Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Bác bỏ Công hàm Phạm Văn Đồng?



Bác bỏ Công hàm Phạm Văn Đồng?
TƯ THẲNG FACEBOOK

Hôm qua 23/5, trong một cuộc họp báo mà Hà Nội nói là “họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông”, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia lên tiếng khẳng định “Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý về vấn đề chủ quyền với vùng biển đảo của Việt Nam.”
Đây là một dịp khẳng định muộn màng và hiếm hoi từ khi công hàm được một thủ tướng ký và nay do một phó trưởng ban…bác bỏ!
Nhưng trước  khi nói đến sự ra đời của Công Hàm Đồng 1958, cũng nên nhìn sang “bên kia biên giới là nhà”…coi có gì xảy ra trong ngày 4 tháng 9 năm 1958? Đó là bản Tuyên bố sau đây:

Tuyên Bố của Chính Phủ Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về Lãnh Hải
(Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường Trực Quốc Hội Nhân Dân ngày 4 tháng 9 năm 1958)
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nay tuyên bố:
(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
(3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc
(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
Ðài Loan và Penghu hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ðài Loan và Penghu đang chờ được chiếm lại. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoại quốc không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Chỉ 10 ngày sau đó, ngày 14/9/1958, Thủ tướng VNDCCH  nhanh chóng ký một công hàm cấp chính phủ “Kính gửi Đồng chí Chu Ân Lai, Tổng lý Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh”, nguyên văn như sau:

Thủ Tướng Phủ
Nước Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hoà
Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:
Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.
Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung-hoa trên mặt bể.
Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng./.

Kính gửi:                       Hà-nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958.
Đồng chí Chu Ân Lai                                           (Ấn ký)
Tổng lý Quốc vụ viện                                     PHẠM VĂN ĐỒNG
Nước Cộng hoà Nhân dân Trung-hoa              Thủ tướng Chính Phủ
 tại BẮC KINH                                         Nước Việt-nam Dân chủ Cộng Hòa

Lẽ đương nhiên, trước khi đặt bút ký công hàm phúc đáp, thủ tướng và các viên chức cao cấp trong chính phủ VNDCCH không thể không đọc và thấu hiểu Bản tuyên bố 4/9 muốn nói gì. Nhất là không thể không đọc thật kỷ Điều 1 là điều quan trọng nhất trong 4 điều.
Điều (1): “Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”

Người đứng đầu chính phủ và ban tham mưu của mình lúc ấy không thể không biết 2 quần đảo được Trung Hoa BAO GỒM và đề cập đến trong Điều 1 là:
Quần đảo Tây Sa (Xisha - tên tiếng Hoa) chính là Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và Quần đảo Nam Sa (Nansha - tên tiếng Hoa) chính là Quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa!

Biết mà vẫn đặt bút ký “ghi nhận và tán thành” cũng như “có trách nhiệm triệt để tôn trọng” thì tránh sao khỏi Trung Quốc ngày nay đem giàn khoan ra đặt giữa Biển Đông và nói “giàn khoan HD 981 cách xa bờ biển Việt Nam 170 hải lý và chỉ cách các đảo của Trung Quốc 17 hải lý!”
Công Hàm Đồng quả là món quà trao đổi béo bở, là lý cớ mấu chốt mà Trung Quốc dùng để “khẳng định chủ quyền bất khả tranh cãi”; dù năm 2007 một thanh niên Việt Nam yêu nước tên ĐIẾU CÀY đã công khai gọi đó là “chủ quyền ngụy xưng” ngay trước thềm quốc hội cũ.

Ngày nay, Việt Nam không thể khơi khơi đưa một ông Phó trưởng ban Biên giới chính phủ ra “họp báo quốc tế” để gọi là “bác bỏ giá trị pháp lý của công thư Phạm Văn Đồng” trước công luận.
Mà chính quốc hội của CHXHCNVN, trong một phiên họp toàn thể, phải đồng thanh biểu quyết HỦY BỎ CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG 14/9/1958. Điều này thể hiện “quốc hội là cơ quan quyền lực nhất nước” chứ không phải là cơ quan trang điểm gật gù của chế độ.

Làm được điều đó, các lãnh đạo đảng và nhà nước khỏi tuyên bố ba lăng nhăng kiểu như “Không đánh đổi chủ quyền bằng hữu nghị viển vông”. Và nhất là khỏi cho tàu Cảnh sát biển chơi trò xịt nước hay ngồi đếm số tàu địch hôm nay bao nhiêu chiếc, loại gì.

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Gió Santa Ana, 'đặc sản' của Nam California



Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Dù mới chỉ là đầu xuận,  Nam California vừa trải qua 3 ngày nóng với đợt gió Santa Ana thứ nhất của năm nay.



Gió Santa Ana – theo biểu đồ của NASA.
Trong lãnh vực khí tượng, Gió Santa Ana là một “đặc sản” địa phương ở vùng Nam California xuống tới bán đảo Baja California, Mexico. Dù tính chất có nhiều điểm tương tự, gió Santa Ana khác với gió Foehn ở Âu Châu, loại gió có tên gọi khác nhau tại mỗi nơi trên thế giới như Chinook tại Bắc Mỹ, Mistral tại Pháp, gió Lào tại Việt Nam.
Gió Santa Ana thổi là từ triền núi xuống miền duyên hải Thái Bình Dương, vận tốc trung bình trên 25 mph (dặm/giờ) với những cơn gió giật có thể tới hơn 60 mph. Gió Santa Ana tự nó không  gây nhiều tổn hại, nhưng nhiệt độ cao, ẩm độ thấp và sức thổi mạnh  là đồng lõa giúp cho ngọn lửa cháy rừng lan rộng nhanh chóng.
Phát xuất từ vùng không khí có áp suất cao ở miền Great Basin và sa mạc Mojave,  phía Tây dãy Rocky Mountains, gió Santa  Ana theo hướng Tây Nam vượt qua các rặng núi duyên hải đi xuống miền thấp. Từ không khí vốn đã khô do thăng lực trước khi tới Great Basin, ẩm độ sẽ giảm thêm nữa chỉ còn khoảng 10% sau khi đi vào các thung lũng và qua khe núi xuống miền thấp, đồng thời nhiệt độ tăng lên.
Hiện tượng này cũng tương tự như gió Chinook hay gió Foehn như đã nói trên, nhưng không phải là cùng loại xét theo nguồn gốc khí tượng. Gió Chinook do không khí mất nước khi đi qua núi, gây mưa ở phía sườn đi lên, giảm độ ẩm và bị nén làm nhiệt độ tăng khi xuống núi. Gió Santa Ana từ gốc ở Grand Bassin và vùng cao của sa mạc Mojave đã là không khí lạnh và khô. Vận tốc tăng lên khi gió đi qua các hẻm núi vì không khí bị ép lại và tạo ra những cơn gió giật.
Nhiều người lầm hiểu cho là gió Santa Ana thổi qua vùng sa mạc Mojave và Sonoran nên khô và nóng. Thật ra không khí ở vùng sa mạc lạnh hơn ở duyên hải lúc đó. Không khí nóng lên khi chuyển động xuống thấp, 10 độ C mỗi km hay 29 độ F mỗi dặm. Vào những ngày có gió Santa Ana, miền duyên hải Nam California từ Los Angeles, Orange tới San Diego County có thể nóng hơn nhiều nơi trong sa mạc như Barstow, Palm Springs.
Gió Santa Ana có thể có bất cứ thời gian nào trong năm nhưng hầu hết là từ cuối Thu đến giữa Xuân. Khối không khí ở Great Basin lúc này lạnh và nếu áp suất ở tầng thấp lớn hơn áp suất không khí ở miền duyên hải California thì đó là điều kiện để gió Santa Ana xảy ra. Căn cứ trên thống kê từ 1950 đến nay thì hiện tượng  không xuất hiện điều hòa, năm này gió Santa Ana xảy ra trong một tháng nào đó nhưng những năm khác có thể hoàn toàn không có.
Một số cây dại ở California có chất dầu để thích ứng với khí hậu hạn, khi cháy sẽ thành nhiên liệu tiếp sức cho ngọn lửa. Không khí khô, nóng và vận tốc di chuyển là ba điều kiện phối hợp làm cho mọi vật mát nước hay hơi nước mau hơn. Mùa cây cỏ khô, thời tiết nóng và gió mạnh tạo hoàn cảnh cho những trận hỏa hoạn rất lớn như gần đây năm 2003 và 2007 thiêu rụi hàng ngàn dặm vuông lùm bụi ở Nam California. Ngoài ra gió mạnh còn làm bật gốc và bay đi xa  những bụi cây nhỏ đang cháy dở và khu vực hỏa hoạn  lan rộng mau chóng.
Tuy vậy cũng như bất cứ sự việc gì khác, một hiện tượng thiên nhên có tác hại thì đồng thời cũng có lợi ích. Trên mặt biển, nếu sóng lớn gây tai hại cho các bến thuyền như ở quần đảo Catalina thì mặt khác gió Santa Ana làm tăng nhiệt độ lớp nước trên mặt biển và mang theo nhiều bụi từ sa mạc giúp vi sinh vật phát triển nhanh đem lợi ích cho ngành ngư nghiệp.
Vùng không khí lạnh áp suất cao tại Bắc Mỹ có khuynh hướng di chuyển dần về phía Đông nghĩa là đi xa California, do đó gió Santa Ana thường chỉ kéo dài ít ngày. Nhưng cũng đã có khi gió kéo dài suốt một tuần lễ, tuy nhiên những trường hợp ấy là rất hiếm.  Tiếp theo những ngày có gió Santa Ana thời tiết thường có sương mù vào ban đêm và buổi sáng vì không khí ẩm từ biển tràn vào. Những ngày có sương mù là dấu hiệu cho biết chưa có gió Santa Ana xảy ra,

Không có tài liệu nào chính xác về nguồn gốc của cái tên gió Santa Ana. Từ giữa thế kỷ 19 những dân định cư tại Nam California, hầu hết là nông nghiệp, đã nói đến hiện tượng thời tiết này và lo lắng về tác hại đến mùa màng.  Cũng có giả thuyết cho rằng loại gió mạnh, nóng và khô ấy được đặt bằng tên của vị Tổng Thống Mexico, tướng Antonio Lopez de Santa Anna. Theo lập luận khác thì Santana theo tiếng của thổ dân là lớn hoặc xấu.
Nhưng bình thường thì nhiều người tin là gió được đặt tên theo địa phương, gió Santa Ana thổi tới từ hẻm núi  Santa Ana Canyon, hay đơn giàn hơn ở  thành phố chính trong vùng từ thế kỷ 18 là Santa Ana, Orange County.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=187335&zoneid=403#.U2Py5conBA4