Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Màn tuồng vụng ở Genève

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc đọc diễn văn.Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc đọc diễn văn.

 
Cuộc sát hạch định kỳ (UPR) về nhân quyền ở Việt Nam vừa diễn ra ở Genève. Chưa bao giờ người Việt Nam ta từ các phía hội tụ ở Genève đông đến thế. Và trước thanh thiên bạch nhật, ngay giữa một trung tâm chính trị-kinh tế-tài chính-du lịch và văn hóa hàng đầu của thế giới, nhà nước CS Việt Nam vừa trình diễn một vở tuồng khá là đông khách xem tối 5/2/2014.

Đội tuồng đến từ Hà Nội gồm có gần 30 nam nữ diễn viên chưa kể cả một ê-kíp phó nhòm quay phim và chụp ảnh khá đồ sộ. Thành viên của đội có đủ mặt đại biểu các ngành liên quan đến nhân quyền: các bộ Ngoại giao, Công an, Tư pháp, Thông tin truyền thông, Lao động…cùng một số các nhà tu hành được lựa chọn kỹ để hết lời ca ngợi chính sách nhân quyền tệ hại rõ ràng của nhà nước CS. Họ mang đến một tập báo cáo dài hơn 20 trang để tuyên đọc một cách long trọng khác thường, và những câu trả lời được viết sẵn cho những câu hỏi được dự đoán trước. Mỗi diễn viên đều học thuộc lòng kịch bản đó của vở tuồng. Được coi là vở tuồng, vì các “diễn viên” có thể có ý kiến riêng không phù hợp với kịch bản vẫn cứ phải nói theo đúng kịch bản, không được đi trệch ra ngoài một ly, do đã được cấp trên, có thể là Bộ Chính trị xét duyệt kỹ.

Gây ấn tượng sớm nhất cho bản báo cáo nói trên của chính phủ VN về nhân quyền là báo Viet Nam Net ở trong nước, đã công bố toàn văn bản báo cáo đó trên mạng với yêu cầu bạn đọc ghi bình luận tức thời ngay bên dưới theo dạng “Comment Like/or Dislike“. Đúng ngày 5/2/2014 VN Net công bố kết quả là chỉ trong ngày đầu, sau 24 giờ phổ biến, đã có 66 ý kiến “thích” và 3329 ý kiến “ không thích”. Sau 48 giờ kết quả là 82 “thích” và 3892 “ không thích”, nghĩa là kịch bản vở tuồng đã bị chê ngay trước khi được trình diễn. Tỷ lệ thật đáng buồn: 1/50, cứ 100 người chỉ có 2 lời khen!

Dư luận thế giới, các đại biểu của Liên Hiệp Quốc chỉ mong Nhà nước VN tỏ ra biết điều, đối xử tử tế hơn đối với nhân dân nước mình về mặt tôn trọng nhân quyền, có đôi chút tiến bộ theo hướng tích cực, nhưng sự thật hiển nhiên là tình hình xấu đi một cách nghiêm trọng, bộ máy công an tỏ ra hung hãn có hệ thống hơn trước, bộ máy tư pháp vẫn xét xử không công khai không theo luật, chỉ theo chỉ thị của đảng CS, công đoàn tự do vẫn bị cấm tuyệt đối, tù nhân chính trị vẫn bị đối xử tàn tệ, báo chí tư nhân vẫn bị cấm ngặt, hàng loạt nhà báo và luật gia bị tù đầy, tra tấn đánh đập, ốm đau hiểm nghèo không được chữa bệnh. Dẫn chứng về mọi mặt không hề thiếu, còn đầy rẫy trên tin tức, phim ảnh và nhân chứng sống. Cã xã hội VN và người nước ngoài đều biết rõ ràng.

Có thể nói màn diễn tuồng ở Genève đã thất bại nặng nề. Nó không đánh lừa được công chúng ở thời đại thông tin cực kỳ nhanh nhạy chuẩn xác. Càng che dấu càng lòi ra sự run sợ trước sự thật đanh thép. Bức ảnh linh mục Lý bị bịt miệng giữa tòa án, bức ảnh anh đảng viên CS Nguyễn Anh Đức bị tên công an đạp dày vào giữa mặt khi quẳng anh lên xe sờ sờ ra đó. Ngay trong dịp Tết Giáp Ngọ này, ai đã cho cấp dưới báo tin chính thức với con trai và cháu nội ông Nguyễn Hữu Cầu – người Tù xuyên thế kỷ - rằng ông sẽ được trả tự do trước Tết sau 38 năm tù đày (chỉ vì những vần thơ chống chế độ độc đảng quan liêu tham nhũng), rồi lại nuốt ngay lời hứa cuội ấy? Còn ai không cho gia đinh anh Đinh Nguyên Kha mang áo ấm vào trong nhà tù cho anh để anh không sao ngủ được vì lạnh giá nằm trên sàn xi măng với chiếc chiếu mỏng, lại không cho đóng cửa số để gió lạnh làm người tù ho suốt đêm, một kiểu tra tấn độc ác? Vậy mà tại Genève họ dám mở mồm ba hoa là họ có thái độ nhân đạo với tù nhân, lại còn dám long trọng khẳng định rằng không có một người tù chính trị nào ở Việt Nam.

Thử hỏi ông bộ trưởng Bộ Ngoại giao và bộ trưởng Bộ Công an: luật sư Cù Huy Hà Vũ có phải là tù chính trị hay tù hình sự? Ông Lê Quốc Quân là tù chính trị hay tù kinh tế ? Các ông lý giải ra sao khi trưng ra tòa chứng cớ những bao cao su rách cũ để gán tội hình sự cho ông Hà Vũ, làm trò cười cho thế giới.

Có những điều nói dối rất lộ liễu trâng tráo không chút e dè. Đại diện bộ thông tin truyền thông ba hoa là cấp thẻ nhà báo cho 17.000 người, nhưng không có một tờ báo nào của tư nhân thì lại dấu kín.

Việc diễn tuồng Nhân quyền ở Genève không những vụng về mà còn dại dột nữa - có thể nói là cực kỳ dại dột. Hơn 20 trang của bản báo cáo thành tích nhân quyền trên giấy trắng mực đen từ nay sẽ là chứng cớ hiển nhiên để buộc tội nhà cầm quyền CS, buộc tội ngành ngoại giao lừa dối, buộc tội ngành công an tàn bạo độc ác vào hàng đầu của thế giới, ngành tư pháp chuyên chà đạp luật pháp theo lệnh các đảng ủy nhưng vẫn leo lẻo là “xử án công khai và chỉ theo luật pháp ngiêm minh”. Bản báo cáo trong tay các chiến sỹ dân chủ và nhân quyền Việt Nam và trong tay các tổ chức Nhân quyền quốc tế từ nay đã là vũ khí đấu tranh sắc bén về mặt pháp lý và công luận, là sợi giây ràng buộc chính quyền VN phải làm đúng theo những điều họ tự khen, hứa hẹn và cam kết .

Cái thế đấu tranh của các chiến sỹ dân chủ và nhân quyền mùa Xuân này đã tạo nên một lực mới, một thế mới. Một thế trận ngoại giao dân chủ và nhân quyền được mở ra, trẻ trung, năng động, phối hợp khá nhịp nhàng trong với ngoài nước. Không có bộ trưởng, thứ trưởng, không có cục này, vụ nọ, không có trụ sở cố định, nhân viên và nhà báo truyền thông dân chủ và nhân quyền thực thi nền ngoại giao nhân dân chiếm thế chủ động trên mặt trận đối ngọai quan trọng này. Anh chị em ta được thế giới dân chủ nể trọng, tin yêu và tiếp sức. Sự thật, chính nghĩa là thế mạnh áp đảo lừa dối và phi nghĩa, khinh dân, hại dân.

Có gì quý hơn là chúng ta có người bạn đồng hành mới, ông Đặng Xương Hùng, một cán bộ cấp Vụ phó của bộ ngoại giao, được đào tạo bài bản, được giao chức vụ quan trọng Lãnh sự VN ở Genève. Trong sự kiện UPR, ông Hùng có vai trò đặc biệt là nhận được sớm bản Báo cáo Nhân quyền từ trước tháng 10/2013 để tuyên truyền, quảng bá, tranh thủ các cán bộ ngoại giao quốc tế luôn có mặt đông đảo ở Genève. Rất có thể chính bản báo cáo đại lừa dối này là giọt nước làm tràn ly, để ông có quyết định hệ trọng nhất trong đời là chào vĩnh biệt đảng CS, từ bỏ chức vụ cao cấp trong ngành ngoại giao vừa có thế vừa béo bở, được không ít người mơ ước.

Đã vậy ông còn lên tiếng chân thành khuyên nhủ các đồng chí cũ của ông hãy trở về với nhân dân mình, đồng bào mình, đừng nhận vai trong vở tuồng nhân quyền rất trâng tráo khó coi, làm thầy cãi cho ma quỷ. Ông Xương còn có thiện chí làm“cố vấn” tự nguyện cho đoàn ngoại giao nhân dân ở ngay Genève. Hành xử chính trị dung cảm của ông lãnh sự chắc chắn làm rung động dữ dội hàng ngũ cao cấp của Bộ Ngoại giao, kể từ bộ trưởng Phạm Bình Minh trở xuống. (Xin nhắc lại thái độ dũng cảm chính trị cuối năm 1990 của ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch - thân sinh ông bộ trưởng hiện tại, khi ông can ngăn Bộ Chính trị chớ chui vào chiếc bẫy chết người của Trung Quốc ở Thành Đô, cũng như trước đó ông dám nhận ông Trần Xuân Bách về Bộ Ngoại giao làm việc, ngay sau khi ông Bách bị khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, bị mọi người xa lánh).

Mạng Dân Làm Báo ngày 6/2 cho rằng chính quyền CS đã bị 2 cái tát giữa Genève. Một cái tát của đoàn đại biểu xã hội dân sự VN lật mặt giả dối có hệ thống của họ ngay khi họ ngăn cấm không cho nhà báo Phạm Chí Dũng xuất cảnh theo lời mời của Human Rights Watch. Một cái tát nữa từ ngay một quan chức cấp cao trong ngành ngoại giao của họ là ông Đặng Xương Hùng.

Và phải kể thêm một cái tát thứ ba. Ngay tối 5/2, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các sứ quán Hoa Kỳ ở Genève và Hà Nội ra tuyên bố của Hoa Kỳ nhận xét chính thức về cuộc Kiểm điểm của VN về thực thi Nhân quyền, rất ngắn gọn và súc tích, ghi nhận vài tiến bộ thứ yếu, nhưng tô đậm sự quan ngại và thất vọng. Quan ngại cụ thể về VN vẫn cấm nghiệp đoàn độc lập, vẫn duy trì lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Hoa Kỳ thất vọng (từ này rất nặng về ngoại giao ) trước việc VN ngăn cản xã hội dân sự suốt trong quá trình UPR. Thêm nữa Hoa Kỳ đề xuất, yêu cầu VN nhanh chóng phê chuẩn để thực thi Công ước chống tra tấn, sửa đổi luật an ninh mơ hồ nhằm đàn áp các quyền phổ quát như quyền tự do ngôn luận và quyền tự do lập hội.

Cái tát này đang ngấm. Vì với tuyên bố chính thức này, khó lòng Tổng thống Barack Obama sẽ ghé thăm Việt Nam trong chuyến du hành châu Á được dự định, cũng khó lòng Hoa Kỳ thỏa thuận nhận VN vào khối kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP, vì ai cũng biết tổng thống Hoa Kỳ gần như nhận đỡ đầu cho nhà báo Điếu Cày, và bản tuyên bố chính thức của Hoa Kỳ lại yêu cầu trả tự do ngay không điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị, và nhắc đến 4 tên người mà Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm.

Không nên bi quan nản chí khi thấy không có quyết định gì hệ trọng ở Genève. Cũng không nên cho rằng tại đây không có người thắng kẻ thua. Ai nấy ra về, mọi sự vẫn như cũ. Hòa cả làng. Mỗi bên tự cho là bên ta thắng cuộc.

Hãy khách quan xem xét những sự thật. Đã bao giờ đại biểu xã hội dân sự đến được Genève đông đảo đến thế, tiếp xúc với thế giới rộng rãi đến thế, với những con người, nhân chứng, vật chứng, tài liệu chân thực phong phú đến vậy.

Bản báo cáo ngụy biện bị ngay dư luận trong nước phủ định với tỷ lệ 2/100 tán thành và 98/100 bác bỏ. Bản báo cáo ấy trở thành vũ khí tố cáo rất sắc bén từ nay về sau cho các chiến sỹ dân chủ, cho các tổ chức nhân quyền quốc tế hài tội một chính quyền chuyên dối trá, nói một đằng làm một nẻo. Bản tố cáo chỉ được chính quyền Trung Quốc và Cuba xoa đầu khen, bị Hoa Kỳ lắc đầu, thất vọng sâu sắc để ra Tuyên bố chính thức ngay sau đó vài giờ, ngay tối 5/2.

Sau cuộc ra quân ở Genève, các chiến sỹ dân chủ và nhân quyền có thêm tự tin và kinh nghiệm, mở đầu năm Giáp Ngọ với khí thế tấn công, được thế giới dân chủ phối hợp nhịp nhàng, chưa có năm nào vui mừng như năm nay.

Đội tuồng nhân quyền của một chính quyền có hạnh kiểm cực xấu về thực thi dân chủ và nhân quyền đã bị dư luận phủ định từ trong nước càng bị bịt mũi khi diễn xuất ở nước ngoài. Họ đã diễn một vở tuồng nhạt nhẽo, cũng là một cuộc phiêu lưu dại dột, từ nay họ “ há miệng mắc quai ‘’, không sao biện bạch nổi khi mở các phiên tòa kiểu “phát xít” không theo luật, không cho dân tham dự, khi vẫn đối xử độc ác với ông Nguyễn Hữu Cầu, ông Đinh Đăng Định, ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), em Nguyễn Phương Uyên…

Món nợ Nhân quyền ở Genève sẽ còn ám ảnh, đè nặng lên một chính quyền đã mất uy tín ở trong nước do đã phá tan cả nền kinh tế tài chính và làm tha hóa đến tận cùng nền văn hóa dân tộc. Sự trỗi dậy của nhân dân để tự cứu mình, cứu nước là không thể dập tắt. Lý sự cùn, nói lấy được, diễn tuồng chỉ là hạ sách, tự thú nhận “lạy ông tôi ở bụi này “, kích thích thêm sự phẫn nộ của nhân dân.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
 
 http://www.voatiengviet.com/content/man-tuong-vung-o-geneva/1848438.html

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Blog / Nguyễn Hưng Quốc

Có thể lấy lại Hoàng Sa?

Nguyễn Hưng Quốc
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa vào giữa tháng 1 vừa rồi, chúng ta thấy hai hình ảnh trái ngược nhau: Trong khi ở hải ngoại, cộng đồng người Việt tổ chức các buổi lễ tưởng niệm một cách long trọng ở nhiều địa phương khác nhau, ở trong nước, ngược lại, ngoài vài buổi họp mặt và một số cuộc biểu tình nho nhỏ, chủ yếu ở Sài Gòn và Hà Nội, do dân chúng tổ chức, về phía chính quyền, chỉ có im lặng. Không những im lặng, họ còn phá rối và trấn áp các cuộc xuống đường biểu dương lòng yêu nước của một số trí thức và thanh niên. Trước đó, chính quyền thành phố Đà Nẵng hứa sẽ tổ chức một buổi thắp nến truy điệu những người đã hy sinh trong trận chiến chống lại Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974 nhưng cuối cùng, cũng huỷ bỏ.

Nhìn rộng hơn, trong nhiều năm qua, liên quan đến vấn đề Hoàng Sa, có hai thái độ khác nhau: Một, về phía chính quyền, người ta hoàn toàn né tránh; nếu phải phát biểu, chỉ phát biểu một cách dè dặt, ấp úng, chung chung, không gắn liền với một mục tiêu và một chiến lược nào cả. Hai, về phía đối lập, từ trong nước ra đến hải ngoại, không ít người đặt vấn đề: cần phải chiếm lại Hoàng Sa hoặc bằng giải pháp quân sự hoặc qua con đường pháp lý, với sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc.

Theo tôi, cả hai thái độ ấy đều sai.

Trước hết, thành thực mà nói, ở vị thế của một nước nhỏ; không những nhỏ mà còn yếu, không có cách gì chúng ta có thể lấy lại được Hoàng Sa từ trong tay Trung Quốc.

Về phương diện pháp lý, dù chúng ta có cả hàng ngàn trang tài liệu lịch sử chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam từ cả mấy trăm năm trước, chúng ta cũng không thể thuyết phục được Trung Quốc và thế giới. Tất cả các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên thế giới lâu nay chỉ có thể được giải quyết bằng tương quan lực lượng, chủ yếu là lực lượng quân sự. Không có cơ quan nào, kể cả Liên Hiệp Quốc, có thể ra lệnh cho quốc gia này trả lại vùng đất đã chiếm đóng cho một quốc gia khác, nhất là khi quốc gia chiếm đóng lại là một quốc gia lớn và, đặc biệt, mạnh. Trong lịch sử, Liên Hiệp Quốc chỉ có khả năng can thiệp vào các cuộc tranh chấp của các quốc gia nhỏ và yếu, chịu nhiều lệ thuộc từ bên ngoài.

Về phương diện quân sự, ai cũng thấy rõ một điều: Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc. Tương quan lực lượng giữa hai nước không giống thời 1979, lúc Trung Quốc còn nghèo và yếu và lúc Việt Nam còn nhận được sự trợ giúp khá nhiệt tình của Liên Xô vốn, thời ấy, còn là một trong hai siêu cường quốc lớn nhất thế giới.

Hơn nữa, nên lưu ý: chiến tranh trên biển khác hẳn chiến tranh trên đất liền. Đánh nhau trên đất liền, ngoài vũ khí, còn nhiều yếu tố khác chi phối kết quả, ví dụ, chiến thuật, lòng dũng cảm, và quan trọng nhất, thời gian cũng như sự đoàn kết của mọi người, với nó, người ta có thể phát động chiến tranh nhân dân. Hình thức chiến tranh nhân dân ấy không thể áp dụng trên biển. Không thể đánh du kích trên biển. Trên biển, yếu tố chủ đạo để dẫn đến thắng lợi chỉ có một: vũ khí. Mà vũ khí thì, dù Việt Nam có đổ ra bao nhiêu tiền để mua, cũng không thể địch lại Trung Quốc. Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu xung đột quân sự xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc, để có thể chiến thắng, Việt Nam chỉ có một cách duy nhất: kéo cuộc chiến ấy vào đất liền. Chứ không phải trên các hòn đảo xa xôi ngoài Biển Đông.

Không thể chiếm lại được Hoàng Sa, nhưng chọn thái độ im lặng và né tránh như cái điều chính quyền Việt Nam hiện nay đang làm cũng là sai.

Sai, thứ nhất, đối với Trung Quốc, sự im lặng hay né tránh của Việt Nam là một món quà tuyệt hảo dành cho Trung Quốc, vốn chỉ muốn lần khân kéo dài để đặt thế giới vào cái thế đã rồi, kiểu cứt trâu lâu hóa bùn, theo cách nói dân gian của Việt Nam. Với thời gian, sự chiếm đóng của Trung Quốc trên Hoàng Sa trở thành một sự kiện lịch sử, một điều có vẻ như hiển nhiên, đương nhiên, không thể đảo ngược được.

Sai, thứ hai, đối với quốc tế, việc im lặng hay né tránh của chính quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa đồng nghĩa với việc thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo ấy, và cùng với nó, trên một phần của Biển Đông. Sự thừa nhận, dù một cách mặc nhiên ấy, sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trên hai mặt trận khác: Một, chống lại con đường lưỡi bò do Trung Quốc áp đặt; và hai, hình thành những liên minh quốc tế có khả năng chống trả lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Sai, thứ ba, đối với dân chúng Việt Nam, việc im lặng hay né tránh ấy dễ tạo ấn tượng xấu là chính quyền hoặc bán nước hoặc nhu nhược và bất lực trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Cả ba trường hợp ấy đều làm hoen ố hình ảnh của nhà cầm quyền; với sự hoen ố ấy, họ mất dần vai trò lãnh đạo, và từ đó, tính chính đáng của chế độ. Trong lịch sử, không có chế độ nào tồn tại được lâu dài khi tính chính đáng ấy bị mất cả. Vấn đề chỉ là thời gian.

Bởi vậy, đối diện với vấn đề Hoàng Sa, người Việt nói chung, đối diện với một nghịch lý: Một mặt, không thể chiếm lại, ít nhất trong điều kiện hiện nay hoặc vài thập niên trước mắt; mặt khác, lại không thể im lặng hay né tránh vấn đề ấy.

Cuối cùng, lựa chọn khả thi duy nhất là: trong lúc vẫn duy trì hòa bình, người Việt vẫn phải tiếp tục lên tiếng trên mọi phương tiện và ở mọi phạm vi, từ quốc nội đến quốc tế. Việc lên tiếng ấy có nhiều cái lợi:

Một, nó nuôi dưỡng lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền của dân chúng. Trong ý nghĩa này, Hoàng Sa không còn là một quần đảo nhỏ xíu và xa lắc nữa mà là một biểu tượng của lãnh thổ và của lịch sử: Ngay cả khi không hoặc chưa thể lấy lại được, nó vẫn tiếp tục là một ám ảnh trong lương tâm mọi người, một món nợ không ai được quên.

Hai, nó là cơ hội để đoàn kết dân chúng trong cả nước. Lâu nay, nói đến đoàn kết, người ta thường chỉ chú ý đến việc tuyên truyền mà quên đi một số điều kiện căn bản: một cộng đồng hay một dân tộc chỉ có thể đoàn kết trên nền tảng một ký ức (memory) chung, một tưởng tượng (imagination) chung và và một tự sự (narrative) chung. Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 là ký ức. Việc bảo vệ và tái chiếm Hoàng Sa là một tưởng tượng. Toàn bộ các câu chuyện liên quan đến những ký ức và những tưởng tượng ấy là một tự sự. Tự sự ấy, một mặt, tạo nên tính chính đáng của chế độ; mặt khác, làm cho mọi người, vốn thuộc những thành phần, giới tính, giai cấp và địa phương khác nhau, gần lại với nhau hơn. Sự gần gũi và đoàn kết ấy chính là sức mạnh của một dân tộc.

Ba, với, chỉ với, những tự sự ấy, Việt Nam mới có thể tạo được một bản sắc trên trường quốc tế, để, mọi người, khi nhìn về Việt Nam, biết rõ Việt Nam đang muốn gì và đang làm gì. Bản sắc ấy chính là điều kiện thiết yếu để tạo nên tình hữu nghị và mọi liên minh cần thiết. Không có tình bạn nào được xây dựng trên sự dao động hay nhạt nhòa về bản sắc cả. Từ mấy năm nay, Việt Nam đang nỗ lực hình thành các đối tác chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới. Tham vọng ấy chỉ có thể trở thành một hiện thực, từ đó, sức mạnh cho Việt Nam nếu, và chỉ nếu, khi Việt Nam có một thái độ và cùng với nó, một tự sự bảo vệ và xây dựng đất nước rõ ràng.

Chủ quyền trên Hoàng Sa và trận hải chiến năm 1974 đã thuộc về quá khứ. Nhưng nó vẫn là một vấn đề thời sự, mãi mãi là một vấn đề thời sự, đồng thời là một thách thức lớn đối với nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay.

 http://www.voatiengviet.com/content/co-the-lay-lai-hoang-sa/1844340.html