Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam

 
Trước đây, trên thế giới, có 15 quốc gia chính thức theo chủ nghĩa cộng sản và 11 quốc gia tự nhận là cộng sản hoặc theo khuynh hướng cộng sản. Mười lăm quốc gia ở trên là: Albania, Bulgaria, Czechoslovakia, Đông Đức, Hungary, Mông Cổ, Ba Lan, Romania, Liên Xô, Yugoslavia, Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam. Mười một quốc gia ở dưới là: Angola, Benin, Congo, Ethiopia, Mozambique, Zimbabwe, Grenada, Nicaragua, Campuchia, Afghanistan và Nam Yemen. Tổng cộng, từ hai bảng danh sách ấy, có cả thảy 26 nước cộng sản hoặc có khuynh hướng theo cộng sản. Từ đầu thập niên 1990, tất cả các chế độ cộng sản ấy đều lần lượt sụp đổ. Hiện nay, trên cả thế giới, chỉ còn năm nước mang nhãn hiệu cộng sản: Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào và Việt Nam.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chủ nghĩa cộng sản ở năm quốc gia này sẽ sụp đổ sớm. Trong năm nước, có ba nước có quan hệ chặt chẽ với nhau: Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Có lẽ Lào chỉ thay đổi được thể chế chính trị nếu, trước đó, Việt Nam cũng thay đổi; và Việt Nam có lẽ chỉ thay đổi nếu trước đó Trung Quốc cũng thay đổi. Như vậy, quốc gia có khả năng châm ngòi cho bất cứ sự thay đổi lớn lao nào là Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc và Việt Nam chưa thay đổi và chưa từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, giới nghiên cứu cũng phát hiện những dấu hiệu suy tàn âm thầm của chủ nghĩa cộng sản bên trong hai quốc gia này.

Ở đây, tôi chỉ tập trung vào Việt Nam.

Nhìn bề ngoài, chế độ cộng sản tại Việt Nam vẫn mạnh. Hai lực lượng nòng cốt nhất vẫn bảo vệ nó: công an và quân đội. Dân chúng khắp nơi bất mãn nhưng bất mãn nhất là nông dân, những người bị cướp đất hoặc quá nghèo khổ. Có điều nông dân chưa bao giờ đóng được vai trò gì trong các cuộc cách mạng dân chủ cả. Họ có thể thành công trong một số cuộc nổi dậy nhưng chỉ với một điều kiện: được lãnh đạo. Trong tình hình Việt Nam hiện nay, chưa có một tổ chức đối kháng nào ra đời, hy vọng nông dân làm được gì to lớn chỉ là một con số không. Ở thành thị, một số thanh niên và trí thức bắt đầu lên tiếng phê phán chính phủ nhưng, một, số này chưa đông; và hai, còn rất phân tán. Nói chung, trước mắt, đảng Cộng sản vẫn chưa gặp một sự nguy hiểm nào thật lớn.

Thế nhưng, nhìn sâu vào bên trong, chúng ta sẽ thấy quá trình mục rữa của chủ nghĩa cộng sản đã bắt đầu và càng ngày càng lớn. Như một căn bệnh ung thư bên trong một dáng người ngỡ chừng còn khỏe mạnh.

Sự mục rữa quan trọng nhất là về ý thức hệ.

Khác với tất cả các hình thức độc tài khác, chủ nghĩa cộng sản là một thứ độc tài có… lý thuyết, gắn liền với một ý thức hệ được xây dựng một cách có hệ thống và đầy vẻ khoa học. Thật ra, chủ nghĩa phát xít cũng có lý thuyết, chủ yếu dựa trên sức mạnh và tinh thần quốc gia, nhưng không phát triển thành một hệ thống chặt chẽ và có ảnh hưởng sâu rộng như chủ nghĩa cộng sản. Còn các chế độ độc tài ở Trung Đông chủ yếu gắn liền với tôn giáo cộng với truyền thống quân chủ kéo dài (thường được gọi là độc tài quốc vương, sultanistic authoritarianism) hơn là lý thuyết. Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh: các chế độ cộng sản không thể tồn tại nếu không có nền tảng ý thức hệ đằng sau.

Ý thức hệ cộng sản một thời được xem là rất quyến rũ vì nó bao gồm cả hai kích thước: quốc gia và quốc tế. Ở bình diện quốc gia, nó hứa hẹn giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân; ở bình diện quốc tế, nó hứa hẹn giải phóng giai cấp vô sản và tạo nên sự bình đẳng và thịnh vượng chung cho toàn nhân loại. Ở bình diện thứ hai, chủ nghĩa cộng sản, gắn liền với một ước mơ không tưởng, rất gần với tôn giáo; ở bình diện thứ nhất, đối lập với chủ nghĩa thực dân, nó rất gần với chủ nghĩa quốc gia. Trên thực tế, hầu hết các nước cộng sản trước đây đều cổ vũ và khai thác tối đa tinh thần quốc gia trong cả quá trình giành chính quyền lẫn quá trình duy trí chế độ. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia dễ thấy nhất là ở các nước thuộc địa và cựu thuộc địa như Việt Nam.

Sau năm 1991, tức sau khi chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ý thức hệ cộng sản cũng bị phá sản theo. Thực trạng nghèo đói, bất công và áp bức dưới các chế độ cộng sản ấy đều bị vạch trần và phơi bày trước công luận. Sự hứa hẹn về một thiên đường trong tương lai không còn được ai tin nữa. Tính hệ thống trong chủ nghĩa Marx-Lenin cũng bị đổ vỡ. Nền tảng ý thức hệ của các chế độ cộng sản bị tan rã tạo thành một khoảng trống dưới chân chế độ.

Để khỏa lấp cái khoảng trống ấy, Trung Quốc sử dụng hai sự thay thế: chủ nghĩa Mao và Nho giáo (trong chủ trương tạo nên một xã hội hài hòa, dựa trên lòng trung thành). Việt Nam, vốn luôn luôn bắt chước Trung Quốc, không thể đi theo con đường ấy. Lý do đơn giản: Đề cao chủ nghĩa Mao là một điều nguy hiểm cả về phương diện đối nội lẫn đối ngoại; còn với Nho giáo, một là Việt Nam không am hiểu sâu; hai là, nó đầy vẻ… Tàu, rất dễ gây phản cảm trong quần chúng. Bế tắc, Việt Nam bèn tạo nên cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng ông Hồ Chí Minh lại không phải là một nhà lý thuyết. Ông chỉ là một người hành động. Ông viết nhiều, nhưng tất cả đều rất thô phác và đơn giản. Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay, cũng không có một người nào giỏi lý thuyết để từ những phát biểu sơ sài của Hồ Chí Minh xây dựng thành một hệ thống sâu sắc đủ để thuyết phục mọi người. Thành ra, cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn không trám được khoảng trống do sự sụp đổ của ý thức hệ Marx-Lenin gây ra. So với Trung Quốc, khoảng trống này ở Việt Nam lớn hơn gấp bội.

Mất ý thức hệ cộng sản, chính quyền Việt Nam chỉ còn đứng trên một chân: chủ nghĩa quốc gia.

Nhưng cái chân này cũng rất èo uột nếu không muốn nói là đã lung lay, thậm chí, gãy đổ.

Trên nguyên tắc, Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước rất cao. Bao nhiêu chế độ ra đời từ giữa thế kỷ 20 đến nay đều muốn khai thác và tận dụng lòng yêu nước ấy. Tuy nhiên, với chế độ cộng sản hiện nay, việc khai thác vốn tài sản này gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là lòng yêu nước bao giờ cũng gắn liền với sự căm thù. Không ai có thể thấy rõ được lòng yêu nước trừ phi đối diện với một kẻ thù nào đó của đất nước. Hai kẻ thù chính của Việt Nam, trong lịch sử mấy ngàn năm, là Trung Quốc; và gần đây nhất, là Mỹ. Nhưng Việt Nam lại không dám nói quá nhiều về hai kẻ thù này. Với Mỹ, họ cần cả về phương diện kinh tế lẫn phương diện chiến lược. Đề cao truyền thống chống Mỹ, do đó, là điều rất nguy hiểm. Đề cao truyền thống chống Trung Quốc lại càng nguy hiểm hơn: Trung Quốc có thể đánh hoặc ít nhất đe dọa VIệt Nam bất cứ lúc nào.

Bởi vậy, Việt Nam, một mặt, phải hạ giọng khi nói về truyền thống chống Mỹ và phải né tránh việc nhắc nhở đến truyền thống chống Trung Quốc. Hai hành động này có lợi về phương diện đối ngoại nhưng lại có tác hại nghiêm trọng về phương diện đối nội: chính quyền hiện ra, dưới mắt dân chúng, như những kẻ hèn, hèn nhát và hèn hạ. Từ một chế độ được xây dựng trên thành tích chống ngoại xâm, chế độ cộng sản tại Việt Nam lại bị xem như những kẻ bán nước, hoặc bán nước dần dần bằng cách hết nhượng bộ điều này sang nhượng bộ điều khác trước sự uy hiếp của Trung Quốc.

Trước sự sụp đổ của cả hai nền móng, ý thức hệ cộng sản và chủ nghĩa quốc gia, đảng Cộng sản Việt Nam bèn chuyển sang một nền tảng khác: kinh tế với phương châm ổn định và phát triển. Nội dung chính của phương châm này là: Điều cần nhất đối với Việt Nam hiện nay là phát triển để theo kịp các quốc gia khác trong khu vực cũng như, một cách gián tiếp (không được nói công khai), đủ sức để đương đầu với Trung Quốc. Nhưng để phát triển, cần nhất là phải ổn định về chính trị, nghĩa là sẽ không có thay đổi về thể chế và cũng không chấp nhận đa đảng.

Phương châm ấy, thật ra, là một sự bịp bợm: Nó chuyển vấn đề từ chính trị sang kinh tế với lý luận: nếu vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là vấn đề kinh tế thì mọi biện pháp sửa đổi sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế. Với lập luận này, chính quyền có thể trì hoãn mọi yêu cầu cải cách chính trị.

Tuy nhiên, nó hoàn toàn không thuyết phục, bởi, ai cũng thấy, lãnh vực kinh tế là mặt mạnh nhất của chủ nghĩa tư bản và cũng là mặt yếu nhất của chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Tất cả các quốc gia dân chủ ở Tây phương đều có hai đặc điểm nổi bật: về chính trị, rất ổn định và hai, về kinh tế, rất phát triển. Ở Việt Nam, người ta cố thu hẹp phạm vi so sánh: các cơ quan truyền thông chính thống chủ yếu tập trung vào các nước Đông Nam Á, đặc biệt Thái Lan với một thông điệp chính: đa đảng như Thái Lan thì lúc nào cũng bị khủng hoảng. Nhưng ở đây lại có hai vấn đề: Một, dù liên tục khủng hoảng về chính trị, nền kinh tế của Thái Lan vẫn tiếp tục phát triển, hơn hẳn Việt Nam; hai, ngày nay, do xu hướng toàn cầu hóa, tầm nhìn của dân chúng rộng rãi hơn nhiều; chính quyền không thể thu hẹp mãi tầm nhìn của họ vào tấm gương của Thái Lan được.

Về phương diện lý luận, chiêu bài ổn định và phát triển, do đó, không đứng vững. Về phương diện thực tế, những sự phá sản của các đại công ty quốc doanh và đặc biệt, khối nợ nần chồng chất của Việt Nam khiến dân chúng càng ngày càng thấy rõ vấn đề: các chính sách kinh tế của Việt Nam không hứa hẹn một sự phát triển nào cả, nếu không muốn nói, ngược lại, chỉ lún sâu vào chỗ bế tắc.

Thành ra, có thể nói, tất cả các nền tảng chế độ cộng sản Việt Nam muốn nương tựa, từ chủ nghĩa Marx-Lenin đến chủ nghĩa quốc gia và lập luận ổn định để phát triển, đều lần lượt sụp đổ. Chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay như một đám lục bình chỉ nổi bập bềnh trên mặt nước. Sự tồn tại của nó chỉ dựa vào sự trung thành của công an. Do đó, một mặt, đảng cộng sản đưa ra sự khuyến dụ đối với công an: “Còn đảng, còn mình”; mặt khác, họ ngoảnh mặt làm ngơ trước hai tệ nạn do công an gây ra: tham nhũng và trấn áp dân chúng một cách dã man. Nhưng chính sách này chỉ càng ngày càng biến công an thành một đám kiêu binh và càng ngày càng đẩy công an cũng như chính quyền trở thành xa lạ với dân chúng. Sự xa lạ này càng kéo dài và càng trầm trọng, đến một lúc nào đó, trở thành đối nghịch với quần chúng.

Một nhà nước được xây dựng trên một đám kiêu binh, trong thời đại ngày nay, không hứa hẹn bất cứ một tương lai nào cả.
 
 http://www.voatiengviet.com/content/su-sup-do-cua-chu-nghia-cong-san-tai-vietnam/1904798.html

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Hơn mười ngày nay

Tháng 4 29, 2014
Cao Trần
Còn non còn nước còn người
Thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười ngày nay.”

Câu lục bát trên không nhớ rõ là của ai, và thấy cũng không cần thiết để google tác giả, vì của ai không quan trọng bằng chuyện câu lục bát đó cho thấy cái gì.

“Thắng giặc Mỹ.” Tại sao phải thắng giặc Mỹ (và Ngụy nữa, cố nhiên), hay nói cách khác, tại sao phải chiến tranh thì mới có thể “hơn mười,” trong khi ai cũng hiểu chiến tranh là hao tổn máu xương (nhân lực), tiền của (tư bản), hai thứ tối quan trọng cho công cuộc “hơn mười”? Đặt vấn đề như vậy mới thấy, với những kẻ kêu gọi (hoặc hứa hẹn) “thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười ngày nay,” máu xương và tiền của không phải là một hao tổn xót xa, bi tráng, mà là một giá phí lạnh lùng nhất thiết phải bỏ ra cho một thương vụ được quảng cáo là một vốn mười lời. Có thể là tham lời hoặc cũng có thể đang lâm vô cảnh khốn cùng, nhiều người nô nức gia nhập công ty cổ phần chiến tranh với hy vọng đây là thương vụ đổi đời. Nghiệt ở chỗ đa phần kẻ góp vốn vô công ty cổ phần ấy cứ ngỡ rằng mình là cổ đông, trong khi, dưới cái nhìn ma mãnh của hội đồng quản trị, họ chỉ là đồng vốn không hơn không kém. Và đồng vốn, dù có được xưng tụng  là “vốn quý của xã hội,” vẫn chỉ là công cụ dùng để kiếm lời.  Đến năm 1975, họ đã thành công trong thương vụ một vốn mười lời đó, một cách thần thánh, như chính họ vẫn thường ca tụng. Không thần thánh sao được, khi mà một vốn bốn lời đã được coi là kỳ diệu.

Vầng hào quang thần thánh trong cuộc kinh doanh xương máu thời chiến tiếp tục chói sáng trong thời hậu chiến. Chân lý “hơn mười ngày nay” được cụ thể hóa bằng hình ảnh những chuyến xe tấp nập chở chiến lợi phẩm từ Nam ra Bắc những năm cuối thập kỷ 1970, và càng sống động hơn nữa qua những cuộc cướp đoạt – núp dưới các mỹ từ cải tạo tư sản và hợp tác hóa nông nghiệp – nhà cửa, vốn liếng  của người miền Nam. Ba mươi chín năm qua quả nhiên là ba mươi chín năm TA “xây dựng hơn mười ngày nay”, chỉ có điều TA, cũng như thời chiến, là một đại từ nhân xưng rất… thiêng, số ít chứ không phải số nhiều.

Trong chiến tranh, cái Ta-số-ít đã kiên định mục tiêu đánh chiếm miền Nam bằng mọi giá, theo kiểu “còn non còn nước còn người” là còn chơi, thì không lý gì ở thời bình lại phải… nhát tay. Con người và non nước, một lần nữa, vẫn chỉ là đồng vốn cho cuộc sát phạt trong canh bạc chia chác máu xương, mà ở đó kẻ cầm cái và các tay con đều lăm le bịp bợm lẫn nhau để tính chuyện “hơn mười” cho riêng mình. Từ đó, mỗi lá bài buông xuống là một nhát dao:  nhát rớm máu Dương Nội, nhát đầu rơi Thái Bình, nhát Điếu Cày, Văn Vươn, nhát Minh Hạnh, Phong Tần…

Chơi như vậy liệu có “còn non còn nước còn người” không?

Tháng Tư 2014
__________
Ảnh: Một phụ nữ bên xác chồng, chôn cùng 47 thi thể tại Huế, tháng 4.1969. Ảnh AP – Horst Faas
© 2014 Cao Trần & pro&contra

http://www.procontra.asia/?p=4237

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Chuyện Cù Huy Hà Vũ sang Mỹ

Ông Cù Huy Hà Vũ và vợ, bà Nguyễn Thị Dương Hà đã tới thủ đô Washington hôm 7/4/2014.Ông Cù Huy Hà Vũ và vợ, bà Nguyễn Thị Dương Hà đã tới thủ đô Washington hôm 

Chuyện Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và được sang Mỹ với vợ đang làm xôn xao dư luận, đặc biệt trên mạng, trong hơn một tuần vừa qua. Người thì mừng, người thì thất vọng và lo, thậm chí, thất vọng và lo quá thành trách móc, cho là ông chọn một con đường dễ dãi và chỉ có lợi cho bản thân và gia đình.

Thật ra, cần nói ngay, sự trách móc, lo lắng hay thất vọng đều là những phản ứng rất cảm tính, hơn nữa, có cái gì như vô lý. Không ai có thể đòi hỏi người khác phải làm anh hùng. Người ta không có bổn phận làm anh hùng. Anh hùng là một sự lựa chọn và chấp nhận hy sinh. Không phải lúc nào người ta cũng có thể lựa chọn được như vậy. Bình thường, người ta ưu tiên chọn lựa sự an toàn cho bản thân và gia đình trước. Không có người nào có thể bị trách móc vì các chọn lựa đầy nhân tính và nhân tình ấy.

Vấn đề đáng bàn hơn ở đây là: Liệu người ta có thể tiếp tục tranh đấu một cách có hiệu quả khi sống ngoài đất nước?

Câu hỏi trên bao gồm hai khía cạnh: tranh đấu và tranh đấu một cách có hiệu quả.

Với khía cạnh thứ nhất, câu trả lời tương đối dễ dàng: Dĩ nhiên là được. Ở hải ngoại có hai điều kiện thuận lợi hơn trong nước: Một là an toàn và hai là tự do. Người ta có thể phát biểu hoặc tập hợp lực lượng một cách thoải mái mà không phải sợ hãi bất cứ điều gì. Chế độ độc tài ở xa, nếu muốn, chỉ có thể đánh lén bằng cách gieo rắc những tin đồn làm giảm uy tín hoặc làm hoang mang dư luận. Hết.

Nhưng chính sự an toàn và tự do ấy lại trở thành một nguy cơ cho mọi nhà đối kháng hay tranh đấu chống lại độc tài.  Một là người ta đánh mất cơ hội làm anh hùng, và từ đó, cơ hội để trở thành thần tượng, qua đó, tập hợp quần chúng. Xin lưu ý: anh hùng không phải là tính cách có sẵn và bất biến. Không ai là anh hùng cả. Người ta chỉ trở thành anh hùng. Và người ta chỉ có thể trở thành anh hùng chỉ bằng một cách duy nhất: chấp nhận đương đầu với nguy hiểm, thậm chí, sẵn sàng chấp nhận cả sự hy sinh. Sự an toàn và tự do ở hải ngoại tước mất tất cả những cơ hội ấy: Người ta trở thành một người bình thường như mọi người.

Là một người bình thường, người ta cũng đánh mất cơ hội được chú ý và được lắng nghe. Không phải chỉ trong nội bộ cộng đồng người Việt với nhau mà cả với quốc tế cũng vậy. Trên thế giới, người ta chỉ thích tập trung sự chú ý vào các chứng nhân và các nạn nhân, nghĩa là những người đang sống trong nước, hằng ngày đương đầu với bạo quyền. Tất cả những người lưu vong, may lắm, chỉ được xem là một học giả. Mà với tư cách một học giả, người ta lại chịu một sự thiệt thòi khác: thành kiến cho là họ thiếu khách quan và công bằng khi phê phán nhà cầm quyền ở quê nhà. Đó là điều dường như tất cả các trí thức Việt Nam sống ở hải ngoại đều có kinh nghiệm và đều phải chịu đựng.

Một trong những bằng chứng cụ thể nhất là Dương Thu Hương. Lúc còn sống trong nước, các tác phẩm cũng như các bài viết của bà được đón nhận một cách nồng nhiệt. Từ năm 2006, bà sang sống hẳn ở Pháp. Sống ở đâu thì Dương Thu Hương vẫn là Dương Thu Dương thôi. Vẫn thông minh, sắc sảo, thẳng thắn và tài hoa. Không có gì thay đổi. Nhưng rõ ràng là sự tiếp nhận của những người chung quanh, từ cộng đồng người Việt đến cộng đồng quốc tế, đã thay đổi: Bà chỉ còn là một nhà văn chứ không phải nhà văn đối kháng nữa. Với bà, người ta hờ hững dần. Và bà cũng im lặng dần.

Mà không phải chỉ có Dương Thu Hương. Lớn hơn Dương Thu Hương rất nhiều, nhà văn Alexander Solzhenitsyn, giải Nobel văn chương năm 1970, bị trục xuất khỏi Nga vào năm 1974; và sau một thời gian ngắn sống ở Tây Đức và Thụy Sĩ, ông được mời sang Mỹ. Ông định cư ở Mỹ cho đến năm 1994, khi chế độ cộng sản đã sụp đổ tại Nga, ông mới về nước. Trong gần 20 năm ở Mỹ, Solzhenitsyn chỉ sống một cách lặng lẽ ở một địa phương khuất lánh heo hút. Trừ sự ồn ã ở vài năm đầu, sau đó, dường như người ta quên mất ông, hơn nữa, có khi còn bực bội vì ông. Một số quan điểm của ông, lúc còn nằm trong nhà tù Xô Viết, được xem là dũng cảm; lúc đã sống ở Mỹ, ngược lại, lại bị xem là cực đoan.

Cả Solzhenitsyn lẫn Dương Thu Hương đều không phải là những người làm chính trị. Họ chỉ là những nhà văn, khi còn trong nước, được xem là đối kháng. Nhưng ngay cả khi là một nhà văn, người ta còn không được nghe, huống gì chỉ là một người hoạt động chính trị? Cơ hội để được nghe chắc chắn sẽ hiếm hoi hơn nhiều.

Là một người bình thường, người ta phải đối diện và giải quyết những nhu cầu rất ư là đời thường: học ngoại ngữ, kiếm việc làm, mua xe và mua nhà, lo cho đời sống của cá nhân và gia đình. Tất cả những công việc ấy nuốt gần hết thời gian và sức lực của một người bình thường. Nếu từ chối những công việc bình thường ấy,  chịu sống một cách thanh bạch và kham khổ để tiếp tục đấu tranh, người ta lại bị cộng đồng chung quanh nhìn như một kẻ thất bại, và cuối cùng, xa lánh dần với một lý lẽ rất đơn giản: đời sống riêng của anh/chị còn lo chưa xong, nói gì đến những chuyện đại sự?

Nếu sự an toàn và tự do, một mặt, tước mất cơ hội làm anh hùng của các nhà đối kháng; mặt khác, nó lại tạo cơ hội cho sự hẹp hòi và ganh tị nảy nở xum xuê. Ai cũng có quyền lên tiếng chụp mũ và dèm pha người khác. Khi Nguyễn Chí Thiện còn ở trong tù, đọc thơ ông, hầu như ai cũng thương và khen ngợi nức nở. Đến lúc ông được sang Mỹ, người ta lại tung tin đồn: đó là Nguyễn Chí Thiện giả, do công an Cộng sản cho ra hải ngoại để phá hoại cộng đồng!

Bởi vậy, rất khó để người ta có thể tranh đấu một cách có hiệu quả sau khi đã rời bỏ quê hương. Có thể có. Nhưng hiếm. Cực hiếm.

Thay cho lời kết luận, có một điều tôi xin được nhấn mạnh: Nhân dịp Cù Huy Hà Vũ sang Mỹ, tôi muốn phân tích một số thuận lợi và khó khăn của những người đối kháng ở hai môi trường khác nhau. Tôi không hề có ý chê trách Cù Huy Hà Vũ. Mà cũng không có ai có quyền chê trách ông được. Không có lý do gì để chê trách ông cả. Hơn nữa, thành thực mà nói, tôi cũng chưa bao giờ đặt bất cứ một kỳ vọng gì ở ông. Dù tôi rất kính phục sự can đảm của ông.

Trong chuyện tranh đấu, can đảm không chưa đủ.

 http://www.voatiengviet.com/content/chuyen-cu-huy-ha-vu-sang-my/1893101.html

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Facebook: một thế giới khác

Thế là tôi đã rong chơi trên facebook được ba tuần. Trong ba tuần ấy, tôi thấy gì?

Thấy, trước hết, như cái điều hầu như mọi người đều thấy: Đó là một mạng lưới xã hội thông dụng và rộng lớn nhất hiện nay với hơn một tỉ người, hoặc một phần năm dân số thế giới, đang sử dụng. Trong mạng lưới ấy, tất cả những ngăn cách về phương diện địa lý vốn là một rào cản lớn nhất trong lịch sử, được vượt qua dễ dàng. Người ta, từ bất cứ một ngóc ngách nào trên mặt địa cầu, nếu có computer được nối mạng, đều có thể liên lạc được với nhau một cách hết sức nhanh chóng. Theo kinh nghiệm của tôi, có lúc mới post bài lên facebook được vài giây, đã có hàng chục người phản hồi. Có những người ở rất xa Úc, từ Việt Nam, từ Mỹ, từ châu Âu, thậm chí, từ châu Phi xa lơ xa lắc.

Tôi cũng thấy nữa hai sự quan tâm chung của người Việt ở trong cũng như ở ngoài nước: xã hội và bản thân mình. Có thể xem đó là hai đề tài phổ biến nhất trên facebook tiếng Việt: Hầu hết các bài viết hoặc ý kiến ngắn trên đó, nếu không thể hiện một thao thức gì đó về hiện tình xã hội và đất nước thì cũng tập trung vào cá nhân mình hoặc gia đình của mình. Có điều, ở hai loại đề tài này, thái độ của người ta khác hẳn nhau.

Với đề tài xã hội, thái độ chung, dễ thấy nhất, là sự bi quan và bất mãn. Chúng thường nhằm vạch trần một mặt trái dơ dáy và dơ dáng trong xã hội, nhằm phê phán một hiện tượng hoặc một chính sách mà người ta cho là tiêu cực hoặc chống lại dân quyền cũng như nhân quyền. Đối tượng chính bao giờ cũng là chính quyền và đảng Cộng sản, trong đó, chiếm vị trí trung tâm có lẽ là các cán bộ lãnh đạo và công an.

Về đề tài cá nhân, thái độ chung, ngược lại, dường như toát lên một vẻ lạc quan và tích cực rất hiếm thấy trong đời thường và cũng, đã lâu lắm rồi, hiếm thấy cả trong văn học lẫn phim ảnh. Trong loại đề tài này, hình thức cũng khác. Về xã hội, người ta có thể viết lách thật dài dòng với những phân tích, luận điểm và luận cứ rõ ràng; về cá nhân, thường có sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ và hình ảnh. Người ta hiếm khi mô tả về mình hay gia đình mình. Thường nhất là đưa ra một số bức ảnh nào đó. Nhìn vào những bức ảnh ấy, chúng ta không thể có nhận xét nào khác hơn là: đẹp và vui. Ví dụ, liên quan đến việc ăn uống, hình ảnh bao giờ cũng là những món ăn, nếu không sang trọng thì cũng thật hấp dẫn. Bên cạnh đó hầu như bao giờ cũng có rượu và bia ê hề. Liên quan đến nhà cửa, thường đó là những ngôi nhà mới xây hay mới mua, thật đẹp. Liên quan đến vợ chồng con cái, bao giờ cũng có những nụ cười tràn đầy hạnh phúc. Hơn nữa, ít khi người ta chụp ở nhà, trừ những buổi tiệc tùng; thường hơn, là cảnh đang đi du lịch đâu đó nên ngoài vẻ đẹp còn có cái gì như thảnh thơi, nhàn nhã, và thỉnh thoảng, giàu có.

Nhìn những hình ảnh cá nhân và gia đình như vậy, chúng ta thấy chúng có cái gì khác xa với đời sống ngày thường. Ngày thường, chúng ta ăn uống đạm bạc hơn: sự đạm bạc ấy hiếm khi thấy trên facebook. Ngày thường, nhà cửa chúng ta bầy hầy hay nhếch nhác hơn: sự bầy hầy hay nhếch nhác ấy hiếm khi được nhìn thấy trên facebook. Ngày thường, không phải lúc nào vợ chồng con cái chúng ta cũng hạnh phúc: cái thiếu hạnh phúc rất ư con người ấy cũng không hề thấy trên facebook.

Tôi có một người bạn thường than thở về không khí căng thẳng oi bức trong chỗ làm: boss thì hách dịch, đồng nghiệp thì ích kỷ, nhỏ nhen, ti tiện, hay dèm pha và hay chơi gác. Nhưng những bức hình người bạn ấy post trên facebook lại khác hẳn: những buổi họp mặt ăn uống chung vừa náo nhiệt vừa vui vẻ, mặt mày ai cũng tươi roi rói và các ánh mắt nhìn nhau cũng hết sức ấm áp và thân tình. Nhìn, so sánh với những gì tôi thường nghe kể, tôi cứ ngỡ như đang lạc vào một thế giới khác.

Người ta có giả dối không khi post những hình ảnh tươi sáng và đẹp đẽ như vậy? Tôi nghĩ là không. Cuộc đời nào cũng có hai mặt: tối và sáng; có những thành công và những thất bại, những mãn nguyện và những ẩn ức, những lúc thật vui và những lúc thật buồn. Đó là chuyện đương nhiên và hiển nhiên.

Vấn đề ở đây chỉ là sự chọn lựa.

Và sự chọn lựa ở đây không phải gắn liền với sở thích cá nhân mà là gắn liền với một cái gì gần như là thể loại.

Ví dụ, khi làm thơ, hầu hết đều có khuynh hướng nghiêng về mặt tối và buồn. Những tình yêu đẹp và hạnh phúc, kết thúc bằng hôn nhân hiếm khi đi vào thơ. Chỉ thành thơ những tình yêu dở dang hay trắc trở. Trước năm 1945, kết thúc bài thơ “Chùa Hương” với mối tình thầm lặng giữa một cô gái 15 tuổi với một chàng nho sinh “tướng mạo trông phi thường”, Nguyễn Nhược Pháp viết: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.” Thú thực, tôi không thích bài thơ này lắm. Nhưng tôi rất thích cái ghi chú nho nhỏ này của Nguyễn Nhược Pháp: Nó thông minh và rất tinh tế.

Giống như thơ, nhưng ở hướng trái ngược lại, facebook có một thứ quy ước khác, như một sự thỏa thuận âm thầm và bất thành văn: ở đó, người ta chỉ nên post những gì tươi sáng và đẹp đẽ nhất. Những cái buồn, những cái khổ, những sự băn khoăn, trăn trở, thao thức và day dứt, những buồn phiền và cay đắng, những thất bại và thất vọng của bản thân mình và gia đình mình tốt hơn hết là gạt sang một bên để một mình mình hứng chịu. Vào sân chơi facebook, nơi mọi người đang vui và chỉ thích vui, cần một giọng khác, tích cực và lạc quan. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà trên facebook có những loại ngôn ngữ mà, thú thực, trước khi vào facebook, tôi rất khó chịu: hehe, hihi, haha để diễn tả tiếng cười; ngay cả khi diễn tả tiếng khóc, người ta cũng hài hước hóa nó thành: huhu, và thường, sau đó, dấu hiệu đang cười.

Quy ước ấy có gì sai không? Tôi nghĩ là không. Không nên và không thể đòi hỏi facebook như một tác phẩm văn chương ở đó cuộc đời cần được phản ánh hoặc thể hiện hoặc thể nghiệm một cách sâu sắc, đa tầng và đa diện, tận đáy cùng của tiềm thức và vô thức cũng như của xã hội. Facebook, trước hết và trên hết, là một sân chơi; ở đó, chức năng chính, bên cạnh sự thông tin, là giải trí. Người ta vào facebook là để vui. Muốn học hỏi: người ta đến những nơi khác. Muốn nối kết mọi người lại thành một lực lượng chính trị: người ta đến những nơi khác. Đã đành, facebook cũng có thể thực hiện được các ý đồ và ước muốn ấy. Nhưng đó chỉ là lý do phụ. Lý do chính để sáng sớm, mới mở mắt dậy, người ta vào internet và mở facebook ra ngay là tìm vui. Nhiều người cả ngày lẫn đêm nằm lì trên facebook, từ giờ này sang giờ khác, cũng vì thấy vui trên đó.

Với quy ước ấy, facebook nuôi dưỡng sự lạc quan khi nhìn vào chính mình cũng như khi nhìn vào người khác. Nhiều người đã ghi nhận sự kiện facebook làm thay đổi một số từ vựng trong tiếng Anh. “Friend”, ai cũng biết, vốn là bạn, trước, chỉ là một danh từ; nay, với facebook, nó trở thành một động từ, với nghĩa kết bạn. “Like” là thích, nhưng trong ngôn ngữ facebook, nó không hẳn là thích. Khi người nào đó bấm “like” dưới “status” hay “note” của bạn, không hẳn người ấy thích hay đồng ý với bạn. Nhiều lúc, nó chỉ có nghĩa đơn giản là: Tôi đã thấy bài của bạn. Thấy, chưa chắc đã đọc; và đọc, chưa chắn đã thích. Nhưng vẫn bấm “Like”. Có điều, trên facebook, bạn không có một chọn lựa nào khác. Chỉ có “like”. Khi đổi ý, bạn có thể rút chữ “like” ấy lại bằng chữ “unlike”. “Unlike” không phải là không thích. Nó chỉ có nghĩa là rút lại cái chữ “like” đã post. Bằng cách hạn chế số từ vựng trên facebook, người ta chỉ cho phép những thái độ tích cực tồn tại. Kể cũng hay.

Bởi vậy, khi xem facebook như một thế giới khác, tôi không hàm ý phê phán. Tôi xem đó là một đặc điểm chứ không phải ưu hay khuyết điểm gì cả.

Thỉnh thoảng, vào đó, nhìn bạn bè thực sự và “friend” trong thế giới ảo, thấy ai cũng vui, mình cũng vui lây. Thì cũng đáng. Chứ sao?

Tôi chỉ có một điều băn khoăn duy nhất: Sự đối lập giữa xã hội và bản thân như thế, về lâu về dài, không chừng sẽ gây nên một tâm lý phản-xã hội: Cái gì thuộc về mình, có tính chất riêng tư, thì hay và đẹp, còn những gì thuộc về xã hội, có tính chất cộng đồng, thì lại xấu xí và xấu xa.

Nhưng đó là chuyện về sau. Về lâu về dài. 
 
 Nguyễn Hưng Quốc
 
http://www.voatiengviet.com/content/facebook-mot-the-gioi-khac/1890766.html

Thả tù chính trị, Việt Nam muốn đổi gì?

Cập nhật: 16:14 GMT - chủ nhật, 13 tháng 4, 2014

Tiếp xúc Ngoại giao Mỹ - Việt
Việt Nam muốn giảm sức ép và cải thiện hình ảnh trước quốc tế, theo nhà quan sát.

Việt Nam hướng tới ít nhất năm mục tiêu trong đợt thả tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đã đang diễn ra từ mùa Xuân năm 2014, trong đó mục tiêu tạo hình ảnh mới sau khi giành ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và tìm cách thoát ly ảnh hưởng của Trung Quốc là các lý do chính, theo một nhà quan sát Việt Nam từ châu Âu.

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 13/4/2014 từ Thụy Sỹ, bình luận về động cơ thực sự đằng sau các vụ 'bắt - thả' tù nhân chính trị của Việt Nam lần này, mà mới nhất là các tù nhân Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Hữu Cầu được thả tự do, một cựu Vụ Phó Bộ Ngoại giao VN cho rằng có 5 mục tiêu chính.
"Thứ nhất là giảm sức ép; giảm ảnh hưởng đối với ông bạn láng giềng (Trung Quốc); tạo thêm bạn mới, tạo thêm những liên minh mới; những lợi ích làm ăn về kinh tế và tạo hình ảnh," ông Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Geneva nói.

"Tạo hình ảnh nhất là Việt Nam sau khi đã vào Hội đồng Nhân quyền, rồi những cam kết của Việt Nam trong tôn trọng nhân quyền cũng là một trong những nhu cầu tạo ảnh hưởng và tôi nghĩ rằng đợt rồi Bộ Ngoại giao, tiếng nói đã lên trong vấn đề thuyết phục được các đối tượng liên quan, để mà có những thay đổi như vừa rồi."

Theo cựu quan chức ngoại giao, một mục tiêu rất lớn mà Việt Nam đang hướng tới là gia nhập vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cho là một động thái giúp Việt Nam giảm đi lệ thuộc vào Trung Quốc, nhưng do đó, Việt Nam phải cải thiện thành tích nhân quyền của mình để đáp ứng điều kiện.
Tuy nhiên, động thái chuyển hướng mới có thể làm cho Trung Quốc, quốc gia được cho là muốn giữ Việt Nam trong vòng ảnh hưởng vụ lợi cho Bắc Kinh, không 'khoái lắm', ông Xương Hùng nói tiếp:
"TPP là một trong những bước đi của Việt Nam để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, tất nhiên tôi nghĩ rằng Trung Quốc không khoái lắm trong cái này, những thay đổi, nhất là những thay đổi về tư duy, Trung Quốc không khoái lắm bởi vì Trung Quốc luôn muốn Việt Nam nhất nhất phải đi theo cách mà Trung Quốc muốn."

'Muốn gửi tín hiệu mới'

Hôm 12/4, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói với BBC ông cho rằng Việt Nam nên có những thận trọng nhất định trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc.
Ông lưu ý: "Nước nào cũng vậy, không chỉ là Việt Nam và Trung Quốc, đều muốn những nước láng giềng của mình giữ một mối quan hệ hữu nghị với mình, và nếu gần gũi về mặt quan điểm thì càng tốt,
"Đặc biệt là Trung Quốc cũng tìm nhiều cách để mà tác động đến Việt Nam, làm ảnh hưởng đến Việt Nam, mà trong đó có những tính toán không có lợi cho Việt Nam, bởi vì vậy, tôi nghĩ là Việt Nam cũng phải khôn ngoan để nhận ra là mình nên đi con đường nào,

Vợ chồng TS Hà Vũ tới Mỹ
TS Cù Huy Hà Vũ sang Mỹ 'chữa bệnh' ngay sau khi được thả ra tù hôm 7/4/2014.

"Trong khi mình giữ một mối quan hệ láng giềng thân thiện với Trung Quốc, thì mình cũng phải đảm bảo quyền lợi dân tộc mình, mà quyền lợi dân tộc mình phải là cái được đề cao hơn."
Về động cơ của Việt Nam trong đợt thả các tù nhân chính trị và lương tâm đợt này, đặc biệt về những gì Việt Nam được cho là muốn được đổi lại, Giáo sư Thuyết nhận định:
"Khi trả tự do cho một số nhân vật mà người ta vẫn gọi là bất đồng chính kiến như vậy, rõ ràng Việt Nam muốn gửi đi một tín hiệu đối với quốc tế về sự đổi mới trong quan niệm của mình, và nó là điều mà tôi nghĩ là lợi nhất,

"Thế còn về khả năng tham gia vào một số hiệp định hợp tác, như Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương chẳng hạn, chắc đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để cho đối tác của Việt Nam dễ chấp nhận Việt Nam hơn..."

'Không ảnh hưởng an ninh'

Theo Giáo sư Thuyết đợt thả tù nhân chính trị và lương tâm đợt này đã được Việt Nam 'cân nhắc' kỹ lưỡng.

Ông nói: "Trong trường hợp này tôi cho rằng chính quyền cũng đã cân nhắc thấy rằng việc trả tự do cho một số người bất đồng chính kiến như vậy cũng không có ảnh hưởng gì lớn đến an ninh của mình, nên mới có thể làm."
Cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng đợt thả tù nhân đã đang diễn ra này 'chắc chắn' có sự tác động 'đặt vấn đề' của cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong đó là vai trò của Hoa Kỳ, mà gần đây thông qua chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng John Kerry.

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, thứ hai từ trái, được ra tù hôm 12/4/2014

Nhân dịp này, Giáo sư Thuyết cho rằng Việt Nam nên thay đổi cách nhìn với giới bất đồng chính kiến ôn hòa, ông nói: "Trong một xã hội dân chủ, việc một số người có ý kiến khác với chính quyền, thì chuyện đó cũng là chuyện bình thường, không có vấn đề gì quá đặc biệt, đến mức phải cách ly họ khỏi cuộc sống, trừ trường hợp mà họ cầm vũ khí chống lại chính quyền, nhà nước, thì cái đó ở nước nào người ta cũng phải xử lý thôi."
Hôm thứ Bảy, một cựu thành viên Ban Cố vấn Thủ tướng Chính phủ thời kỳ nội các Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói với BBC có ba lý chính tác động vào việc thả tù nhân chính trị của Việt Nam lần này.

"Vừa qua, sau khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ, thì sự chú ý của công luận của thế giới đối với tình trạng nhân quyền của Việt Nam đã tăng lên rất rõ rệt," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC từ Hà Nội.

"Và những người hoạt động để ủng hộ và bảo vệ nhân quyền và muốn đề xuất yêu cầu thả những người bị bắt vì những sự biểu đạt chính kiến của họ một cách hòa bình - thì đề nghị là được thả, và những người đó đã tiếp xúc với nhiều sứ quán của các nước ngoài, cũng như là được trình bày ở những diễn đàn khác nhau."

'Nộp bản tiếp thu phê bình'

Tiến sỹ Doanh nhận định thêm: "Hơn thế nữa, Việt Nam sắp tới đây sẽ tích cực đàm phán để gia nhập Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó cũng có những yêu cầu nhất định về nhân quyền, mà như những yêu cầu này không được thông qua, thì Thượng Nghị viện Hoa Kỳ có lẽ sẽ không chuẩn y Hiệp ước TPP đó, trong đó có trường hợp của Việt Nam."

Hội đồng nhân quyền
Đại diện chính phủ Việt Nam tại cuộc Kiểm định phổ quát về nhân quyền (UPR 2014).

Hôm 13/4, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự giải thể) nói với BBC, Việt Nam có bốn điều mong muốn được đổi lại qua việc thả tù nhân hiện nay.

Ông nói: "Rất có thể đáp ứng những sức ép từ bên ngoài... thí dụ đàm phán TPP với Mỹ, cải thiện quan hệ với Mỹ, cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu (EU),
"Và bây giờ là giữa tháng Tư, hơn một tháng nữa, Việt Nam phải trả lời, nộp bản tiếp thu của mình đối với Kiếm điểm Phổ quát về Nhân quyền (UPR), với tư cách là thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp quốc, lúc đó Việt Nam phải làm một cái gì đó..."

Nhân dịp này, trước câu hỏi lấy gì để bảo đảm Việt Nam sẽ chấm dứt trong tương lai việc 'bắt - thả tùy tiện' các tù nhân lương tâm mà một số nhà quan sát ví như cơ chế 'con tin', phục vụ công tác đối ngoại hoặc đàm phán quốc tế, cũng như để đạt một lộ trình thả các nhà bất đồng ôn hòa và không 'tái phạm', TS Quang A nêu quan điểm:

"Tôi nghĩ rằng không có một cách nào khác là sức ép từ xã hội, từ người dân của Việt Nam, phản đối kịch liệt tất cả những việc bắt bớ tùy tiện như thế, đồng thời với sức ép từ bên ngoài,
"Nếu sức ép từ bên trong và bên ngoài đều hết sức mạnh mẽ và phối hợp nhịp nhàng, thì tôi nghĩ rằng chính quyền sẽ phải thay đổi."

'Ngoại giao và bắt thả'

Hôm Chủ Nhật, cựu quan chức ngoại giao Đặng Xương Hùng nói với BBC, phía sau những động cơ và lý do của đợt thả tù nhân chính trị và bất đồng chính kiến, lần này các diễn biến cho thấy ngành ngoại giao Việt Nam đã phát huy vai trò để tham mưu cho chính phủ và chính quyền phù hợp hơn trong tình hình mới.
Trước hết, ông Hùng nói về cách thức và quy trình đi tới ra quyết định thả tù nhân ra sao:
Ông Vi Đức Hồi (đầu tiên, hàng dưới, từ trái) cũng được ra tù ngày 12/4/2013.

"Bắt ai, thả ai, tôi nghĩ rằng cái này được Bộ Ngoại giao và Bộ Công an quyết định thôi.
"Tôi nghĩ rằng chắc phân tích của Bộ Ngoại giao hiện nay cho thấy là khi mà ta (Việt Nam) đã vào Hội đồng Nhân quyền (LHQ), nhất là khi ta đã ký Công ước chống tra tấn, rồi ta đã kiểm điểm định kỳ, rồi trước những dấu hiệu khả quan của TPP,

"Thì Bộ Ngoại giao mới đề xuất lên rằng trước tình hình đó, cần phải cải thiện hình ảnh về nhân quyền ở Việt Nam, trước mắt thả những tù nhân chính trị, thì cái này sẽ được bàn với Bộ Công an, rồi đưa ra Bộ Chính trị, Bộ Chính trị sẽ có những quyết định như vậy."

Tuy nhiên, ông Hùng cũng đặt câu hỏi liệu đây chỉ là một động thái đáp ứng điều kiện quốc tế nhất thời, hay là một bước thay đổi thực sự về tư duy của Đảng và chính quyền, ông nói: "Tôi thấy rằng đấy có thể là tiến trình, cách làm như vậy và đi đến giải pháp là thả tù chính trị, thả tù nhân lương tâm, cái này thực chất là để đạt được mục tiêu là TPP,

"Hay đây là một hình thức là cởi mở có sự thay đổi nhất định, đã thay đổi trong tư duy ở trong con người rằng là tình hình thế giới, tình hình thông tin thế giới như hiện nay, chính quyền không thể bưng bít được tất cả những thông tin, ta nên có một cách tư duy, cách suy nghĩ khác trước đi một chút."

"Thì đấy là niềm vui còn nếu chỉ là nhằm mục tiêu của TPP, thì đó chỉ là một hành động cụ thể nào thôi," cựu quan chức Ngoại giao nói với BBC.

 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/04/140413_vn_prisoners_release_motivations.shtml
Giấc mộng Chu Tiểu Xuyên - Ngô Nhân Dụng

 
Người Trung Hoa đang nuôi một giấc mơ, là vượt lên qua mặt nước Mỹ. Trên đủ mọi mặt. Một điều chắc chắn là trong vài chục năm nữa, hoặc sớm hơn, tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc sẽ lớn hơn của Mỹ. Bởi vì 1,300 triệu người làm việc chắc phải sản xuất được nhiều hơn 300 triệu người. Nhưng một giấc mộng lớn của nhiều người Trung Hoa hiện nay là sẽ tới ngày đồng tiền của họ sẽ mạnh hơn đồng đô la Mỹ.

Ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) mới nhắc đến giấc mơ đó trước hội nghị kinh tế Á Châu tại đảo thành phố Bác Ao Hải Nam. Bác Ao Á Châu luận đàm là cuộc họp hàng năm theo mẫu diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Tổ chức một cuộc họp riêng cho Châu Á cũng là một cách thể hiện giấc mộng cường quốc của đảng Cộng sản Trung Hoa. Ngày Thứ Năm, 10 Tháng Sáu năm 2014, trên diễn đàn Bác Ao, ông Chu Tiểu Xuyên loan báo một tin mừng cho giới đầu tư người Trung Hoa. Trong vòng sáu tháng nữa, người dân Hồng Kông sẽ được phép mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thượng Hải, và người dân trong lục địa sẽ được mua cổ phiếu trên thị trường Hồng Kông. Các nhà đầu tư có thể sử dụng “đồng Nguyên,” tiền của Trung Quốc mua chứng khoán ở Hồng Kông, hoặc dùng đồng Nguyên mua cổ phiếu ở Thượng Hải. Ông Chu Tiểu Xuyên nói đến một hậu quả quan trọng của cuộc thí nghiệm này là khích lệ người ta sử dụng đồng tiền Trung Quốc bên ngoài lục địa; nói theo các nhà kinh tế, là “quốc tế hóa đồng “Nhân dân tệ.”

Ðây là một giấc mơ của người Trung Hoa trong lục địa, được nhắc tới rất nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, bắt đầu từ nước Mỹ rồi lan khắp thế giới. Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh than phiền rằng vì đồng đô la Mỹ ngự trị thương mại quốc tế cho nên khi kinh tế Mỹ bị cảm cúm là cả thế giới ho hen theo. Cần phải thay đổi, phải giảm bớt sức nặng của Mỹ kim trên thị trường tài chánh quốc tế. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã khuyến khích các nước chung quanh dùng đồng Nguyên trong các giao dịc thương mại. Tại sao một công ty Trung Quốc mua quặng mỏ ở Congo lại cứ phải thanh toán bằng đô la Mỹ? Tại sao một công ty Indonesia bán hàng cho khách hàng ở Thượng Hải lại tính hóa đơn bằng đô la và đòi trả bằng tiền Mỹ?

Mặc dù nói như vậy, Bắc Kinh vẫn dành một số tiền trong dự trữ ngoại tệ 3,000 tỷ đô la của họ để mua 1,300 tỷ công trái Mỹ, và một số tương đương mua các trái khoán khác được chính phủ Mỹ bảo đảm. Tức là họ vẫn giữ tiền để dành của mình bằng đồng đô la. Làm như vậy, họ chịu đủ thứ thiệt thòi, vì các trái khoán Mỹ đó trả lãi suất rất thấp so với các cơ hội đầu tư khác trên thế giới. Nhưng họ bị kẹt trong đó khó thoát được. Nếu họ rút bớt, thí dụ 100 tỷ đô la, để mua trái khoán của nước khác, như Nhật Bản chẳng hạn, thì cũng không được. Chính phủ Nhật đầu năm nay đã chính thức đặt câu hỏi Bắc Kinh đang mua thêm công trái Nhật với “ý đồ” gì? Vì Ngân Hàng Trung Ương Nhật thấy ngay Bắc Kinh đã đem đô la đổi lấy đồng Yen, nhiều quá khiến giá đồng Yen lên cao. Người ta nghi Trung Cộng định tấn công cho đồng Yen lên cao để xuất cảng hàng sang Nhật và sang các nước khác dễ hơn!

Không riêng gì Trung Quốc, các nước khác cũng thích giữ ngoại tệ sở hữu bằng đồng đô la. Tổng cộng trên cả thế giới hiện nay, 62% dự trữ ngoại tệ là đồng đô la. Số còn lại được đầu tư vào đồng Euro, đồng Yen của Nhật Bản, đồng Franc Thụy Sĩ, đồng Bảng Anh (pound sterling), nhưng không có ai sẵn tiền lại đi mua đồng Nguyên để dành cả. Giới đầu tư cũng vậy. Ngay cả khi kinh tế Mỹ bị khủng hoảng như từ năm 2008, đồng đô la Mỹ xuống giá, người ta vẫn đi mua đô la để đầu tư vào nước Mỹ, và mua nhiều hơn trước. Khi Quốc Hội Mỹ trì hoãn không cho ông tổng thống được đi vay nợ nhiều hơn, chính phủ Mỹ có lúc không còn ngân sách để chi tiêu, lo không có tiền để trả lãi các món nợ cũ, người nước ngoài vẫn đi mua đô la để đầu tư vào nước Mỹ. Các hợp đồng mua bán giữa công ty các nước cũng được thanh toán với nhau bằng đô la Mỹ. Ðồng đô la đã đóng vai trò đồng tiền của cả thế giới. Mỗi quyết định của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, gọi là Fed, gây ảnh hưởng tới tất cả mọi người, dù suốt đời họ không trông thấy đồng đô la bao giờ. Dân Mỹ được hưởng lợi nhờ vai trò của đồng đô la. Vì chính phủ Mỹ vay tiền dễ dàng hơn, nên người tiêu thụ và các công ty Mỹ cũng phải trả lãi suất thấp hơn khi đi vay. Dân Mỹ cũng mua hàng nhập cảng rẻ hơn, vì không phải đổi ra ngoại tệ. Có người đã tính ra rằng nhờ vai trò quốc tế của đô la, mỗi năm dân Mỹ được hưởng lợi 100 tỷ Mỹ kim, số lợi đó sẽ mất nếu đồng đô la mất địa vị thống ngự.

Nhờ đâu đồng tiền của một nước có thể đóng vai trò quốc tế như vậy? Có nhiều nguyên nhân, mà mỗi nguyên nhân chỉ đóng góp một phần.

Một yếu tố quan trọng là đồng tiền được tự do di chuyển, đi ra đi vào. Không ai bị chính phủ Mỹ cấm mang đồng đô la ra khỏi nước Mỹ, cũng như đem vào đầu tư, trừ những trường hợp rất đặc biệt. Một yếu tố khác là đồng tiền được đem đổi ra tiền nước ngoài một cách tự do, hối suất hoàn toàn do thị trường quyết định. Nhưng hai yếu tố đó cũng chưa đủ; vì nhiều quốc gia khác cũng theo chính sách này chứ không riêng gì nước Mỹ. Một nền kinh tế lớn cũng dễ khiến cho đồng tiền của họ trở thành đồng tiền quốc tế; nhưng chúng ta không quên Thụy Sĩ là một quốc gia rất nhỏ mà đồng Franc của họ vẫn được người ngoại quốc mua để dành. Một nước thu tiền vào nhiều hơn đem ra ngoài thì đồng tiền của họ cũng mạnh hơn; nhưng chúng ta cũng thấy nước Mỹ thường luôn luôn khiếm hụt trên cán cân chi phó. Một nước có chính sách tiền tệ lành mạnh và ngân sách cân bằng thì đồng tiền cũng mạnh hơn; nhưng ngân sách chính phủ Mỹ thì thiếu hụt thường xuyên. Ðiều kỳ lạ là chính phủ Mỹ càng đi vay thêm nợ thì đồng đô la lại càng đóng vai trò mạnh hơn. Trong thời gian kinh tế Mỹ suy yếu, cả thế giới cũng xuống theo, người ta vẫn đi mua công trái Mỹ, vì tương đối nó là món đầu tư an toàn trong cơn sóng gió. Hơn nữa, đó là thứ giấy nợ dễ đem bán lại trên thị trường nhất, theo lối nói của các nhà kinh tế là nó có tính lưu hoạt cao (liquidity).

Ðồng đô la còn mạnh một phần vì nước Mỹ trao đổi với thế giới bên ngoài nhiều hơn so với các nước khác. Khi nhìn vào số lượng ngoại thương của Trung Quốc, chúng ta thấy con số 3,870 tỷ đô la về hàng hóa lớn hơn con số 3,820 tỷ dân Mỹ mua và bán với nước khác. Nhưng khi cộng thêm những trao đổi về dịch vụ thì con số ngoại thương của Mỹ đã tăng vọt lên thành 4,930 tỷ, vượt xa Trung Quốc. Tất nhiên khi người ta mua bán với Mỹ thì họ chấp nhận dùng đồng đô la làm hóa đơn tính tiền. Nhưng khi các nước khác trao đổi với nhau họ cũng đồng ý dùng đồng đô la để tính tiền cho tiện.

Một yếu tố chính khiến đồng đô la chiếm địa vị bá chủ là nước Mỹ có một thị trường tài chánh phát triển cao hơn tất cả các nền kinh tế khác. Giống như một cái chợ rộng lớn thì nhiều kẻ mua người bán tìm đến hơn. Trong thị trường tài chánh Mỹ người ta bán đủ thứ mặt hàng, tức là các loại chứng khoán khác nhau; mà số lượng mỗi mặt hàng cũng cao hơn. Khi số chứng khoán sử dụng một đồng tiền nhiều hơn thì đồng tiền đó cũng được mọi người ưa chuộng hơn. Vào giữa năm 2013, tổng số các loại chứng khoán dùng đồng đô la Mỹ, sẵn sàng cho các nhà đầu tư quốc tế mua bán với nhau, lên tới 56 ngàn tỷ Mỹ kim. Số chứng khoán tính bằng đồng Euro của Âu Châu cộng lại có giá trị tương đương với 29 ngàn tỷ; bằng đồng Yen Nhật Bản lên tới 17 ngàn tỷ, bằng đồng Bảng Anh là 9 ngàn tỷ. Tỷ số ngoại tệ dự trữ trong các ngân hàng trung ương dùng các đồng tiền trên cũng theo thứ hạng như vậy: đồng đô la được chuộng nhất, cộng với đồng Euro hiện nay chiếm 90% tổng số ngoại tệ dự trữ của thế giới.

Trong khi đó, đồng Nguyên của Trung Quốc chiếm địa vị rất khiêm tốn; ngang ngửa bằng đồng Peso của Philippines. Tổng cộng các chứng khoán tính bằng đồng Nguyên chỉ có giá trị chừng 250 triệu đô la, tức là bằng “một phần ngàn” tổng số chứng khoán trên cả thế giới. Giới đầu tư quốc tế không hăng hái mua cổ phiếu Trung Quốc, vì đi vào thị trường chứng khoán ở đó giống như vào sòng bài, với những rủi ro chính trị không lường trước được. Thị trường trái khoán cũng không phát triển vì các doanh nghiệp nhà nước chỉ đi vay tiền của các ngân hàng quốc doanh để được ưu đãi chứ không phát hành trái phiếu cho công chúng. Tình trạng đó khiến cho đồng nguyên khó trở thành một quyết định tiền quốc tế.

Một lý do quan trọng khiến đồng Nguyên không thể nào trở thành tiền tệ quốc tế, là chế độ độc tài khép kín, thiếu tính chất minh bạch công khai.

Các nhà đầu tư có thể theo dõi tin tức kinh tế, chính trị ở Mỹ hay ở Nhật Bản, nhờ chế độ tự do dân chủ và báo chí, truyền thông rất mạnh. Nhờ thế, ai cũng có thể suy đoán, và đánh cá, về chiều hướng kinh tế các nước này, chính sách tiền tệ của họ sẽ ảnh hưởng thế nào đến đồng tiền. Ngược lại, Trung Cộng là một chế độ bưng bít. Ai biết các ông bà trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng bàn những chuyện gì? Họ không thể nào để cho đồng tiền nước họ được tự do, cũng như họ không thể nào cho dân được tự do bầu cử.

Trong tình trạng đó, chính quyền Trung Cộng có thể vẫn nâng cao địa vị của đồng nguyên trên thế giới bằng cách phát triển thị trường tài chánh theo đúng quy thức của kinh tế thị trường. Nhưng khi cho phép các ngân hàng và xí nghiệp được tự do hơn, dần dần thoát khỏi bàn tay kiểm soát của nhà nước, thì đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sẽ giảm bớt quyền hành được đoán, các cán bộ bị mất nhiều quyền lợi. Ngay cả khi họ sẵn sàng chịu “hy sinh” mà tiến hành cải cách, thì việc phát triển thị trường tài chánh cũng phải mất một thế hệ mới đuổi kịp các nước tiến bộ, từ Nhật Bản tới Âu Châu và Mỹ.

Ông Chu Tiểu Xuyên nên tiếp tục thúc đẩy việc mở cửa thị trường tài chánh cho giới đầu tư quốc tế, như chính phủ Bắc Kinh sắp làm theo lời khuyên của ông. Ông cũng nên thúc họ cho các ngân hàng và xí nghiệp được tự do nhiều hơn; điều này giúp cho tất cả người Trung Hoa. Nhưng giấc mộng đưa đồng Nguyên lên địa vị một đồng tiền quốc tế thì chắc đến đời con ông làm thống đốc Ngân Hàng Trung Ương mới hy vọng.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=186240&zoneid=7#.U0q5ocrTfeQ