Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013


Ðảng Cộng Sản đang tan rã
Friday, January 18, 2013 6:27:03 PM





Ngô Nhân Dụng

Các chế độ cộng sản chiếm được chính quyền theo phương cách giống nhau, nhưng khi suy tàn thì mỗi đảng cộng sản tan rã theo một cách khác nhau. Anh hay đọc Lev Tolstoi thì nhận ra ngay cả câu này nhại theo câu mở đầu một tiểu thuyết nổi tiếng của ông (Anna Karenina).
Các đảng cộng sản lên nắm quyền đều dùng vũ lực, như Lenin nói, “Chiến tranh là bà mụ đỡ cho cách mạng.” Hoặc Mao nói, “Súng đẻ ra quyền.” Nhưng các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Ðông Âu khi sụp đổ thì mỗi nơi bể vỡ một kiểu. Ðảng Cộng Sản Ba Lan tự chuyển giao quyền hành cho Công Ðoàn Ðoàn Kết sau khi lâm cảnh hoàn toàn bế tắc. Ðông Ðức, Tiệp Khắc phải nhượng bộ ý nguyện của người dân, sau các cuộc biểu tình dồn dập. Hungary đã bắt đầu thay đổi từ vài chục năm rồi nhưng phải đợi đến năm 1989 mới sụp đổ, một cách ôn hòa. Cộng sản Rumania hoàn toàn nhắm mắt bịt tai, cưỡng lại đến cùng; đưa tới cái chết thảm khốc của vợ chồng lãnh tụ sau cùng. Cộng Sản Nga khởi đầu chuyện thay đổi, cốt tìm đường tự cứu vãn, hy vọng nhờ thế sẽ cai trị lâu dài hơn; nhưng cuối cùng không tự cứu nổi, biết là hết thuốc chữa. Một yếu tố quyết định tình trạng sụp đổ của các chế độ cộng sản trên là trình độ nhận thức của người dân trong các nước đó đã lên cao đến mức chín mùi. Khi chế độ cộng sản sụp đổ, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, kể cả các đảng viên. Không một chi bộ đảng nào đưa một ngón tay ra để cứu đảng.
Ðảng Cộng sản Việt Nam sẽ tan rã như thế nào? Ðây là một câu hỏi cần nêu lên, càng sớm càng tốt. Thứ nhất, vì điều đó chắc chắn xẩy ra, cứ theo như tình hình nội bộ ung thối của họ cũng như trình độ nhận thức của người dân Việt Nam đã lên cao. Thứ hai, vì cần đoán trước cảnh tan rã của đảng Cộng sản sẽ diễn ra làm sao thì người Việt mới có thể trù tính việc xây dựng chế độ dân chủ tự do sắp tới phải tiến hành thế nào. Cần chuẩn bị ngay từ trước, nếu không thì sẽ lúng túng kéo dài thời kỳ chuyển tiếp quá lâu, tại hại cho tương lai dân tộc. Phải nói rằng việc xóa bỏ chế độ cộng sản ở nước ta bây giờ không phải là điều khó nữa. Nhưng sau đó thì công việc xây dựng lại đất nước mới sẽ khó gấp trăm, gấp ngàn lần. Nhất là sau khi đất nước ta đã bị đảng Cộng sản phá cho hư nát từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Ðây là một đề tài người Việt Nam cần thảo luận với nhau, có thể nên viết thành cả cuốn sách ngay từ bây giờ.
Ðảng Cộng sản Việt Nam đang tan rã. Ðây là một sự thật.
Ðó là một tập đoàn tham nhũng, thối nát và hoàn toàn bất lực trước các khó khăn kinh tế của người dân. Nhưng họ nhất định khư khư ôm lấy chính quyền không chịu nhả ra. Họ sẵn sàng đàn áp những đòi hỏi của “dân oan” bị bóc lột và tiếng nói của giới trí thức trung thực muốn cứu vãn đất nước. Từ mấy năm nay trong đảng Cộng sản họ la hoảng về “diễn biến hòa bình,” chuyển sang báo động tình trạng “tự diễn biến.” Tất cả cho thấy chính họ biết ngày tàn đang sắp tới; hiện tượng tự diễn biến là có thật. Không phải tự diễn biến về tư tưởng, đường lối nào cả, vì bây giờ đâu còn ai chứa tí ti tư tưởng nào nữa! Tình trạng tự diễn biến xẩy ra trong lãnh vực cơ cấu quyền lực. Nói giản dị, là không biết ai có quyền gì, ai phải nghe theo ai; nói cách khác, thằng nào được ăn miếng lớn, thằng nào phải ăn miếng nhỏ. Nếu diễn biến hòa bình là may mắn. Bế tắc quá thì sẽ diễn biến mà không được hòa bình. Ðể giải quyết vấn đề cơ cấu quyền lực người ta đang sẵn sàng lên đài đấu võ chết thôi. Biết tình trạng suy tàn đang tiến tới trước mắt, nhưng đám người đang hưởng những đặc quyền đặc lợi không thể tự cởi các dây trói chằng chịt để thoát khỏi ngõ bí. Bởi vì hễ một tay đầu sỏ muốn cởi bỏ một chỗ này thì lập tức có tay đầu sỏ khác thấy sắp mất phần ăn, nhẩy vào phá đám, đòi cởi bỏ chỗ khác. Tóm lại, hết thuốc chữa.
Các tay đầu sỏ biết nạn tham nhũng là hố sâu sẽ chôn vùi đảng. Nhưng tham nhũng cũng là sợi dây liên kết cả đảng lại với nhau. Nếu không có tham nhũng, nếu không hy vọng dùng quyền lực để làm giầu cho gia đình, thì các đảng viên cầm quyền đâu còn thấy lý do nào để bảo vệ ách độc tài của đảng? Không thể nào chấm dứt tham nhũng nếu còn chế độ độc tài, cho nên họ chỉ còn cách dùng món võ tố tham nhũng làm khí cụ hại lẫn nhau.
Cuộc đấu đá công khai trong vụ Nguyễn Bá Thanh là một thí dụ dễ thấy nhất. Nguyễn Phú Trọng đưa Nguyễn Bá Thanh về Hà Nội coi Ban Nội Chính để dùng Thanh tấn công Nguyễn Tấn Dũng. Sau khi đem được ủy ban chống tham nhũng về trong tay, Nguyễn Phú Trọng thật ra cũng không biết có cách nào diệt phe Dũng hay không. Thanh có thể đóng vai tiên phong tấn công vào thành trì kiên cố của đồng chí Ếch.
Ðồng chí Ếch bèn ra tay trước. Thanh tra Nguyễn Ðức Hạnh tố giác những vụ thất thoát ở Ðà Nẵng, căn cứ địa của Nguyễn Bá Thanh làm thiệt hại công quỹ hàng ngàn tỷ đồng. Thủ đoạn tiết lộ bản báo cáo của thanh tra nhắm triệt hạ uy tín của Nguyễn Bá Thanh, giống như chặt chân ngựa trước khi tướng tiên phong này lên ngựa! Ngày hôm sau, phe Nguyễn Bá Thanh lập tức phản công, bác bỏ tất cả những kết luận của nhóm thanh tra.
Khi đọc cả bản báo cáo của Nguyễn Ðức Hạnh và lời phản công của đàn em Thanh là Văn Hữu Chiến, người ta thấy bản chất của chế độ trong việc bóc lột người dân. Vấn đề lớn nhất là của người dân là Ðất. Tai họa của bao nhiêu “dân oan mất đất,” của bao nhiêu anh Ðoàn Văn Vươn từ mấy chục năm nay là đảng Cộng sản đã có đủ cách bóc lột người dân qua chính sách ruộng đất để làm giầu cho nhóm lãnh tụ lớn nhỏ đang nắm quyền, từ trung ương xuống tới cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã.
Ðọc những lời biện bạch của Văn Hữu Chiến, chúng ta thấy rõ mấy điều. Thứ nhất là các cán bộ địa phương nắm toàn quyền về việc phân phối quyền sử dụng đất. Họ định giá đất bao nhiêu, trao quyền sử dụng cho người nào, đó là lợi khí làm giầu mà họ chiếm độc quyền. Quyền của họ dựa trên Hiến Pháp, nói rằng tất cả đất, ruộng là của công, và đảng Cộng sản chiếm độc quyền lãnh đạo. Dựa trên hai điều đó, các cán bộ tha hồ thao túng các luật lệ về đất đai để làm giầu.
Nhưng luật lệ về đất đai lại thay đổi như tin khí tượng, có lúc nói thế này, có lúc nói khác đi. Luật lệ lại mơ hồ, như khi nói “tùy từng thời điểm,” để các cán bộ nắm quyền tha hồ giải thích theo quyền lợi của mình. Trong vụ tranh cãi về đất đai ở Ðà Nẵng ta thấy cảnh bên nào cũng có thể biện minh cho công việc cấp phát quyền sử dụng đất của họ. Nói là thiên vị, dĩ công vi tư, làm giầu cho phe đảng cũng đúng. Nói ngược lại, cũng đúng nốt!
Tất cả chỉ vì những luật lệ về đất đai luôn thay đổi chủ yếu là lúc nào cũng giữ một ý tưởng, là mọi quyền quyết định về giao đất cho ai sử dụng đều nằm trong tay nhóm cán bộ cầm đầu ở địa phương. Các luật lệ đặt ra lung tung, chằng chéo, nhưng các cán bộ lúc nào cũng nắm nắm quyền giải thích luật theo ý mình, tức là theo quyền lợi của phe mình. Văn Hữu Chiến nêu ra một thí dụ ai cũng phải thấy là “kinh khủng,” nếu không sống trong chế độ cộng sản. Một người được giao quyền sử dụng đất với giá là 100 tỷ đồng. Nếu đi vay ngân hàng thì chỉ vay được 60 tỷ thôi. Người đó chuyển quyền cho chị em ruột, với giá mới là 600 tỷ; để có thể tới ngân hàng vay được 360 tỷ!
Không có một nền kinh tế nào trên thế giới lại để xẩy ra hiện tượng kỳ lạ như vậy! Nên nhớ là những đồng tiền mà ngân hàng đem cho vay là tiền của người dân ký thác trong đó. Nên nhớ là đất công là của toàn dân, chứ không phải do đảng Cộng sản làm ra. Bây giờ đảng nắm quyền quyết định giá bán là 100 tỷ, rồi người mua vẫn dựa theo luật lệ dùng đất cầm thế mà đi vay được 360 tỷ. Họ dùng hàng trăm tỷ bạc đó làm gì, dân chúng không ai được biết hết! Sau cùng, họ có hoàn trả được ngân hàng món tiền vay hay không, cũng không người dân nào được biết. Một chính quyền thực sự do dân cử ra, trong một xã hội tự do dân chủ và nền kinh tế có luật lệ, sẽ không bao giờ cho phép những quái thai kinh tế như vậy xuất hiện! Còn ở nước ta, người ta kể ra những chuyện như vậy lại cốt để biện minh là mình vô tội!
Vậy nguồn gốc tội lỗi nằm ở đâu? Tại sao ở nước ta câu chuyện “khủng long thời tiền sử” này lại xẩy ra? Tất cả chỉ vì đảng Cộng sản nắm toàn quyền, quyền hành vô giới hạn; cho phép các cán bộ thao túng, sử dụng đất, sử dụng đồng tiền của người dân theo quyền lợi riêng của họ!
Các lãnh tụ cộng sản đã ngồi mát ăn bát vàng như vậy từ mấy chục năm nay. Vì họ tranh giành miếng ăn, xâu xé lẫn nhau cho nên người dân mới được thấy rõ những hiện tượng kỳ quái như thế. Cuộc đấu giữa các lãnh tụ cộng sản phơi bày bộ mặt thật của chế độ.
Không biết trong thời gian tới vụ cãi lộn giữa Nguyễn Ðức Hạnh với Văn Hữu Chiến và Nguyễn Bá Thanh sẽ đi tới đâu. Không biết cuộc đấu đá giữa Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi tới đâu. Tất cả là dấu hiệu cho thấy họ khó “tự diễn biến” trong hòa bình được. Chế độ đang trên đường tan rã.

Ðảng tan rã từ nền tảng
Tuesday, January 22, 2013 6:20:45 PM




Ngô Nhân Dụng

Ông Nguyễn Phú Trọng không phải là người duy nhất báo động tình trạng đảng cộng sản đang nằm trên giường bệnh, có thể chết bất cứ lúc nào, mà ông gọi là nguy cơ “đe dọa sự sống còn của chế độ.”
 Ông Trọng nói thì người ta có thể tin, vì ông là tổng bí thư, một người nhận được tin tức có lẽ đầy đủ nhất để kết luận mạng sống của đảng cộng sản đang bị đe dọa. Nhưng việc chẩn bệnh của ông Nguyễn Phú Trọng không đầy đủ. Ông cho là nguyên nhân khiến sinh mạng của đảng bị đe dọa là do cán bộ, trong đó có cả những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Theo ông chẩn bệnh, họ bị “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.”
Chẩn bệnh như vậy là chỉ thấy các triệu chứng bên ngoài, không nhìn ra gốc của căn bệnh nằm từ bên trong. Ðịnh bệnh sai thì không thấy được thuốc chữa đúng; chỉ lo chuyện chữa các triệu chứng là không tìm hiểu tại sao lại sinh ra các triệu chứng này. Không khác gì cứ cho một bệnh nhân uống thuốc thông cổ, tiêu đờm, giảm chứng ho hen mà không tự hỏi tại sao bệnh nhân ho. Không tìm hiểu nên không biết hắn đã bị ung thư phổi từ lâu rồi.
Tại sao các cán bộ bị “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống?” Trong cơ cấu tổ chức của các đảng cộng sản, trong phương cách đảng chiếm lấy chính quyền và sử dụng quyền hành để cai trị, mà ông Trọng gọi là lãnh đạo và quản lý, phải chứa đựng những căn bệnh trầm kha cho nên mới nẩy sinh ra những cán bộ như vậy. Mà cái triệu chứng ho hen này cứ kéo dài mãi mãi, càng ngày càng nặng nề hơn, cho thấy nếu cứ chữa trị loay hoay ở bên ngoài thì không bao giờ hết bệnh cả.
Chúng ta sẽ phân tích những vấn đề cơ cấu gây nên căn bệnh của các đảng cộng sản khắp thế giới. Nhưng nguyên nhân đầu tiên không phải chỉ nằm trong cơ cấu tổ chức, mà thực ra đã có sẵn từ khi các chế độ cộng sản đầu tiên ra đời. Ðó là những bệnh gọi là “tiên thiên.” Giống như những đứa trẻ bị tật bẩm sinh, người Việt gọi là “tiên thiên bất túc.”
Các đảng cộng sản ra đời dựa trên một niềm tin, tin vào chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Họ lập ra những chế độ gọi là cộng sản; chế độ dựa trên một trật tự tinh thần do hai ông Karl Marx và Lenin đặt nền tảng. Ông Marx cho họ niềm tin vào lý thuyết của ông về lịch sử, ông bảo lịch sử đã diễn biến theo những quy luật mà ông tìm ra, và sẽ đi theo đúng bản lộ trình đó. Cho nên, cứ theo ông mà đấu tranh thì đi đúng đường của lịch sử. Marx đã dựng lên một thứ tín ngưỡng, cống hiến cho người ta một niềm hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn. Nhiều người đi theo chủ nghĩa cộng sản đã sẵn sàng hy sinh mạng sống vì niềm tin vào hy vọng tương lai; không khác gì những người ôm bom tự sát bây giờ.
Ông Lenin đặt nền móng để thiết lập một giáo hội, huấn luyện các giáo sĩ để thực hiện và truyền bá niềm tin đó. Ông chủ trương dùng quyền lực nhà nước để thực hiện những điều Marx đã tiên tri; thiết lập chế độ chuyên chính. Một niềm tin cộng với một guồng máy chuyên chế, đó là căn bản của các chế độ cộng sản.
Nhưng chỉ cần bình tâm suy nghĩ một chút, người ta đã thấy những lý thuyết của cả Marx lẫn Lenin đều đưa người ta vào ngõ cụt. Bản Tuyên ngôn Cộng sản do ông Marx viết mở đầu bằng một định đề nói rằng “lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp.” Dựa trên ý tưởng đó, ông đã lý luận một hồi để bảo rằng nếu cứ đi theo ông, sẽ đến lúc xã hội loài người không còn giai cấp nữa. Kết luận này hoàn toàn trái ngược với định đề đầu tiên của ông về bản chất của lịch sử. Nếu kết luận của ông đúng, thì cái định đề đầu tiên sai; còn nếu cái định đề đó đúng thì câu kết luận chỉ là một ảo tưởng.
Ông Lenin thiết lập một kiểu mẫu chính quyền gọi là “chuyên chính vô sản,” với giả thiết rằng guồng máy chuyên chế đó sẽ tới lúc tự nó giải tán, theo đúng lời tiên tri của Marx. Giống như lập ra một giáo hội, tuyển chọn những tay dám giết người và dám chết làm giáo sĩ; rồi ban cho các giáo sĩ đó toàn quyền quyết định đời sống với cái chết của tất cả mọi người; nhưng lại hứa hẹn rằng sẽ có ngày tất cả giáo đoàn này sẽ tự giải tán. Ðó là một ảo tưởng, còn hoang đường hơn cái ảo tưởng của Karl Marx. Và độc hại hơn, vì ông Marx chỉ nói suông thôi chứ chưa nhúng tay vào máu. Cuối cùng, ai cũng biết là những chế độ độc tài toàn trị không bao giờ tự giải tán được. Thay vì tiến tới một xã hội không có giai cấp, người ta chỉ thấy hệ thống cấp bực chia chác các đặc quyền đặc lợi ngày càng phức tạp và kiên cố hơn.
Chúng ta bây giờ đã sống hơn trăm năm kể từ ngày ông Marx thuyết giáo, gần 100 năm kể từ lúc ông Lenin cướp được chính quyền. Khi nhìn lại, phải tự hỏi không hiểu tại sao đã có những người tin tưởng vào những lý thuyết mơ hồ và đầy nghịch lý như vậy. Nhiều đảng viên cộng sản sau này hay nêu ra những “nghịch lý” trong xã hội họ đang sống; khi thấy lý thuyết và thực tế trái ngược nhau. Nhưng phải biết từ căn bản, chủ nghĩa Mác-Lê Nin đã đầy mâu thuẫn ngay trong tư tưởng. Chính vì thế mà ngay từ lúc thành hình các chế độ cộng sản đều chứa sẵn cái mầm tự hủy diệt; vì những mối mâu thuẫn càng ngày càng nặng hơn, không thể tự cởi bỏ được. Cho nên, các chế độ cộng sản ở Nga và các nước Ðông Âu đã tự giải thể. Các đảng cộng sản tự tan rã mà không ai tiếc nuối, kể cả các đảng viên. Trên thế giới không còn ai coi những lý thuyết của Marx và Lenin là chuyện đứng đắn nữa. May mắn cho các nước trên, những cuộc cách mạng diễn ra trong hòa bình, không đổ máu vô ích.
Nhưng “diễn biến hòa bình” là con đường tốt nhất để giải quyết những tai họa cho xã hội mà chế độ cộng sản đã tạo nghiệp. Trong khi ai cũng biết một chế độ dẫu đầy mâu thuẫn không thể nào tồn tại được nữa thì con đường tốt nhất là cho chúng giải tán một cách hòa bình.
Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng của ông lại lo sợ về “diễn biến hòa bình.” Khi đã biết thế nào cũng phải giải tán, nếu không muốn tan rã một cách hòa bình tức là chọn con đường tan rã trong hỗn loạn. Các lãnh tụ cộng sản chống “diễn biến hòa bình” vì họ nghĩ rằng có thể tìm một con đường khác để tiếp tục cai trị, coi như tất cả mọi người đều ngu dốt hoặc hèn nhát, hoặc vừa ngu lại vừa hèn. Cảnh tan rã của các đảng cộng sản ở Âu Châu đã xóa sạch niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Sau hơn 20 năm, các nước Ðông Âu trở lại cuộc sống bình thường đã xây dựng dân chủ tự do và kinh tế phồn thịnh, ai cũng trông thấy. Cho nên, chính các đảng cộng sản ở Trung Quốc cũng như Việt Nam trên thực tế đang tự thực hiện một diễn biến hòa bình! Họ đã biết không còn dùng chủ nghĩa Mác-Lê Nin vào việc gì nữa. Thay vì tin vào cách mạng vô sản toàn thế giới, ngày nay họ chỉ mong theo gót những chế độ độc tài kiểu tư bản thời hoang sơ. Họ cố gắng bảo vệ độc quyền chính trị với một hệ thống chia chác quyền lợi, nuôi một bộ máy kìm kẹp dựa hoàn toàn trên lợi lộc. Tất cả những tuyên ngôn về chủ nghĩa Mác-Lê Nin đưa ra trong các kỳ đại hội chỉ là cái màn che đậy cho sự thật nhem nhuốc ở bên trong. Như chúng ta đang chứng kiến, những màn tranh chấp, đấu đá giữa Ba Dũng với Tư Sang, giữa Nguyễn Phú Trọng với Nguyễn Tấn Dũng, giữa Dũng với Nguyễn Bá Thanh hoàn toàn không liên quan gì đến các vấn đề như chủ nghĩa Mác-Lê Nin hay tư tưởng Mao Trạch Ðông! Tất cả đều là những cuộc cãi cọ về hệ thống chia chác quyền ban phát đất để làm ra tiền.
Chế độ độc tài mới của đảng cộng sản dựa trên một cơ cấu chia chác quyền lợi mà chính cơ cấu đó cũng chứa đựng những mâu thuẫn không thể đứng vững được. Cả Nguyễn Tấn Dũng lẫn Nguyễn Phú Trọng đều nói đến các cán bộ, đảng viên suy thoái. Nhưng mọi người biết họ chỉ dùng chiêu bài đó để tìm cách đá lẫn nhau, nếu được thì lật đổ nhau. Tất cả đều tham nhũng như nhau, anh này đưa tay lên chỉ trỏ bảo anh kia là tham nhũng. Vì vậy các anh giành nhau cái chức trưởng ban bài trừ tham nhũng, để dùng khí cụ đó hại lẫn nhau.
Những cảnh tranh quyền giành lợi lộc đang diễn ra cho thấy sợi dây cấu kết các lãnh tụ cộng sản lớn nhỏ với nhau đang rạn nứt. Mối rạn nứt ngày càng nặng nề hơn và càng khó thỏa hiệp hơn. Vì vậy, cảnh tan rã của đảng cộng sản đang diễn ra trước mắt chúng ta.

Blog / Nguyễn Hưng Quốc

Xã hội dân sự như một tiến trình dân chủ hoá

Từ thập niên 1980 đến nay, một trong những vấn đề chính trị được thế giới, ít nhất là ở Tây phương, quan tâm nhiều nhất chắc chắn là vấn đề dân chủ; và trong vấn đề dân chủ, yếu tố trung tâm, thu hút sự chú ý của mọi người nhiều nhất, chính là vấn đề xã hội dân sự. Vậy giữa xã hội dân sự và dân chủ có quan hệ như thế nào?

Trong bài nói chuyện nhan đề “Xã hội dân sự có thể làm gì để phát triển dân chủ” (What
Civil Society Can Do to Develop Democracy) được trình bày tại hội nghị của giới lãnh đạo của Tổ chức Phi chính phủ (NGO) tại Baghdad ngày 10 tháng 2 năm 2004, Larry Diamond (1) tóm tắt 11 việc mà xã hội dân sự có thể đóng góp vào tiến trình dân chủ hoá như sau:

Thứ nhất và căn bản nhất, nó có chức năng hạn chế và kiểm soát quyền lực của nhà nước bằng cách theo dõi cách hành xử quyền lực của giới lãnh đạo và báo động cho dân chúng biết về những sự lạm quyền.

Thứ hai, nó vạch trần nạn tham nhũng của các giới chức chính phủ và vận động cải cách việc quản trị quốc gia.

Thứ ba, nó cổ vũ việc tham gia của dân chúng vào các sinh hoạt chính trị bằng cách giáo dục mọi người về các quyền và bổn phận của công dân.

Thứ tư, nó giúp phát triển các giá trị khác của đời sống dân chủ như lòng khoan dung, tinh thần thoả hiệp và sự kính trọng đối với các ý kiến khác biệt.

Thứ năm, nó có thể giúp phát triển các chương trình giáo dục ý thức công dân trong nhà trường.

Thứ sáu, nó là nơi bày tỏ các quan điểm gắn liền với những lợi ích khác nhau trong xã hội, vận động chính phủ quan tâm đến các lợi ích ấy (như của phụ nữ, học sinh, luật sư, bác sĩ, v.v.)

Thứ bảy, nó cung cấp các hình thức đối thoại và liên kết xuyên qua các ranh giới bộ lạc, ngôn ngữ, tôn giáo và những thứ ràng buộc khác thường thấy trong xã hội cũ.

Thứ tám, nó cung cấp các khoá huấn luyện cho những nhà lãnh đạo các cấp trong tương lai.

Thứ chín, nó giúp cung cấp thông tin cho quần chúng về những vấn đề liên quan đến đời sống công cộng.

Thứ mười, nó đóng vai trò quan trọng trong việc làm môi giới hoá giải các xung đột bằng cách tạo ra những diễn đàn chung để mọi người cùng thảo luận.

Cuối cùng, thứ mười một, nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát các cuộc bầu cử một cách khách quan và công bằng.

Mặc dù bản liệt kê của Larry Diamond khá dài, nó vẫn còn đơn giản và nhất là, khá phiến diện: Ông chỉ nêu lên được những khía cạnh thuộc mặt nổi của của vấn đề. Mặt nổi thứ nhất: Ông chỉ tập trung vào các hoạt động cụ thể thay vì ý nghĩa hay những ảnh hưởng sâu sắc đối với nhận thức và tâm lý, hay nói rộng hơn, văn hóa ứng xử trong lãnh vực chính trị của con người. Mặt nổi thứ hai: Dù nhắc đi nhắc lại chữ xã hội dân sự nhiều lần, những điều được ông phân tích vẫn chỉ dừng lại ở các tổ chức thuộc khu vực thứ ba, đặc biệt, các tổ chức phi chính phủ, tức là chỉ ở mặt nổi của xã hội dân sự. Liên quan đến vấn đề này, Katherine Verdery có một đề nghị rất sâu sắc: Nên phân tích xã hội dân sự như là những tác tố (operator) mang tính biểu tượng chủ chốt, những yếu tố thuộc lãnh vực ý thức hệ hơn là những thực tế liên quan đến bình diện tổ chức (2).

Tuy nhiên, khuyết điểm quan trọng nhất trong cách nhìn của Larry Diamond là ở chỗ nó hàm chứa một nghịch lý: Tất cả những việc làm mà ông nêu, như kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tạo diễn đàn chung để mọi người đối thoại với nhau nhằm thay đổi chính sách, v.v. chỉ có thể thực hiện được với điều kiện là chúng được chính phủ cho phép, nghĩa là chính phủ đã ít nhiều chấp nhận một số quyền liên quan đến dân chủ. Tất cả các công việc ấy, cũng như tác dụng của chúng, đều trở thành bất khả thi dưới các chế độ toàn trị. Như vậy, từ cái nhìn của Larry Diamond, các tổ chức phi chính phủ chỉ có chức năng củng cố và hoàn thiện các nền dân chủ mới manh nha hơn là thực sự tạo ra một nền dân chủ mới từ những xiềng xích của các chế độ toàn trị.

Trong bài “Civil Society, Democratization and Development: Clearing the Analytical Ground” (3), Gordon White rất có ý thức trong việc phân biệt hai khía cạnh của xã hội dân sự: một, với tư cách một khái niệm về tính chất biệt lập, tự trị và tự nguyện của các hiệp hội trong hình thức thuần túy của chúng; và hai, với các tổ chức tồn tại trong thế giới thực nghiệm nhằm thể hiện những tính chất ấy. Nhưng khi phân tích các kỳ vọng về vai trò của xã hội dân sự trong tiến trình dân chủ hóa, ông vẫn ít nhiều nghiêng về khía cạnh tổ chức. Theo ông, bốn kỳ vọng chính có thể xảy ra:

Thứ nhất, sự lớn mạnh của xã hội dân sự có thể làm thay đổi cán cân quyền lực giữa nhà nước và xã hội với thái độ thiên vị hẳn về phía xã hội; từ đó, góp phần hình thành nên một sự đối lập cân bằng (balanced opposition) vốn được xem là điều kiện của dân chủ. Dưới những chế độ toàn trị, kỳ vọng này thấp hơn: nó dần dần nâng cao hiệu năng của các lực lượng xã hội đã được tổ chức nhằm làm suy yếu tham vọng khống chế toàn bộ đời sống xã hội của nhà nước.

Thứ hai, khi xã hội dân sự đủ mạnh, nó có thể củng cố các tiêu chuẩn đạo đức công cộng và nâng cao tính khả kiểm (accountability) của cả các chính trị gia lẫn bộ máy công quyền.

Thứ ba, xã hội dân sự có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian giữa xã hội và nhà nước, giữa các công dân và hệ thống chính trị. Trong trường hợp lạc quan, nó có thể chuyển tải các yêu sách của dân chúng hoặc một bộ phận dân chúng đến giới cầm quyền, từ đó, làm thay đổi một số chính sách của họ.

Thứ tư, nó có thể đóng vai trò tích cực trong việc thay đổi các luật lệ trong trò chơi chính trị theo định hướng dân chủ.

Ở trên chỉ là những kỳ vọng (expectation). Các kỳ vọng ấy chỉ có thể biến thành hiện thực trong những điều kiện tối ưu, hơn nữa, với một chút may mắn.

Liên quan đến quan hệ giữa xã hội dân sự và dân chủ hóa, tôi thích lý thuyết về vốn xã hội (social capital) của Robert Putnam hơn. Trong khi vốn vật lý (physical capital) gắn liền với các vật thể, vốn nhân sự (human capital) gắn liền với từng cá nhân, vốn xã hội lại nảy sinh từ quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Trong cuốn Making Democracy Work: Civic Tradition in Modern Italy, xuất bản năm 1993, Putnam nêu vấn đề: Tại sao dân chủ phát triển tốt đẹp ở nơi này hơn là ở các nơi khác? Quan sát sinh hoạt ở 20 địa phương trên đất Ý, những nơi có cùng một hệ thống chính trị và chịu sự chi phối của những chính sách giống nhau từ trung ương, Putnam nhận thấy, nói chung, việc thực hiện các chính sách ấy ở miền Bắc có hiệu quả hơn hẳn ở miền Nam. Tại sao? Lý do, theo Putnam, không phải là do kinh tế hay giáo dục mà chủ yếu ở các cộng đồng dân sự: Ở miền Nam, chính trị được cấu trúc theo chiều dọc (vertically structured politics), từ trên xuống dưới, đời sống xã hội bị phân mảnh và cô lập, làm phát sinh thứ văn hoá bất tín nhiệm (culture of distrust), không ai tin ai cả; ở miền Bắc, ngược lại, quan hệ xã hội phát triển theo chiều ngang với vô số các đoàn nhóm khác nhau; phần lớn chỉ có tính chất giải trí, như các ca đoàn và các câu lạc bộ bóng đá, ở đó, dân chúng thường xuyên gặp gỡ nhau, gắn bó với nhau, thông cảm với nhau, tạo thành những mạng lưới xã hội, qua đó, củng cố sự tin cậy lẫn nhau, và từ sự tin cậy ấy, người ta dễ dàng tương nhượng nhau. Theo Putnam, chính ba yếu tố mạng lưới xã hội (social network), sự tín nhiệm (trustworthiness) và các quy phạm hay chuẩn mực về sự tương nhượng (norms of reciprocity) ấy đã tạo thành cái vốn xã hội; và chính cái vốn xã hội ấy đã góp phần làm nảy nở dân chủ.

Từ lý thuyết vốn xã hội của Putnam và quan niệm của các lý thuyết gia tự do sau này, tôi nghĩ chúng ta có thể hình dung các tác động chính của xã hội dân sự đối với tiến trình dân chủ hoá ở hai cấp độ khác nhau, từ thấp đến cao, từ phạm vi cá nhân và liên cá nhân đến tổ chức và cả cộng đồng:

Ở cấp cá nhân và liên cá nhân, xã hội dân sự có mấy tác động chính:

Một, phát triển ý thức công dân, cụ thể là ý thức về quyền và bổn phận của công dân đối với đất nước; xem những vấn đề chung của đất nước là những vấn đề của chính mình chứ không phải của ai khác.

Hai, phát triển các mạng lưới xã hội như một tập hợp của những người có cùng một quan tâm và một lý tưởng chung.

Ba, phát triển sự tin cậy lẫn nhau để làm chất keo nối kết các mạng lưới xã hội ấy.

Bốn, phát triển khả năng đối thoại với người khác, từ đó, biết tôn trọng những sự khác biệt, biết chấp nhận tính chất tương đối của cuộc đời, biết tương nhượng và biết hợp tác với nhau để thực hiện những ước mơ chung.

Có thể xem các yếu tố trên như một cơ sở hạ tầng của xã hội dân sự. Cơ sở ấy một phần nằm trong nhận thức của cá nhân, mặt khác, nằm trong thói quen hành xử có tính chất liên cá nhân.

Ở cấp độ tổ chức, có tính tập thể, xã hội dân sự có thể có mấy tác động chính:

Một, tạo nên một tiếng nói chung để vang xa và được nhiều người lắng nghe, từ đó, trở thành một sức mạnh, ít nhất là trong dư luận, từ dư luận quốc nội đến dư luận quốc tế.

Hai, khi đã được lắng nghe, những tiếng nói ấy trở thành một sự phản biện công khai đối với chính phủ để, với những mức độ khác nhau, tạo thành những áp lực lên chính phủ để chính phủ hoặc tăng cường tính khả kiểm hoặc thay đổi các chính sách.

Ba, đưa ra những đề nghị khác, như những khả năng để lựa chọn (alternative), đối với các chính sách của chính phủ để mọi người nhận thấy, thứ nhất, với cùng một vấn đề, có thể có nhiều phương án giải quyết khác nhau; thứ hai, phương án của chính phủ không phải là phương án duy nhất, thậm chí, chưa hẳn đã là một phương án tối ưu.

Bốn, có thể trở thành một lực lượng đối trọng của chính phủ để không những thay đổi các chính sách mà, trong những trường hợp lạc quan nhất, có thể thay đổi được cả cơ chế.

Xin nhấn mạnh một số điểm liên quan đến các tác động nêu trên:

Thứ nhất, hai cấp độ ở trên khác nhau ở mức cao và thấp, rộng và hẹp, nhưng chúng không nhất thiết phải tuần tự theo thời gian. Trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ, do những khủng hoảng trong nội bộ giới cầm quyền hoặc do những áp lực từ bên ngoài, các tác động thuộc cấp tập thể có thể xuất hiện trước khi các tác động thuộc cấp cá nhân và liên cá nhân thực sự chín muồi. Tuy nhiên, trong trường hợp ấy, ngay cả khi may mắn thay đổi được chế độ, người ta cũng chỉ có được một thứ xã hội dân sự yếu ớt, chưa bén rễ sâu trong nhận thức và tâm lý của quần chúng, nghĩa là thực sự biến thành một thứ văn hoá dân sự. Nó sẽ không đủ vững để làm một nền móng cho dân chủ, do đó, dân chủ rất dễ lâm vào nguy cơ bị nghiêng ngả, thậm chí, sụp đổ.

Thứ hai, ở cấp độ cá nhân và liên cá nhân, không phải cứ tham gia vào các tổ chức xã hội là tự động người ta có thể làm phát triển “vốn xã hội” và từ đó, văn hóa công dân (civic culture). Vấn đề còn tùy thuộc vào nội dung và bản chất của các tổ chức xã hội ấy: Chúng phải là xã hội dân sự đích thực chứ không phải chỉ là các tổ chức ngoại vi của chính quyền, được chính quyền sử dụng như những công cụ tập hợp quần chúng cho các mục tiêu chính trị của họ (4).

Thứ ba, ở cấp tổ chức, ngay cả khi xã hội dân sự đã lớn và mạnh, nó vẫn không đủ sức để biến một chế độ toàn trị thành một chế độ dân chủ. Một cuộc cách mạng như thế đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ quốc nội đến quốc ngoại, từ kinh tế đến chính trị, từ mức độ mâu thuẫn giữa dân chúng và nhà nước đến mức độ mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền. Nói theo Neera Chandhoke, “tất cả những gì xã hội dân sự làm được là cung cấp các diễn tố (actor) (5) với những giá trị, không gian và cảm hứng để đấu tranh cho dân chủ.” (6) Vậy thôi.

(Đây là bài thứ tư trong loạt bài về “Xã hội dân sự”. Kỳ tới: “Xã hội dân sự ở Việt Nam: một bức tranh lệch lạc và dang dở”)

  http://www.voatiengviet.com/content/xa-hoi-dan-su-nhu-mot-tien-trinh-dan-chu-hoa/1588023.html
***

Chú thích:


1.  Bài thuyết trình này được đăng trên trang web http://www.stanford.edu/~ldiamond/iraq/Develop_Democracy021002.htm không ghi tên tác giả. Tìm trên Internet, tôi thấy trong bài “Civil Society Role in the Democracy Building in Egypt .. Escaping from the Mess” của Mahmoud Ezzat có một phần mang nội dung hoàn toàn tương tự, từ ý tưởng đến câu chữ, mà không kèm theo bất cứ một ghi chú là đã trích dẫn từ đâu. Tuy nhiên, trong bài “Civil Society in Bosnia and Herzegovina: An Opportunity for a Genuine Democracy?” đăng trên The Journal of Turkish Weekly, tôi lại thấy, trong phần chú thích, tác giả của bài ấy chính là Larry Diamond. Tôi tạm theo tác giả bài báo này dù vẫn không thấy an tâm hẳn.
  1. Katherine Verdery (1996), What was Socialism, and What Comes Next?, Princeton: Princeton University Press, tr. 105.
  2. In trong cuốn Civil Society in Democratization do Peter Burnell & Peter Calvert biên tập (2004), London: Frank Cass, tr. 6-21.
  3. Điều này đã được Russell J. Dalton và Như-Ngọc T. Ôn phân tích khá kỹ trong bài “Civil Society and Social Capital in Vietnam”. Có thể đọc trên: www.giga-hamburg.de/ifa/shop/pdf/mia385-Mutz-Inhalt.pdf
  4. Tôi dịch “actor” là “diễn tố” thay vì “diễn viên” vì ở đây, khái niệm này bao hàm cả nhiều yếu tố khác chứ không hẳn chỉ có con người. Hơn nữa, chữ “diễn viên” trong tiếng Việt thường chỉ gợi liên tưởng đến phim và kịch, từ đó, tính chất giả tạo vốn không có cho chữ “actor”, ít nhất ở ngữ cảnh này.
  5. Neera Chandhoke, “Civil Society”, Development and Practice, số 17 (tháng 8, 2007), tr. 613.

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013



CSVN sẽ đưa Ts. Nguyễn Quốc Quân ra tòa 22/1

Phạm Nhật Bình

Nhà giáo Nguyễn Quốc Quân bị công an CSVN bắt giữ khi ông vừa đến phi trường Tân Sơn Nhất ngày 17/4/2012 mà không có bất kỳ tang chứng hay lý do gì chính đáng. Ông Quân về như bao công dân nước khác đến Việt Nam. Công luận thế giới đồng loạt phản ứng về hành động phi pháp và vi phạm nhân quyền này của nhà cầm quyền CSVN.

Trong buổi tiếp xúc với đại diện Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ vào ngày 27/4/2012 tại trại giam Nguyễn Văn Cừ, ông Nguyễn Quốc Quân đã khẳng định không vi phạm bất kỳ luật lệ nào, dù là luật của nhà nước Việt Nam. Thật thế, hành lý của ông chỉ bao gồm các đồ dùng cá nhân và không hề chứa đựng bất kỳ vật liệu phi pháp gì. Tất cả số hành lý này đều đã đi qua hệ thống kiểm duyệt an ninh khi lên máy bay tại Hoa Kỳ.
Hôm 5/6/2012, hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện tiểu bang California cũng đã viết thư gởi thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trả tự do cho Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân ngay lập tức. Trong bức thư, hai Thượng nghị sĩ Barbara Boxer và Dianne Feinstein viết: “Chúng tôi viết thư này yêu cầu ông đẩy mạnh việc thả ngay lập tức Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, công dân Mỹ và cư dân California, bị bắt tại phi trường Tân Sơn Nhất ngày 17/4. Theo nhiều nguồn tin báo chí, ông Quân bị bắt và bị tố cáo tội khủng bố mặc dù ông đến Việt Nam thăm gia đình và nói chuyện với một số nhà hoạt động bất bạo động. Vụ bắt Tiến Sĩ Quân là một sự rắc rối, nhất là trong lúc Hoa Kỳ và Việt Nam gia tăng quan hệ song phương”.

Mười ngày sau khi bắt giữ tại phi trường, hôm 26/4 công an hùng hổ cáo buộc ông Nguyễn Quốc Quân tội danh “khủng bố” theo điều 84 Bộ luật hình sự với hy vọng gây sốc với chính giới quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nhưng bằng chứng duy nhất họ đưa ra là chiếc máy vi tính laptop hầu như trống rỗng mà ông Quân mang theo người. Bên cạnh đó là những suy diễn vu vơ. Trong thâm tâm, họ tin tưởng và hy vọng sẽ đánh trúng tần số “thù khủng bố” của chính quyền và nhân dân Mỹ! Nhưng họ không ngờ phía Hoa Kỳ không những thách thức họ đưa ra bằng chứng mà còn đưa vụ việc lên đến cấp cao nhất của Bộ Ngoại Giao Mỹ.

Về mặt tang chứng, Hà Nội biết họ không còn có thể đẻ ra loại bằng cớ ngụy tạo làm trò cười cho cả thế giới như hồi 2008. Trong lần ông Quân và các chiến hữu của ông bị bắt năm đó, công an ráng nhét một khẩu súng lục và 13 viên đạn vào hành lý của 2 vợ chồng Việt kiều lớn tuổi rồi tung lên mặt báo rằng họ đem về cho Việt Tân. Họ quên rằng phi trường Los Angeles có máy móc và nhân sự kiểm tra an ninh cao gấp chục lần họ và loại chứng cớ này chỉ cho cả thế giới biết công an CSVN vừa nhét vào ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất. Thế là chế độ lẳng lặng đẩy 2 vợ chồng nạn nhân nói trên về nước.

Quá bí về tang chứng và trước sức ép của thế giới, hôm 31/8/2012, nhà cầm quyền CSVN đành đổi cáo buộc ông từ tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo điều 84, sang tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 1, điều 79 Bộ luật Hình sự, và gia hạn giam giữ Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân thêm 4 tháng nữa để "tiếp tục điều tra".

Khi bản cáo trạng lọt ra đến công chúng gần đây - tức giai đoạn điều tra đã xong và chờ ngày ra tòa - mọi người lại càng ngạc nhiên về sự trống rỗng của kết quả điều tra và sự vô lý của việc giữ ông Quân 8 tháng trời. Bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, đề ngày 11/10/2012 đối với Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân viết rằng ông Quân “mang theo nhiều tài liệu có nội dung chống phá Nhà nước CHXHCNVN". Nhưng đến phần tang vật thì lại chỉ liệt kê: "tài liệu về nội dung đấu tranh bất bạo động, đảng cương Việt Tân, tài liệu về giảng dạy kỹ năng mềm”. Đây quả thật là những câu chữ mơ hồ và mâu thuẫn chỉ có thể có trong một bản cáo trạng của một quốc gia mà luật pháp như trò chơi trong tay một đảng độc tài.

Về các hoạt động mà bản cáo trạng cho là phạm pháp để truy tố ông Quân thì bao gồm: những hoạt động thuộc về “giảng dạy kỹ năng mềm" tại Thái Lan và tại Việt Nam cho một số người như “cho các học viên xem phim đấu tranh bất bạo động ở một số nước”, “hướng dẫn cách bảo mật thông tin khi liên lạc”. Cáo trạng cũng buộc tội ông Quân là "thăm dò tình hình Việt Nam, phản ứng của người dân trước các cuộc biểu tình". Và chỉ có thế là hết.

Nhưng trên cơ sở tang vật và hoạt động đó, bản cáo trạng lại khẳng định Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân "thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm". Khẳng định này càng quái dị trong thời đại mà thông tin mạng bùng nổ như một cuộc cách mạng cởi trói tư tưởng con người. Bản cáo trạng cũng viết rằng: "Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Quốc Quân đã khai nhận hành vi phạm tội của mình." Công luận Việt Nam và thế giới đã quá nhàm với những câu này vì đã thấy công an dùng trò này với quá nhiều người, đặc biệt là các nhà dân chủ. Thật vậy, các dữ kiện từ phía sứ quán Hoa Kỳ sau các lần thăm viếng ông Quân trong tù và từ gia đình ông Quân đều hoàn toàn ngược lại. Cho đến nay, ông Quân đã tuyệt thực 3 đợt để đấu tranh trong tù, phản đối các vi phạm nhân quyền và thủ tục tố tụng của công an CSVN.

Rộng hơn nữa, rõ ràng những tài liệu mang nội dung đấu tranh bất bạo động và những hoạt động quảng bá kỹ năng mềm, kiến thức dùng mạng nêu trên của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân hoàn toàn nằm trong các quyền căn bản của con người được ghi rõ trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự Chính Trị mà chính nhà cầm quyền Việt Nam đã ký và cam kết tôn trọng. Mọi người Việt Nam ngày nay đều có quyền làm những việc bình thường ấy vì nó không đi ngược lại lợi ích của bất cứ ai ngoài những chế độ đang chà đạp nhân quyền. Các quyền ấy ngày nay không những được chính quyền Hoa Kỳ tôn trọng mà còn ra sức thúc đẩy các quốc gia khác trên khắp thế giới phải tôn trọng. Vậy không vì lý do gì mà Việt Nam, một quốc gia đang mong muốn cải thiện bộ mặt của mình bằng cách ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, lại ngang nhiên đi ngược lại xu thế chung của thời đại.

Công luận và chính phủ Mỹ càng quan tâm hơn đến trường hợp ông Quân khi Giáo sư Linda Malone, một luật sư nổi tiếng đã bào chữa cho các nhà đấu tranh nhân quyền tại các quốc gia độc tài, đứng ra làm cố vấn pháp lý cho ông Quân. Bà Linda Malone là giáo sư tại trường luật William & Mary Law School đồng thời là Giám đốc sáng lập Trung Tâm Luật Pháp về An Toàn Con Người.

Trả lời một cuộc phỏng vấn, Bà Linda Malone cho biết “Thoạt đầu, Trung tâm Nhân quyền thuộc Hiệp Hội Luật sư Hoa Kỳ liên lạc với tôi về trường hợp của Tiến sĩ Quân. Nghiên cứu các khía cạnh của vụ án, tôi thấy rõ ràng có sự vi phạm nhân quyền trong cách thức và lý do ông bị bắt, cách thức ông bị giam cầm và bị khước từ quyền được có người đại diện pháp lý. Cho nên, tôi quyết định làm những gì mình có thể để mang lại sự tự do cho ông và các cáo trạng nhắm vào ông phải bị hủy bỏ.”

Bà Malone khẳng định "Tiến sĩ Quân đã bị bắt giữ một cách tùy tiện trong thời gian bảy tháng mà không có bất cứ một phiên tòa xét xử nào. Là một công dân Hoa Kỳ đấu tranh cho cải cách dân chủ một cách ôn hòa tại quê hương của ông, và xét từ những đòi hỏi căn bản nhất về luật nhân quyền, ông có quyền được cứu xét nhanh chóng, đầy đủ và công bằng để thẩm định việc tiếp tục bị giam cầm có hợp pháp không”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và đích thân Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong các chuyến viếng thăm Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân. Trong tình hình hiện nay, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều mong muốn tăng cường quan hệ thương mại và quốc phòng với nhau. Nhưng đòi hỏi của Mỹ bao giờ cũng là Hà Nội trước hết cần phải cải thiện nhân quyền, một điều mà lâu nay Hà Nội vẫn có gắng luồn lách lẩn tránh.

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong nhiều năm qua chẳng những không được cải thiện mà còn có những diễn biến xấu hơn khiến cuộc đối thoại hàng năm về nhân quyền giữa hai nước đã bị hành pháp Mỹ hoãn vô thời hạn. Lý do là Hoa kỳ vẫn tiếp tục xem tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam là hòn đá tảng ngăn trở các mặt quan hệ khác, kể cả các loại viện trợ và giao thương. Các chế độ độc tài ngày nay không thể vừa ngữa tay nhận tiền viện trợ, vừa dùng chính đồng tiền đó để đàn áp nhân dân mình!

Việt Nam trong tư cách là thành viên của Liên Hiệp Quốc từ 1977 đã ký và cam kết tôn trọng những Công ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc đưa ra, nhưng mặt khác luôn tìm cách chà đạp những gì họ cam kết tôn trọng ngay trước mắt mọi người. Đã đến lúc thế giới không thể làm ngơ trước những gì xảy ra hàng ngày tại Việt Nam như một thách thức ngang ngược nhất của một chế độ coi nhân quyền là kẻ thù.

Kết quả là sau khi ra nhiều đòn phép như sửa đổi tội danh, bịa đặt, vu cáo đủ điều, nhà cầm quyền CSVN vẫn trơ ra trước mắt công luận và chính giới quốc tế là một chế độ độc tài càng vào những ngày tháng cuối càng hốt hoảng và hung bạo. Nhiều chính phủ đang chuẩn bị các phản ứng cần thiết đối với Hà Nội ngay sau phiên tòa ngày 22/1/2013.

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013


Yangon, tay lái ngược (1)

Tháng 1 6, 2013
Phạm Thị Hoài
Những ông tướng ngực gắn mề-đay vàng chóe, trị nước theo chiêm bao và đi xem bói trước khi ra quân lệnh; những xác chết mặc cà sa năm năm trước; những người Rohingya chạy nạn; những số liệu tồi tệ về mọi phương diện; và nổi lên trên tất cả là Daw Aung San Suu Kyi như điểm sáng duy nhất trong một xứ sở u ám: đó là những gì tôi biết về Miến Điện, trước khi đặt chân đến Yangon. Ba tháng trước, một đồng nghiệp Miến của tôi tị nạn nhiều năm ở Na Uy và mới trở về nước gửi thư nhắn: Đến đi. Lạ lắm. Nhìn quyển hộ chiếu của tôi, một người đàn ông châu Á dáng dấp doanh nhân cùng xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay hỏi: First time in Yangon? Tôi gật. Anh ta nháy mắt, nói gọn lỏn: Very strange, enjoy.
Quả nhiên có nhiều cái lạ. Không phải vì sân bay quốc tế Yangon chỉ có một đường băng và lượt khách mỗi năm vỏn vẹn 2,5 triệu. Nó cũ kĩ, nhưng khi trời mưa không bị dột như sân bay Nội Bài. Nhà ga đón khách quốc tế vừa được nâng cấp khi Mùa Xuân Miến Điện từ trên tỏa xuống, trông sáng sủa chào mừng, không có vẻ gì là cảnh giác với các thế lực thù địch ngoại quốc. Thủ tục nhập cảnh diễn ra không một chút phiền phức. So với những bộ mặt gắn chì ở các cửa khẩu Bắc Kinh và Quảng Châu và sự hách dịch ngớ ngẩn ở Siem Reap – thành phố chỉ sống nhờ du khách Angkor – mà tôi trải qua trong đợt đi này thì nhân viên hải quan ở Yangon có thể gọi là dễ chịu, tuy còn cách sự chuyên nghiệp nhẹ nhõm của Hồng Kông và Singapore nhiều thập kỉ. Không hề thấy bóng dáng nhà binh. Sau những hình ảnh tôi còn nhớ trong bộ phim của Luc Besson, đó là bất ngờ đầu tiên. Cho đến khi rời Yangon, tôi tìm mỏi mắt không thấy quân đội hiện diện. Họ trốn sạch rồi, anh bạn đồng nghiệp Miến của tôi đứng giữa một trong rất nhiều khu quân sự rộng lớn bỏ hoang, giang tay bình luận. Năm 2005, chính quyền quân sự của tướng Than Shwe nghe theo các nhà chiêm tinh, đột ngột dựng nên một kinh đô mới và cấp tốc rút quân về đó. Thành phố nhân tạo Naypyidaw rộng gấp 70 lần Paris, 8 lần Berlin, 10 lần Singapore và 12 lần cố đô Yangon. Tất cả các chính thể độc tài đều vĩ cuồng và phần lớn đều mê tín. Dây thép gai, lỗ châu mai, chòi canh và đồn gác ở cố đô này bây giờ phó mặc cho cỏ dại, phân, rác, chó và trẻ con. Một số hộ dân đã bắt đầu tiếp quản cái di sản chỏng chơ ấy. Những đồ đạc đơn sơ của họ lọt thỏm trên cái nền trống chỉ còn trơ lại bộ khung xiêu vẹo, bức tranh lịch sử bị bóc đi qua đêm không một lời giải thích. Yangon có phần giống chiếc áo nhà binh đã mặc suốt một nửa thế kỉ mà các ông tướng vừa cởi ra, vứt sang một bên để khoác vào bộ cánh dân sự cho một cuộc cải cách chính trị khiến thế giới sửng sốt.
Những vòng dây thép gai cũng còn bao quanh ngôi nhà của bà Aung San Suu Kyi, nơi bà bị quản thúc mười mấy năm trời, một dinh thự rộng nằm ở một khu phố khá giả với nhiều biệt thự từng sang trọng ở thời thuộc địa và đang chờ một nước sơn mới. Nhưng cổng không lính gác. Chỉ có cờ, biển của Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ (NLD) và hình tướng Aung San. Trong vòng mười phút tôi đứng trước cánh cổng khép kín và hình dung cảnh cả ngàn nhà sư từng đứng ở đây chờ Daw Suu xuất hiện, một chiếc xe buýt chạy tới đổ ra mấy chục khách Nhật Bản. Họ xuống, chụp hình, lên xe, rồi một chiếc taxi lại chạy tới đổ ra mấy người châu Âu. Cũng xuống, giơ máy ảnh, lên xe. Lúc tìm đường đến đây, ở đoạn University Avenue dưới ngã tư cắt đường Kabaaye Pagoda, cách địa chỉ nổi tiếng này không đến 500 mét, chúng tôi chìa ảnh Aung San Suu Kyi cho hai thiếu nữ dáng vẻ sinh viên để hỏi. Một cô hoàn toàn không nói tiếng Anh. Cô kia ngơ ngác: Bà ấy là ai? Nhà chính trị à? Xin lỗi, tôi không biết. Cuối tháng 12 năm 2009, khi Lưu Hiểu Ba vừa bị kết án 11 năm tù, tôi cũng chìa hình ông trên trang Spiegel Online ra hỏi. Không ai trong quán Starbucks ở Thượng Hải hôm đó biết ông là ai.
Daw Suu không tràn ngập Yangon như người đọc tạp chí Spiegel tưởng tượng, trong khi cha bà thì xuất hiện thường xuyên, bằng tượng hay bằng chân dung, bức chân dung gần như duy nhất, một chàng trai trẻ măng với gương mặt bụ bẫm, giống một tân binh vừa khoác áo lính hơn một vị tướng và anh hùng dân tộc đã đem lại nền độc lập cho Miến Điện. Cả trên trang nhất nhật báo và bìa tạp chí ở các sạp lẫn trên truyền hình suốt những ngày tôi ở Yangon, Daw Suu đều vắng bóng. Hãng truyền thông nhà nước MRTV phát đúng giờ cao điểm buổi tối một chương trình thi nấu ăn dài ba tiếng, với hai đội chia thành áo xanh và áo đỏ, một cặp MC – chàng trai tóc vuốt keo và cô gái tóc nhuộm vàng – và gần chục vị giám khảo. Thí sinh trình diễn từ những thao tác nhặt rau, đánh vẩy cá cho đến công đoạn cuối cùng là bưng đồ ăn vừa nấu đến bàn cử tọa, trong khi các vị giám khảo đi vòng quanh, gí mũi, sờ tay và ban phát lời khuyên. Những thành tựu ẩm thực này trông không khác lắm mấy tai họa mà chúng tôi trải qua trong các quán ăn ở Yangon, từ bình dân đến đắt tiền. Song kết cục cả hai đội đều được trao bằng khen, túi quà, huy chương như nhau, chỉ khác mầu sắc, bên xanh, bên đỏ, sau khi từng vị trong ban giám khảo diễn thuyết như giảng bài, cặp MC nhún nhảy cười khúc khích và cử tọa ngoan ngoãn vỗ tay. Tất cả giống một lớp thủ công trong nhà trẻ. Ở các kênh MRTV khác, hoặc là phim lãng mạn, hoặc là chương trình nhạc nhẹ, ca khúc trái tim, hoặc là diễn văn quan chức: quan chức khai mạc thể thao, quan chức bế mạc hội chợ, quan chức thăm trường học, quan chức về nông thôn, không khác truyền hình Việt Nam như tôi biết. Cũng những clip rẻ tiền quảng cáo bột giặt, gia vị, mì tôm. Chỉ không thấy nhóm Punk “Yangon Calling” và bi kịch tị nạn của những người Hồi giáo Rohingya trong chính những ngày này. Và không thấy Daw Suu.
Anh bạn đồng nghiệp Miến của tôi bảo, bây giờ tìm bà phải vào khu nhà quốc hội mới xây ở kinh đô Naypyidaw, một quần thể mênh mông màu phấn, lớn hơn cả Cung điện Buckingham và Lâu đài Versailles cộng lại, nóc chi chít tháp to tháp nhỏ, số lượng dường như ứng với 664 ghế nghị viên. Trong số đó, Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi chiếm 43, tức chưa đầy 6,5 %. Đảng Liên minh Hữu nghị và Phát triển (USDP) do giới quân sự khuynh loát chiếm 80 % số ghế.
(Còn tiếp)
 © 2012 pro&contra
______________
Ảnh 1:  Phòng chờ tại sân bay quốc tế Yangon
Ảnh 2: Dinh thự của bà Aung San Suu Kyi tại Yangon
Ảnh 3: Một trụ sở của Đảng NLD tại Yangon
Ảnh trong bài là của tác giả.

 http://www.procontra.asia/?p=1357