đâu lại có cái tên Người Buôn Gió?
Blogger Người Buôn Gió: Lúc đầu, khi mới viết, tôi chỉ lấy tên thật là Bùi Minh Hiếu thôi. Sau đó tôi nghĩ mình không phải là muốn truyền bá tư tưởng, mà chỉ muốn nhân rộng suy nghĩ của một người cha, muốn những điều tốt cho con mình, cho thế hệ sau, nhân rộng nó đi khắp nơi, thì tôi chọn cái tên Người Buôn Gió, tức là tôi mong muốn cái tình cảm của một người cha, trách nhiệm với người con, với xã hội, được nhân rộng, tôi chọn cái tên ấy.
NV: Những nhận thức về xã hội chung quanh của blogger Người Buôn Gió có phải đến lúc có con, lo cho con rồi mới có, hay là những điều đã tiềm ẩn trong anh lâu rồi?
Blogger Người Buôn Gió: Nhận thức thì vẫn luôn luôn có chứ, nhưng nó không khiến được mình thay đổi, vì như nhiều người Việt Nam mình, khi họ nhìn những sự trái ngang đó, thì họ coi đó là một điều bình thường và họ tìm một cách nào đó, hối lộ, luồn lách, móc ngoặc thế nào đó để mà vượt qua. Thì tôi cũng là một người như thế. Nếu mà tôi không có cậu con trai của tôi, thì tôi vẫn là một người như thế thôi. Nhưng khi đã có người con rồi thì suy nghĩ của tôi lúc đó không phải là về tôi nữa mà là về thế hệ của con tôi, và chính vì thế mà tôi viết. Nói tóm lại, đánh giá về xã hội như thế thì nó có sẵn trong người rồi, nhưng mình không muốn làm cái gì để thay đổi nó, mình chấp nhận nó là đương nhiên như thế. Nhưng khi mình đặt vấn đề con mình nó cũng phải chấp nhận như thế là một chuyện đương nhiên thì đó là một điều đau lòng, và tôi không muốn như thế, nên tôi phải viết.
NVViệc viết lách trong xã hội Việt Nam đã mang đến cho blogger Người Buôn Gió nhiều khó khăn trong cuộc sống, vậy người phối ngẫu của anh có ý kiến gì không?
Blogger Người Buôn Gió: Ðầu tiên thì vợ tôi phàn nàn rất nhiều. Gia đình bên vợ tôi, ông của vợ tôi là tướng trong quân đội (Bắc Việt), gia đình bên vợ tôi cũng thuộc thành phần trí thức, ông bà đều là lão thành cách mạng. Nhưng khi tôi bị bắt năm 2009 thì lúc đấy gia đình vợ tôi mới biết chuyện. Họ tìm hiểu xem tại sao tôi bị bắt, họ đọc những bài của tôi, họ nói “ôi mẹ cái thằng này nó viết hay đấy, nó viết đúng quá.” Lúc ấy thì vợ tôi thất vọng, tưởng là mọi người biết anh ấy làm như thế thì khuyên anh ấy, chứ bây giờ bên nội bên ngoại cùng khen như thế này, thì vợ tôi cũng vui vẻ.
NV: Sau khi những bài viết của blogger Người Buôn Gió được gia đình bên vợ đọc, thành phần giao tiếp của anh có thay đổi không? Có tạo được ảnh hưởng gì không?
Blogger Người Buôn Gió: Sau khi mọi người trong họ hàng đọc thì họ thành độc giả của tôi. Họ thường xuyên đọc. Gọi cho bạn bè. Thậm chí, tôi có ông chú với bà cô lúc nào cũng đi khoe “tôi là ông chú, tôi là cô cái thằng Buôn Gió.”
NV: Con trai của blogger Người Buôn Gió bây giờ cũng chín tuổi rồi, và anh đã viết cho con rất nhiều bức thư, thế cha con anh có bao giờ ngồi và nói với nhau những câu chuyện tương tự như nội dung của những bức thư đó không?
Blogger Người Buôn Gió: Cháu cũng đọc những bài tôi viết. Có những lúc đi học về cháu chưa phải làm bài, cháu rất là khệnh khạng, ngồi vào máy tính, xong cháu Google xem hôm nay Người Buôn Gió viết cái gì, rồi cháu ngồi đọc. Chúng tôi không thảo luận về những thư tôi viết cho cháu, chỉ có một cái truyện tôi viết về tuổi thơ của tôi, thì cháu có hỏi lúc ấy bố bé, bố như thế nào thế nào, thì tôi kể cho cháu nghe. Tôi tâm sự với cháu, chẳng hạn như bố thương bà nội thì bố nấu cơm, bố làm các việc giúp bà, hay là thương ông nội thì tôi làm gì.
NV: Trở lại với cái cái chữ Buôn Gió, chắc hẳn hai chữ này với anh phải có một ý nghĩa gì đó sâu sắc lắm?
Blogger Người Buôn Gió: Chúng ta người nào cũng có một ước mơ, thí dụ ước mơ cải cách xã hội, ước mơ xã hội được dân chủ, cái tên Buôn Gió nó thể hiện một giấc mơ, một ước mơ mà tôi đang trên đường thực hiện. Tôi cũng chỉ mong lúc nào đất nước mình tràn ngập gió thì tôi không phải đi buôn nữa, thì đó là một điều hạnh phúc.
NV: Cảm ơn blogger Người Buôn Gió đã dành thời gian cho chúng tôi.

Con đường nào cho Việt Nam để gỡ thế bí?

Người Việt xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, ngày 11/5/2014.Người Việt xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, ngày 11/5/2014.
Trong bài phát biểu tại Philippines mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu đích danh Trung Quốc là kẻ “vi phạm luật pháp quốc tế”, “xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển”, “đe doạ nghiêm trọng hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông." Sau đó, trong cuộc tiếp xúc với báo chí, ông khẳng định: "Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.”

Nghe những lời tuyên bố hùng hồn ấy, rất nhiều người ở Việt Nam cảm thấy an tâm, và nhiều người đặt hết sự tin tưởng vào Nguyễn Tấn Dũng; họ hy vọng, qua ông, đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam sẽ lãnh đạo đất nước vượt qua những thách thức hiểm nghèo trong hiện tại.

Tôi cũng hy vọng vậy, nhưng tiếc, tôi lại không thể tin tưởng và an tâm. Tôi không thể không nhớ giữa năm 2011, lúc tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên tiến sâu vào hải phận Việt Nam, cắt dây cáp ngầm của tàu thăm dò dầu khí được hải quân Việt Nam bảo vệ, giới lãnh đạo Việt Nam cũng lên tiếng một cách cứng rắn như vậy.
 
Tàu hải giám Trung Quốc ở ngoài khơi tỉnh Phú Yên hôm 26/5/2011Tàu hải giám Trung Quốc ở ngoài khơi tỉnh Phú Yên hôm 26/5/2011

Ngày 7/6, khi đến thăm huyện đảo Cô Tô, Chủ tịch nước (lúc ấy) Nguyễn Minh Triết khẳng định: "Chúng ta mong muốn các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển đảo của đất nước. Biết bao thế hệ đã hi sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày nay. Vì vậy, chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo."

Ngày 8/6, tại Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa." Đồng thời, ông khẳng định: “Nhân dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình."

Rồi sao nữa? Sau đó, chả có gì xảy ra cả. Tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên con đường lưỡi bò của họ; tiếp tục sách nhiễu các tàu đánh cá Việt Nam; tiếp tục bắt nạt chính quyền Việt Nam; và mới đây nhất, đưa giàn khoan HD-981 vào ngay thềm lục địa Việt Nam. Trong suốt thời gian ấy, dân chúng vẫn tiếp tục bị cấm biểu tình, những người tiếp tục kiên cường lên tiếng chống Trung Quốc vẫn bị bôi nhọ, hơn nữa, còn bị bắt bớ và bỏ tù. Không có gì thay đổi, từ cả hai phía: sự hung hãn và ngang ngược của Trung Quốc cũng như sự bất động đầy nhu nhược của Việt Nam.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Bây giờ Nguyễn Tấn Dũng cũng lặp lại những gì chính ông đã nói và Trương Tấn Sang cũng lặp lại những gì người tiền nhiệm của ông, Nguyễn Minh Triết, đã nói. Xin lưu ý một điều: trong cả biến cố tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp vào ngày 26 tháng 5 và ngày 9 tháng 6 năm 2011 cũng như hiện nay, Nguyễn Phú Trọng vẫn im thin thít. Ông không hề phát biểu bất cứ điều gì cả. Chỉ có tin đồn là ông xin qua Trung Quốc để gặp Tập Cận Bình hai lần nhưng không được. Vậy thôi. Không ai nghe được từ ông bất cứ một lời phát biểu nào. Trong khi đó, trên nguyên tắc, chính ông, với tư cách Tổng bí thư đảng, có quyền lực hơn hẳn cả Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang. Vậy mà ông lại im lặng.

Mai này, nếu có ai đó hỏi Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang tại sao Việt Nam không chịu kiện Trung Quốc ra trước toà án quốc tế hoặc không tìm kiếm sự giúp đỡ của các nước khác trong thế trận đương đầu với Trung Quốc, không chừng lúc ấy, cả ông Sang và ông Dũng sẽ lại than thở: Đảng chưa cho phép!

Rồi thôi. Đâu lại vẫn vào đó. Việt Nam lại để mặc cho Trung Quốc lấn từ từ. Từ từ. Hơn nữa, nếu chính quyền Việt Nam làm thật những điều họ nói thì họ có thể làm được gì?

Trước hết, về phương diện quân sự, với ngân sách quốc phòng chỉ bằng 1 phần 60 của Trung Quốc, người ta dễ dàng nhận thấy Việt Nam hoàn toàn không phải là đối thủ của Trung Quốc. Không nên dùng cuộc chiến biên giới năm 1979 để vớt vát niềm tin. Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc lúc ấy và Việt Nam bây giờ cũng khác hẳn những năm sau 1975, lúc lực lượng phòng không còn rất mạnh khiến Trung Quốc phải e dè không dám sử dụng không quân và cũng là lúc từ bộ đội đến tướng lĩnh đều dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.

Bây giờ thì về mọi mặt, Việt Nam đều ở thế yếu. Nếu chiến tranh bùng nổ, liệu có nước nào sẵn sàng ra tay để cứu Việt Nam? Nước duy nhất Việt Nam có thể hy vọng là Mỹ. Nhưng Mỹ chả có lý do gì để giúp Việt Nam khi Việt Nam chưa phải là một người bạn thân thiết của Mỹ. Hơn nữa, nếu chính phủ Mỹ muốn giúp, Quốc hội Mỹ chưa chắc đã đồng ý. Nếu Quốc hội đồng ý, dân chúng Mỹ chưa chắc đã đồng tình. Nếu dân chúng Mỹ không đồng tình, chính phủ Mỹ cũng đành thúc thủ.
 

Về phương diện pháp lý, gần đây, một số người trong giới lãnh đạo Việt Nam úp úp mở mở về việc họ có thể kiện Trung Quốc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc. Trên các diễn đàn mạng, hầu như mọi người đều hoan nghênh sáng kiến ấy. Nhưng theo tôi, đó là một công việc phức tạp mà chính quyền Việt Nam cần phải cân nhắc thật kỹ.

Lý do, rất đơn giản:
  1. Nếu Trung Quốc thua kiện và bị tòa ra án lệnh phải rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa Việt Nam, hoặc xa hơn, rút quân ra khỏi đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa và không được cho các tàu hải giám quấy nhiễu các tàu đánh cá Việt Nam thì chắc chắn Trung Quốc sẽ phớt lờ án lệnh ấy, và, cũng chắc chắn, sẽ chả có ai dám làm gì Trung Quốc.
  2. Nhưng nếu vì lý do nào đó, ví dụ vì cái công hàm do Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, toà án ra phán quyết Việt Nam thua thì chắc chắn Việt Nam sẽ phải tuân theo án lệnh ấy, ngay cả việc thừa nhận con đường lưỡi bò ngang ngược của Trung Quốc. Nếu Việt Nam kháng cự lại án lệnh ấy, Trung Quốc càng có thêm lý do chính đáng để tấn công Việt Nam. Lúc ấy, sẽ chả có ai dám bênh vực Việt Nam cả.
Trong trường hợp thứ nhất, thắng trước tòa, nhưng thật ra, Việt Nam chỉ thắng về phương diện tuyên truyền. Trong trường hợp thứ hai, Việt Nam thua trắng tay.

Như vậy, Việt Nam có thể làm điều gì?

Chính quyền Việt Nam hay nói đến biện pháp giải quyết xung đột bằng ngoại giao. Ừ, thì cũng được. Nhưng nên nhớ điều này: Trên bàn hội nghị, một nhà ngoại giao giỏi là người có một thứ vũ khí gì đó mạnh hơn đối phương. Đừng hy vọng gì Việt Nam có thể dùng ngoại giao để giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông khi Việt Nam rõ ràng là đang ở thế yếu, rất yếu. Đừng hy vọng. Vô ích.

Cuối cùng, biện pháp duy nhất Việt Nam có thể làm được là chuẩn bị chiến tranh để chiến tranh không xảy ra. Bằng cách nào? Chỉ có một cách: Sử dụng sức mạnh của quần chúng. Bằng cách nào? Chỉ có một cách: Cho phép dân chúng bày tỏ lòng yêu nước và sự căm ghét ngoại xâm của họ, và tạo nên sự đoàn kết thực sự giữa chính quyền và dân chúng để Trung Quốc thấy là họ không thể khuất phục dân tộc Việt Nam bằng các biện pháp quân sự.

Điều duy nhất khiến Trung Quốc có thể e dè trước Việt Nam không phải là tài trí của giới lãnh đạo, sự tối tân của vũ khí hay sự thiện chiến của quân đội Việt Nam (thật ra, hầu hết bộ đội Việt Nam, từ lính đến tướng, đều không có hoặc có rất ít kinh nghiệm chiến trường!) mà chính là con người Việt Nam vốn nổi tiếng bất khuất.

Bởi vậy, đàn áp dân chúng, không cho dân chúng biểu tình là một cách giấu giếm sức mạnh lớn nhất của mình: Đó là một quyết định dại dột.

 http://www.voatiengviet.com/content/con-duong-nao-cho-viet-nam-de-go-the-bi/1924422.html