Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

13395 - Cổ động Phật Giáo để nịnh bợ đảng cộng sản!



Bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” đang gây phản ứng tiêu cực về Phật giáo và về đảng cộng sản Việt Nam.

Tin tức báo chí cho biết, mới đây, tại Học viện Phật Giáo Việt Nam, toạ lạc tại Sóc Sơn (Hà Nội), đã diễn ra nghi thức trang trọng, linh thiêng của Đại lễ kính mừng Phật Đản, và giới thiệu bức tranh “Đạo pháp và dân tộc”. Bức tranh có chiều cao 2m, chiều ngang 4,2m, tổng diện tích 8,4m, được thực hiện trên chất liệu sơn mài với nguyên liệu sơn ta của Việt Nam và vàng thật 100%, đã được 6 hoạ sĩ miệt mài thực hiện ngày đêm suốt hơn 1 tháng qua.

Tác phẩm gây chú ý với nhiều phản đối, khi được vẽ một bên là Phật Thích Ca Mâu Ni, một bên là ông Hồ Chí Minh và ở giữa là bánh xe chuyển pháp luân. Giải thích của nhóm tác giả, bức tranh được họ thực hiện theo đơn hàng để đón chào 129 năm ngày sinh ông Hồ Chí Minh (19-5) và dịp Lễ quốc tế Phật Đản được tổ chức tại Việt Nam.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết là người đã đặt những nét vẽ đầu tiên để “khai bút” cho quá trình thực hiện tranh. Ông Hà Huy Thanh, cháu của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập, là người bỏ tiền ra thuê nhóm họa sĩ thực hiện. Nữ họa sĩ Ngô Hải Yến là trưởng nhóm họa sĩ vẽ theo đơn đặt hàng của ông Hà Huy Thanh và thượng tọa Thích Thanh Quyết.
Phật Thích Ca Mâu Ni tượng trưng cho vế đạo pháp. Ông Hồ Chí Minh tượng trưng cho vế dân tộc. Đó là cách giải thích của thượng tọa Thích Thanh Quyết. Cách giải thích này cho thấy không phù hợp. 
Trong một bài viết đăng trên trang của Viện Triết học, tác giả Nguyễn Mạnh Tường, tiến sĩ, trường Đại học Luật Hà Nội, lập luận: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một khoa học, dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc thống nhất với chủ nghĩa xã hội là nội dung cốt lõi, xuyên suốt tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh” [nguồn: http://bit.ly/2Vlbn6m]
Như vậy, ông Hồ Chí Minh là một tượng trưng cho cách mạng Việt Nam, cho chủ nghĩa xã hội. Phải chăng ‘dân tộc’ ở đây mà thượng tọa Thích Thanh Quyết muốn nói đến qua hình tượng ông Hồ Chí Minh, là mong muốn lại có một cuộc cách mạng cho Việt Nam? Hay là thượng tọa Thích Thanh Quyết đang hoài nghi cho một chủ nghĩa xét lại?
Ở đây có lẽ đơn giản chỉ là hành vi mang tính ‘nịnh bợ’ đảng cộng sản của thượng tọa Thích Thanh Quyết. Sẳn việc ông Hà Huy Thanh bỏ tiền thuê vẽ tranh, ông Thích Thánh Quyết đã tiện thể ‘mượn hoa cúng đảng’. Bởi biết đâu bức tranh này sẽ được chọn trưng bày ở vị trí nào đó tại phủ Chủ tịch nước, hay nơi làm việc của Tổng bí thư đảng.
Thế nhưng nội dung bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” có thể mang dấu hiệu của hành vi gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và xâm phạm tự do tôn giáo.
Ngôn ngữ hội họa, khi thể hiện đối xứng tỷ lệ 1:1 ở bức tranh “Đạo pháp và dân tộc”, có nghĩa nhóm tác giả đồng ý với yêu cầu của đơn hàng là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đồng giá trị tâm linh với ông Hồ Chí Minh. Đó sẽ là sự xúc phạm tôn giáo, nguy cơ gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. 
Vấn đề khác, hiểu dân dã hơn, lâu nay một số địa phương thuộc miền Bắc có đạo thờ phượng ông Hồ Chí Minh gọi là “Tâm linh Hồ Chí Minh” [nguồn: http://bit.ly/2Vz62xk]. Liệu bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” có nhằm ám chỉ đến tôn giáo mới ra đời ở chục năm trở lại đây này?
Trong lịch sử mỹ thuật Phật Giáo Việt Nam, có lẽ chưa có tác phẩm hội họa nào thể hiện về hình ảnh Đức Phật Thích Ca cùng song hành với một lãnh đạo chính trị cụ thể. Hà Nội có bức tượng ở chùa Hoè Nhai, tương truyền được vua Lê Hy Tông cho tạc tượng mình quỳ rạp để Phật tổ ngồi trên. Vua sám hối và tạ tội với Đức Phật vì đã phỉ báng Phật, đuổi sư ra khỏi Thăng Long. [Nguồn: http://bit.ly/2Yn55oD]
Sự sáng tạo luôn đáng được trân trọng. Hội họa về Phật Giáo ở hôm nay đang đem hơi thở cuộc sống đương đại hình tượng hoá một phong cách đa dạng, sinh động từ nguồn thiền thể hiện bằng loại hình tranh ảnh Phật Giáo, được phát triển theo đúng sự cần thiết của xã hội, có vị trí xác thực, tôn nghiêm không chỉ ở các thiền tự, thiền thất, ở nơi thờ phụng, mà có thể còn được sử dụng lan toả trong cộng đồng. 
Thế nhưng sự sáng tạo ấy không hề đồng nghĩa với chuyện ‘mượn tranh tôn giáo’ để nịnh bợ đảng cộng sản như bức tranh “Đạo pháp và dân tộc” mà ông Hà Huy Thanh và thượng tọa Thích Thanh Quyết đã đặt hàng cho nhóm họa sĩ Ngô Hải Yến thực hiện.
Một số bức tranh khác chủ đề Phật Giáo được nhóm họa sĩ Phật Diện ở Sài Gòn thể hiện mừng Phật Đản 2019.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét